Lệch đường giữa: Cách nhận biết, nguyên nhân và hướng điều trị

Nhu cầu niềng răng vì lệch đường giữa rất lớn, đặc biệt hơn 70% các khách hàng đang điều trị đều có sự sai lệch này ở mức độ nhiều hoặc ít. Trong bài viết dưới đây, bác sĩ Minh Đức (trực thuộc khoa nắn chỉnh răng nha khoa Thùy Anh) sẽ giúp bạn hiểu rõ cách nhận biết lệch đường giữa? Nguyên nhân, phương thức và hiệu quả điều trị như thế nào?

Cách nhận biết lệch đường giữa

Cách đơn giản nhất là dựa vào đường dọc giữa khuôn mặt đi qua điểm giữa 2 mắt, đỉnh mũi. Nếu vị trí giữa 2 răng cửa không nằm trên đường này, thì bạn đang có lệch đường giữa. Tình huống có thể gặp ở hàm trên, hàm dưới hoặc cả hai. Trong bài viết dưới đây, bác sĩ Đức sẽ đề cập tới vấn đề lệch đường giữa răng. 

Một yếu tố quan trọng nữa cần đánh giá là trục răng.

Thực chất, chân răng không lệch so với đường giữa chuẩn (chấm màu xanh), nhưng do thân răng nghiêng trái (hình A)- nghiêng phải (hình B) nên gây ra hiệu ứng thị giác này. Đây chính là lý do chỉ cần gắn mắc cài làm thẳng trục răng đã có thể thấy đường giữa thẳng lại, tuy nhiên, cũng có thể gây tăng độ lệch so với ban đầu khi vị trí chân răng không chuẩn. 

Lệch đường giữa cần chú ý gì?

Đầu tiên, việc đánh giá lệch đường giữa mang tính chất cảm quan. Điểm mốc (xương hàm lệch, đầu mũi mắt không cân xứng), lệch nhiều hay ít là do cảm nhận của mỗi cá thể, tuy vậy, vẫn có giới hạn trong y khoa: “Lệch đường giữa hàm trên <2mm là trong giới hạn cho phép”.

Thứ hai, điều trị lệch đường giữa chủ yếu căn cứ vào răng cửa trên. Do vị trí đường giữa răng dưới ít lộ khi cười, phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Vị trí hàm dưới, độ chênh lệch kích thước răng 2 hàm nên khi lập kế hoạch điều trị, nha sĩ ưu tiên chỉnh đường giữa hàm trên, hàm dưới sẽ đi theo miễn đạt được sự lồng múi khớp cắn răng sau. 

Yếu tố cuối cùng là không phải ca nào cũng có thể chỉnh thẳng đường giữa. Chỉnh nha có thể điều trị hơn 90% các trường hợp. Sai lệch do xương, do kích thước răng, thiếu răng… sẽ khó chỉnh hơn. 

Nguyên nhân và cách điều trị lệch đường giữa

Có 2 phương pháp điều trị lệch đường giữa chính là chỉnh nha và phục hình. Niềng răng là giải pháp có biên độ sửa chữa lớn hơn, chỉnh được tất cả các sai lệch khớp cắn, còn phục hình là điều trị xâm lấn mô răng khi mài đi thì không thể lấy lại, phù hợp với case cần thời gian nhanh, mức độ lệch ít kết hợp với tình trạng răng có vấn đề về hình thể màu sắc: xỉn màu, sâu,vỡ… mà không điều chỉnh được bằng niềng răng và đây cũng chính là giới hạn khi điều trị lệch đường giữa bằng chỉnh nha. 

Lựa chọn của mỗi phương pháp sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân,  mức độ và đặc biệt nhu cầu của mỗi cá nhân. 

Có 3 căn nguyên chính gây lệch đường giữa gồm: 

1. Lệch đường giữa do răng

Phần lớn tình trạng này gặp ở các ca có: 

– Sự bất thường trong hình thái (răng nhỏ, răng to), bất thường số lượng răng (thiếu răng, răng thừa, răng kẹ…)

– Tình trạng răng khấp khểnh, răng xoay

– Sai trục răng

Ví dụ như: Răng bé, thiếu răng, răng khểnh, răng lệch lạc phía trong cung hàm… sẽ làm chiều dài cung răng ngắn lại, từ đó đường giữa sẽ lệch về bên này. Điều trị đơn giản hay phức tạp sẽ tùy từng tình trạng, tin vui rằng, chỉnh nha có thể xử lý gần như tất cả các ca. 

Về nguyên tắc: Sai ở đâu điều trị ở đó, tạo khoảng bên đối diện và kéo đường giữa sang hướng ngược lại. Nếu răng bé thì cần phải hàn, phục hình tăng kích thước, thiếu răng thì có thể tạo khoảng cấy răng giả… Như vậy sẽ cần phối hợp của phục hình implant, chỉnh nha không thể đơn thuần giải quyết được hết công việc. 

Một trường hợp bạn khách hàng nữ lệch đường giữa hai hàm. Tình trạng này xuất phát từ việc hàm trên khấp khểnh- răng cửa bên mọc lệch trong làm đường giữa trên lệch phải, thêm vào đó, khớp cắn ngược làm đường giữa hàm dưới không ở vị trí chuẩn. Bạn được nong rộng cung răng, tạo khoảng bằng di xa đẩy khối răng hàm ra sau- từ đó có khoảng trống căn chỉnh sai lệch phía trước.

Một số trường hợp, kỹ thuật điều trị sẽ mang tính cá nhân hoá, đặc biệt khi trục răng cửa nghiêng mà trục xương bình thường. Nha sĩ sẽ gắn hơi nghiêng mắc cài để khi đi dây cung thẳng vào sẽ tạo lực cho răng thẳng lại vào giữa, hoặc sử dụng cung cantilever – kỹ thuật rất lý tưởng cho việc dựng trục răng cửa, ít biến chứng, lực mang tính cục bộ tại vùng tác động.

Ca lâm sàng đường giữa hàm trên lệch trái do 2 nguyên nhân: Răng cửa bên trái mọc lệch cao thêm vào đó trục răng cửa bên phải nghiêng vào khoảng thiếu răng. Tạo khoảng bằng di xa hai bên, kèm theo tinh chỉnh trục răng cửa giữa bằng gắn mắc cài- để kéo chỉnh răng vào cung hàm. Do răng cửa lệch không có tiếp xúc ăn nhai trước đó, nên kích thước to hơn các răng kế cận- mài chỉnh để cân đối kích thước răng sẽ giúp đảm bảo thẩm mỹ nụ cười đẹp hơn.

2. Lệch đường giữa do xương

Đây được xem là dạng thức điều trị khó nhất. Sự sai lệch khung xương có thể bù trừ một phần bằng điều chỉnh kích thước dọc ở răng, nếu kỳ vọng kết quả điều trị hoàn hảo, phẫu thuật hàm mặt nên được cân nhắc để đạt nhu cầu của bệnh nhân. 

MEAW được sử dụng để đưa hàm dưới về vị trí chuẩn bằng việc tăng giảm kích thước dọc 2 bên một cách khác nhau. Hiểu một cách đơn giản, khi bạn di chuyển hàm dưới từ vị trí lệch đến vị trí đường giữa thẳng, 1 bên răng hàm sẽ hở, 1 bên răng sẽ chạm nhau. Nha sĩ sẽ trồi răng hàm bên hở, lún răng bên đối diện, để khoá khớp cắn hai hàm, từ đó định vị hàm dưới tại vị trí này như sơ đồ kích hoạt dây bất đối xứng ở trên. 

Nguyên tắc nghe đơn giản là vậy nhưng trên thực tế ko phải ai cũng đáp ứng tốt với lực lún răng, hay khi trồi răng mà BN có tật nghiến răng thì hiệu quả cũng kém. Kỹ thuật này cần sự hợp tác đeo chun từ phía bệnh nhân và đặc biệt cần sự kiểm soát của nha sĩ có chuyên môn cao.

Bạn khách hàng nam đến khám vì cắn ngược, đường giữa hàm dưới lệch, khe thưa vùng cửa. Bạn được chỉnh nha với khí cụ GEAW rất hiệu quả cho trường hợp hạng III xương, định vị lại vị trí hàm dưới từ đó giúp đường giữa HD thẳng với hàm trên. Tình trạng lệch mặt, tương quan mô mềm được cải thiện rõ, sự bất cân xứng góc hàm 2 bên không thể điều trị hoàn toàn do xương đã phát triển toàn diện giới hạn này đã được thông báo với bạn ngay từ đầu. Nhưng kết quả nụ cười khớp cắn lồng múi sau tháo mắc cài là hết sức tuyệt vời.

3. Lệch đường giữa do cản trở chức năng

Một trong những triệu chứng điển hình là lúc há ngậm miệng đường giữa không trùng nhau. Hiểu một cách đơn giản như hình trên: Lúc chưa cắn khít, đường giữa hai hàm thẳng, khi bắt đầu cắn lại do điểm chạm khớp sai, nên hàm dưới phải trượt sang phải để hai hàm khít nhau.

Sự sai lệch này ở trẻ nhỏ nếu điều trị muộn có thể dẫn đến sai lệch xương thứ phát như ở nhóm thứ hai. Do vậy cần đưa trẻ đến khám sớm nếu thấy phát hiện bất kỳ sự lệch lạc khớp cắn nào. 

Đây chính là nguyên nhân việc đường giữa răng thay đổi khi vừa nâng khớp sau gắn mắc cài, thực chất là giúp hàm dưới thoát hết các điểm kẹt- từ đó được di động về vị trí vốn có của nó. 

Như vậy chúng ta thấy, để điều trị hiệu quả lệch đường giữa bằng chỉnh nha cần xác định rõ nguyên nhân, mức độ để đưa ra hướng xử lí và hình dung kết quả điều trị dự kiến. Niềng răng là một giải pháp chỉnh đường giữa hoàn hảo với biên độ sửa chữa lớn, kết quả ổn định lâu dài nếu được chỉ định đúng. 

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background