Trẻ bị ngã chấn thương răng sữa cần phải làm gì? Nha khoa Thùy Anh

Trẻ em là lứa tuổi hiếu động, thường tò mò với mọi thứ xung quanh, muốn khám phá xã hội bên ngoài. Nhưng kèm theo đó là rất nhiều nguy cơ chấn thương do ngã khi đi, chạy hoặc nô đùa. Chấn thương thường gặp khi bé bắt đầu tập đi, nhất là lứa tuổi nhỏ hơn 3. Đây là khoảng thời gian mà tất cả răng của trẻ đều là răng sữa. Vì vậy phương pháp xử lý sớm và đúng rất quan trọng để tránh những ảnh hưởng và di chứng về sau. Trong bài viết dưới đây mời các bạn cùng tìm hiểu về cách xử lý khi trẻ bị chấn thương răng sữa. 

Chấn thương răng sữa ở trẻ thường xảy ra như thế nào?

Chấn thương răng ở trẻ hay gặp ở xương hàm trên hơn hàm dưới, trong các răng thì răng cửa giữa hay bị chấn thương nhất. Khác với người lớn, vì xương ổ răng của trẻ em còn mềm, hệ thống dây chằng quanh răng lỏng lẻo hơn nên khi có chấn thương thì răng ít bị gãy hơn so với người lớn nhưng hay bị lung lay, di lệch sang bên, lún vào trong xương hàm hoặc rơi ra ngoài huyệt ổ răng.

Nếu răng bị gãy thì cũng có rất nhiều kiểu khác nhau như vỡ một mảnh nhỏ, gãy ngang thân răng, chân răng hoặc cả 2. Khi trẻ bị va đập, té ngã, nếu có chấn thương răng thì hiếm khi chỉ có chấn thương răng đơn thuần mà thường có tổn thương niêm mạc hoặc xương ổ răng kèm theo.

Niêm mạc môi, miệng, xương ổ răng có thể bị va đập sưng nề hoặc rách, chảy máu với nhiều mức độ khác nhau tùy tình huống tai nạn. Ngoài ra cũng có thể gãy xương hàm, trật khớp thái dương hàm hoặc các chấn thương khác kèm theo.

Phải làm gì khi trẻ không may bị ngã chấn thương răng?

Quý phụ huynh cần thực hiện sơ cứu càng sớm càng tốt:

– Trước tiên, chúng ta cần giữ bình tĩnh và trấn an trẻ. Không được tỏ ra hốt hoảng có thể khiến trẻ sợ hãi khi thấy phản ứng của người xung quanh.

– Thứ 2: Các loại chấn thương ít hoặc nhiều đều gây chảy máu, nên bố mẹ cần biết cách sơ cứu tại chỗ. Nếu chỗ đó bị chảy máu, hãy đặt một miếng gạc nhỏ, sạch đã gấp vào vết thương và bé cắn hoặc ép tại chỗ với áp lực mạnh cho đến khi máu ngừng chảy hoàn toàn.

– Thứ 3: Sau khi máu đã cầm, cho trẻ ngậm, chườm nước mát hoặc nước đá để giúp giảm sưng và đau, hoặc uống thuốc giảm đau.

– Thứ 4: Nếu răng bị mẻ hoặc nứt, hãy cố lấy tất cả các mảnh vỡ. Đảm bảo rằng không một mảnh vỡ nào của răng bị dính vào môi, lưỡi hoặc nướu vì nó có thể gây đau, khó chịu, làm vết thương nhiễm trùng,… Tuy nhiên nếu việc lấy mảnh vỡ khó khăn có thể làm vết thương nặng hơn, chảy máu nhiều hơn hoặc gây đau thì nên đưa trẻ đến phòng khám răng để nha sĩ xử lý.

– Cuối cùng: Quan sát các triệu chứng trẻ bị đau, sưng tấy răng miệng, sốt, nhiễm trùng để có kịp thời xử lý. Tốt nhất là sau khi sơ cứu dù mức độ chấn thương nặng hay nhẹ hãy đưa trẻ đến nha sĩ để kiểm tra càng sớm càng tốt.

+ Trường hợp răng không gãy hẳn mà chỉ lung lay nhẹ: Bố mẹ hướng dẫn trẻ dùng lưỡi đẩy răng vào chỗ cũ, ổn định lại ở hốc răng mà không bật ra hay chảy máu. Còn nếu bị lung lay mạnh, bị nứt, lún, xô lệch, thậm chí tuỷ răng lộ ra ngoài,… thì bố mẹ cần đưa trẻ đến nha sĩ để có hướng chữa trị phù hợp.

+ Nếu răng sữa rơi ra ngoài: Hãy vứt bỏ đi vì khác với răng vĩnh viễn rơi ra ngoài, không có chỉ định cấy ghép lại răng cho răng sữa. Cố gắng cầm máu và giảm đau cho trẻ sau đó đưa trẻ tới gặp nha sĩ để kiểm tra vết thương.

+ Tổn thương tới nướu răng như: Rách hay bầm dập, hãy chườm lạnh vào chỗ bị thương. Nếu vết rách lớn hơn 0,6cm hoặc rách rộng quá vành môi, hãy đưa trẻ đến chăm sóc ở phòng y tế gần nhất. Bạn cũng đừng hoảng hốt nếu lưỡi trẻ bị thương và chảy máu nhiều. Lưỡi có nhiều mạch máu nên sẽ chảy máu nhiều hơn các cơ quan khác trong miệng, nhưng lưỡi thường tự lành mau.

Sau đó đưa trẻ tới phòng khám nha khoa, tại đây bác sĩ sẽ đưa ra hướng xử lý như sau: 

+ Đầu tiên bác sĩ sẽ rửa vết thương, gây tê nếu cần thiết phải xử lý sâu.

+ Mô mềm được kiểm tra, cắt lọc, lấy dị vật và khâu đóng 

+ Sau đó hướng xử lý với răng sữa sẽ tùy thuộc vào tuổi của răng và mức độ trầm trọng, triết lý điều trị sẽ luôn cố gắng bảo tồn răng cho trẻ, với những răng bị lung lay thì có thể quyết định cố định lại theo khối tạo điều kiện cho sự lành thương tốt hơn. 

– Những răng bị vỡ, mẻ thì mài bo tròn các cạnh sắc nhọn và chờ cho đến khi mô mềm lành, trẻ bớt sợ hãi mới tiến hành trám lại. 

– Răng bị lộ tủy nha sĩ sẽ lấy tủy ngay, nhằm loại bỏ cơn đau tủy rất nặng nề nếu không xử lý kịp thời. 

– Răng bị gãy vát sâu xuống dưới lợi hoặc gãy dọc làm đôi chỉ định nhổ bỏ, và lập kế hoạch làm hàm giữ khoảng sau khi lợi lành thương hoàn toàn. 

Răng sữa bị chấn thương thì có ảnh hưởng tới răng vĩnh viễn không? 

Thông thường sẽ không ảnh hưởng đến sự mọc và chất lượng răng vĩnh viễn sau này. Tuy nhiên để đạt được tiên lượng tốt cần một số thủ thuật điều trị hỗ trợ, ví dụ trẻ bị rụng mất răng sữa sớm thì cần làm khí cụ giữ khoảng trống giữa các răng bên cạnh không bị nghiêng đổ hay trồi chiếm lĩnh vào khoảng không cho răng vĩnh viễn mọc sau này. 

Một số răng sữa sau chấn thương bị xiêu vẹo, tuy nhiên không ảnh hưởng đến sự mọc răng vĩnh viễn, vì quá trình mọc răng vĩnh viễn phải nhổ chiếc răng sữa này đi và răng vĩnh viễn sẽ mọc theo sự phát triển xương hàm. 

Các tình huống nặng hơn khi chấn thương ảnh hưởng đến lồi cầu khớp Thái Dương Hàm có thể gây một số vấn đề về lệch mặt, lồi cầu chia đôi, chia ba sau này khiến mặt bất cân xứng, tuy nhiên tỷ lệ này cũng rất ít. 

Nói chung, trẻ khi bị chấn thương sẽ đụng dập mô mềm, máu ra nhiều khiến phụ huynh hoang mang và xót con, tuy nhiên xương, răng trẻ lại lành thương nhanh nên quý phụ huynh không cần quá lo lắng, điều quan trọng là cần sơ cứu tốt cũng như tìm đến nha sĩ thật nhanh chóng. 

Quan sát xem vùng tai nạn có nặng không, và có biện pháp tiêm uốn ván cho trẻ. 

Hướng dẫn phòng tránh chấn thương ở trẻ em bố mẹ nên biết

Chúng ta không thể ngăn cấm trẻ tìm hiểu, tò mò và tập làm quen với cuộc sống bên ngoài. Tai nạn là điều không ai mong muốn và bạn cũng không thể ngừa hoàn toàn tai nạn. Tuy nhiên chúng ta có thể giảm thiểu số lần cũng như mức độ chấn thương bằng các biện pháp như: 

+ Nếu trẻ còn nhỏ cần trông nom cẩn thận, luôn theo sát trẻ nhất là khi trẻ biết bò. Luôn thắt dây an toàn cho trẻ ngồi trên ghế ô tô. 

+ Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông: Mũ đúng tiêu chuẩn, vừa vặn và có đệm vùng cằm. 

+ Dạy con bạn không đi hoặc chạy khi cầm vật cứng (như kẹo mút hoặc bàn chải đánh răng) trong miệng. Cho con bạn đeo miếng bảo vệ miệng khi tham gia các hoạt động thể thao có thể dẫn đến thương tích nhất là trẻ 4 – 5 tuổi và trẻ ở độ tuổi hàm răng hỗn hợp 6 – 12 tuổi. 

Trên đây chia sẻ của tôi về cách xử lý, phòng ngừa chấn thương răng sữa ở trẻ. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp quý phụ huynh nắm được những kiến thức cơ bản để có thể xử lý những sự việc không may xảy ra. Từ đó giúp các bé có thể phát triển về mặt thể chất và tinh thần một cách tốt nhất.

>>> Xem thêm: https://nhakhoathuyanh.com/nieng-rang-cho-tre-8-tuoi-co-qua-som-hay-khong-nha-khoa-thuy-anh/

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục