QUY TRÌNH NHỔ RĂNG KHÔN MỌC LỆCH, MỌC NGẦM

Răng khôn mọc lệch, mọc ngầm được đánh giá khó nhổ hơn so với răng khôn mọc thẳng. Do vậy, khi thực hiện nhổ những răng khôn này, đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm xử lý tình huống dưới sự hỗ trợ đầy đủ các trang thiết bị như: máy chụp XQ, máy rung siêu âm piezotome, kìm, bẩy…

Trong series chương trình How to treat được phát trên kênh Youtube của nha khoa Thùy Anh, bác sĩ Huy sẽ chỉ cho bạn biết quy trình cụ thể để nhổ những chiếc răng này.

1. CHUẨN BỊ TRƯỚC PHẪU THUẬT

Đầu tiên, đương nhiên rồi các bạn sẽ được chụp phim x-quang để xác định chiếc răng đó mọc thẳng kẹt, mọc lệch hay nằm ngang, mọc ngầm trong xương hàm. Trên phim x-quang bạn cũng nhìn thấy các cấu trúc giải phẫu quan trọng như ống thần kinh răng dưới, xoang hàm, hình thể chân răng, vị trí chiếc răng chính xác theo 3 chiều không gian. Hiện nay, khi mà điều kiện kinh tế đã tốt lên nhiều, các phương tiện hiện đại hỗ trợ nhổ răng cũng phong phú. Với các trường hợp răng khôn mọc khó, chúng tôi nghĩ bạn nên chụp phim CT conebeam để có thể khảo sát chiếc răng kỹ hơn. Dữ liệu từ phim CT conebeam cũng giúp nha sĩ lên kế hoạch nhổ răng một cách chính xác và an toàn.

Một chiếc răng khôn nằm ngang thì tiềm ẩn nhiều nguy cơ như gây nhồi nhét thức ăn; gây sâu, hỏng răng số 7 bên cạnh, xô lệch hàm, thậm chí chiếc răng đó nhiễm trùng có thể dẫn đến viêm tấy lan tỏa, viêm mô tế bà. Vì răng khôn nằm ở cấu trúc sâu và bên trong, nên nếu lan tỏa xuống các khoang bên dưới là rất nguy hiểm. 

Ngoài những dụng cụ nha khoa cơ bản thì có một số dụng cụ chuyên dụng dành cho nhổ răng khôn nằm ngang đó là: tay khoan nhanh, tay khoan chậm thẳng và gập góc, các loại kìm, bẩy, bóc tách; máy rung siêu âm piezotome…

Hình ảnh răng khôn mọc lệch trên phim

2. QUY TRÌNH THỰC HIỆN

Đầu tiên nha sĩ sẽ tiến hành gây tê: thuốc tê sử dụng phổ biến là lidocain hoặc articain của pháp. Nha sĩ có thể gây tê tại chỗ xung quanh chiếc răng cần nhổ, hoặc gây tê vùng vào thần kinh ống răng dưới. Những trường hợp tiên lượng cuộc nhổ khó nha sĩ có thể kết hợp cả 2.

Bộc lộ thân răng

Sau khi thuốc tê có tác dụng, nha sĩ sẽ tiến hành rạch mở lợi để bộc lộ thân răng. Rạch mở lợi có ưu điểm là dễ quan sát để thao tác cắt xương, chia chân răng. Tuy nhiên, nhược điểm là rạch lợi gây sang chấn nhiều, dẫn đến sưng nề và đau sau nhổ nhiều hơn. Tại Nha Khoa Thùy Anh, những trường hợp răng 8 nằm ngang nhưng không quá thấp so với răng 7, chúng tôi luôn ưu tiên không rạch lợi, giảm tối đa sang chấn hậu phẫu cho bệnh nhân.

Sau khi bộc lộ thân răng, nếu quan sát thấy răng khôn bị che phủ 1 phần bởi xương hàm thì bác sĩ sẽ giải phóng phần răng kẹt phía xa và phía ngoài bằng mũi khoan tròn với tay khoan thích hợp hoặc sử dụng máy rung siêu âm piezotome tùy độ há miệng của bệnh nhân. Mức độ cắt xương để giải phóng điểm kẹt không nên là quá rộng mà chỉ cần vượt qua đường vòng lớn nhất của thân răng là đủ.

Cắt thân răng

Tiếp theo đó là cắt đôi thân răng khôn. nha sĩ sẽ dùng tay khoan nhanh hoặc chậm với mũi khoan trụ để tiến hành cắt đôi phần thân răng đâm vào răng số 7 giải phóng điểm kẹt. Việc giải phóng điểm kẹt là rất quan trọng và gần như luôn phải thực hiện với những răng nằm ngang. Vì nếu không khi bẩy lấy răng 8, có thể gây lung lay răng 7 thậm chí là nhổ cả răng số 7 lên.

Yêu cầu của đường cắt đó là phải đứt hoàn toàn thân răng 8 mà không cắt phạm vào phần xương và mô mềm xung quanh, diện cắt mở rộng về phía trên để lấy thân răng ra dễ dàng.

Sau khi cắt thân, nha sĩ sẽ dùng bẩy để tách phần thân răng ra và lấy lên trước. Đối với phần chân răng còn lại, nha sĩ cần đánh giá số lượng, hình thái và hướng của chân răng trên phim XQ. Trong trường hợp phần còn lại có nhiều chân răng, các chân răng dài, cong hay phức tạp thì nha sĩ sẽ dùng thêm mũi khoan trụ để chia tách các chân và lấy từng chân ra. Việc chia để trị, cắt lấy từng phần giúp nha sĩ chỉ cần dùng một lực bẩy nhỏ, gây sang chấn ít cũng như loại trừ nguy cơ tổn thương khớp thái dương hàm, nguy cơ gãy xương hàm khi nhổ răng. Với các chân răng ngắn và nhỏ, có thể không cần chia mà có thể lấy lên toàn bộ.

Với những trường hợp chân răng mảnh, chân răng dùi trống lấy ra khó khăn, nha sĩ có thể phải chủ động mở rộng đường thoát chân răng, nghĩa là khoét xương vùng chân răng cho rộng ra. Khi đó sử dụng dụng cụ nhổ răng siêu âm Piezotome sẽ rất có ý nghĩa. Các răng nằm ngang thì thường cũng ở sâu, gần ống thần kinh răng dưới.

Dùng piezotome sẽ giảm tối đa sang chấn cũng như giúp nha sĩ có thể quan sát vị trí nhổ rõ nét hơn việc sử dụng tay khoan.

Sau nhổ răng

Sau nhổ răng, nha sĩ sẽ kiểm soát huyệt ổ răng bao gồm: bơm rửa và nạo sạch hết các tổ chức viêm nhiễm quanh răng, làm nhẵn những thành xương sắc, hay còn gọi lại gai xương. Tiếp theo đó là tiến hành khâu đóng, cho đơn thuốc và dặn dò bạn về chế độ chăm sóc sau nhổ.

Các bạn sẽ quay trở lại phòng nha tái khám và cắt chỉ sau khoảng 7 – 10 ngày. Trong quá trình hậu phẫu sau nhổ nếu có những dấu hiệu như chảy máu không cầm, sưng nề nhiều, há miệng hạn chế, sốt cao… thì bạn cần liên hệ với nha sĩ để có các biện pháp hỗ trợ tốt nhất.

Bệnh nhân khi phát hiện mình có răng khôn mọc ngang trong xương hàm thì thường khá hoang mang. Tuy nhiên các bạn hoàn toàn yên tâm, hiện nay với những hiểu biết của nha sĩ cộng với phương tiện hỗ trợ phong phú sẽ giúp các bạn có cuộc nhổ răng nhẹ nhàng và an toàn.

Nhổ răng khôn là một trong những điều trị thường được thực hiện nhất tại các phòng nha. Trước đây thì dân gian có quan niệm nhổ răng gây tổn thọ, gây thần kinh, tâm thần. Điều này là hoàn toàn không đúng. Việc nhổ một chiếc răng khôn không có chức năng, gây biến chứng là rất quan trọng cho sức khỏe toàn thân của mỗi chúng ta. Ngoài những kiến thức tổng quát kể trên thì mỗi nha sĩ có thể có những kinh nghiệm hay mẹo nhỏ khác nhau. Có thể nói thao tác nhổ răng khôn không có nha sĩ nào giống nha sĩ nào cả.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục