Quá trình tiêu xương sau khi mất răng diễn ra như thế nào?

Hiện nay, tình trạng mất răng ngày càng phổ biến trên toàn thế giới, xảy ra ở mọi lứa tuổi. Vậy điều gì sẽ diễn ra sau khi mất răng? Đâu là phương pháp phục hồi răng mất tối ưu nhất trong nha khoa hiện đại. Trong bài viết hôm nay mời các bạn tìm hiểu những vấn đề xoay quanh chủ đề: “Quá trình tiêu xương sau khi mất răng và phương án phục hình tối ưu cho răng mất”. 

Nguyên nhân gây mất răng 

Mất răng không chỉ do tuổi già mà còn do sâu răng, chấn thương ở người trẻ cũng không ít. Sự phát triển của ngành công nghiệp hiện đại đi kèm với sự ra đời của rất nhiều phương pháp bảo vệ răng miệng toàn diện. Tuy nhiên, sự đa dạng các loại bánh kẹo, nước ngọt có gas cũng phát triển song song. 

Khi quá tập trung vào cuộc sống mưu sinh mà tạm quên đi chăm sóc răng miệng cho con trẻ, để trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt, đặc biệt trong độ tuổi thay răng, bố mẹ là nguyên nhân gián tiếp gây sâu răng ở trẻ. 

Nhiều bạn trẻ mới chỉ mười chín, đôi mươi nhưng thiếu 4 chiếc răng số 6 lý do bởi đây là những chiếc răng vĩnh viễn đầu tiên mọc lên trên cung hàm khi bé khoảng 6 tuổi, khả năng tự chăm sóc răng miệng chưa tốt. 

Một nghiên cứu với tựa đề: “Permanent First Mandibular Molar: Loss Prevalence and Pattern among Saudis in Al-Ahsa” kết luận khoảng 30% số người tham gia nghiên cứu thiếu răng hàm lớn thứ nhất, trong đó hơn 90% nguyên nhân do sâu răng. Đây là một tỉ lệ rất cao trong y khoa nói chung và nha khoa nói riêng. 

Ngoài ra, tai nạn giao thông, tai nạn lao động ngày càng tăng, số lượng người chấn thương vùng hàm mặt, mất răng cũng tăng lên theo từng năm. Vì vậy, mất răng không còn là vấn đề quá xa lạ trong cộng đồng chúng ta, nhiều người chọn chung sống với tình trạng này, những người khác lại ước những chiếc răng vẫn còn đó và trăn trở làm cách nào để phục hồi chúng. 

Như các bạn đã biết, chân răng được kết nối với xương hàm bằng hệ thống dây chằng quanh răng. Hệ thống dây chằng này không chỉ thực hiện chức năng bảo vệ chân răng, kết dính răng với xương hàm, phân tán đồng đều lực nhai mà còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái tạo xương. 

Người ta đã nghiên cứu và phát hiện rất nhiều thụ thể đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc dây chằng quanh răng. Trong đó, thụ thể Pacinian có khả năng thúc đẩy tế bào tạo xương thực hiện chức năng thông qua kích thích từ lực nhai. Vì vậy, khi bạn nhai trên chính răng thật của mình cũng là khi quá trình tạo xương và tiêu xương diễn ra một cách cân bằng, giúp ổn định mức độ xương theo thời gian. 

Có rất nhiều lý do gây mất răng như mất răng do bệnh lý: Sâu răng, viêm quanh răng; mất răng do sang chấn: chấn thương, sang chấn khớp cắn,… và mất răng do tuổi già.  

Răng bị nhổ bỏ không chỉ gây ảnh hưởng không tốt tới chất lượng ăn uống, mà mất răng lâu ngày là nguyên nhân gây tiêu xương và sai lệch khớp cắn do răng đối diện trồi cao, răng phía sau nghiêng ra trước. 

Vị trí mất răng hoàn toàn không chịu lực nhai, không còn kích thích truyền tới thụ thể pacinian nên tế bào tạo xương không được thực hiện chức năng. Vì vậy, quá trình tiêu xương diễn ra vượt trội ở những vị trí mất khiến xương hàm giảm chiều cao và chiều rộng theo thời gian.

Một nghiên cứu tổng quan của May Chun Wei Wong về chủ đề “Những thay đổi kích thước xương sau khi mất răng” (A systematic review of post-extractional alveolar bone dimensional changes in humans) được đăng tải trên tạp chí Research Gate vào năm 2012 đã kết luận rằng quá trình tiêu xương diễn ra liên tục sau khi nhổ răng. 

Cụ thể, xương tiêu trung bình 3.8 mm theo chiều ngang và 1 mm theo chiều dọc mỗi bên trong 6 tháng đầu. Sau đó, quá trình xương tiếp tục tiêu thêm 29 – 63% theo chiều ngang và 11 – 22% theo chiều dọc. Để dễ hình dung, ta có thể so sánh sự mất răng giống như nạn chặt phá rừng vậy! Mất cây xanh khiến đất đai bạc màu, xói mòn và sạt lở đất. Điều tương tự diễn ra trong miệng chúng ta, cụ thể chất lượng xương thoái hoá dần theo thời gian sau khi mất răng.

Như vậy, nếu không có giải pháp phục hình nhằm duy trì lực nhai truyền xuống, xương sẽ tiêu liên tục cho tới khi chỉ còn xương vỏ. Đây cũng là lý do lý giải vì sao quá trình tiêu xương diễn ra liên tục theo thời gian phía dưới phục hình cầu răng. Lực nhai tác dụng lên cầu răng phần lớn được truyền xuống răng trụ, nhịp cầu lõm xuống bề mặt niêm mạc gây áp lực không đáng kể để tạo kích thích tạo xương

Để làm sáng tỏ kết luận trên, Jabbar Hussein Kamel thực hiện nghiên cứu đánh giá sự tiêu xương xung quanh phục hình trên X quang (Radiographic Evaluation of Bone Resorption Around Fixed Prosthodontics) đăng tải trên Research Gate năm 2020. Kết quả của nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt giữa sự tiêu xương ở vị trí răng mất không phục hình và có phục hình cầu răng.

Quá trình tiêu xương tương tự thậm chí nhanh hơn diễn ra trên bệnh nhân sử dụng hàm tháo lắp. Lực nhai truyền từ hàm đối diện xuống răng nhựa, phân tán phần lớn qua nền hàm và toàn bộ bề mặt diện mất răng. Kích thích trên không đủ để thúc đẩy quá trình hình thành xương của nguyên bào tạo xương mà ngược lại là áp lực thúc đẩy quá trình tiêu xương diễn ra mạnh mẽ hơn. 

Năm 2012, Oguz Ozan và cộng sự tiến hành nghiên cứu “Ảnh hưởng của hàm tháo lắp lên xương vùng mất răng” (The effect of removable partial dentures on alveolar bone resorption: a retrospective study with cone-beam computed tomography) rồi công bố kết quả trên chuyên trang khoa học Pubmed. Kết quả nghiên cứu cho thấy tốc độ tiêu xương ở những bệnh nhân sử dụng hàm giả tháo lắp nền nhựa thậm chí còn nhanh hơn nhiều so với không mang hàm tháo lắp. Mặc dù hàm giả tháo lắp và cầu răng từng là những lựa chọn tốt nhất giúp phục hồi răng mất trong quá khứ, những không phải là hiện tại.

Giải pháp tối ưu nhất cho trường hợp mất răng? 

Các nhà khoa học trên toàn thế giới không ngừng đi tìm câu trả lời trong suốt hàng thế kỷ, cuối cùng, sự ra đời của cấy ghép nha khoa hay Implant là một kết quả tất yếu. Trong bài viết này, chúng ta không thể liệt kê hết tất cả những ưu điểm vượt trội của Implant mà sẽ tập trung vào những thay đổi chất lượng xương xung quanh chân răng nhân tạo – Implant.

Sau khi implant được cấy vào xương hàm sẽ diễn ra một loạt những phản ứng từ mô cơ thể bao gồm 4 pha: Pha cầm máu, pha viêm, pha tăng sinh và pha tái cấu trúc. Đầu tiên, tiểu cầu kết tụ quanh chân răng nhân tạo, hình thành mạng lưới fibrin ngăn cản quá trình di chuyển của hồng cầu giúp cầu máu. 

Sau đó, sự có mặt của hệ thống bạch cầu thực hiện phản ứng miễn dịch và hủy cốt bào khởi phát quá trình tiêu xương loại bỏ mảnh xương vụn. Trong một năm đầu sau khi cấy ghép implant, tiêu xương tối đa 1mm diễn ra nhằm khôi phục trình tự cấu trúc tương tự như răng thật – đây gọi là tiêu xương sớm quanh implant. Sau 2 – 6 tuần, tế bào tạo xương hoạt động dưới kích thích từ lực nhai truyền qua chân răng nhận tạo giúp hình thành xương khởi đầu quá trình tái cấu trúc xương, giúp implant tích hợp ổn định vào xương.

Implant được xem là tích hợp tốt vào xương nếu quá trình tiêu xương xấp xỉ 1mm trong năm đầu tiên và khoảng 0.2mm trong những năm tiếp theo. Xương quanh implant ổn định có dạng lõm xuống hơn so với xương quanh răng lân cận. Trên đây là hình ảnh trích xuất từ nghiên cứu “Tiêu mào xương sớm, liệu có thực”? đăng tải trên Pubmed mô tả (Early crestal bone loss: Is it really loss?) tái sinh xương hình thành mào xương ổn định quanh chân răng nhân tạo, được theo dõi từ lúc cấy implant, đặt trụ lành thương cho đến khi hoàn tất bằng phục hình răng sứ phía trên. Quan sát sự thay đổi chiều cao xương, tác giả khẳng định trong một số trường hợp, có sự tái sinh và bồi xương quanh implant sau 2 năm tích hợp.

Câu hỏi đặt ra ở đây là: “Cấy ghép chân răng nhân tạo càng sớm càng tốt đúng không”? và “Đâu là thời điểm vàng để cấy implant”. Để trả lời câu hỏi trên, tôi sẽ gợi mở cho các bạn về thời điểm tốt nhất để cấy ghép implant từ những nghiên cứu và cập nhất trên thế giới.

Như vậy, implant giúp bảo tồn xương tốt hơn rất nhiều so với phục hình răng mất bằng cầu răng hay hàm giả tháo lắp, ngoài ra đây là phương pháp tối ưu nhất giúp phục hồi chức năng ăn nhai tự nhiên mà không gây khó chịu cho bệnh nhân cũng như không ảnh hưởng tới những răng lân cận. 

Hi vọng thông tin bài viết trên do bác sĩ Mạnh đến từ nha khoa Thùy Anh đã giúp bạn hiểu lý do vì sao mất răng lâu ngày gây tiêu xương cũng như tầm quan trọng của cấy ghép implant đúng thời điểm.

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background