Tại sao có những hàm răng nhai mãi không mòn lại có hàm răng mòn trầm trọng?

Cùng là răng, cùng một cấu tạo và chế độ ăn uống gần giống nhau, nhưng có người nhai mãi không mòn, có người lại mòn răng trầm trọng? Nếu bạn đang trăn trở về những vấn đề trên hãy tham khảo thông tin trong bài viết dưới đây.  

Mòn răng là gì?

Mòn răng là một tiến trình đa yếu tố dẫn đến mất mô răng không liên quan đến sâu răng. Đó là định nghĩa về mặt học thuật, tuy nhiên để cho dễ hiểu thì mòn răng nghĩa là răng của bạn cứ bị mất chất dần, răng càng ngày càng ngắn, lõm sâu, nhìn hình dạng cái răng không còn giống như thời trẻ. 

Về mặt sinh lý, răng ai cũng mòn tuy nhiên sẽ bị mòn tốc độ rất chậm trong suốt cuộc đời. Nó là một quá trình sinh lý bình thường. Thực ra với kiểu mòn răng sinh lý như này thì hiếm khi bạn quan sát được thậm chí với chu kỳ 10 – 20 năm, vì tốc độ của nó rất chậm. Mỗi năm chỉ mòn đi khoảng 28 – 30 micromet theo nghiên cứu của Van’t Spijker năm 2009, rất là ít (bạn để ý 1 mm = 1000 micromet, nghĩa là để mòn 1mm nhìn thấy được bạn sẽ cần ăn nhai khoảng 35 năm). Tuy nhiên, khi mòn răng quá mức gây ảnh hưởng đến sự tồn tại của răng đó hoặc xảy ra với tốc độ quá nhanh, không tương xứng độ tuổi thì sẽ coi là bệnh lý.

Theo tuổi tác tăng lên, tình trạng mòn răng cũng tăng lên. Tỷ lệ mòn răng trầm trọng ở người trưởng thành tăng từ 3% ở người trẻ (dưới 20 tuổi) lên đến 17% ở người trên 70 tuổi (theo Van’t Spijker năm 2009).

Bạn cùng quan sát một vài hình ảnh mòn răng để có hình dung ban đầu về bệnh lý nguy hiểm này: 

Bệnh nhân nam mới 45 tuổi. Mòn toàn bộ răng từ trước ra sau, kéo theo bệnh đau đầu, thoái hóa đốt sống cổ.
Bệnh nhân mòn răng chưa nặng tuy nhiên còn quá trẻ mới 24 tuổi, nên cần can thiệp điều trị sớm.
Hình ảnh mòn răng trầm trọng, răng bị cắt cụt và ăn vào tủy

Nguyên nhân gây mòn răng trầm trọng là gì?

Theo bác sĩ Tuấn trực thuộc khoa phẫu thuật và phục hình trong miệng thì có 4 nhóm nguyên nhân lớn gây mòn răng gồm: 

Nguyên nhân thứ 1: Nghiến răng 

Nghiến răng là tình trạng nghiến, siết chặt răng mà không nhằm mục đích nhai thức ăn. Nó thường xảy ra vô thức và vào lúc ngủ, vì thế người nghiến răng không hề hay biết. Bạn hãy nhờ những người thân để ý giúp xem mình có nghe thấy tiếng kêu két két do 2 hàm răng siết và nghiến qua lại hay không? Rồi lúc sáng sớm khi ngủ dậy, bạn có cảm giác 2 hàm ê mỏi hay không?

Ngoài ra, nghiến răng còn có một dạng khác đó là nghiến thức. Bạn cũng có thể chú ý một chút, là vào lúc cần sự tập trung hay căng thẳng như khi làm việc, lái xe, sử dụng máy tính bạn có cắn chặt răng lại không. Nếu bạn để ý thấy có, thì tức là bạn đang có nghiến răng khi thức.

Lực nghiến răng nặng gấp 10 lần lực ăn nhai, nếu răng cứ nghiến ken két, cọ xát với nhau liên tục như vậy, thì các răng sẽ nhanh mòn, đồng thời nguy cơ nứt gãy rất là cao.

Mòn răng do nghiến thuộc cơ chế cơ học, mài mòn (attrition) là sự mất mô do tiếp xúc răng – răng. Nếu soi gương, bạn sẽ thấy các bề mặt múi, rìa cắn phẳng, răng nhìn sẽ bị ngắn, khi cắn hai hàm lại sẽ thấy diện mòn của răng trên dưới ăn khớp nhau.


Nguyên nhân thứ 2: Mòn răng do sai khớp cắn

Đây là kiểu mòn đặc trưng chỉ nha sĩ chuyên môn sâu mới phát hiện được, nguyên nhân đến từ sự thắt hẹp đường bao vận động chức năng. Có 3 tình huống phổ biến dẫn đến mòn răng do sai khớp cắn: 

– Bệnh nhân bị mất hết răng hàm 2 bên và phải nhai ra vùng răng cửa khiến răng cửa mòn nhanh chóng. 

– Bệnh nhân làm các răng sứ hàm trên với gót răng thiết kế thô không tôn trọng đường trượt hàm dưới dẫn đến mòn hàm dưới.

– Mất hướng dẫn răng nanh: Động tác nhai của con người thực ra không phải là cọ xát các răng hàm với nhau mà là bập bập răng hàm vào với nhau, vì mỗi lúc răng hàm bắt đầu cọ xát theo chiều ngang là răng nanh dài sẽ tạo hướng dẫn nhả khớp khiến răng hàm không thể tiếp xúc. Một hàm răng có hướng dẫn răng nanh tốt (răng nanh dài) dù có nghiến răng hay ăn đồ cứng cũng không thể mòn được. Và khám một hàm răng mòn cơ học thì chắc chắn luôn mất hướng dẫn răng nanh. 

Nguyên nhân thứ 3: Xói mòn do tác động từ acid

Men răng cấu tạo chủ yếu từ Canxi và Hydroxyapatite, khi tiếp xúc với acid trong môi trường PH thấp sẽ bị mất khoáng (có thể hiểu là mô răng sẽ bị mềm hơn, dễ tan rã). Acid gây xói mòn răng có thể chia làm 2 nhóm: 

– Acid nội sinh: acid từ dạ dày do một số bệnh lý như: Trào ngược dạ dày, thực quản, nôn trớ..

– Acid ngoại sinh: từ thực phẩm, đồ uống, hoặc từ môi trường, nghề nghiệp.

+ Các thực phẩm chứa nhiều acid bao gồm: các loại nước có ga, rượu vang, chanh… Nếu dùng thường xuyên, quá mức có khả năng gây xói mòn răng.

+ Những người làm việc ở công ty hóa chất, điện pin…

Ngoài nguyên nhân thường xuyên tiếp xúc với acid, thì còn một nguyên nhân khác khiến tình trạng xói mòn răng tăng nặng hơn là do tốc độ dòng chảy nước bọt thấp và không đủ khả năng đệm của nước bọt.

Vậy vai trò của nước bọt là gì?

Khi các chất có tính acid đưa vào miệng, tuyến nước bọt sẽ phản ứng bằng cách tăng tiết dòng chảy nước bọt tăng nhanh giúp làm sạch acid trong miệng. Nước bọt còn chứa bicarbonat giúp nhanh chóng trung hòa các chất có tính acid trả về độ PH bình thường, giảm nguy cơ xói mòn răng. 

Các bạn cũng để ý, khi nhìn thấy lát chanh thôi nước bọt trong miệng sẽ tiết ra nhiều hơn, theo phản xạ bạn sẽ nuốt nước bọt. Đó là phản xạ có điều kiện của cơ thể, hình thành trên cơ sở nhiều lần trước đó bạn ăn đồ chua, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tiết nhiều nước bọt hơn để làm sạch và trung hòa acid trong miệng.

Khi tốc độ dòng chảy nước bọt và khả năng trung hòa acid của nước bọt bị giảm sẽ dẫn đến các acid bị lưu giữ thời gian dài hơn trong miệng, gây xói mòn răng. Các bệnh lý ảnh hưởng đến tuyến nước bọt có thể kể đến như Chứng khô miệng (xerostomia), bệnh tự miễn (hội chứng Sjogren), thuốc chống trầm cảm, quá trình lão hóa.

Để phát hiện mòn răng dạng xói mòn này, trước tiên bạn cần xem mình có đang mắc những bệnh lý kể trên hay có thói quen ăn uống thực phẩm có tính acid cao hay không. Hình ảnh răng bị xói mòn là diện mòn có dạng lõm với bờ men bén nhọn, thường thấy ở mặt trong các răng hàm. Nếu răng có mối hàm amalgam, có thể thấy mối hàn vẫn gồ cao, trong khi mô răng xung quanh thì bị mòn lõm xuống.

Nguyên nhân thứ 4: Mô răng có những bất thường về cấu trúc như thiểu sản men hay kém khoáng hóa men răng

Thiểu sản men là tình trạng số lượng khung protein cấu tạo men răng không được đầy đủ khiến men răng mỏng có tính chất như thủy tinh, với nhiều khiếm khuyết, bề mặt gồ ghề.
Kém khoáng hóa men răng thì ngược lại, số lượng khung protein bình thường nhưng quá trình khoáng hóa lại kém nên khi mọc ra tuy răng có hình thể bình thường nhưng men răng lại mềm, có tính chất như phấn, nhanh chóng bị mòn.

Dù là dạng nào thì việc bất thường cấu trúc cũng sẽ khiến mô răng bị yếu đi, khi gặp những yếu tố nguy cơ như nghiến răng, acid… thì tốc độ mòn răng sẽ nhanh hơn nhiều, dẫn đến mòn răng trầm trọng.

Bài viết trên đã phân tích từng khía cạnh nguyên nhân mòn răng trầm trọng nhưng thực tế các nguyên nhân này đan xen vào nhau, phối hợp với nhau. Giả sử sau khi răng tiếp xúc với thực phẩm chứa acid, mô răng trở nên mềm hơn do xói mòn, điều này làm cho nó dễ mòn do nhai, đánh răng, với nghiến răng thì càng nghiêm trọng hơn. 

Ngược lại, nếu mặt nhai răng bị mòn hết lớp men do thiểu sản hoặc nghiến răng khiến ngà răng lộ ra, chúng sẽ càng dễ bị xói mòn trước các acid trong thực phẩm do lớp men cứng chắc bảo vệ đã mất, tốc độ mòn răng sẽ tăng lên nhiều. Các quá trình mòn răng do mài mòn, xói mòn thay nhau luân phiên, đồng thời tàn phá.

Khi bạn nhận thấy mình có những dấu hiệu kể trên dù là trong nhóm nguyên nhân nào thì cũng nên đến nha sĩ kiểm tra, để phòng ngừa và có phương pháp điều trị phù hợp. Bởi tổn thương răng là tổn thương không hoàn nguyên, khi mô răng đã mất đi thì nó không phục hồi lại được. Bạn không nên để răng bị mòn đến nghiêm trọng rồi mới đi nha sĩ, bởi lúc đó điều trị sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều, chi phí cũng sẽ tốn kém. 

>>> Xem thêm: https://nhakhoathuyanh.com/mon-rang-tram-trong-phuc-hoi-nhu-the-nao-hieu-qua/

* Thông tin bài viết được cung cấp bởi bác sĩ Tuấn trực thuộc khoa phẫu thuật và phục hình trong miệng tại nha khoa Thùy Anh.

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục