Bị viêm khớp thái dương hàm sau khi làm răng sứ và cách chữa trị đúng
Hiện nay, răng sứ thẩm mỹ đang rất được ưa chuộng, răng sứ giúp nụ cười rạng ngời, tự tin hơn. Răng sứ là một trong những cuộc cách mạng quan trọng nhất về nha khoa thế kỷ XX. Tuy nhiên, cũng có nhiều biến chứng răng sứ ghi nhận thấy, phần lớn là do chỉ định sai, điều trị sai chứ bản chất răng sứ thì không xấu.
Tại nha khoa Thùy Anh, chúng tôi tiếp nhận tương đối đông bệnh nhân có biến chứng bệnh lý Thái Dương Hàm sau làm răng sứ. Phần lớn những bệnh nhân này đều mắc phải vấn đề tâm lý trầm trọng. Họ stress thậm chí rơi vào trầm cảm. Vậy bệnh Thái Dương Hàm họ đang mang là do tâm lý bất ổn hay do làm răng mà ra?
5 nhóm nguyên nhân có thể gây bệnh lý Thái Dương Hàm
Bệnh lý Thái Dương Hàm luôn làm mọi người lo lắng bởi vì:
– Số lượng bác sỹ thực hành điều trị rất ít, nó như một mảng trắng trong nền nha khoa của nước ta
– Bệnh tồn tại dai dẳng, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt đời sống
– Bệnh biểu hiện tại vùng đầu, đây là khu vực quan trọng bậc nhất cơ thể nên khiến bệnh nhân không thể thoát khỏi tâm lý luôn nghĩ bệnh 24/24.
– Vì không có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nên thậm chí các bác sỹ cũng ngại và có những tư vấn chưa được chuẩn xác, làm bệnh nhân hoang mang.
Nguyên nhân gây bệnh lý thái dương hàm có thể kể tới gồm:
– Lệch lạc khớp cắn
– Thói quen xấu như nghiến răng, siết chặt răng, cắn ngón tay…
– Tâm lý stress, rối loạn lo âu, trầm cảm…
– Các chấn thương trực tiếp
– Bệnh toàn thân như các nguồn đau ung thư sâu, thấp khớp, bệnh xơ cứng rải rác…
Theo các nghiên cứu dịch tễ học thì tỷ lệ bệnh lý Thái Dương Hàm (TMD) trong dân số lên đến 50 – 60%. Có nghĩa là cứ 10 người thì khoảng 5 – 6 người có ít nhất một triệu chứng có thể được phát hiện bởi bác sỹ. May mắn là tỷ lệ cần can thiệp điều trị thực sự, tức là biểu hiện rõ triệu chứng ảnh hưởng chất lượng sống như đau mỏi, há miệng hạn chế, ù tai… là 5 – 12%. Như vậy, một bệnh nhân trước khi làm răng sứ có thể đã tiềm ẩn những vấn đề TMD tuy nhiên chưa phát hiện ra. Kết hợp thêm thay đổi khớp cắn đột ngột khiến bệnh khởi phát rầm rộ, cùng với tâm lý lo lắng khiến bệnh nặng lên nhanh chóng.
Tại đây, chúng ta có thể đưa ra 1 kết luận quan trọng mang tính đặc thù trên bệnh nhân TMD ngay sau khi làm răng sứ: Thay đổi khớp cắn có thể khởi phát triệu chứng bệnh, kết hợp với những đau đớn, lo lắng trong quá trình làm răng và sau điều trị dẫn đến bệnh tăng nặng thêm.
Điều trị bệnh lý Thái Dương Hàm trên bệnh nhân mới làm răng sứ cần mang tính đồng hành, không chỉ là can thiệp thực thể trực tiếp trên miệng như làm lại răng sứ, làm máng nhai, điều chỉnh thói quen xấu mà còn đồng hành về mặt tâm lý, làm sao cho bệnh nhân giảm bớt lo lắng sống tích cực và cố gắng quên bệnh thì cơ hội thành công mới cao.
Chữa lành vết thương tâm lý trước khi làm lại răng sứ mới
Tâm lý stress có thể không gây khởi phát bệnh nhưng chắc chắn làm bệnh tiến triển nặng lên và dai dẳng mãi không khỏi. Tình trạng stress được phân loại theo các cấp độ sau:
– Cấp độ 1: Luôn có cảm giác buồn chán, nghĩ chuyện tiêu cực, uể oải, không muốn tiếp xúc với ai, cảm thấy mọi người không thấu hiểu mình, đặc biệt là đánh mất động lực. Thời hiện đại thì biểu hiện còn đa dạng hơn như chỉ thích ngồi một mình trong phòng, thích sống trong thế giới điện thoại hơn là đời thực… Giai đoạn trầm cảm này tương đối nhẹ và hoàn toàn có thể cân bằng thông qua điều chỉnh lối sống, gọi lên những năng lượng tích cực ẩn sâu bên trong. Một trị liệu tâm lý cũng tốt.
– Cấp độ 2: Cảm giác sợ hãi bao trùm, sợ đám đông, sợ gặp người lạ… luôn cảm thấy mình có khuyết thiếu, bất bình thường, sợ người xung quanh dò xét để ý, thậm chí không cả muốn gần gũi những mối quan hệ huyết thống.
– Cấp độ 3: Là muốn tự tử, nghĩ rất nhiều đến cái chết. Có thể trong một giây phút nào đó sẽ thực hiện hành vi nếu không được giúp đỡ. Cấp độ này cần có chuyên gia tâm lý, hoặc người đồng hành.
Trị liệu tâm lý là hành trình gian nan, sẽ dễ thành công hơn rất nhiều nếu người bệnh thừa nhận các bất thường tâm lý mình gặp phải cũng như cảm thấy đã mệt mỏi với nó. Có thể nói trầm cảm đến như một cơn bão tâm lý, chỉ có quan sát, thừa nhận, vẽ được hình hài nó thì mới chữa trị được nhanh chóng.
Chúng tôi thường khuyên bệnh nhân thiết lập hành trình trở về với con người bên trong nhiều hơn, vun bồi trí tuệ để có nội lực dày mạnh chiến thắng những rung động ngoại cảnh thay đổi liên tục bên ngoài. Nói đúng hơn chúng ta không thể thay đổi ngoại cảnh, chiếc răng vẫn đau dai dẳng, hàm vẫn mỏi chưa ăn nhai được, khớp Thái Dương Hàm vẫn kêu, ngoại cảnh đó cần quá trình điều trị không ngày một ngày 2 mà hết cho được, vậy thì cái thay đổi cấp thiết hơn chính là nội tâm bên trong, cần xây tường cao hào sâu bằng cách gọi lên những trạng thái tâm lý tích cưc như đọc sách gia tăng hiểu biết, yêu thương, tự do, cái đẹp, trong trẻo… và tránh xa năng lượng tiêu cực…
Trị liệu tâm lý cũng có thể thông qua xả bớt năng lượng cũ để năng lượng mới nạp vào, vun bồi bằng hoạt động thể thao ví dụ bơi, chạy bộ, thậm chí là đấm Kich boxing… Với những người yêu thiên nhiên, bệnh nhân cũng có thể trở về thiên nhiên, chăm sóc thiên nhiên nhưng phải nhớ là tắt điện thoại, tắt những sự liên hệ nhiễu cũng như thông tin tiêu cực từ mạng xã hội.
Và cuối cùng, ở nhiều nước phát triển, bác sỹ nha khoa luôn có một bác sỹ tâm lý đồng hành trong việc điều trị bệnh nhân TMD có các stress tâm lý. Những năm gần đây nước ta cũng xuất hiện ngành trị liệu, chúng tôi cho rằng điều này rất cần thiết. Nó càng hiệu quả hơn nếu chuyên gia nha khoa và trị liệu làm việc ăn ý với nhau.
Sau khi xác định rõ vấn đề tâm lý, cũng như nghiêm túc chữa lành thì việc điều chỉnh khớp cắn, điều chỉnh thói quen xấu mới nên bắt đầu. Dù sao thì điều chỉnh răng vẫn là quan trọng, nếu những sai sót khớp cắn vẫn còn đó thì chúng tôi tin rằng vấn đề chưa được giải quyết dù có đôi khi bằng trị liệu tâm lý triệu chứng bệnh đã thuyên giảm đáng kể.
Điều chỉnh lại khớp cắn mới cho chuẩn
Có nhiều nguyên tắc thiết lập khớp cắn chức năng, và nha sĩ sẽ phải kiểm tra lại tất cả nguyên tắc đó xem bộ răng sứ bệnh nhân đang mang có bị sai sót ở đâu hay không. Thường chúng tôi sẽ cố gắng để làm sao vẫn sử dụng được bộ răng sứ cũ giúp tiết kiệm chi phí chữa trị cho bệnh nhân, tuy nhiên có một vài tình huống bộ răng cũ không đẹp hoặc biên độ sửa chữa quá nhiều thì việc làm lại răng mới là cần thiết.
Dù vậy, trước khi làm lại răng mới nha sĩ luôn phải điều trị bằng máng nhai trước, thậm chí làm loại máng cho bệnh nhân ăn nhai trên đó, khi tất cả triệu chứng biến mất thì khớp cắn như mô phỏng trên máng sẽ coppy qua răng thật, như vậy đảm bảo sự tiên lượng kết quả đạt được cao hơn.
Một số lưu ý khi thiết kế răng sứ mới bao gồm
– Nếu bệnh nhân làm sứ cả hàm thì ưu tiên thiết lập khớp cắn tại vị trí lồi cầu đạt tương quan tâm CR.
– Luôn cố gắng để thiết lập cường độ chạm khớp 2 bên thăng bằng nhau hoặc tối thiểu là 40% : 60% lực.
– Thiết kế hướng dẫn răng nanh, hướng dẫn trước…
– Chỉnh nhai tư thế ngồi với răng trước lỏng khớp hơn răng sau khoảng 10 micro.
– Loại bỏ khớp cắn sâu, làm phẳng đường cong spee, múi rãnh không sâu và có độ tự do giữa múi chịu và hố trung tâm, không nhốt hố trung tâm vào không gian quá chật chội.
Bệnh nhân cũng được khuyến cáo sử dụng máng nhai bảo vệ ban đêm trước động tác nghiến răng, loại bỏ thói quen xấu và tiếp tục suy trì lối sống lành mạnh, tích cực.
>>> Xem thêm: https://nhakhoathuyanh.com/viem-khop-thai-duong-ham-thi-uong-thuoc-gi-nha-khoa-thuy-anh/
Tóm lại quá trình điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh lý Thái Dương Hàm sau khi làm răng sứ bao gồm:
– Khám, thu thập thông tin, xác định các triệu chứng hiện tại, chẩn đoán bệnh.
– Kiểm tra vấn đề tâm lý bệnh nhân và thực hiện đồng thời trị liệu tâm lý và đeo máng nhai, trị liệu tâm lý nên ưu tiên giúp bệnh nhân thoát khỏi cảm giác thất vọng, tiêu cực sau khi bị biến chứng răng sứ, có thể cần sự hỗ trợ chuyên gia tâm lý trong bước này.
– Khi các triệu chứng rút hết làm lại răng sứ theo nguyên tắc tôn trọng khớp cắn chức năng lý tưởng.
– Quá trình điều trị khoảng 6-8 tháng.
Hi vọng qua thông tin bác sĩ Tùng (nha khoa Thùy Anh – khoa khớp thái dương hàm) cung cấp, quý độc giả đã có những kiến thức hữu ích về tình trạng bị viêm khớp thái dương hàm sau làm răng sứ. Bạn cũng hoàn toàn yên tâm là bệnh lý Thái Dương Hàm hoàn toàn chữa khỏi được. Các bạn hãy bình tĩnh tìm tới bác sỹ lắng nghe tư vấn, bình tĩnh đối mặt và chiến thắng căn bệnh này. Mọi thắc mắc vui lòng để lại thông tin hoặc liên hệ với bác sĩ của chúng tôi theo địa chỉ dưới đây để được tư vấn cụ thể hơn.
NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM
Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…
Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318
Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN
Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh