Điều trị tủy răng cho trẻ có nguy hiểm không?

Việc lấy tủy răng trẻ em có thể gây lo lắng cho những bậc cha mẹ, điều trị tủy răng cho trẻ có nguy hiểm không? là băn khoăn của nhiều phụ huynh. Thuật ngữ “lấy tủy” mang một ý nghĩa khiến mọi người sợ hãi, bất kể ở độ tuổi nào. Tuy nhiên, khi công nghệ ngày càng phát triển, các quy trình điều trị tủy thực hiện khác rất nhiều so với trước đây, rất an toàn, không đau, đặc biệt đối với bệnh nhân trẻ em. 

Dưới đây, bác sĩ Ngọc Linh (nha khoa Thùy Anh) sẽ cung cấp thêm một số thông tin hữu ích cho những bậc cha mẹ đang cảm thấy lo lắng về những nguy hiểm có thể xảy ra với con mình khi phải điều trị tủy và cách phòng tránh chúng. 

Điều trị tủy răng trẻ em có nguy hiểm không?

Điều trị tủy răng cho trẻ em thực hiện để loại bỏ tủy răng bị nhiễm trùng ra khỏi bên trong răng. Bệnh nhân nhi sẽ có một số đặc trưng khác người lớn. Mức độ nguy hiểm khi điều trị tủy răng cho trẻ sẽ chia làm 3 giai đoạn trước – trong và sau điều trị tủy.  

1. Trước điều trị

Trẻ thường được đưa đến phòng khám răng vì bố mẹ phát hiện thấy có lỗ sâu, hoặc vì trẻ khó chịu, đau do dắt thức ăn đối với các lỗ sâu mặt bên.

Việc tạo tâm lý thoải mái cho trẻ trước khi tới phòng khám điều trị là một việc làm vô cùng quan trọng. Trẻ có thể cảm thấy căng thẳng khi đến gặp nha sĩ. Bước vào phòng điều trị khiến trẻ lo lắng. Bất kỳ sự kiện tiêu cực nào cũng có thể trở thành một trải nghiệm tồi. Việc thiết kế cuộc hẹn khám nha khoa thành một sự kiện vui vẻ dành cho gia đình sẽ thể hiện sự ủng hộ. Các thành viên trong gia đình tại phòng khám có thể giúp xóa bỏ nỗi sợ hãi và cô đơn, khiến việc thăm khám bớt đáng sợ hơn. 

Dưới đây là một số cách bạn có thể giúp con mình xem chuyến đi đến nha sĩ là một trải nghiệm tích cực hơn là một trải nghiệm đáng sợ.

    • Thái độ của cha mẹ

Khi đối mặt với một tình huống mới hoặc bất thường, trẻ em sẽ tìm đến cha mẹ đầu tiên để tìm những gợi ý về cách phản ứng. Nếu cha mẹ trình bày chuyến đi khám nha sĩ của con như một điều gì đó tích cực, chúng có thể xem nó như vậy. Mặt khác, nếu cha mẹ nói về vấn đề đó với vẻ lo lắng, các em bé có thể sẽ hiểu về điều này và phản ứng sợ hãi.

    • Đọc sách hoặc xem video về nha sĩ

Sách và video là cách tuyệt vời để giới thiệu những khái niệm và trải nghiệm mới, trong môi trường an toàn ở nhà. Có rất nhiều tài liệu thân thiện với trẻ để giới thiệu cho trẻ khái niệm về nha khoa, một số tài liệu có các nhân vật yêu thích. Thông điệp tích cực của bố mẹ được củng cố bởi các nguồn có thẩm định và nhân vật mà trẻ tin tưởng có thể giúp trẻ giải quyết mọi nghi ngờ hoặc nỗi sợ hãi còn sót lại.

    • Diễn tả những gì xảy ra khi khám răng cho trẻ

Một cách khác để chuẩn bị cho trẻ đến cuộc hẹn là nhập vai. Bố mẹ có thể đóng vai nha sĩ và thực hiện những việc mà nha sĩ sẽ làm trong cuộc hẹn, ví dụ như: kiểm tra răng, đánh răng, sử dụng chỉ nha khoa… Hãy chắc chắn nhấn mạnh với trẻ rằng nha sĩ sẽ rất nhẹ nhàng và không gây đau.

Lần khám đầu tiên thành công có thể mang tới trải nghiệm tích cực trong tâm trí trẻ nhỏ, giúp việc hẹn khám sau sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Các bậc cha mẹ thường quan tâm đến khía cạnh an toàn của việc lấy tủy răng trong nha khoa trẻ em. Một số trẻ cần thực hiện thủ thuật này khi còn rất nhỏ tuổi, điều này có thể khiến các em và cha mẹ lo sợ. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hiểu rằng điều trị tủy rất an toàn và thường được yêu cầu để đảm bảo sức khỏe răng miệng lâu dài.

Các nha sĩ chỉ đề nghị điều trị tủy khi thực sự cần thiết, nghĩa là chiếc răng cần điều trị phải ở tình trạng khá xấu. Nếu không thực hiện, răng có thể có nguy cơ bị rụng hoàn toàn, gây đau nhức nhiều hoặc thậm chí ảnh hưởng răng, lợi lân cận. Tất cả những rủi ro này có thể rất có hại cho sức khỏe răng miệng và tổng thể của trẻ, đó là lý do tại sao thủ thuật này là cần thiết.

2. Trong quá trình điều trị

Quá trình điều trị tủy đòi hỏi phải sử dụng các dụng cụ chuyên biệt như tay khoan nhanh với tốc độ quay khoảng 410.000 vòng/phút; dụng cụ nhỏ và mảnh như file điều trị tủy để có thể làm sạch được các ống tủy…

Rất nhiều trường hợp chuyển vào bệnh viện vì những tai biến trong Răng Hàm Mặt như rơi dị vật vào đường thở, thực quản. Điều này vô cùng nguy hiểm, đe dọa tính mạng trẻ.

Ca minh họa một trường hợp đáng tiếc trong điều trị tủy nhi khoa. Bệnh nhi 6 tuổi vào viện vì dị vật đường thở. Người nhà kể, trước khi vào viện 3 tiếng, trẻ đi làm răng tại phòng khám gia đình. Trong lúc làm, trẻ giãy giụa nên 1 chiếc file trong điều trị tủy rơi vào họng, gia đình đã đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và được chỉ định chụp X – quang, chẩn đoán: Dị vật thực quản. Sau khi vào viện, bệnh nhân nhanh chóng được chỉ định và thực hiện nội soi thực quản dạ dày có gây mê, cho thấy hình ảnh dị vật là file nha khoa, có cán nhựa màu nâu đỏ, mũi cắm chặt vào niêm mạc thực quản.

Gây tê là chỉ định phổ biến trong điều trị tủy cho trẻ em. Trong điều trị nha khoa, thuốc tê sử dụng là Lidocain, là thuốc tê tại chỗ nhóm amid. Việc chích thuốc tê để điều trị răng trẻ em không hề khiến trẻ bị đau. Trước khi thực hiện chích thuốc gây tê cho trẻ, các bác sĩ sẽ bôi hoặc xịt lên đó một lượng thuốc tê đủ để trẻ không còn cảm giác đau.Vì vậy, cha mẹ có thể yên tâm, bởi kỹ thuật này rất an toàn, không đau và không ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân.

Khi trẻ không hợp tác trên ghế răng thì việc chuyển gây mê để có thể điều trị là điều cần thiết. Vậy gây mê có ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ không?

Trả lời: Việc gây mê sẽ được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức, bác sĩ sẽ khám và đánh giá chức năng cơ thể trẻ để đưa ra kế hoạch gây mê hồi sức phù hợp, đồng thời theo dõi trong suốt quá trình nhằm phát hiện và xử lý các biến chứng kịp thời. Bác sĩ sẽ theo dõi cẩn thận, nhịp thở, huyết áp, nồng độ oxy máu, nhịp tim để điều chỉnh lượng thuốc mê phù hợp.

Một số tác dụng phụ của thuốc mê thường gặp sau khi điều trị là chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, ớn lạnh. Rối loạn nhịp tim, rối loạn chuyển hóa, suy giảm chức năng gan, thận… có thể xảy ra nhưng vô cùng hiếm.

Vì vậy, việc điều trị tủy phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác của trẻ và gia đình. Nỗi sợ hãi của trẻ trong quá trình điều trị tủy đến từ nhiều thứ: tiếng kêu tay khoan, tiếng máy hút nước, tiếng nói của ghế răng bên cạnh… Sự động viên trẻ đến từ nha sĩ và gia đình là thực sự cần thiết, giúp giảm thiểu sự nguy hiểm trong quá trình điều trị.

3. Sau quá trình điều trị

  • Cảm giác tê bì ngay sau khi điều trị tủy

Trẻ có thể sẽ được tiêm tê trong quá trình điều trị, nên có thể gây nên cảm giác tê bì sau điều trị khi mà thuốc tê chưa hết. Tuy hầu như không gây khó chịu nhưng trẻ lại thấy cảm giác lạ và cố cắn vào đó như một trò chơi. Và sau khi hết thuốc tê sẽ để lại một vết thương loét gây đau nhức, nên bố mẹ cần lưu ý là chú ý đến trẻ, tránh để trẻ cắn vào môi má. 

Thông thường thuốc tê sẽ có tác dụng trong 2 – 3 giờ đồng hồ từ lúc tiêm tê, tùy thuộc lượng thuốc tê sử dụng. Vấn đề này luôn được các chúng tôi nhấn mạnh vì nó thực sự hay gặp và hoàn toàn có thể phòng tránh được.

  • Chất hàn chưa đông cứng hoàn toàn

Sau khi hàn răng chữa tủy thì chất hàn chưa đông cứng hoàn toàn nên trẻ cần kiêng nhai vào vùng răng đã chữa trong vòng 2 giờ đồng hồ để tránh trường hợp bị vỡ hoặc bong mối hàn.

  • Cảm giác đau sau điều trị tủy

Thường sau điều trị tủy sẽ có cảm giác đau nhẹ, nhưng trẻ em thường hiếu động, ham chơi và quên đi cảm giác đau này. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp bị đau các nguyên nhân như:

– Chất hàn tạo áp lực xuống phía dưới cùng chân răng. Cảm giác khó chịu này có thể biến mất từ 1-3 ngày sau điều trị. 

– Bác sĩ hàn kênh mặt nhai răng, khiến trẻ nhai bị quá tải lực vùng răng mới điều trị. Khi bố mẹ quan sát thấy chiếc răng kênh lên gây đau cho trẻ thì không nên quá lo lắng, hãy đưa trẻ đến nha khoa để bác sĩ mài bớt kênh là sẽ hết đau. 

– Ống tủy chưa được làm sạch hoàn toàn do cấu trúc giải phẫu của tủy răng trẻ có nhiều ống tủy phụ mà bằng phương pháp thông thường chỉ có thể làm sạch được các ống tủy chính gây nên tình trạng viêm nhiễm lan rộng xuống phía dưới chóp chân răng. Khi đó bố mẹ cần đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra và làm sạch lại răng là sẽ ổn.

  • Sưng nề vùng lợi chân răng

Với đặc điểm giải phẫu là mô nha chu lỏng lẻo, sàn tủy có nhiều hệ thống ống tủy phụ, mà phương pháp điều trị tủy thường chỉ có thể làm sạch và trám bít kín các ống tủy chính. Khi đó tình trạng viêm nha chu có thể tiến triển dẫn đến sự sưng viêm có thể tái lại. Với tình trạng này thì bác sĩ sẽ cố gắng làm sạch để giữ lại răng theo giai đoạn; tùy mức độ đáp ứng điều trị  để quyết định giữ hay loại bỏ răng. 

  • Nguy cơ bong mối hàn, vỡ mối hàn gây nhồi nhét thức ăn sau điều trị tủy

Phương án phục hồi tốt nhất là làm chụp thép tiền chế, hoặc chụp nhựa (đảm bảo chức ăn năng ăn nhai và thẩm mỹ của trẻ). Nguy cơ giắt thức ăn giữa răng chữa tủy và răng lành bên cạnh làm nguy cơ sâu răng kế cận rất cao, tùy vào tình trạng sâu vỡ ban đầu của răng có lớn hay thời điểm thay răng còn xa hay không để lựa chọn loại phục hình.

Điều trị tủy là thủ thuật rất phổ biến trong nha khoa, đặc biệt là nha khoa trẻ em. Bố mẹ không cần quá lo lắng vì những nguy hiểm có thể xảy ra với con mình nếu trẻ được nha sĩ yêu cầu phải điều trị tủy. Nó là chỉ định cuối cùng để giúp cho việc giữ lại được những chiếc răng xinh cho trẻ, giúp trẻ tự tin giao tiếp, đảm bảo chức năng ăn nhai, dinh dưỡng. Vì vậy,  hãy chăm sóc những chiếc răng xinh cho trẻ và đưa trẻ đi khám nha sĩ định kì 3-6 tháng/lần để phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề răng miệng.

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background