Mòn buốt cổ răng nhưng khi hàn vào lại đau buốt hơn, nguyên nhân do đâu?

Cổ răng là phần răng tiếp giáp sát với lợi, vùng này men răng rất mỏng, dễ bị xoắn vặn nên thường xuất hiện ê buốt. Bạn có thể kiểm tra các cổ răng của mình bằng cách trực quan như soi gương phát hiện khiếm khuyết bề mặt răng như hình quyển sách mở hoặc dùng tăm cọ xát vào cổ các răng nghi ngờ, nếu cảm thấy ê buốt khó chịu thì có thể bạn đang bị mòn cổ răng, cũng có thể phát hiện mòn cổ răng bằng cách ghi nhận cảm giác mỗi khi ăn đồ nóng lạnh, thường bạn sẽ có ê buốt khó chịu. 

Mòn cổ răng là bệnh như thế nào?

Tình trạng mòn cổ răng

Mòn cổ răng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như sự khỏe mạnh hàm răng về lâu dài, nếu để lâu răng có thể bị gãy với những lực ăn nhai bất lợi. Mặc khác, cảm giác ngon miệng giảm xuống, ăn đồ nóng lạnh, thậm chí là một cơn gió rít cũng gây ra tình trạng ê buốt khó chịu tuỳ mức độ tổn thương và cơ địa mỗi người. 

Nguyên nhân bệnh lý này là do tình trạng khớp cắn lệch lạc cộng thêm thói quen chải răng ngang, chọn kem đánh răng độ mài mòn lớn. Kem đánh răng độ mài mòn cao là thế nào? Bạn có thể bắt gặp rất nhiều quảng cáo trên internet về các sản phẩm kem đánh răng khác nhau, tuy nhiên kem đánh răng tác dụng tẩy trắng hoặc than hoạt tính hiện nay có độ mài mòn rất lớn, không phù hợp cho những người men răng yếu. Chính vì vậy nếu đang có sẵn một mòn cổ răng hoặc tổn thương trên bề mặt men thì không nên sử dụng loại kem đánh răng này. Trước nay người Việt Nam vẫn thích sử dụng bàn chải răng lông cứng cũng như động tác chải phải mạnh, thậm chí “đầu làng đánh răng, cuối làng vẫn nghe thấy’ cách làm này là sai khoa học, hiện nay nha sĩ khuyến cáo chọn bàn chải lông mềm giúp bảo vệ bề mặt răng, động tác chải nhẹ nhàng xoay tròn hoặc dọc bề mặt thân răng. 

Hàn cổ răng là giải pháp thông dụng khắc phục mòn cổ răng. Tuy nhiên rất nhiều người đã hàn rồi vẫn buốt thậm chí buốt hơn cả lúc chưa hàn, vậy tại sao lại có hiện tượng này? Cùng tìm hiểu thông tin tiếp theo của bài viết. 

Hàn mòn cổ răng

Nguyên nhân gây mòn cổ răng

Nguyên nhân gây mòn cổ răng

+ Nguyên nhân thứ 1: Có nhiều bệnh lý gây ê buốt răng cùng tồn tại

Mỗi người sẽ có 32 cái răng kể cả răng khôn, mỗi răng lại có thể bị rất nhiều bệnh lý khác nhau như mòn mặt nhai, sâu răng, tụt lợi lộ chân răng và đương nhiên cả mòn cổ răng nữa. Nếu bạn hiện có rất nhiều vấn đề tuy nhiên chỉ mới giải quyết hàn trám cổ răng thì ê buốt cũng không thể hết được. 

Tại phòng khám chúng tôi từng gặp một bệnh nhân có răng số 8 húc và gây sâu răng số 7 bên cạnh, bệnh nhân phản ánh có ê buốt nhiều toàn bộ 2 hàm, kiểm tra cổ răng thì đã được hàn khá tốt. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn cứ đau buốt mỗi lần ăn nhai, sau khi chụp phim kiểm tra kỹ thì mới phát hiện ra nguyên nhân không phải do cổ răng mòn đã hàn trước đó mà là sâu răng 7 tại khu vực răng khôn biến chứng. 

Hình ảnh tụt lợi gây buốt răng
Hình ảnh mòn mặt nhai gây buốt

Nguyên nhân thứ 2: Răng mòn cổ đã bị viêm tủy

Những chiếc răng có tổn thương mòn cổ răng sâu sát tủy hay cắt ngang vào tủy gây ra tình trạng tủy bị nhiễm khuẩn. Tủy có phản ứng viêm giãn mạch nội tủy gây xung huyết làm tăng áp lực nhưng áp suất được cân bằng do có lỗ thoát ở vị trí mòn cổ răng nên bệnh nhân không đau. Cho nên khi hàn mòn cổ răng bít lại tổn thương làm cho dịch viêm tồn đọng lại và tăng áp lực nội tủy chèn ép thần kinh gây ra tình trạng đau buốt. Giải pháp thích hợp cho tình trạng này là tiến hành lấy tủy và sau đó làm chụp bọc tạo lớp giáp bảo vệ răng.

Hình ảnh răng cửa gãy do mòn cổ răng và hình ảnh tổn thương mòn cổ đã cắt ngang vào tủy gây viêm tủy.

Mòn cổ răng gây viêm tủy gặp nhiều trên bệnh nhân cao tuổi, bởi vì để tiến vào tủy răng, tổn thương phải qua một thời gian tiến triển rất dài. Chính vì vậy trên bệnh nhân lớn tuổi, mòn cổ răng sâu, lan rộng luôn phải test tủy thật cẩn thận, tránh hàn vào bệnh nhân đau tăng và lo lắng thêm. 

 Nguyên nhân thứ 3: Chưa hàn hết các răng mòn cổ bị tổn thương

Nhiều bệnh nhân đến với chúng tôi trong tình trạng tổn thương mòn cổ ở nhiều răng. Đặc biệt với những bệnh nhân thời gian há miệng ngắn, há miệng hạn chế hay không đủ thời gian điều trị trong 1 lần nên phải chia ra nhiều buổi để hàn, nên giữa các lần hàn bệnh nhân vẫn còn buốt. 

Hoặc là những tổn thương mòn cổ nhỏ bị viền lợi che đậy gây khó nhìn, các nha sĩ có thể để sót nên vẫn còn buốt ở các tổn thương này. 

Nguyên nhân thứ 4: Đã hàn cổ răng nhưng vẫn ê buốt liên quan đến kỹ thuật hàn bị sai như cô lập nước bọt, dịch lợi không tốt

Với những tổn thương mòn cổ răng trước khi hàn nha sĩ sẽ đặt bông cách ly và chỉ co lợi với mục đích bộc lộ đầy đủ tổn thương và cô lập dịch lợi, nước bọt. Trường hợp cách ly không tốt, nước bọt sẽ làm cản trở quá trình trùng hợp của composite hay tan một phần fuji làm hiệu quả dán dính kém để lộ ống ngà gây buốt. 

>>> Xem thêm: https://nhakhoathuyanh.com/bat-mi-cach-han-rang-ma-khong-he-dau-nhuc-nha-khoa-thuy-anh/

Nguyên nhân thứ 5: Etching quá mức và rửa không sạch trong kỹ thuật hàn

Sau cô lập nước bọt bước tiếp theo là xói mòn bề mặt men răng, ngà răng bằng axit H3PO4 37 % để tạo độ nhám bề mặt răng tăng tính kết dính của chất hàn. Nhưng khi xoang hàn mòn sát tủy, etching quá lâu và không rửa sạch thì axit còn lại trong ống ngà sẽ tiếp tục xói mòn gây ra tình trạng ê buốt. 

Nha sĩ cần khắc phục tình trạng này bằng kỹ thuật etching đúng thời gian, lựa chọn kỹ thuật selective etch chỉ xói mòn phần men răng. Một giải pháp thay thế và lược bỏ bước etching là dùng keo dán có axit tự xói mòn như bonding 3M universal không gây kích thích tủy răng.

Hình ảnh Etching men ngà 20s

Nguyên nhân thứ 6: Độ dày lớp keo chưa đủ

Sau bước etching, axit được rửa sạch sẽ để lại các ống ngà rỗng, Những ống này sẽ lấp đầy bằng kỹ thuật bôi bonding 2 lớp, với kỹ thuật quét keo dán 1 lần có khả năng cao không lấp đầy keo dán vào những ống này để tạo ra 1 lớp khí rỗng bên trong. Cho nên khi ăn nhai dưới lực nén hay xoắn vặn làm tăng áp suất ở lớp khí rỗng này tạo nên 1 dao động dịch ngà bên trong răng kích thích lên tủy răng gây ê buốt. Như vậy lời khuyên dành cho nha sĩ là luôn thực hiện bonding 2 lớp với kỹ thuật hàn cổ răng. 

Nguyên nhân thứ 7: Hàn thiếu chất hàn

Thông tin khá bất ngờ là những răng mòn cổ nhẹ, tổn thương ít, sau hàn lại dễ ê buốt hơn răng mòn cổ lớn và mãn tính. Có thể nói hàn những răng mòn cổ nhẹ là ám ảnh với các bác sĩ trẻ. Tại sao lại có hiện tượng này, bởi vì với tổn thương đã rõ ràng, bác sỹ quan sát dễ dàng giới hạn tổn thương để đắp chất hàn lấp đầy, tuy nhiên nếu mòn mới chỉ là lớp rất nhẹ thì các vị trí khuất phía gần xa tiếp giáp răng bên cạnh, vị trí bờ lợi rất dễ bị bỏ qua. Như chúng tôi đã nói ở phần đầu, men răng vùng cổ rất mỏng, chỉ cần bong lớp men là gây kích ứng khó chịu, quan sát vùng mất men ở các vị trí khuất lại rất khó khăn. 

Việc hàn thiếu để lộ ống ngà chắc chắn sẽ gây ra tình trạng đau buốt sau hàn.

Nguyên nhân thứ 8: Bong chất hàn

Những mối hàn có tính lưu giữ kém có thể bị bong dưới tác động của việc ăn nhai hay sự lặp lại của thói quen đánh răng chải ngang. Mối hàn bị bong ra sẽ để lộ ngà răng tái phát lại tình trạng ê buốt mà bệnh nhân đã phải chịu đựng. 

Những xoang trám bị bong cần được hàn lại đảm bảo đúng kỹ thuật cũng như nguyên tắc dán của vật liệu và loại bỏ những cản trở khớp cắn nếu có để đảm bảo một mối hàn bền vững.

Sau khi kết thúc mối hàn cổ răng, nha sĩ cũng nên chỉ dẫn cho bệnh nhân cách chọn kem đánh răng, bàn chải, cách chải răng đúng cách, đặc biệt là kiểm soát khớp cắn sao cho không còn những điểm xoắn vặn tương ứng vùng răng tổn thương. Với những tổn thương lan rộng, hàn bong trám nhiều lần, có thể phải chỉ định tái tạo hướng dẫn răng nanh hoặc đeo máng nhai.

Thông tin bài viết được cung cấp bởi bác sĩ Chung trực thuộc chuyên khoa phẫu thuật – phục hình trong miệng tại nha khoa Thùy Anh, hy vọng qua bài viết đã cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích để hiểu hơn về bệnh lý mòn cổ răng cũng như triệu chứng ê buốt đặc trưng của bệnh lý này. Mọi thắc mắc vui lòng để lại thông tin hoặc liên hệ với bác sĩ của chúng tôi theo địa chỉ dưới đây để được tư vấn cụ thể hơn. 

Quyền

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục