Thực hư phương pháp phục hình răng sứ không mài răng
Làm răng sứ là phương pháp phục hình thẩm mỹ được nhiều người ưa chuộng. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ tiến hành mài răng thật để tạo trụ chụp răng sứ bên ngoài, điều này khiến nhiều người lo ngại. Dựa vào tâm lý đó, hiện nay nhiều quảng cáo việc mài không răng. Vậy thực hư vấn đề này thế nào? Có phải tất cả các trường hợp đều như vậy không? Chúng cùng nghe phân tích của bác sĩ Tùng trong bài viết dưới đây.
Làm răng sứ không mài răng là thế nào?
Làm răng sứ được hiểu là việc mài xung quanh răng để lấy không gian cho 1 chụp sứ lên đó. Phần mô răng mài đi có chiều dày từ 1 – 2mm tùy từng vùng giải phẫu cụ thể, sao cho đảm bảo tính chịu lực và thẩm mỹ cao nhất.
Nhiều người nghĩ đến mài răng làm chụp sứ thì tỏ ra rất sợ hãi, họ thường dặn dò như “Bác sỹ đừng mài nhiều quá”. Thực tế, mài răng làm chụp sứ thẩm mỹ có những tiêu chuẩn rất khắt khe. Không một nha sĩ nào lại muốn mài đi nhiều mô răng của bạn vì có nhiều nguy cơ liên đới. Các tiêu chuẩn để có 1 cùi răng cửa tốt cho việc bọc sứ bao gồm:
– Độ dày đường hoàn tất khoảng 1mm
– Mặt ngoài thân răng khoảng 1-1,5mm
– Hạ rìa cắn khoảng 1,5 – 2mm
– Đặt đường hoàn tất trên ngang hoặc dưới lợi 0,5mm
– Các cạnh bên tạo góc khoảng 2- 6 độ, tốt nhất là 3 độ với đường thẳng đứng
– Mài các bình diện tôn trọng giải phẫu răng, để cùi răng là hình ảnh thu nhỏ của răng ban đầu
– Bo tròn các góc
Đó là cách kinh điển cho việc làm bọc răng sứ, tuy nhiên hiện nay khi công nghệ dán phát triển mạnh mẽ, điều trị nha khoa theo nguyên tắc “bảo tồn tối đa cấu trúc mô răng thật” thì việc mài răng để làm thẩm mỹ không còn xâm lấn như trước đây.
Cụ thể với việc sử dụng mặt dán sứ Veneer, thì khi thực hiện chỉ cần mài đi một phần rất nhỏ mô răng mặt ngoài với chiều dày từ 0,3 – 0,8mm. Thậm chí nhiều trường hợp không cần phải mài răng.
Ưu nhược điểm của phương pháp làm răng sứ không mài
Có thể thực hiện Veneer không mài răng nhưng nó có một chỉ định rất hạn chế với những ưu, nhược điểm như:
Ưu điểm:
+ Quá trình thực hiện không đau, không phải gây tê
+ Thời gian điều trị trên ghế nha nhanh, bảo tồn tối đa không xâm hại hay có nguy cơ với tủy răng
+ Tuổi thọ rất cao do dán dính hoàn toàn vào men
+ Thẩm mỹ tốt nếu chỉ định đúng
Nhược điểm:
+Chiếc răng sau khi làm nhìn có vẻ hơi tròn, dày và thiếu 1 chút tinh tế do không có độ trong, mảnh
+ Có thể bị viêm lợi, đổi màu đường viền sau này do bị dư đường hoàn tất
+ Không thể áp dụng cho các răng nhiễm màu nặng, răng hô ra bên ngoài.
Làm thẩm mỹ răng, làm sứ mà không phải mài răng thì hiển nhiên đã đánh trúng tâm lý của nhiều người. Vậy nó được chỉ định trong những trường hợp nào, và cách thực hiện trải qua những bước nào.
Trường hợp được chỉ định làm răng sứ không mài răng
Bọc răng sứ là mài cả răng sau đó phần mô răng bị mài mất này sẽ thay thế bằng sứ, vì vậy độ dày răng không đổi thậm chí có thể làm răng nhỏ và gọn hơn. Ngược lại, mặt dán sứ không mài răng thì hiển nhiên vì sau điều trị răng sẽ bị dày ra.
Do đó, dán veneer không mài chỉ thực hiện với những trường hợp:
– Răng bạn tương đối mỏng, mà việc làm dày lên sẽ không làm cho chiếc răng trở nên thô kệch hoặc vâu.
– Những trường hợp răng thưa, răng mỏng chỉ định rất tốt.
– Những trường hợp mòn răng mặt ngoài khu trú ở men (eroded teeth)
– Răng lệch lạc nhẹ, xoay nhẹ đặc biệt là thực hiện dán trên những răng bị thụt vào để tăng chiều dày nhằm đạt được sự đều đặn trên cung hàm.
– Răng có tổn thương mòn cổ, hay các vỡ mẻ mặt bên nhỏ.
– Những trường hợp cần tái tạo lại đường viền theo concept smile design.
Bọc răng sứ không cần mài không phù hợp cho trường hợp nào?
– Trường hợp răng nhiễm màu, cần che màu răng gốc thì không thể sử dụng được phương pháp dán sứ không mài răng. Vì độ dày miếng dán quá mỏng, không thể che màu tối ưu
– Chống chỉ định miếng dán không mài cho trường hợp không đủ diện tích men răng dán dính khe thưa lớn, bệnh nhân có nghiến răng, mòn răng mặt trong cũng có chống chỉ định.
– Với trường hợp cần thay đổi hình thể răng, chia lại tỷ lệ nhằm khắc phục răng dị dạng cũng hạn chế sử dụng. Nếu có sử dụng thì xen kẽ chiếc răng này sử dụng phương pháp không mài thì chiếc răng phải mài.
Như bạn thấy, chỉ định làm sứ không mài răng khá hạn chế, nha sĩ sẽ thăm khám và quyết định xem trường hợp của bạn có thích hợp hay là không.
Hiện nay có nhiều quảng cáo trên mạng internet, nói rằng công nghệ mới 100% các trường hợp đều làm không mài răng là hoàn toàn không đúng. Thực tế, công nghệ y tế ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển và hội nhập, bản thân việc điều trị y tế cần dựa trên lý thuyết vững chắc. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ tại những cơ sở nha khoa uy tín để có được câu trả lời chính xác khi bỏ tiền mua dịch vụ nhé.