Máng định vị hàm dưới ra trước ARS điều trị trật đĩa trong bệnh khớp thái dương hàm

Bạn Yến tới nha khoa Thuỳ Anh kể với bác sỹ rằng: “Bạn thường xuyên thấy khi há ngậm miệng có tiếng kêu, cách 1 tuần, bạn bị đau vùng trước tai khi cử động hàm dưới, khó ăn nhai và không thể há miệng to như trước. Điều đặc biệt là bỗng nhiên tiếng kêu biến mất, tuy nhiên lại kèm đau và hạn chế há miệng.” Bạn thắc mắc là tình trạng bệnh mà bạn gặp phải là gì, cách điều trị như thế nào? 

Bệnh mà Yến gặp phải gợi ý về bệnh lý rối loạn khớp thái dương hàm (TMD – Temporo Mandibular Disorders), cụ thể hơn là tình trạng trật đĩa khớp. Yến được bác sĩ nắn đĩa và chỉ định đeo máng định vị hàm dưới ra trước (ARS – Anterior Repositioning Splint).

Hiện tượng trật đĩa quan sát thấy ở 86% trường hợp TMD có triệu chứng, tỉ lệ này cũng có thể lên tới 25% ở trường hợp TMD không triệu chứng. Máng định vị hàm dưới ra trước có thể cải thiện đáng kể triệu chứng đau, và thực sự có tác dụng trong điều trị rối loạn khớp thái dương hàm. Việc phải đeo một máng nhựa cứng trong miệng gần như 24/24, khá cồng kềnh, vừa ảnh hưởng tới thẩm mỹ, phát âm khiến bạn thấy nản trong giai đoạn đầu, tuy nhiên đây là điều cần thiết nhất là chúng ta quyết tâm theo đuổi một điều trị bảo tồn không phẫu thuật. 

Vậy tại sao máng định vị hàm dưới ra trước lại có tác dụng điều trị rối loạn khớp thái dương hàm? Bác sĩ Hòa Bình trực thuộc nha khoa Thùy Anh sẽ thông tin tới bạn vấn đề này trong bài viết dưới đây. 

Trật đĩa là gì? 

Xương hàm trên cố định, còn xương hàm dưới di động. Các vận động linh hoạt của xương hàm dưới như há, ngậm, ra trước, ra sau, sang 2 bên đều nhờ vai trò quan trọng của khớp thái dương hàm. Khớp thái dương hàm hình thành bởi lồi cầu xương hàm dưới và ổ khớp xương thái dương; đĩa sụn khớp như một cái đệm giữa các bề mặt xương. Đĩa khớp có nhiệm vụ chặn và phân tán lực nhai, đồng thời cho phép chuyển động hài hòa của đĩa – lồi cầu. Trong các tư thế chuyển động hàm dưới, đĩa khớp luôn ở trên đầu lồi cầu, như một chiếc mũ bao phủ, bảo vệ lồi cầu, dây chằng đĩa giống như quai mũ, giữ đĩa khớp ở đúng vị trí.

Trong bệnh lý rối loạn khớp thái dương hàm, đĩa khớp có thể bị di lệch. Hình thức phổ biến nhất của di lệch là đĩa khớp bị lệch ra trước so với lồi cầu. Triệu chứng thường gặp là tiếng kêu khớp, hạn chế há miệng, đau trước tai và xung quanh khớp thái dương hàm. Nếu có một số điểm trong hoạt động chức năng của khớp có thể nói dễ hiểu là đôi khi bạn ngoáy miệng thấy khớp không còn bị tắc như bình thường, thì khi đó đĩa khớp đã về đúng vị trí trên đỉnh lồi cầu, di lệch đĩa khớp có thể hồi phục, nghĩa là tái hồi từ sai thành đúng trong hoạt động chức năng. Ngược lại, nếu đĩa khớp vẫn ở phía trước lồi cầu dù cho bạn thực hiện bất cứ vận động hàm nào thì di lệch được coi như là không hồi phục được hay thuật ngữ chuyên môn gọi là trật đĩa bất hồi. 

Ảnh minh hoạ: Hình trên cùng đĩa khớp luôn ở trên đầu lồi cầu trong các tư thế chức năng. Hình ở giữa: Đĩa khớp trật ra trước so với lồi cầu, sau đó đĩa khớp có thể trở về đúng vị trí khi há miệng. Hình cuối: Đĩa khớp trật ra trước và không thể trở về vị trí khi hàm dưới vận động chức năng.

Tất cả các loại di lệch có thể gây viêm bao khớp (hoặc viêm màng hoạt dịch), viêm các mô xung quanh khớp (ví dụ như mô sau đĩa, dây chằng, gân, mô liên kết, màng hoạt dịch). Viêm bao khớp cũng có thể tự phát hoặc do viêm khớp, chấn thương, hoặc nhiễm trùng.

Máng định vị hàm dưới ra trước là gì?

Máng định vị hàm dưới ra trước (ARS) là máng định vị lồi cầu đến vị trí mong muốn theo tính toán của nha sĩ; thường là vị trí hàm dưới đưa ra trước ở tư thế cắn đối đầu răng cửa. Máng ARS sẽ giúp hàm dưới cắn đúng vào vị trí này. Do khi trật đĩa, đĩa khớp thường trật ra trước so với đầu lồi cầu, nên trong tư thế hàm dưới đưa ra trước, lồi cầu chuyển động xuống dưới và ra trước, tạo điều kiện cho đĩa khớp về đúng vị trí trên đầu lồi cầu.

Cơ chế điều trị của máng định vị hàm dưới ra trước (ARS)

Cơ chế đầu tiên của ARS là cải thiện tương quan vị trí giữa lồi cầu và đĩa khớp. Ở giai đoạn đầu điều trị, máng định vị hàm dưới ra trước sẽ làm nhô hàm dưới ra trước, hướng dẫn lồi cầu di chuyển về phía trước, tại vị trí này, đầu lồi cầu sẽ “bắt” được đĩa khớp, tạo điều kiện cho thích nghi và sửa chữa mô. Khi kết thúc điều trị, máng sẽ được mài chỉnh dần; khi hàm dưới trở lại vị trí ban đầu thì phức hợp đĩa – lồi cầu khôi phục ở vị trí bình thường. 

Hình A: trật đĩa, hình B: lồi cầu di chuyển về phía trước do ARS, do đó “bắt” lại đĩa về vị trí trên đầu lồi cầu. Hình C: phức hợp đĩa lồi cầu dần được điều chỉnh về vị trí ban đầu qua các lần chỉnh máng.

Giáo sư Chen và cộng sự đã quan sát đĩa đệm của bệnh nhân bị trật đĩa thông qua MRI và thấy rằng 41,9% đĩa đã trở về vị trí đúng trên đầu lồi cầu khi hàm dưới đưa ra trước ở vị trí răng cửa đối đầu. Ở một nghiên cứu trên bệnh nhân trật đĩa tái hồi, Liu và cộng sự cho kết quả tỷ lệ đĩa đệm trở về đúng vị trí trên đầu lồi cầu với ARS ở vị trí răng cửa đối đầu là 95,7%.

Tác dụng thứ hai của ARS là giảm tải áp lực cho hệ thống khớp thái dương hàm. Nếu đĩa đệm dịch chuyển về phía trước, ứng suất nén lên mô sau đĩa gấp 14,6 lần so với giá trị bình thường. Gia tăng áp lực lên đĩa khớp có thể gây thủng đĩa, đồng thời thoái hoá các mô đàn hồi và sụn khớp. ARS làm giảm sự phân bố áp lực lên đĩa khớp và mô sau đĩa, do đó ngăn ngừa tổn thương đĩa đệm và giảm đau. Trên lâm sàng, ARS có tác dụng giảm đau rõ rệt. So sánh với phương pháp trị liệu hành vi (tư vấn bệnh nhân, tập thể dục chức năng, hướng dẫn hành vi); Conti và cộng sự đã chỉ ra rằng nhóm ARS giảm đau khớp hơn nhiều so với nhóm liệu pháp hành vi trong 6 tuần và đánh giá theo dõi 3 tháng. 

Một tác dụng tuyệt vời của ARS mà các nhà nghiên cứu quan sát được đó là kích thích tăng trưởng và tái tạo lại lồi cầu, đặc biệt ở những bệnh nhân trẻ tuổi. Liu và cộng sự đã nghiên cứu bệnh nhân có độ tuổi trung bình là 19,8 tuổi và có há miệng hạn chế do trật đĩa; 80% bệnh nhân biểu hiện hình ảnh “đường viền kép” trên phim CTCB – đây là hình ảnh cho thấy có sự tái cấu trúc bên trong khớp. Việc trật đĩa tái hồi có thể cản trở sự tăng trưởng lồi cầu và có mối liên quan đáng kể với bệnh thoái hoá khớp thái dương hàm ở bệnh nhân thanh thiếu niên bị TMD. ARS có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc sửa chữa và tái tạo lồi cầu ở bệnh nhân trẻ mắc TMD trật khớp tái hồi giai đoạn đầu.

Định vị hàm dưới ra trước như thế nào?

Xác định vị trí đưa hàm dưới ra trước là một trong những điểm quan trọng trong liệu pháp ARS, nhưng ra trước bao nhiêu, như thế nào là đủ? 

Trong trật đĩa tái hồi, tiếng kêu là một trong những dấu hiệu về mối quan hệ giữa đĩa khớp và lồi cầu. Hàm dưới sẽ được hướng dẫn ở vị trí ra trước mà khi há ngậm tiếng kêu được loại bỏ. Trong trường hợp trật đĩa bất hồi, bác sĩ thường bơm rửa khớp và nắn đĩa về vị trí, sau khi nắn đĩa thành công, hàm dưới nên được nhô ra tới vị trí mà há miệng không bị cản trở.

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu tin rằng hàm dưới càng nhô ra thì áp lực lên hệ thống nhai càng lớn, vì thế hàm dưới cũng không nên nhô ra quá mức. Bởi vậy, vị trí được chọn nên là vị trí nhô ra tối thiểu mà bệnh nhân có thể thích nghi, đáp ứng điều trị. Do đó, việc làm máng ARS điều trị khớp thái dương hàm đòi hỏi bác sĩ phải có chuyên môn chuyên sâu về khớp, cần xác định một cách tỉ mỉ, chính xác vị trí này. 

Kết quả điều trị lâu dài

Liệu pháp ARS có tác động đáng kể lên hầu hết các trường hợp trong thời gian ngắn, nhưng liệu kết quả có được duy trì ổn định lâu dài. Ma và cộng sự báo cáo rằng tỷ lệ thành công lâm sàng sau 12 tháng theo dõi là 79,1%. Một nghiên cứu khác của Shen và cộng sự đã chỉ ra rằng 15,2% bệnh nhân đã hồi phục vị trí đĩa đệm bình thường sau khi điều trị ARS bị trật đĩa trở lại vòng 3 tháng theo dõi. Sự tái phát có thể do nhiều nguyên nhân như: 

– Sự biến dạng của khớp dẫn tới sự mất ổn định của phức hợp đĩa – lồi cầu; 

– Rối loạn khớp cắn và hệ thống cơ dẫn đến sự mất ổn định vị trí hàm dưới và tái phát sự dịch chuyển bất thường của đĩa. 

Chính vì vậy, ARS cần được phối hợp với các biện pháp khác như máng nhai thư giãn, thăng bằng khớp cắn, chỉnh nha, phục hình,… để đạt được kết quả ổn định, lâu dài. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng đánh giá thành công của ARS không nên quá cứng nhắc xem xét về mặt mô học. Bởi vì lợi ích tuyệt vời của ARS là sự hình thành đĩa giả, tức là xơ hóa vùng mô sau đĩa để có thể chịu tải lực nhai ổn định. Một tình trạng không còn đau khi thực hiện chức năng, há miệng linh hoạt thoải mái với biên độ bình thường nên là những chỉ số đánh giá trên lâm sàng. 

Khi đó sau một liệu pháp ARS nha sĩ có thể quyết định đeo gián đoạn tại vị trí ra trước hoặc lùi dần hàm dưới ra sau tương ứng với sự thích ứng dần của mô sau đĩa. Việc thực hiện các phục hình, chỉnh nha để ăn nhai tại vị trí định vị cũng là cách tiếp cận tốt, một lần nữa chúng ta không nên đánh giá thành công của ca điều trị trên phương diện mô học mà nên bám vào các triệu chứng lâm sàng thì sẽ có ý nghĩa hơn. 

Hi vọng bác sĩ Bình đã giúp cho các bạn có thêm những kiến thức hữu ích về việc sử dụng máng định vị ra trước. Bạn cần tuân thủ theo các chỉ dẫn của nha sĩ và vững vàng tâm lý thực hiện trị liệu. Một sự vững ổn tâm lý là rất cần thiết trong kiểm soát bệnh lý Thái Dương Hàm. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì, hãy để lại thông tin để được tư vấn cụ thể hơn từ bác sĩ chuyên khoa. 

>>> Xem thêm: https://nhakhoathuyanh.com/17-buoc-lam-mang-nhai-dieu-tri-viem-khop-thai-duong-ham/

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

One thought on “Máng định vị hàm dưới ra trước ARS điều trị trật đĩa trong bệnh khớp thái dương hàm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background