Làm thế nào để nhận biết bạn có bệnh lý khớp Thái Dương Hàm
Trên thực tế tỷ lệ dịch tễ những người có bệnh lý Thái Dương Hàm cần được điều trị là rất cao, chiếm khoảng 5-12% trong dân số. Và nếu xét về tỷ lệ số người có một trong các triệu chứng thì còn cao hơn nữa lên đến hơn 40%.
Nhiều người không biết mình đang bị bệnh lý Thái Dương Hàm, tại phòng khám chúng tôi hay gặp những người có đau đầu, đau vai gáy kinh niên, bệnh nhân nghĩ rằng họ bị bệnh toàn thân là thiếu máu não, hay rối loạn tiền đình, nhưng kỳ thực họ đang có vấn đề về khớp Thái Dương Hàm, hay đơn giản như tình trạng mỗi lần ngủ dậy thì mệt mỏi, mắt thâm quầng… cũng là biểu hiện. Vậy làm sao để nhận biết bạn có bệnh lý khớp thái dương hàm thì bài viết này chúng tôi sẽ chia sẻ với các bạn.
Khớp Thái Dương hàm là một khớp động kết nối xương hàm dưới với nền sọ. Xương hàm dưới lại được treo trên đầu bằng hệ thống cơ, dây chằng, mô mềm phức tạp. về chức năng nâng và hạ hàm chúng ta có các nhóm cơ quan trọng là cơ cắn, cơ thái dương, cơ chân bướm ngoài, cơ chân bướm trong, cơ hàm móng, ức đòn chũm…
Các bạn cùng quan sát hình ảnh sau đây:
Và vị trí hàm dưới cũng ảnh hưởng đến tư thế đầu, các bạn thấy những người có cắn ngược thì hay ngửa cổ lên trời, những người hẹp hàm, cắn sâu thì lại hay đưa hàm ra trước. Và để giữ tư thế đầu chúng ta có các nhóm cơ phức tạp khác như vai gáy phía sau. Tất cả đều tạo ra sự cân bằng về mặt tư thế. Nhiều giả thuyết cho rằng sự cân bằng đạt được tại vị trí ổn định cơ khớp và sự dịch chuyển nhỏ của hàm dưới sang các hướng do rối loạn chức năng cũng ảnh hưởng tư thế đầu và gây lệch tư thế.
Thực ra bệnh lý thái dương hàm có thể gây ra những rối loạn tư thế, rối loạn chức năng và rối loạn về cấu trúc. Chúng tôi sẽ lần lượt đi vào từng dấu hiệu nhận diện cho các bạn dễ nắm bắt.
1. Rối loạn tư thế
Đây là dạng biểu hiện nhẹ nhất và khi đó điều trị nếu thực hiện sẽ gọi là điều trị dự phòng. Tuy nhiên khái niệm điều trị dự phòng bệnh lý thái dương hàm lại là chủ đề gây tranh cãi lớn, bởi vì nếu ai bị bệnh lý thể rối loạn tư thế cũng điều trị dự phòng thì số lượng người cần điều trị là quá nhiều.
Triết lý về rối loạn tư thế cho rằng, khi khớp cắn 2 hàm không chuẩn, nghĩa là có cản trở khớp cắn, sẽ khiến cho hàm dưới cắn vào hàm trên không cân, nó có thể dịch sang trái, sang phải hay ra trước 1 chút. Khi hàm dưới bị dịch chuyển thì các cơ giữ hàm dưới như chúng tôi nói ở trên cũng bị co không đồng bộ, dẫn đến cường cơ cục bộ. Khi đó tư thế đầu bị thay đổi, những bác sĩ có kinh nghiệm họ nhìn thấy 1 người có dáng đi bất thường là có thể dự đoán bệnh nhân đó có vấn đề về bệnh lý thái dương hàm kèm theo.
Ví dụ: Tình trạng nghẹo đầu sang trái, phải, nụ cười không cân đối bên cao bên thấp phần mô mềm, gương mặt căng thẳng không thư giãn. Theo đó ví dụ bệnh nhân có cản trở khớp cắn bên trái, hàm sẽ trượt sang bên phải để né điểm chạm, khi đó đầu cũng hơi nghiêng về bên phải. Điều chỉnh các điểm cản trở cắn vì vậy sẽ cân bằng được tư thế đầu và có lợi cho sự ổn định cơ xương khớp vùng đầu mặt cổ.
Một số tác giả cho rằng cản trở khớp cắn khiến hẹp đường thở, bệnh nhân sẽ có xu hướng đưa đầu ra trước nên khi nhìn thấy 1 người dáng đầu vươn ra trước có thể dự đoán những bất thường về bộ máy nhai.
Ví dụ các bạn theo dõi bức hình này
Hiện nay khi bước vào kỷ nguyên smartphone, mọi người khi lướt điện thoại có xu hướng cúi đầu trong thời gian qua lâu, điều này cũng dẫn đến bệnh lý khớp thái dương hàm khởi phát từ 1 rối loạn tư thế.
2. Các dấu hiệu ở răng
Các dấu hiệu về rối loạn chức năng, rối loạn cấu trúc bạn có thể nhận biết bao gồm các vấn đề ở hàm răng, ở vùng cơ đầu mặt và ở khớp.
Trên hàm răng có thể quan sát thấy mòn răng trầm trọng, đặc biệt là mặt nhai, hàm răng mòn ngang phẳng từ trước ra sau. Có thể có nhiều điểm mòn cổ răng, nứt răng.
Các bạn quan sát hình ảnh cực kỳ điển hình và trên lâm sàng chúng tôi cũng gặp rất nhiều. Bệnh nhân có cản trở cắn phía sau hình thành thói quen trượt hàm ra trước, lâu dần các răng cửa mòn phẳng, cắn đối đầu. Đây là dạng khớp cắn chỉ báo bạn đang có vấn đề về hệ thống nhai và có thể cả khớp Thái Dương Hàm, nên can thiệp toàn diện, can thiệp sớm.
Hình ảnh cổ răng bị khuyết cũng rất thường gặp, nhiều người nghĩ rằng nó là do thói quen chải răng ngang, Thực ra chải răng ngang chỉ là một yếu tố tăng nặng. Trường hợp bị khuyết cổ răng chủ yếu liên quan đến bệnh lý khớp cắn do không có hướng dẫn hàm sang bên cũng như nghiến siết hàm quá mạnh cận chức năng. Đây cũng là chỉ báo cho các vấn đề khớp thái dương hàm. Mặc dù nếu không có các triệu chứng ở cơ hay khớp thì không cần điều trị nâng cao. Nhưng một tái lập khớp cắn là cần thiết cho mối hàn cổ răng phục hồi ổn định lâu dài.
Mòn cổ răng, mòn mặt nhai và nứt vỡ răng là những dấu hiệu điển hình của bệnh lý khớp cắn.
Rất nhiều bệnh nhân đến với chúng tôi than phiền về ê buốt cả hàm răng tuy nhiên răng lại không bị sâu. Dấu hiệu dễ nhận thấy là mặt răng phẳng hoặc mòn lõm.
Các bạn cùng quan sát hình ảnh mòn răng nhẹ trên đây, các mặt nhai bị phẳng, có nhiều điểm nứt, mất men, răng nanh phẳng. Thực ra với khớp cắn tốt, hàm răng sẽ rất khó bị mòn đến mức phẳng mặt nhai lộ cả ngà răng ra như trên hình, bệnh nhân mới chỉ 30 tuổi. Nếu không điều trị kịp thời bằng các giải pháp đeo hàm bảo vệ ban đêm và tái lập khớp cắn tình hình có thể tồi tệ thêm và dẫn đến như hình minh họa tiếp theo.
3. Dấu hiệu về cơ
Các triệu chứng biểu hiện ở cơ là lý do chủ yếu mà bệnh nhân tìm đến nha sĩ.
Dấu hiệu cơ có thể thấy đau cơ góc hàm, đau cơ thái dương, mỏi hàm khi nhai.
Tại phòng khám chúng tôi tiếp nhận rất nhiều trường hợp đau vùng cơ cắn, bệnh nhân phản ánh đau khi nhai, khi sờ nắn góc hàm nhưng gõ răng không đau. Khi chúng tôi thực hiện test giải phóng vùng răng sau đeo lúc ngủ trong 2 tuần thì các triệu chứng biến mất.
Các bạn có thể phát hiện tình trạng đau cơ khi ăn, hoặc khi sờ nắn.
Một trong những dấu hiệu bệnh lý thái dương hàm ít người để ý nữa là đau đầu, vai gáy mãn tính. Thực ra chúng có mối liên hệ cực kỳ mật thiết.
Ciancaglini và Radaelli thấy rằng 70% bệnh nhân đau đầu có kèm các vấn đề TMD, và trong nghiên cứu khác của nhóm tác giả Carlo Di Paolo thấy rằng tỷ lệ có đau đầu bắt gặp ở 63,7% bệnh nhân TMD. Chúng tôi sẽ viết 1 bài chuyên sâu về chủ đề này trong thời gian tới.
Tham khảo chi tiết tại đây.
4. Dấu hiệu ở khớp
Các rối loạn về cấu trúc khớp có thể khiến bệnh nhân không thể há lớn, há ngậm có tiếng kêu tiếng lục cục, và khi há có thể đi trật quỹ đạo theo hình ziczac chứ không thẳng được như bình thường.
Khi bệnh tiến triển nặng khớp thái dương hàm có thể bị tiêu, bị dính đó là lúc tình trạng bệnh tiến triển rất nặng.
Chúng tôi đã liệt kê cho các bạn rất nhiều các biểu hiện của bệnh lý Thái Dương Hàm tuy nhiên để các bạn xem hình ảnh và nhớ được từng đó triệu chứng sẽ rất khó khăn. Thường bệnh nhân chỉ tìm nha sĩ điều trị khi bệnh tiến triển nặng như đau mới đến hay thậm chí không thể há miệng mới đến. Các bạn biết rằng thời điểm vàng nắn khớp chữa há miệng hạn chế nếu có trật đĩa khớp là 48h đầu, nếu bạn để quá lâu quá 2 tuần những tổn thương có thể là vĩnh viễn. Hoặc như khi có đau cơ khớp, việc phát hiện điều trị sớm khiến bộ máy nhai đỡ bị hủy hoại trầm trọng.
Chúng tôi xin tổng hợp lại một số dấu hiệu nhận diện bệnh lý Thái Dương Hàm
– Đau vùng cơ nhai, góc hàm, nửa đầu, vai gáy
– Mòn răng, khuyết cổ răng, nứt vỡ răng
– Tiếng kêu khớp, đau vùng mang tai
– Há miệng hạn chế, ngủ dậy khó há miệng
Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi, qua bài viết này chúng tôi chỉ muốn bạn nhận diện được mình đã có một trong các triệu chứng như trên hay chưa, nếu có thì bạn nên đến nha sĩ khớp cắn để kiểm tra toàn diện. Điều trị khớp cắn rất có ý nghĩa trong việc bảo vệ bộ máy nhai cũng như gia tăng chất lượng cuộc sống.
NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM
Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…
Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318
Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN
Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh
Nha khoa cho em hỏi, em bị loạn năng thái dương hàm thì có nhổ răng khôn được ko ạ.
Răng khôn em mọc thẳng nhưng bị sâu, em vừa nhổ 2 hôm nhưng cảm thấy khớp cắn không thoải mái lắm.
Chào em, nếu như mình vẫn có thể há mở miệng được thì vẫn thực hiện nhổ răng khôn được em ạ. Cũng có thể mình mới nhổ răng nên việc ăn nhai chưa quen và mình cũng chưa ăn được đồ dai cứng. Còn qua mô tả như này thì phòng khám cũng khó đánh giá được là khớp cắn của mình đang ăn nhai không thoải mái như thế nào. Em có thể theo dõi thêm biểu hiện trong vài ngày tới, nếu như việc ăn nhai vẫn gặp khó khăn thì có thể quay lại phòng khám nơi mình đã nhổ răng để bác sĩ kiểm tra cho mình cụ thể hơn nhé
Nha khoa cho em hỏi, Em là sinh viên của 1 trường đh ở tphcm. Năm nay em 18 tuổi, cách đây hơn 1 tháng em bị té xe, hàm va đập trực tiếp với mặt đường và giờ mỗi lần em há miệng nó có tiếng kêu lục cục, sau mỗi lần há miệng thì cơ hàm em đều cảm thấy mỏi ( ngoài 2 triệu chứng đó ra thì ko có biểu hiện bất thường nào khác và cơ hàm em vẫn hoạt động chức năng bình thường). Đi khám răng hàm mặt trung ương ở quận 5 thì bác sĩ bảo em bị trật đĩa khớp do giãn dây chằng, bác sĩ cũng không điều trị gì thêm. Xin bác sĩ cho phép em hỏi là tiếng lục cục khi há miệng của em có hết không ạ?
Chào b, tiếng kêu khớp sẽ không hết được, nếu kèm theo mỏi hàm thì bạn nên tiến hành điều trị sớm b nhé.