Phương pháp cấy răng giả cố định toàn hàm All-on-4: Hành trình xuyên thời gian

Ăn là một trong “tứ khoái” của người Việt Nam. Bạn tưởng tượng, nếu bạn mất hết răng, không thể ăn nhai, thì thật là hết “khoái”. Đây thực sự là một nỗi đau của người mất răng toàn hàm, chưa kể đến nỗi đau tâm lý trong quá trình giao tiếp. Với họ, hàm tháo lắp toàn phần dường như là giải pháp duy nhất, không quá tuyệt vời, nhưng có thể cứu cánh chút thẩm mỹ và khả năng ăn nhai. Tuy nhiên, bạn cũng có thể thấy một số bức tranh hài hước về hàm tháo lắp:

Giải pháp cấy chân răng nhân tạo Implant đã trở nên khá quen thuộc, phục hồi cố định cho mất răng đơn lẻ. Phim X – quang trên là của chú Tân (67 tuổi, Việt Kiều Đức), bác sĩ đã thực hiện cấy 4 implant hàm trên và 4 implant hàm dưới cho chú, răng giả toàn bộ 2 hàm sẽ được gắn cố định trên những implant này.

Phương pháp cấy răng giả toàn hàm All on 4 là giải pháp cho phép thay thế toàn bộ cung răng bằng cách sử dụng 4 implant được đặt một cách chiến lược trong xương hàm thay vì cấy ghép cho từng răng. Quy trình này là đỉnh cao của một loạt các tiến bộ trong ngành nha khoa đã có từ vài thập kỷ trước, tiếp nối từ những khát vọng từ xa xưa của con người để phục hồi lại những chiếc răng quý giá bị mất. 

Bác sĩ Nguyễn Hòa Bình – trực thuộc chuyên khoa phẫu thuật và phục hình trong miệng tại nha khoa Thuỳ Anh sẽ thông tin tới bạn về phương pháp trồng răng giả cố định – hành trình “xuyên thời gian” trong bài viết dưới đây. 

Theo dấu chân các nhà khảo cổ học 

Từ thời xa xưa, đã có nhiều dấu vết khác nhau thể hiện ước vọng tìm vật liệu thay thế răng tự nhiên, người ta dùng những vật liệu, dụng cụ từ đời sống, chẳng hạn như tre, chốt kim loại, xương, răng động vật, vỏ sò, ngà voi,… thay thế răng mất.

Những tàn tích từ Trung Quốc cổ đại (có niên đại 4000 năm trước) có những chiếc chốt bằng tre được chạm khắc, gõ vào xương để thay thế những chiếc răng bị mất và những di tích 2000 năm tuổi từ Ai Cập cổ đại có những chiếc chốt có hình dạng tương tự làm bằng kim loại quý.

600 năm sau công nguyên, người Etruscan ở Trung Ý đã sử dụng dải dây buộc bằng vàng nẹp răng giả vào các răng thật còn lại, được coi là hình thức tiền thân sơ khai của cầu răng.

Một phát hiện khảo cổ đặc biệt khác, đó là xương hàm dưới của một phụ nữ trẻ người Maya có niên đại thế kỉ thứ 6 sau công nguyên, được tìm thấy vào năm 1931, với ba chiếc răng cửa bị mất được thay thế bằng những mảnh vỏ sò, có hình dạng giống răng. Ban đầu, các nhà nghiên cứu nghĩ rằng những chiếc răng này được ghép vào sau khi chết như một phần của nghi lễ tang lễ. Tới tận năm 1970, khi xương hàm này được chụp phim, cho thấy sự hiện diện của quá trình tạo xương xung quanh cấy ghép bằng vỏ sò một cách đáng kinh ngạc. Maya là một trong những nền văn minh tiến bộ với nhiều bí ẩn mà con người chưa khám phá ra hết, và phải mất nhiều thập kỷ sau những khám phá khảo cổ này, thế giới hiện đại mới bắt kịp công nghệ nha khoa của người Maya.

Ảnh minh hoạ: Bên trái: hàm dưới của người Maya cổ đại với 3 răng cửa cấy ghép bằng vỏ sò. Bên phải: ảnh chụp XQuang của 3 bộ phận cấy ghép này.

Nỗ lực thay thế răng mất

Trong suốt thời kỳ trung cổ và tới tận thế kỷ 19, nhổ răng vẫn là phương pháp phổ biến để điều trị đau răng và nhiễm trùng mạn tính. Phương pháp thay thế răng mất chủ yếu cho tới giai đoạn này là răng giả tháo lắp (toàn phần hoặc bán phần) được làm bằng gỗ, xương động vật hoặc ngà voi, răng người.

George Washington (tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ), bắt đầu rụng răng năm 24 tuổi và đến năm 1789, năm Washington tuyên thệ nhậm chức, ông chỉ còn lại một chiếc răng ban đầu. Trong suốt cuộc đời mình, ông có 4 bộ răng giả tháo lắp, làm từ ngà hà mã, đồng thau, vàng, và răng nhổ từ nô lệ.

Hàm răng giả của Washington

Tuy nhiên, theo nhật ký của Washington, bộ răng giả thường lỏng lẻo, làm miệng nhô ra và thường khiến ông ấy đau đớn. Bạn thấy đấy, vào thế kỷ 18, đến tổng thống nước Mỹ cũng không thể có được một hàm răng giả chắc chắn để sử dụng.

Vào giai đoạn này, các nha sĩ đã thử nghiệm cấy ghép răng từ người này sang người khác. Mặc dù những chiếc răng được hiến tặng không bao giờ liên kết chặt chẽ với nướu của người nhận, sau đó đều phải nhổ bỏ do nhiễm trùng, nhưng việc cấy ghép răng đồng loại vẫn tạo nên cơn sốt trong giới quý tộc giàu có. Trong thế kỷ 18,19, tại Anh, Pháp, những người nghèo đã phải bán răng của mình bằng cách để cho người ta nhổ ra và cấy ghép cho những người giàu có, như nàng Fantine đáng thương trong tiểu thuyết “Những người khốn khổ” (1852) của Victor Hugo. 

Quá trình tìm kiếm vật liệu tương thích

Dù đã có ý tưởng về việc cấy ghép răng, nhưng con đường thật sự không dễ dàng. Đến cả răng đồng loại cũng không thể bám cố định vào xương hàm, liệu vật liệu nào có thể tương thích cho việc cấy ghép? Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, các nhà nghiên cứu cũng đã thử nghiệm rất nhiều loại vật liệu từ polymethacrylate, vàng, bạch kim, chì,…. nhưng đều không cho kết quả khả quan. Nguyên nhân do cơ thể đào thải, từ chối những vật liệu được đưa vào trong xương. 

Bước ngoặt của lịch sử trồng răng implant xảy ra vào những năm 1950, khi Giáo sư Per – Ingvar Brånemark, một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình, phát hiện ra rằng titan có thể liên kết với mô xương sống. Nhóm nghiên cứu của ông đặt chốt titan vào xương đùi của thỏ để cố định tạm thời nơi gãy xương. Sau vài tháng, khi xương thỏ đã lành, ông định lấy chốt Titanium ra nhưng không thể lấy ra được, đồng thời quan sát thấy xương đã phát triển rất gần với titan đến mức nó dính chặt vào kim loại này.

Tiếp tục nghiên cứu mở rộng, ông ghi nhận không có một phản ứng sinh hóa nào xấu ảnh hưởng đến cơ thể sống, có sự gắn kết sinh học chắc chắn, trực tiếp và lâu dài của một mô cấy kim loại vào xương và ông gọi đó là “sự tương hợp – tích hợp xương”. Ông đã nghĩ rằng, nếu dùng vật liệu này cấy vào xương hàm làm răng giả thì sẽ không bị đào thải, và có thể tồn tại lâu dài. Nghĩ là làm, năm 1965 ông thực hiện ca cấy ghép răng implant đầu tiên sử dụng trụ Titanium và đã thành công rực rỡ. 40 năm sau, chiếc răng implant này vẫn còn tồn tại và thực hiện chức năng ăn nhai rất tốt dù nhiều răng thật bị rụng đi do tuổi tác và implant này đã tồn tại suốt đời cho đến khi bệnh nhân qua đời.

Từ đó Titanium trở thành chất liệu mở đường cho thành công của cấy ghép răng. Sau khi đã tìm ra vật liệu phù hợp, tiến đến, các nhà khoa học liên tục cải tiến về hình dạng, cấu trúc, bề mặt… để làm sao gia tăng tỷ lệ thành công đồng thời đảm bảo sự bền vững cho việc ăn nhai sau này. Trong hơn 50 năm qua, implant nha khoa đã có những bước tiến vượt bậc và trở thành điều trị phổ biến cho bệnh nhân mất răng đơn lẻ, bán phần vì implant đã có tỷ lệ tồn tại và thành công đạt hơn 95% sau 10 năm.

Sự ra đời của giải pháp All on 4

Từ xưa đến nay, điều trị phục hồi mất răng toàn hàm vẫn là một thách thức lớn trong phục hình nha khoa. Dù nhiều phương pháp làm tăng lưu giữ của hàm giả tháo lắp được nghiên cứu, giới thiệu thì nhiều bệnh nhân vẫn khó thích nghi hoặc không thể thích nghi được với hàm tháo lắp. Chỉ đến khi phương pháp cấy ghép răng Branemark cho tỷ lệ thành công lâu dài cao thì điều trị phục hồi mất răng toàn hàm có phần dễ dàng hơn. Cầu răng cố định trên implant cho phục hồi toàn hàm cần được chịu lực bởi ít nhất 6 implant cho hàm dưới và 8 implant cho hàm trên. Với phương pháp này, để cầu răng đạt được kết quả tốt về cả chức năng và thẩm mỹ, cần có nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là xương hàm ít bị tiêu, có khả năng nâng đỡ phần mềm, môi, má. Phương pháp này cũng là thử thách cho bác sĩ phẫu thuật khi phải cắm nhiều implant gần như song song để thuận lợi cho quá trình phục hình.

Ảnh minh hoạ cấy 6 - 8 implant và làm cầu răng trên các Implant này cho trường hợp mất răng toàn hàm

Tuy nhiên, những bệnh nhân mất răng toàn hàm thường do vấn đề nha chu, xương hàm tiêu dần trong quá trình bệnh lý, khiến răng lung lay và rụng, dẫn đến xương còn lại thiếu hụt trầm trọng. Mặc dù các nhà lâm sàng đã phát triển các kỹ thuật ghép xương để tăng chiều cao, thể tích sống hàm, nhưng không phải bệnh nhân nào cũng có thể ghép xương, do vấn đề tuổi tác, sức khỏe, tỷ lệ thành công hoặc nỗi lo sợ cuộc phẫu thuật đau, kéo dài hơn. Việc tiêu xương cũng khiến khoảng cách giữa 2 sống hàm tăng lên, nếu làm cầu răng thì răng sẽ rất dài và không đạt được thẩm mỹ mong muốn. Bên cạnh đó, chi phí cho việc cấy nhiều implant, chi phí ghép xương cũng là một gánh nặng kinh tế mà không phải bệnh nhân nào cũng có thể tiếp cận với phương pháp này.

Những năm 1990, các nhà lâm sàng phát triển kỹ thuật cấy implant nghiêng góc để tránh các cấu trúc giải phẫu như xoang hàm hay ống thần kinh răng dưới. 

Theo quy trình implant thường quy của Branemark phục hình sẽ được tiến hành sau 3 – 6 tháng kể từ khi cấy implant, đây là thời gian chờ implant tích hợp xương. Dưới sự tiến bộ của kỹ thuật, vật liệu, cũng bắt đầu từ năm 1990, các chuyên gia implant phát triển kỹ thuật tải lực tức thì cho răng đơn lẻ và cầu răng nhắn nhịp. Phục hình tức thì đã đạt được thành công bước đầu, cho phép phục hồi nhanh chóng, hiệu quả về thẩm mỹ, chức năng. Điều đó đặt ra câu hỏi tham vọng hơn, liệu chúng ta có thể tiến thêm 1 bước để phục hình tức thì cho cầu răng toàn hàm 12 răng?

Năm 1998, bác sĩ người Bồ Đào Nha Paulo Malo, người tiên phong cấy ghép nha khoa toàn hàm đã giới thiệu giải pháp All-on-4, tạo ra một khái niệm mang tính cách mạng cho cấy ghép nha khoa. Khái niệm điều trị mới mang tính đột phá của Tiến sĩ Malo bao gồm việc chỉ đặt bốn trụ implant cố định vào xương hàm trên hoặc dưới, nâng đỡ cho cầu răng cố định toàn hàm (bao gồm lợi giả và 10 – 14 răng). Trong đó, 2 implant thẳng đứng phía trước tận dụng phần xương dày đặc còn sót lại ở phần trước của hàm và 2 implant phía sau nghiêng góc để tránh xoang hàm trên và ống thần kinh ở hàm dưới. Bệnh nhân sẽ có phục hình tạm tức thì ngay sau 1 – 3 ngày cấy implant. 

Tới 2003, Paulo Malo công bố nghiên cứu lâm sàng hồi cứu 5 năm, một lần nữa đã khẳng định kỹ thuật All – on – 4 như một giải pháp tuyệt vời cho phục hình cố định toàn hàm với các ưu điểm: 

– Phục hình tức thì (có răng tạm cố định ngay sau vài ngày)

– Tránh được ghép xương, khắc phục tình trạng thiếu xương, chất lượng xương kém

– Phục hồi toàn diện thẩm mỹ và khả năng ăn nhai, cơ sinh học tốt, dễ vệ sinh

– Quy trình phẫu thuật và phục hình đơn giản hoá

– Tỷ lệ thành công cao

– Chi phí dễ tiếp cận hơn: Chi phí thấp hơn không phải do dùng implant giá rẻ hơn hay răng sứ rẻ hơn, mà từ việc sử dụng số lượng implant ít hơn và giảm chi phí ghép xương. 

Từ chiếc vỏ sò tới bộ răng vĩnh viễn thứ 2

Năm 2019, Paulo Malo tiếp tục công bố nghiên cứu dài hạn về thành công của giải pháp All-on-4, trong đó, tỷ lệ sống tích lũy của phục hình là 98.8%; tỷ lệ sống tích lũy và tỷ lệ thành công của cấy ghép lần lượt là 93% và 91.7% trong 18 năm theo dõi. Kể từ khi kĩ thuật cấy implant lần đầu tại Việt Nam được thực hiện năm 1994, bệnh nhân mất răng toàn hàm hay kể cả nha sĩ chưa thể nghĩ tới một ngày họ sẽ có hàm răng giả toàn bộ được gắn cố định trên miệng. Bất chấp lịch sử đáng kính của nó, những tiến bộ lớn nhất trong nha khoa chỉ thực sự xảy ra trong nửa sau của thế kỷ XX và đáng chú ý là 50 – 60 năm qua. 

Nhiều ảnh hưởng đã biến đổi nha khoa từ một nghề gần như thủ công cổ xưa thành khoa học công nghệ dựa trên bằng chứng như ngày nay. Như được đứng trên vai người khổng lồ, bệnh nhân mất răng toàn hàm là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ những tiến bộ đáng kinh ngạc trong khoa học nha khoa và vật liệu sinh học nha khoa, thông qua giải pháp cấy răng giả cố định toàn hàm All-on-4.

>>> Xem thêm: https://nhakhoathuyanh.com/trong-rang-gia-nguyen-ham-bang-implant-an-toan-tiet-kiem-toi-72-trieu-dong/

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background