Nứt vỡ răng: Nguyên nhân và phân loại – nha khoa Thùy Anh

Tình trạng đau do nứt răng ngày càng nhiều tại Việt Nam, đặc biệt khi chúng ta có thói quen thích ăn nhai đồ ăn cứng như cắn hạt, nhai xương, sụn…Việc đưa ra chẩn đoán răng nứt cần phân biệt với các bệnh lý đau răng khác kèm theo một chiến lược điều trị hiệu quả sẽ giúp bạn có khả năng giữ lại được chiếc răng thật quý giá của mình. Sau đây hãy cùng chúng tôi giải đáp các vấn đề xoay quay “răng nứt”.

Răng nứt là gì?

Không khó khi chúng tôi bắt gặp hình ảnh bệnh nhân đến với nha khoa Thùy Anh trong tình trạng đau răng và không thể nhai được cùng bên răng đau, một trong những dấu hiệu gợi ý răng bạn có thể bị nứt. 

Nhìn vào hình minh họa trên, chúng ta thấy rõ một chiếc răng gồm 3 phần: Bên ngoài là men răng, ở giữa là ngà răng và tủy răng là phần trong cùng. Răng nứt được định nghĩa là một vết nứt có thể qua bề mặt men hoặc ngà không rõ độ sâu hay độ mở rộng về đường đi hoặc một vết nứt không hoàn toàn kéo dài từ thân răng xuống dưới lợi, răng chưa bị nứt thành từng mảnh mặc dù vết nứt có thể lan rộng dần. Chẩn đoán sớm là rất quan trọng để cứu chiếc răng của bạn.

Hiệp hội Nội Nha Hoa Kỳ năm 2015 đã tiến hành một cuộc khảo sát về tình trạng răng bị nứt và gãy dọc chân răng tăng lên đáng kể so với thập kỷ trước. Tạp chí Nội Nha (JOE) gần đây cũng xuất bản bài báo cho thấy tỉ lệ răng nứt tăng lên ở nhóm tuổi 40 – 60 (năm 2020); nam giới 40 – 60 và nhóm tuổi trên 60 (năm 2021).

Tại sao răng lại bị nứt?

Nguyên nhân gây nứt răng có thể do nhiều yếu tố:

– Guersten và cộng sự có báo cáo cho rằng lực quá mạnh tác động lên một chiếc răng khỏe mạnh hoặc là lực sinh lý tác dụng lên một chiếc răng yếu có thể gây ra nứt răng.

– Lynch và cộng sự chia nguyên nhân gây nứt răng thành 4 nhóm chính: Các phục hồi răng; yếu tố khớp cắn; Cấu trúc nội tại răng trong quá trình phát triển và nhóm các nguyên nhân khác. Nếu răng bạn có 1 vài đặc điểm trong các yếu tố sau đây thì rất có khả năng răng của bạn cũng dễ bị nứt theo thời gian. Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng vì khi có một thói quen ăn nhai tốt và thăm khám răng miệng định kỳ sẽ giúp cho chúng ta tránh khỏi những biến chứng không đáng có.

Chúng tôi xin kể một câu chuyện bệnh nhân đến với chúng tôi trong tình trạng nứt vỡ tất cả các múi răng hàm, răng mòn và thỉnh thoảng 1 chiếc bị bể dẫn đến đau buốt. Bệnh nhân cũng là 1 thầy thuốc đông y chuyên bấm huyệt. Sau khi thăm khám nha sĩ nói rằng a bị nghiến răng, chỉ có lực nghiến siết chặt răng mạnh mới gây nên tình trạng nứt vỡ hàng loạt thế này. Bệnh nhân có phần nghi ngờ vì khẳng định rằng không hề nghiến răng, người nhà cũng không phản ánh điều đó. Tuy nhiên bệnh nhân sau khi về nhà cũng bắt đầu để ý hơn và phát hiện ra mỗi lần bấm huyệt thì đều cắn chặt 2 hàm để tập trung lực lên ngón tay nhằm bấm huyệt cho hiệu quả theo quan niệm của bệnh nhân. 

Bệnh nhân sau đó quay lại thừa nhận vấn đề vô thức của mình là nghiến chặt răng mỗi lần làm việc, và được chỉ định đeo máng chống nghiến ban ngày. Việc hiểu rõ nguyên nhân mới giúp can thiệp điều trị được bền vững, hiệu quả. Sau đây là các nguyên nhân chính chúng tôi liệt kê:  

+ Các phục hồi răng

a - Răng có miếng trám amalgam lớn b - pin ngà răng khi thân răng vỡ lớn c - cùi chốt đúc thân răng

Răng có các miếng trám như composite, amalgam, đặt chốt chân răng, hoặc trong quá trình gắn chặt cầu, chụp tạo áp lực quá mức, tất cả đều gây ra một áp lực lên răng còn lại. Việc loại bỏ hơn mức cần thiết mô răng trong quá trình chuẩn bị xoang trám cũng được chứng minh là giảm đáng kể độ cứng của răng. Những răng này đều có khả năng nứt gãy theo thời gian.

Ratcliff và cộng sự ước tính rằng sự phục hồi thân răng có thể khiến răng có nguy cơ bị gãy gấp 29 lần so với một chiếc răng khỏe mạnh. Sự khác biệt về hệ số giãn nở giữa mô răng và vật liệu phục hồi có khả năng gây nứt răng.

Đọc đến đây, chúng ta không được hiểu lầm và bác bỏ vai trò của các vật liệu phục hình, nhiều người sẽ nghĩ rằng “tôi sẽ không hàn răng nếu răng sâu và cũng không cần làm chụp nếu răng vỡ vì răng tôi sẽ dễ nứt hơn”. Đối với 1 chiếc răng đã bị các tổn thương như sâu hay đã điều trị tủy, việc thực hiện các phục hồi dường như là bắt buộc, nếu không, tuổi thọ của chiếc răng đó sẽ rất ngắn và nguy cơ phải nhổ bỏ chiếc răng là cực kì cao. Vậy nên chúng ta cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vệ sinh răng miệng và thăm khám định kỳ để có 1 hàm răng chắc khỏe thay vì lo lắng về những phục hồi đang có trong miệng.

+ Yếu tố khớp cắn

Trushkowsky đã kết luận rằng nguyên nhân phổ biến nhất gây ra nứt răng là do “tai nạn nhai” – cắn đột ngột vào một vật cứng như hạt, xương với lực quá mạnh. Các đồ cứng khi ăn nhai có thể gây nứt như nhai trầu, vô tình nhai phải sạn, cắn hạt hoa quả,..

Các cản trở cắn (do kết cấu của bộ răng) trong vận động ăn nhai cũng có thể dẫn đến nứt. Các thói quen nghiến răng cận chức năng cũng tạo ra lực nhai đáng kể, đặc biệt là nghiến răng về đêm, vỏ não bị ức chế khi ngủ làm răng tác dụng lực nhai lớn hơn, tăng nguy cơ nứt.

+ Cấu trúc nội tại răng trong quá trình phát triển

Răng có thể xuất hiện 1 số vùng cấu trúc bị yếu do quá trình hình thành men ngà kém, những vùng không được khoáng hóa tốt, khi ăn nhai dễ bị nứt vỡ. Cấu tạo của một chiếc răng có hố rãnh sâu, các góc múi dốc làm  tăng nguy cơ nứt.

+ Yếu tố nguyên nhân khác

Các tác động của khuyên lưỡi trong khoang miệng, sự nứt vỡ phát sinh từ những dụng cụ quay tốc độ cao, hay mòn răng và các yếu tố thay đổi nhiệt cũng có thể gây ra các vết nứt trên men răng.

Răng bị lão hóa cũng dễ bị nứt hơn do các mô cứng trở nên giòn và kém đàn hồi hơn theo tuổi tác, lực tác dụng lên răng này có thể vượt quá giới hạn đàn hồi của ngà.

Các hình thái nứt răng

Hiệp hội Nội nha Hoa Kỳ (AAE) thông qua bản thảo 2015-2016 về các khái niệm trong nứt răng được sửa đổi thêm 1 số thuật ngữ mới năm 2022 như sau:

+ Sự mài mòn  

Trước đây không được kể đến trong các thuật ngữ về nứt răng. Đây là sự mất cấu trúc mô cứng của răng hình chữ V do lực tải cơ sinh học từ độ uốn và sự thoái hóa của men/ngà răng tại vị trí cách xa điểm chịu lực thực tế.

Mài mòn răng thường tập trung vùng cổ răng, gây ê buốt mỗi lần ăn nhai đồ nóng lạnh hay dai cứng. Mài mòn chủ yếu đến từ sự xoắn vặn do lực cắn khớp kết hợp thói quen dùng bàn chải răng lông cứng, lực chải quá mạnh và các loại kem đánh răng chứa chất mài mòn cao. Phát hiện sớm bạn chỉ cần hàn trám, điều chỉnh khớp cắn và chế độ vệ sinh là sẽ khắc phục được vấn đề. 

+ Đường rạn men

Đây là những đường nứt siêu nhỏ ở men răng, không làm mất cấu trúc răng. Bạn có thể tự mình soi gương và thấy các vết rạn chạy theo trục răng, chiếc răng không đau nhức, vẫn khỏe mạnh. Chúng ta chẳng cần can thiệp gì và nếu muốn thẩm mỹ hơn, có thể cân nhắc 1 miếng dán veneer xâm lấn tối thiểu. Rạn men không đáng lo ngại các bạn nhé. 

+ Nứt răng

Nứt vỡ bề mặt men răng và ngà răng, không rõ ràng về độ sâu và mức độ lan rộng của đường nứt.

Đây là tình huống điều trị khó trong nha khoa, vì chưa rõ đường nứt đi đến đâu nên bắt buộc nha sĩ phải điều trị bảo tồn từng bước. Và khi đó có thể phải thực hiện 1 chuỗi vừa điều trị vừa theo dõi đáp ứng của răng. 

Ví dụ ban đầu nha sĩ có thể hàn trám lại, vẫn còn đau thì thực hiện cố định đường nứt bằng vòng kim loại, chiếc răng vẫn đau cần chỉ định điều trị tủy và nếu vết nứt quá sâu có thể phải nhổ răng cấy implant. 

Vấn đề đặt ra là: Việc điều trị bảo tồn từng phần có thể khiến bệnh nhân lo lắng hoang mang và nghi ngờ nha sỹ. Tuy nhiên quan điểm y học hiện đại là bảo tồn tối đa, cho nên rất cần một sự hiểu biết và hợp tác của bệnh nhân trong nỗ lực chung là giữ chiếc răng đến mức tốt nhất có thể. 

+ Vỡ, gãy răng

Sự tách rời hoặc vỡ các cấu trúc của răng, múi răng, có thể nhìn thấy hoặc không nhìn thấy trên lâm sàng, có thể có đoạn tách rời hoặc không. Vỡ gãy răng biểu hiện bằng sự vỡ vụn và thường đến từ ngoại lực tác động trực tiếp lên răng như bệnh nhân bị tai nạn chẳng hạn.

+ Gãy chân răng

Vết gãy tồn tại ở chân hoặc kéo dài từ thân đến phần chân răng bên dưới. Gãy chân răng thường biểu hiện các đường gãy ngang và cũng gặp chủ yếu do tai nạn va đập. 

+ Gãy dọc chân răng

Gãy chân răng kéo dài theo mặt phẳng trục bên trong chân răng.

+ Răng nứt đôi

Chiếc răng có đường nứt sâu dưới lợi, có thể chia tách răng thành 2 nửa với vết nứt rộng. Tình huống này chiếc răng được nhổ ra và chuẩn bị cho việc đặt chân răng nhân tạo mới. 

Trên đây là nguyên nhân cũng như các tình trạng nứt vỡ răng. Ở bài viết tiếp theo chúng tôi tiếp tục trình bày về phương pháp chẩn đoán và chiến lược điều trị nứt răng. Mời các bạn đón đọc.

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background