Những điều cần biết về hôi miệng – Nguyên nhân và cách điều trị

Hôi miệng là tình trạng hơi thở có mùi hôi, nguồn gốc xuất phát từ trong khoang miệng. Đây là bệnh lý không gây nguy hiểm nhưng lại có sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh. Thử tưởng tượng bạn tới một buổi hẹn phỏng vấn xin việc, một cuộc gặp gỡ với đối tác hay một cuộc hẹn hò với crush và hơi thở của bạn có mùi hôi thì sẽ thật ngại ngùng biết bao, chưa kể hôi miệng sẽ khiến đối phương cảm thấy khó chịu khi giao tiếp với bạn. 

Vậy nguyên nhân nào khiến bạn bị hôi miệng? Điều trị hôi miệng như thế nào? Hãy cùng Nha Khoa Thuỳ Anh Hà Nội tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Nguyên nhân gây hôi miệng là gì?

Bệnh lý hôi miệng chiếm 40% tỷ lệ dân số, có thể xếp hạng hôi miệng chỉ sau bệnh lý sâu răng, viêm nha chu. Sở dĩ hơi thở có mùi hôi khó chịu là do sự giải phóng của các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi. Việc tìm hiểu các nguyên nhân gây ra bệnh sẽ giúp bạn dễ dàng khắc phục được căn bệnh này. 

Chăm sóc răng miệng chưa đúng cách 

+ Hầu hết nguyên nhân gây hôi miệng là do vệ sinh răng miệng kém. Nếu như các mảnh vụn thức ăn không được làm sạch sẽ dẫn đến sự tích tụ của vi khuẩn (hay còn gọi là mảng bám) trên răng. Bề mặt không bằng phẳng của lưỡi cũng như amidan có thể mắc kẹt các mảnh thức ăn và vi khuẩn trong miệng, tạo ra mùi hôi. 

+ Vệ sinh răng miệng chưa đúng cách còn là nguyên nhân gây ra các bệnh lý nha chu, các bệnh về nướu gây ra mùi hôi. 

+ Lớp cặn lưỡi do vệ sinh răng miệng kém, nhiễm nấm candida

Hãy vệ sinh răng miệng kỹ càng và có thói quen lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần để hàm răng của chúng ta luôn trắng sạch, chắc khoẻ và thơm tho nhé.

Khô miệng

Sự suy giảm lượng nước bọt sẽ khiến khoang miệng của bạn bị khô và có mùi hôi khó chịu. Tình trạng này thường gặp sau giấc ngủ ban đêm, đó là lý do tại sao hầu hết mọi người đều thấy hơi thở của mình có mùi hôi khi thức dậy. Đây là điều hoàn toàn bình thường, tuy nhiên nếu như tình trạng khô miệng tồn tại trong suốt cả ngày thì có thể bạn đang gặp vấn đề, lúc này bạn nên đi thăm khám để được bác sĩ kiểm tra tình trạng cụ thể hơn

Do thức ăn, đồ uống có mùi vị nặng

Những thực phẩm như hành, tỏi chứa hàm lượng sulphur cao hay nước uống chứa chất gây khô miệng, đồ uống có chứa cồn, những thực phẩm từ sữa khi phân huỷ trong miệng sẽ giải phóng các amino axit chứa nhiều sulphur có thể đi xuyên qua lớp lót đường ruột vào máu và được đưa đến phổi. Từ đó ảnh hưởng tới hơi thở của chúng ta, gây ra tình trạng hôi miệng.

Do hút thuốc lá

Việc hút thuốc lá làm tăng hàm lượng chất dễ bay hơi trong miệng và phổi, làm khô niêm mạc miệng gây ra tình trạng hôi miệng. Không những vậy hút thuốc là còn khiến cho các bệnh về nướu tiến triển nặng hơn, làm hỏng mô nướu. 

Do một số bệnh y khoa khác

+ Một số người hơi thở có mùi hôi nguyên nhân có thể là do mắc một số bệnh như nhiễm trùng xoang, viêm phế quản mãn tính, rối loạn hô hấp… Đối với trường hợp này mùi hôi chỉ xuất hiện hoặc diễn tiến nghiêm trọng khi thở bằng mũi. Mùi hôi sẽ không đáng kể nếu thở bằng miệng. Những bệnh lý y khoa này sẽ có các biểu hiện đặc trưng đi kèm với mùi hôi, chẳng hạn như nghẹt mũi, đau đầu, sốt…

+ Bệnh về dạ dày – ruột: Hôi miệng là một trong những triệu chứng thường gặp của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản. Thoát vị hoành cũng gây chứng trào ngược dạ dày – thực quản. Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori gây viêm loét dạ dày cũng có thể là nguyên nhân của chứng thở hôi. 

+ Tình trạng Ketosisdo đái tháo đường, các bệnh của gan, thận… cũng có thể đưa tới nguy cơ cơ thể có mùi ketone trong hơi thở do sự phân huỷ mỡ. 

+ Hội chứng mùi cá ươn (trimethylaminuria): Đây là hội chứng di truyền hiếm gặp, hiện tại trên thế giới có khoảng 600 người mắc phải hội chứng này. Nguyên nhân là do rối loạn chuyển hoá, cơ thể không chuyển hoá trimethylaminuria có trong thực phẩm có mùi tanh. Khi ăn vào khiến hoá chất tích tụ bên trong cơ thể, nhất là gan trước khi nó được bài tiết ra ngoài dù bệnh nhân đã dùng mọi biện pháp tắm rửa thường xuyên, vệ sinh nhiều lần trong ngày.

Làm thế nào để xác định mình mắc chứng hôi miệng?

Có 2 cách chủ yếu giúp bạn xác định được mình có bị hôi miệng hay không?

– Cách 1: Tự kiểm tra

Với cách này, bạn có thể úp lòng lại bàn lại sau đó thở ra bằng miệng rồi ngửi mùi trong lòng bàn tay xem có mùi khó chịu hay không. 

Ngoài ra bạn có thể ngửi mùi trên chỉ nha khoa để xác định xem hơi thở của mình có mùi hay không hoặc có thể nhờ người xung quanh xác định khi tiếp xúc gần với họ

– Cách 2: Sử dụng thiết bị y tế để kiểm tra 

Đôi khi việc tự kiểm tra sẽ không được chính xác hoàn toàn do sự cảm mùi của từng người là  khác nhau. Bạn có thể sử dụng thiết bị chuyên khoa Halimeter giúp kiểm tra chính xác mùi hơi thở. Phương pháp này có thể giúp bạn xác định chính xác tình trạng và nguyên nhân gây bệnh, từ đó có được biện pháp xử lý thích hợp. 

Điều trị hôi miệng như thế nào?

– Vệ sinh răng miệng đúng cách: 

Xây dựng thói quen vệ sinh răng miệng 2 lần/ngày và chải răng đúng cách để răng miệng được khoẻ mạnh. Ngoài ra bạn cần thay bàn chải đánh răng khoảng 4 tháng/lần, sử dụng chỉ tơ nha khoa để làm sạch thức ăn dắt ở các kẽ răng. Chải lưỡi bằng bàn chải đánh răng hoặc dụng cụ cạo lưỡi giúp loại bỏ các vi khuẩn. 

– Uống nước thường xuyên có thể giúp loại bỏ hoặc ngăn ngừa tình trạng khô miệng từ đó làm giảm mùi hôi miệng. 

– Hình thành thói quen đi thăm khám và vệ sinh răng miệng 6 tháng/lần 

– Duy trì chế độ ăn uống khoa học: 

Chế độ ăn có ảnh hưởng quan trọng đến mùi hơi thở. Bởi vậy mà các bạn nên hạn chế đồ ăn có mùi nặng như hành, tỏi, thức ăn cay nóng…

– Điều trị dứt điểm các bệnh lý như: trào ngược dạ dày – tá tràng, bệnh gan…

Hôi miệng tưởng chừng như đơn giản nhưng chúng lại là bệnh lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng tới công việc,… Hãy chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ răng miệng thật tốt để ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh nhé! 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục