Lời dặn sau tháo mắc cài niềng răng – bác sĩ Minh Đức
Sau khi trải qua 1 hành trình niềng răng dài, được tháo mắc cài nhưng làm thế nào để duy trì kết quả luôn đẹp như khi mới tháo mắc cài? là băn khoăn của nhiều bạn trong hội niềng răng. Trong bài viết dưới đây, bác sĩ Minh Đức (trực thuộc khoa nắn chỉnh răng nha khoa Thùy Anh) sẽ cung cấp tới bạn lời dặn sau tháo mắc cài. Hãy tham khảo bạn nhé.
Lời dặn sau tháo mắc cài niềng răng
1. Đeo hàm duy trì đúng và đủ thời gian theo chỉ định của nha sĩ
Đây là lời nhắc có lẽ là quen thuộc nhất, nhàm chán nhất nhưng cũng bị bỏ qua nhiều nhất. Không phải là các bạn không hiểu rõ tầm quan trọng của việc duy trì kết quả, cũng không phải bạn không sợ tái phát. Mà có khi do tái phát đến một cách từ từ vậy nên đôi khi chúng ta xem nhẹ.
Chúng tôi sẽ một lần nữa nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đeo hàm duy trì bằng cách đưa ra bằng chứng thuần túy khoa học để bạn hiểu rõ nét một lần nữa. Thay đổi suy nghĩ là điều khó nhất trong cuộc sống, và chúng tôi nghĩ rằng chỉ có thể trang bị kỹ sự hiểu biết thấu triệt mới là động năng bền vững và mạnh mẽ cho sự thay đổi suy nghĩ.
Đầu tiên, vì sao phải duy trì sau chỉnh nha?
Một số trường hợp, do chưa hiểu tầm quan trọng của vấn đề, dẫn đến tái phát ngay sau khi tháo mắc cài hết sức đáng tiếc. Các tái phát nhỏ: Xoay răng, tách khe… dẫn đến kết quả không hoàn mỹ. Gìn giữ nụ cười sau tháo mắc cài là trách nhiệm nha sĩ tại phòng khám, còn đeo duy trì là việc bạn cần nghiêm túc thực hiện tại nhà.
Rất nhiều các căn nguyên dẫn đến tái phát sau chỉnh nha, nổi bật là 3 nhóm chính: Sự thay đổi mô nha chu, tác động của môi má lưỡi, thói quen xấu và sự phát triển theo quán tính xương hàm.
Nghiên cứu cơ sinh học chỉ ra rằng sự tái phát nhanh hay chậm diễn ra trong giai đoạn tái cấu trúc mô nha chu đối với quá trình chỉnh nha. Khí cụ duy trì phải được thiết kế để ổn định khớp cắn hiện tại trong lúc mô nha chu tái cấu trúc hoàn toàn, xa hơn là sự thay đổi khớp cắn theo tuổi, đáp ứng mô mềm.
Sự tách khe sau nhổ răng hay tại vị trí răng xoay nhiều… luôn cần đặc biệt chú ý:
Cũng nghiên cứu trên hình ảnh rõ ràng cho thấy: Mô nướu bị “ép” tại vị trí nhổ răng tạo ra các nếp gấp biểu mô bị nén lâu dài, ngoài ra việc tăng Glycosaminoglycan tại vị trí này đã được minh chứng là nguyên nhân gây tái phát khe thưa.
Năm 1970, Edwards báo cáo một kỹ thuật phẫu thuật đơn giản, hiệu quả để làm giảm bớt sự tái phát xoay. CSF (circumferential supracrestal fiberotomy) cổ điển tiến hành bằng việc sử dụng lưỡi dao cắt dây chằng- bó chun giữa các răng- được xem là nguyên nhân chính gây tái phát. Tuy nhiên, phương pháp chỉ khả thi trên răng nha chu khỏe mạnh, có tính xâm lấn, nên kĩ thuật sử dụng Laser ra đời khắc phục được điểm yếu trên.
Nghiên cứu tiến hành nhằm đánh giá sự hiệu quả của CSF. Đối tượng là bệnh nhân đã được đóng khoảng nhổ răng hàm nhỏ. Nhóm nghiên cứu là các răng được tiến hành CSF nhóm chứng là răng đối diện tương ứng. Kết quả cho thấy khoảng cách giữa hai răng tăng 0.7mm ở răng chứng, trong khi nhóm được thực hiện CSF, giá trị này chỉ là 0.1mm có giá trị thống kê.
Như vậy có thể thấy, luôn luôn có sự tái phát sau tháo mắc cài- nếu việc duy trì không tiến hành một cách kịp thời và hiệu quả.
Các hình thức duy trì?
Có ba hình thức duy trì áp dụng hiện nay
- Duy trì tháo lắp: hàm hawley, hàm Essix trong suốt
- Duy trì cố định: dây dán mặt trong răng
- Duy trì chủ động: Dụng cụ giữ lò xo, khí cụ tạo lực để chỉnh sửa sự sai lệch nhỏ và khí cụ chức năng đã được sửa đổi bộ phận kích hoạt tránh tái phát trong các trường hợp sai lệch xương hạng II/III.
Ngoài ra các biện pháp hỗ trợ như CSF ta đã tìm hiểu ở trên, OMT (orofacial myofunctional therapy) bài tập cơ chức năng sẽ được bác sĩ đề cập và chỉ định tùy trường hợp.
- Hàm Essix – khí cụ duy trì trong suốt các bạn hay gặp nhất trên lâm sàng với ưu điểm thẩm mỹ, nhưng có thể xuất hiện các vết nứt, vỡ hoặc thủng đặc biệt nếu bệnh nhân có thói quen nghiến răng.
- Hàm Hawley bao gồm các dây và móc cài gắn trong một thân nhựa tương đối dày bao phủ vòm miệng, bề mặt lưỡi của hàm dưới. Với đặc điểm không phủ kín mặt nhai và có thanh kích hoạt phía trước, phía sau, Hawley ưu điểm đặc biệt trong việc tạo khớp cắn tốt hơn sau chỉnh nha khi để các răng “tự tìm lấy nhau”. Thanh nối của Hawley vừa có thể ép trục răng cửa đồng thời thanh phía sau có thể hạn chế sự di xa răng hàm sau đóng khoảng. Nhược điểm lớn nhất của 2 loại này là vì có thể tháo rời nên sẽ không có tác dụng nếu bệnh nhân không sử dụng.
Khí cụ duy trì cố định được chúng tôi chỉ định gắn 100% các trường hợp, đặc biệt nhóm răng cửa dưới vị trí chịu tác động nhiều của lưỡi. Dây sẽ được gắn từ răng 3-3 hoặc thậm chí từ răng 5-5 ở các ca nhổ răng tiên lượng tái phát cao.
- Khí cụ duy trì chủ động thiết kế riêng phù hợp với từng ca lâm sàng. Đơn cử như duy trì ở khớp cắn hạng II, monoblock, bionator sử dụng giữ hàm dưới ra trước, duy trì có ốc nong tránh hẹp hàm tái phát sau khi nong rộng.
Đeo duy trì thời gian bao nhiêu là đủ?
Tồn tại rất nhiều quan điểm về thời gian đeo duy trì. Thực tế, để duy trì sự hoàn mỹ cung răng hiện tại, duy trì suốt cần được xem xét trong trường hợp nguy cơ cao như đẩy lưỡi, sai lệch do xương… Một ý kiến khác có vẻ như dễ chấp nhận hơn: Đeo duy trì ít nhất bằng thời gian chỉnh nha. Theo quan điểm của cá nhân: Dây duy trì mặt trong nên được dán càng lâu càng tốt, còn khí cụ duy trì tháo lắp nên đeo tích cực trong năm đầu tiên và giảm dần thời gian sau đó.
Thứ 2: Dùng răng trong ngưỡng chịu lực nhai sinh lí, chế độ ăn khoa học
Phải khẳng định rằng chỉ có đáp ứng với lực nhai thì mới có sự tái cấu trúc mô nha chu một cách hoàn thiện. Ý kiến duy trì răng bằng những nẹp cứng chắc là không cần thiết. Vật liệu duy trì bằng dây mềm giúp răng di chuyển sinh lí nhất định mà vẫn đảm đảm sự ổn định khi ăn nhai.
Việc đảm bảo chế độ ăn nhai nhẹ nhàng là hoàn toàn cần thiết không chỉ trong trường hợp sau niềng. Ăn đồ dai cứng, nghiến răng… có thể làm hỏng một chiếc răng khỏe mạnh, huống chi là răng vẫn còn chưa ổn định, nhất là ngay sau khi tháo mắc cài.
Thứ ba: Loại bỏ thói quen xấu
Đẩy lưỡi, nghiến răng, mút ngón tay, ăn nhai một bên… xem là kẻ thủ của sức khỏe răng miệng, không chỉ trong quá trình di chuyển răng mà còn đặc biệt nguy hiểm khi mắc cài tháo ra- khi răng không được “bảo vệ” bằng lực chỉnh nha nữa.
Nghiên cứu của Johann và cộng sự về việc điều trị tái phát cắn hở có hoặc không áp dụng các biện pháp cơ chức năng OMT (orofacial myofunctional therapy). Đây là hệ thống bài tập nhằm tránh tác động của mô mềm: môi, má, lưỡi lên vị trí răng và khớp cắn. Kết quả cho thấy: Sự tái phát cắn hở là 0.5mm ở nhóm có áp dụng OMT, trong khi giá trị này ở nhóm chứng không áp dụng là 3.4mm – sự khác biệt hoàn toàn có ý nghĩa thống kê.
Rất nhiều nghiên cứu được tiến hành và đều kết luận nhận định trên. Đẩy lưỡi cần được tập luyện nghiêm túc để tránh hở khớp răng cửa, tái phát chìa trục răng. Hay nghiến răng gây mòn răng, tăng cắn sâu. Các bài tập vị trí của lưỡi hay chủ đề về thói quen nghiến răng các bạn có thể tham khảo thêm trên kênh youtube của nha khoa chúng tôi. Chúng tôi xin nhấn mạnh vào trọng điểm một lần nữa. Hãy tiếp tục tập lưỡi.
Thứ tư: Khớp cắn, tương quan mô mềm cần thời gian để thích nghi
Thực chất sau niềng, môi má lưỡi chưa thể thích nghi kịp vì đã quen với mắc cài trong miệng, cần thời gian làm quen như khi hồi bạn mới gắn mắc cài. Nụ cười có vẻ ngượng ngùng, khớp cắn sẽ còn vài điểm chưa gài múi răng nhưng tất cả dần sẽ hoàn thiện hơn ở thời gian tiếp theo.
Thứ năm: Tái khám đúng lịch hẹn hoặc khi có bất thường
1, 3, 6, 9 tháng hay 1 năm… thường là các mốc thời gian tái khám khi niềng răng kết thúc. Đơn thuần là một cuộc gặp gỡ với nha sĩ của bạn, để phát hiện và xử lí ngay các bất thường có thể.
Vậy khi xuất hiện sự sai lệch nhẹ thì xử lí như thế nào?
Có rất nhiều biện pháp có thể tiến hành: Xử lý trục răng bằng máng Inhouse in tại phòng khám có hiệu ứng di chuyển răng gần giống như Invisalign, hay gắn các tube nhỏ lên miệng như chiếc mắc cài mini. Tuy vậy cần sự kiểm soát của nha sĩ có kinh nghiệm, để việc di chuyển răng không gây ảnh hưởng đến vùng răng “lành mạnh” xung quanh.
Như vậy có thể thấy, duy trì nụ cười sau tháo mắc cài cũng cần có những lưu ý nhất định trong đó quan trọng nhất là đeo duy trì nghiêm túc đúng chỉ định của nha sĩ, và tái khám đúng lịch hẹn. Khi đó các bạn hoàn toàn có thể tự tin với nụ cười mới của mình.
NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM
Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…
Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318
Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN
Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh