Sâu răng ăn vào tủy là tình trạng thế nào? Cách giảm đau hiệu quả

Từ 5000 năm trước công nguyên, người ta nghĩ rằng nguyên nhân gây sâu răng là do “con sâu”. Thuật ngữ “sâu răng” lần đầu tiên báo cáo trong tài liệu khoảng năm 1634 bằng từ “caries” tiếng Latin. Sâu răng được cho là những bệnh lâu đời nhất, phổ biến nhất và cũng là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến mất răng trong cộng đồng. 

Bác sĩ My – trực thuộc khoa phẫu thuật và phục hình trong miệng tại nha khoa Thùy Anh tìm hiểu những vấn đề thường gặp liên quan đến sâu răng, sâu răng vào tủy. Hiểu biết về những diễn tiến tăng nặng của sâu răng cũng như cách điều trị hiệu quả sẽ giúp chúng ta có ý thức cao hơn trong việc chăm sóc sức khỏe răng miệng. Đặc biệt bác sĩ My sẽ cung cấp tới bạn đọc thông tin mới nhất về thái độ can thiệp lấy tủy buồng trong các ca viêm tủy đến sớm. 

Răng gồm những cấu trúc nào? Tủy răng ở đâu và tại sao lại đau răng?

Răng gồm 3 thành phần chính: Men răng lớp ngoài cùng, ngà răng là lớp thứ 2, và tủy răng là thành phần trong cùng. Tủy răng chứa gần như toàn bộ mạch máu, thần kinh quyết định việc nuôi dưỡng, chi phối cảm giác của chiếc răng

– Men răng không có nguồn cấp máu và thần kinh chi phối. Điều này đồng nghĩa với việc nếu sâu chỉ ở lớp men sẽ không có khả năng tự phục hồi lạikhông gây cảm giác đau nên rất khó nhận biết.

– Ngà răng chứa các sợi thần kinh A chủ yếu ở ranh giới ngà tủy ( A-delta, A-beta), chịu trách nhiệm về độ nhạy cảm, điều hòa cảm giác đau nhói của ngà. Ngà răng cũng có đặc tính tự sửa chữa hình thành lớp ngà thứ phát bảo vệ tủy nếu tổn thương mô mức độ nhẹ.

– Tủy răng sợi C chiếm 70 – 80%, còn lại là các sợi A (90% A-delta và 10% là A-beta). A-delta và sợi C là các sợi mã hóa đau, quyết định cảm giác đau khi sâu vào tủy, đáp ứng với các kích thích nhiệt, cơ học, hóa học. 

Sợi C không được bao bọc bởi myelin như sợi A nên dẫn truyền cơn đau chậm hơn, âm ỉ hoặc nóng.

Với sự phức tạp khi nói về các loại sợi trong tủy răng, chúng ta có thể thấy rằng khi không có tổn thương mô, kích hoạt sợi A-delta và C chỉ tạo ra cơn đau thoáng qua. Cơn đau này là một cảnh báo sinh lý. Còn khi có tổn thương mô, dù kích hoạt bởi kích thích có cường độ thấp hơn bình thường thì biểu hiện của những cơn đau có thể kéo dài và dữ dội, phù hợp với từng giai đoạn tiến triển sâu răng. 

Sâu răng là một quá trình bệnh lý do vi khuẩn phá hủy mô răng, không có con sâu răng mà đây là bệnh do vi khuẩn gây ra các bạn ạ. 

Diễn tiến quá trình sâu răng

Có rất nhiều cách phân loại sâu răng nhưng phân loại theo mức độ nông sâu của tổn thương sẽ giúp chúng ta tiếp cận bệnh đơn giản và hiệu quả hơn như hình trên. 

+ Sâu men không đau và thường phát hiện khi đi kiểm tra nha sĩ. Sâu ngà thì thỉnh thoảng răng sẽ bị nhức và có thể ê buốt khi ăn đồ quá nóng hoặc quá lạnh nhưng lại hết ngay khi ngừng kích thích.  

+ Sâu vào tủy là giai đoạn thứ 3, triệu chứng đau sẽ nhiều hơn, cường độ nặng hơn, đau buốt kéo dài liên tục. Cơn đau nhức còn xuất hiện nhiều về đêm dẫn đến mệt mỏi, khó chịu vô cùng, đau có thể giật lên đầu và không đáp ứng thuốc giảm đau. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử tủy và các biến chứng quanh chóp cũng như các vùng lân cận.

Để dễ hiểu hơn, chúng ta hãy liên tưởng bệnh căn sâu răng như là báo động khi “cháy nhà” trong hình minh họa bên dưới:

Với các giả định liên tưởng: 

– Lửa: Là sự tấn công của vi khuẩn 

– Chuông báo cháy: là đau 

– Lính cứu hỏa chính là nha sĩ

Giai đoạn 1: Hãy tưởng tượng bạn đang nấu ăn, và vô tình xao nhãng rời khỏi phòng. Đám cháy bùng lên và còi báo cháy kêu inh ỏi để cảnh báo bạn. Bạn kịp thời gọi cứu hỏa để dập lửa. Chảo và tường bị cháy 1 phần, có 1 chút hư hỏng về đồ đạc nhưng đã được khắc phục vì bạn phát hiện sớm.

Giai đoạn này là lúc sâu răng ở lớp men, ngà và sát tủy, viêm tủy có hồi phục biểu hiện bằng những cơn đau nhói thoáng qua, và hết ngay khi hết kích thích, bạn đi khám (lính cứu hỏa lúc này chính là “nha sĩ” ) và hàn răng thường có tác dụng trong trường hợp này.

Giai đoạn 2: 

Lúc này lỗ sâu đã vào tủy răng, chuông báo cháy kêu rất to và khó chịu (thần kinh bị kích thích biểu hiện những cơn đau dài, rõ ràng), nếu bạn phớt lờ và tiếp tục chịu đau sẽ đến giai đoạn chuông báo không còn kêu nữa và bạn sẽ hết cảm giác đau (do tủy đã hoại tử hoàn toàn). Bạn quên nó đi cho đến khi bạn nhận thấy khói bốc ra trong phòng mù mịt (như là mủ hay áp xe tương ứng cái răng sâu), lúc này bạn mới hoảng hốt đi tìm đội cứu hỏa để dập tắt nó (thăm khám nha sĩ). Kết quả là ngôi nhà của bạn bị phá hủy 1 nửa tương tự là tình trạng viêm tủy không hồi phục dẫn đến tủy hoại tử rồi viêm quanh cuống (cấp tính hoặc mạn tính), trong tình huống này việc điều trị tủy hay phải nhổ bỏ chiếc răng phải phụ thuộc vào mức độ tổn thương. 

Giai đoạn 3:

Bạn bất cẩn bỏ qua chuông báo động và những đám khói, nhưng bạn thấy rõ ngọn lửa và cảm nhận được sức nóng. Bạn thấy nó đang lan sang những ngôi nhà lân cận và vùng đất hoang. Lúc này, việc liên hệ với đội cứu hỏa càng sớm càng tốt là cực kì cần thiết, vì đám cháy bây giờ có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng ở các vùng khác. Đây là giai đoạn tủy viêm không được chữa trị có thể tiến triển thành viêm mô tế bào và ảnh hưởng đến các cơ quan khác, tình huống này cần được thăm khám nha khoa để đảm bảo sức khỏe.

Tóm lại, việc thăm khám để phát hiện và điều trị kịp thời các tổn thương sâu răng là rất cần thiết, tránh để lại những biến chứng ảnh hưởng nguy hiểm cho sức khỏe lâu dài. Đặc biệt là những trường hợp sâu răng vào tủy khiến chúng ta đau và khó chịu dai dẳng.

Cách giảm đau và điều trị triệt để khi sâu răng vào tủy

Ngậm rượu hay nhai quả cau và 1 số lá cây vị chát là một trong những bài thuốc dân gian có hiệu quả trong việc giảm triệu chứng đau răng. Quả cau với 70% là tanin, olein, galactan, laurin,.. những hoạt chất trong quả cau tác dụng sát khuẩn, kháng viêm, giảm đau. Còn rượu thì chứa cồn có tính sát khuẩn, có thể làm giảm sưng, viêm nhiễm. 

Tuy nhiên đây đều là cách giảm đau mang tính tạm thời, không tác động thay đổi nguyên nhân gốc rễ, nhiều người sau khi giảm đau xong thì nghĩ rằng con sâu răng đã chết không đến nha khoa trám lại chiếc răng, kết quả hình thành tổn thương xương hàm âm thầm bên dưới dẫn đến mất răng mấy năm sau đó. Hơn nữa việc sử dụng thuốc Nam cũng cần lưu ý vấn đề vô trùng, bạn có thể bị nhiễm trùng do các loại thuốc chứa vi khuẩn lạ hoặc được chế biến không đảm bảo. 

Rất nhiều người tự ý mua thuốc kháng sinh kết hợp thuốc giảm đau (acetaminophen) với quan niệm “cứ đau uống thuốc là hết”. 

Tuy nhiên, đau răng sâu ăn vào tủy lại do sự viêm nhiễm từ tủy răng, các phương pháp này chỉ giảm đau 1 cách tạm thời và hết sức nguy hiểm nếu như chúng ta áp dụng liên tục, tình trạng bệnh sẽ tiến triển nặng hơn, có thể dẫn đến nguy cơ phải nhổ răng và các biến chứng trầm trọng khác. Cần phải đến các cơ sở nha khoa uy tín để bác sĩ thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

+ Những trường hợp sâu răng chưa vào tủy có thể hàn, che tủy gián tiếp hoặc che tủy trực tiếp (che tủy sẽ kích thích nguyên bào ngà ngay bên dưới tạo ra 1 lớp ngà phản ứng – hàng rào bảo vệ mô tủy bên dưới). Thực ra che tủy thì cũng giống hệt hàn răng mà thôi, tuy nhiên phần đáy lỗ sau sẽ được lót thêm lớp vật liệu có tính kháng khuẩn và kích thích lành thương.

+ Trường hợp sâu vào tủy răng, răng còn có khả năng phục hình, sẽ điều trị tủy toàn bộ giữ lại răng. Điều trị tủy bản chất là bác sĩ dùng dụng cụ chuyên dụng và các chất bơm rửa loại bỏ hết tủy viêm nhiễm, làm sạch và hàn kín bằng guttapercha tránh thâm nhiễm vi khuẩn trở lại. 

THÔNG TIN MỚI: 5 năm trở lại đây, nhiều quan điểm mới ra đời đề tài bảo tồn tủy răng sống trên răng viêm tủy (che tủy trực tiếp hoặc lấy tủy buồng) thay vì điều trị hút tủy toàn bộ như cách tiếp cận cổ điển.

Theo nghiên cứu của Kakehashi năm 1965 về sự hình thành cầu ngà giữa 2 nhóm răng: lộ tủy trong môi trường có vi khuẩn và lộ tủy môi trường không có vi khuẩn thì nhóm thứ 2 có thể hình thành cầu ngà sau 30 ngày để bảo vệ mô tủy. Kết luận rằng nếu có sự lộ tủy trong môi trường vô khuẩn thì tủy răng có khả năng sửa chữa được.

Ricucci D và cộng sự năm 2014 có 1 nghiên cứu khảo sát mô tủy với trường hợp viêm tủy không hồi phục do sâu răng. Sau khi quan sát tác giả nhận thấy vùng tủy răng chỉ bị nhiễm khuẩn 1 phần, phần còn lại cách vài mm so với tổn thương sâu răng thì lành mạnh, kể cả vùng tủy chân răng. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta lại lấy đi toàn bộ tủy răng dù chúng không bị viêm nhiễm, thay vì điều trị chỉ nên lấy đi 1 phần tủy bị viêm mà thôi?

Từ 2 nghiên cứu đặt ra vấn đề đối với những trường hợp viêm tủy, có thể lấy đi vùng tủy viêm và để lại phần mô còn lại, sử dụng vật liệu có đặc tính sinh học, khả năng trám bít kín đảm bảo vùng tủy còn lại không có khả năng nhiễm khuẩn calcium silicate (Biodentine, MTA ).

Taha NA, Ahmad MB, Ghanim A năm 2017 đã có nghiên cứu trên 52 răng cối lớn viêm tủy người trưởng thành điều trị bằng phương pháp lấy tủy buồng toàn bộ và trám MTA thì sau 1 năm tỉ lệ thành công là 100%, sau 3 năm là 92,7%. Một nghiên cứu khác năm 2018 Taha Na và cộng sự trên những răng trưởng thành của người lớn, tỉ lệ cũng tương tự với Biodentine. 1 số nghiên cứu khác của Asgary S cũng cho tỉ lệ thành công khác là cao đối với điều trị bảo tồn ( > 90% ) . 

Những trường hợp sâu răng vào tủy, sâu vỡ lớn thân răng, không thể bảo tồn thì răng sẽ phải nhổ bỏ, tránh trường hợp để lâu gây viêm nhiễm tiêu xương và những tổn thương nặng nề khác. Đây chính là phương án cuối cùng và không ai mong muốn.     

Dù chúng ta có đầy đủ các phương pháp, công nghệ hay vật liệu điều trị ngày càng cải tiến để điều trị những chiếc răng sâu nhưng một chiếc răng khỏe mạnh vẫn là tốt nhất. Vì vậy hãy cố gắng vệ sinh răng miệng thật sạch sẽ, hạn chế sử dụng thực phẩm nhiều đường, thăm khám định kỳ tại phòng khám nha khoa để phát hiện các nguy cơ hoặc tổn thương sâu răng sớm nhất. Càng phát hiện sớm bao nhiêu thì việc điều trị sẽ dễ dàng hơn và việc giữ lại chiếc răng chiếm tỉ lệ cao hơn rất nhiều lần.

>>> Xem thêm: https://nhakhoathuyanh.com/lay-tuy-rang-gia-bao-nhieu-bang-gia-lay-tuy-rang-tot-nhat-nam/

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục