Nứt vỡ răng: Các triệu chứng và phương án điều trị – nha khoa Thùy Anh
Chào các bạn tôi là bác sỹ My – Nha Khoa Thùy Anh, trong bài viết trước chúng tôi đã trình bày chủ đề: “Nguyên nhân và phân loại nứt vỡ răng”. Trong bài viết dưới đây, bác sĩ My – khoa phẫu thuật và phục hình trong miệng nha khoa Thùy Anh sẽ trình bày tiếp về các triệu chứng và phương án điều trị nứt răng, mời các bạn cùng theo dõi.
Các dấu hiệu của hội chứng nứt răng và chẩn đoán nứt răng
Việc chẩn đoán hội chứng nứt răng được biết đến như một thách thức với cả các bác sĩ dày dặn kinh nghiệm vì triệu chứng liên quan đến từng bệnh nhân là rất đa dạng và đôi khi kì lạ. Brady BV đã có báo cáo rằng 20% bệnh nhân được giới thiệu đến các bác sĩ chuyên gia với chẩn đoán không chắc chắn. Việc chẩn đoán sớm các răng có “hội chứng nứt” quyết định tỉ lệ cứu sống chiếc răng của bạn.
Chẩn đoán răng nứt bắt đầu bằng bệnh sử nha khoa và đánh giá cẩn thận các triệu chứng khi thăm khám trên miệng bệnh sử nha khoa nghĩa là cái hoàn cảnh bạn phát hiện ra rằng mình bị nứt hay bất thường.
Đặc biệt là cảm giác nhạy cảm với lạnh và đau nhói khi cắn thức ăn cứng hoặc dai và hết khi giải phóng áp lực – nghĩa là bạn cắn lại sẽ thấy răng đau, nhưng nhả ra lại thấy hết đau, khi không cắn gì thì bạn cũng không đau gì cả.
Các triệu chứng khác như: Bệnh nhân chỉ có thể nhai một bên và không thể nhai bên còn lại, có thể kèm theo cơn đau dai dẳng, đau lan lên tận đầu. Triệu chứng có thể khác nhau tùy theo độ sâu và hướng vết nứt. Chúng ta hãy để ý những dấu hiệu bất thường này để có thể tìm gặp nha sĩ sớm và kịp thời nhất.
Ngoài ra, nha sĩ sẽ sử dụng một số nghiệm pháp kết hợp trong quá trình đưa ra chẩn đoán cuối cùng:
– Một số vết nứt có thể được quan sát trực quan nhưng không phải lúc nào cũng dễ nhận thấy. Sử dụng kính lúp phóng đại và chiếu sáng bởi đèn huỳnh quang có thể hữu ích. Đôi khi loại bỏ các phục hình, vết hàn hiện có cũng giúp bộc lộ được đường gãy.
– Việc sử dụng chất nhuộm làm nổi bật đường gãy (xanh methylen hay tím gentian) được 1 số tác giả mô tả. Tuy nhiên, kĩ thuật này có thể mất vài ngày để đạt được hiệu quả và có thể phải đặt thêm 1 phục hình tạm trên răng, điều này có thể dẫn đến sự lan truyền vết nứt rộng hơn.
– Việc sử dụng cây thăm dò nha chu cũng có thể phát hiện được những đường gãy kéo dài dưới lợi.
– “Thử nghiệm cắn” như sử dụng que gỗ, cuộn bông gòn, để bệnh nhân cắn vào rồi nhả ra ngay lập tức để xem đáp ứng đau có thể hữu ích. Tuy nhiên phải có sự đồng ý của bệnh nhân vì có thể gây ra tình trạng vết nứt rộng thêm. Gõ phân ly theo đỉnh múi cũng có thể phát hiện được múi răng nào trong bề mặt nhai của răng đang gặp vấn đề.
– Các phương pháp thử tủy, kiểm tra khả năng sống của tủy ( thử điện và thử lạnh)
– Xquang 2 chiều cũng được sử dụng hạn chế vì các vết nứt thường theo hướng gần – xa mà trên phim không thể hiện được. Phim 3 chiều (CTCB) có thể chỉ điểm được các vết nứt sâu ở chân răng. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng rất khó phát hiện các dấu vết nứt răng trên Xquang. Chủ yếu việc chẩn đoán dựa trên khai thác lịch sử bệnh và kinh nghiệm trước các triệu chứng lâm sàng mà thôi.
Ủy ban đặc biệt của Hiệp hội nội nha Mỹ (AAE) 2016 đã đưa ra một số gợi ý răng bị nứt /gãy như sau:
– Đau khi cắn
– Sưng tấy
– Lỗ dò
– Sự nhạy cảm với kích thích nhiệt, điện và mức độ lung lay
Nếu có 1 trong 4 dấu hiệu trên trong quá trình ăn nhai, hãy cảnh giác vì chiếc răng của bạn đang có vấn đề, hãy đến gặp nha sĩ càng sớm càng tốt. 3 đặc điểm tiếp theo được đưa ra như những gợi ý đối với bác sĩ khi thăm khám trên miệng của bạn.
– Túi nha chu khi thăm dò lớn hơn 6 mm
– Xquang thông thường cho thấy hình ảnh thấu quang chữ “J” ( J shaped), có thể thấy vết gãy hoặc sự tách rời chân răng. CTCB cũng có thể nhìn thấy rõ ràng khi chân răng tách đôi.
– Tiêu xương mà không có tổn thương nha chu
Bởi vì việc chẩn đoán răng nứt chính là sự xâu chuỗi các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu, vì vậy một kỹ thuật khác mà các nha sĩ dày dặn kinh nghiêm luôn sử dụng đó là bạn phải loại trừ các nguyên nhân bệnh lý khác, để cuối cùng thì xác xuất quy hồi về chẩn đoán nứt răng là cao nhất.
Phương án điều trị răng nứt
Nguyên tắc của điều trị một chiếc răng bị nứt là cố định các đoạn răng không làm cho chúng di chuyển thêm khi chịu lực, từ đó giảm bớt các triệu chứng đau khi cắn, ngăn chặn sự lan rộng vết nứt và giảm sự xâm nhập của vi khuẩn vào tủy răng. Chúng ta có thể loại bỏ múi răng bị tổn thương và khôi phục lại khiếm khuyết đó bằng vật liệu phù hợp.
Có rất nhiều cách “cố định” chiếc răng lại. Chúng ta có thể chia thành 4 nhóm chính sau đây:
Cố định ngay tức thì
– Điều chỉnh khớp cắn: Giảm áp lực lên răng, giảm triệu chứng đau. Tuy nhiên việc giải phóng khớp cắn chỉ mang lại kết quả hạn chế vì răng vẫn có thể đau khi nhai viên thức ăn lớn, và cũng có thể gây ra những cản trở cắn không mong muốn trên cung hàm.
– Vòng đồng/band chỉnh nha: Răng không bị vỡ vụn có thể áp dụng cố định ngay bằng “ nẹp xung quanh thân răng”, làm vừa khít, tạo đường viền không cản trở khớp và gắn bằng xi măng. Sau khi theo dõi 2 – 4 tuần, không còn triệu chứng đau có thể là dấu hiệu đã chẩn đoán chính xác chiếc răng đó. Nếu nhạy cảm với nhiệt, có thể cần điều trị tủy và giữ nguyên “band” cho đến khi làm chụp răng.
– Nẹp composite trực tiếp: Đây được cho là một phương pháp không xâm lấn, hạn chế mài răng, một thanh nẹp phẳng ở vị trí khớp cắn. Composite dán với độ dày 1 – 1.5mm và tạo đường viền để tránh các tiếp xúc cắn khi chuyển động hàm sang bên. Nó giống hệt khái niệm chụp răng tuy nhiên chỉ là tạm thời ít tốn kém hơn và hạn chế phải mài răng.
Phục hồi trực tiếp không che phủ múi răng
Hiện nay chúng ta có thể sử dụng composite hoặc GIC cho các phục hồi trực tiếp. Người ta hi vọng khi sử dụng các vật liệu này bám vào 2 bên đường gãy nhằm ngăn cản sự nứt thêm.
Opdam và cộng sự công bố 1 báo cáo vào năm 2008 đánh giá hiệu quả của sử dụng composite để phục hồi những chiếc răng bị nứt (mà trước đây đã từng hàn bằng amalgam), kết quả cho thấy tỉ lệ thất bại hàng năm là 6%.
Chất hàn GIC có thể làm vật liệu lót kết hợp khi trám bằng composite trên diện rộng, làm giảm mức độ co rút của vật liệu composite trong quá trình trùng hợp mối hàn.
Giải pháp sử dụng các phục hồi trực tiếp có thể tiết kiệm được chi phí và thời gian cho bệnh nhân, tuy nhiên chỉ nên sử dụng trong 1 số trường hợp tổn thương nhỏ, cần phải cân nhắc kĩ lưỡng và đặc biệt tránh ở những bệnh nhân có dấu hiệu nghiến răng.
Với thói quen nhai của người Việt thì một sự dán dính kết nối 2 đầu vết nứt với nhau có thể chưa đủ để yên tâm về lâu dài.
Phục hồi trực tiếp, che phủ múi răng
Van Dijken đã báo cáo về tỉ lệ thành công là 72,7% đối với các răng được phục hồi bằng miếng inlay/onlay nhựa composite thực hiện trực tiếp tiếp trên miệng (trong khoảng thời gian 11 năm). Nếu có phải điều trị tủy thì việc tiếp cận hệ thống ống tủy trên phục hồi trực tiếp cũng dễ dàng hơn.
Phục hồi gián tiếp (không hoặc có che phủ múi răng, inlay/onlay/chụp răng)
– Phục hồi onlay mang lại ưu điểm bảo tồn mô răng, có thể kết nối 2 phần răng bị nứt lại với nhau nhờ lực keo dán. Có ý kiến cho rằng chấn thương tủy cũng sẽ ít hơn vì mức độ sửa soạn của phục hình này ít.
– Chụp răng toàn bộ cho phép lực nhai được phân bổ toàn bộ trên răng đã được sửa soạn làm giảm thiểu lực căng truyền đến vết nứt. AAE cho rằng làm chụp sớm ở giai đoạn đầu của nứt răng, khoảng 80% có thể không cần điều trị tủy, có báo cáo cho thấy sự cải thiện tiên lượng răng lên 98% trong 11 năm. Bệnh nhân nên được thông báo rằng tất cả răng bị nứt cần được làm chụp như một phần của quá trình điều trị. Tỉ lệ thành công để cứu sống 1 chiếc răng nứt sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm bạn đến thăm khám nha sĩ và độ sâu của đường nứt đến đâu.
Chụp răng cố định ưu điểm là khỏe, tính lưu tốt và bảo vệ đường nứt không toác ra thêm. Nó vẫn là lựa chọn hàng đầu và tiêu chuẩn vàng trong việc phục hình cho răng nứt.
– Những trường hợp nứt răng sâu hơn như gãy dọc thân chân răng. Một chiếc răng chỉ có 1 chân sẽ phải nhổ bỏ. Răng nhiều chân được đánh giá kĩ lưỡng và có thể được cứu bằng thủ thuật cắt bỏ 1 phần chân răng bị gãy và giữ lại các chân răng nguyên vẹn còn lại. Trong một vài báo cáo của Basten, Svardstrom, Derks nếu cắt 1 phần chân răng thì tỉ lệ sống sót của phần răng còn lại là 92% trên 12 năm, trong vòng 7 – 30 năm là từ 79 – 91%.
Với tình huống gãy ngang chân răng dưới lợi, nha sĩ có thể không cần can thiệp gì mà theo dõi để cơ thể tự làm việc và lành thương sau đó thì quyết định có giữ tủy hay không.
Như vậy, có nhiều cách để cố gắng bảo tồn một chiếc răng nứt, tùy theo mức độ và vị trí của vết nứt, việc tồn tại được lâu dài hay không sẽ phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu can thiệp và loại phục hồi sử dụng, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phù hợp nhất cho chiếc răng của bạn.
Mặc dù một chiếc răng bị nứt có thể sửa chữa để tăng khả năng tồn tại nhưng nó sẽ không bao giờ được chữa lành hoàn toàn. Việc điều trị kịp thời sẽ mang lại cơ hội tốt nhất để cứu răng của bạn. Một thói quen vệ sinh răng miệng tốt, tránh thức ăn cứng và đeo máng nhai nếu bạn có tình trạng nghiến răng hoặc chơi các môn thể thao lực va đập mạnh sẽ giúp ích rất nhiều trong việc bảo vệ hàm răng khỏe mạnh. Bất kì khi nào có biểu hiện bất thường về răng miệng gồm 1 trong số các triệu chứng kể trên, hãy đến thăm khám tại các cơ sở nha khoa uy tín với các bác sĩ dày dặn kinh nghiệm để được chẩn đoán chính xác và có một phác đồ điều trị hợp lý.
NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM
Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…
Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318
Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN
Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh