Nhổ răng khôn phòng ngừa: Liệu có chính đáng hay không? Bác sĩ Bình

Răng khôn mọc lên gây các biến chứng như viêm nhiễm, sưng đau, u nang xương hàm, tiêu xương, sâu hỏng răng bên cạnh… Một số trường hợp viêm nhiễm nặng do răng khôn còn có thể gây viêm mô tế bào vùng mặt, ảnh hưởng tới sức khỏe toàn thân… Chỉ định nhổ răng đã có khôn biến chứng rõ ràng hoặc gây phiền toái trong sinh hoạt hằng ngày là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên cũng có răng đang khỏe mạnh, hoàn toàn không gây nên bất cứ cái sự khó chịu nào thì một chỉ định “phòng bệnh hơn chữa bệnh” nhổ nhầm còn hơn bỏ sót, liệu có chính đáng? 

Phòng khám nha khoa Thùy Anh thường xuyên nhận được câu hỏi rằng: Răng khôn của em trước giờ không đau hay không khó chịu gì, thì có nên nhổ hay không? Câu hỏi trên xác đáng, và cũng là cuộc tranh luận kéo dài của các bác sĩ phẫu thuật trong miệng. Một bên ủng hộ nhổ tất cả các răng khôn để phòng ngừa biến chứng, một bên phản đối nhổ răng không triệu chứng, không bệnh lý vì lo ngại biến chứng không cần thiết sau phẫu thuật và gánh nặng kinh tế cho nền y tế.

Dễ hình dung, bạn tưởng tượng như việc cắt ruột thừa chẳng hạn. Bác sĩ ngoại khoa sẽ ngay lập tức mổ cắt bỏ khi phát hiện viêm nhiễm, tuy nhiên trường hợp ruột thừa hoàn toàn bình thường thì không cần thiết một cuộc mổ cắt dự phòng? Điều tương tự liệu có đúng với răng khôn hay là không? 

Y học hiện đại thúc đẩy việc thực hành dựa trên bằng chứng và không khuyến khích việc điều trị có giá trị đáng nghi ngờ và khả năng gây tổn thương đáng kể cho sức khỏe cộng đồng. Trong bài viết dưới đây, bác sĩ Bình – trực thuộc khoa phẫu thuật và phục hình trong miệng tại nha khoa Thùy Anh sẽ đưa ra một số luận cứ, bằng chứng khoa học về chủ đề nhổ răng khôn dự phòng, giúp bạn có cái nhìn khách quan, thấu suốt hơn khi nghe bác sĩ tư vấn về giải pháp cho chiếc răng khôn của mình. 

Nhổ răng khôn phòng ngừa là như thế nào? 

Răng khôn (răng số 8) là răng hàm lớn vĩnh viễn thứ ba; răng mọc cuối cùng khi các răng khác đã ổn định trên cung hàm, thường trong độ tuổi từ 17 – 26 tuổi. Hầu hết răng khôn mọc trong một khoảng không gian nhỏ, bị giới hạn của xương hàm nên thường bị lệch, mọc kẹt, mọc ngầm. Một chiếc răng ngầm có thể bao phủ hoàn toàn bởi mô mềm, một phần bởi xương và mô mềm hoặc hoàn toàn bởi xương. 

Vấn đề nhổ răng khôn dự phòng thường để chỉ tình huống nhổ răng khôn mọc ngầm là phổ biến, còn đương nhiên với những chiếc răng khôn đã có biến chứng rõ ràng, mọc lệch gây dắt thức ăn sâu hỏng răng bên cạnh hay u nang thì việc nhổ không có gì bàn cãi. 

Răng khôn mọc ngầm được gọi là “không có vấn đề” nếu bệnh nhân không gặp các dấu hiệu hoặc triệu chứng đau, khó chịu và khi răng khôn không liên quan đến bất kỳ dấu hiệu bệnh lý nào. Khi một chiếc răng khôn mọc ngầm gây ra những thay đổi bệnh lý hoặc đau đớn thì chiếc răng đó không còn an toàn nữa. Và tất nhiên, việc quản lý răng khôn không có triệu chứng vẫn còn gây tranh cãi trên toàn cầu.

Răng khôn gây sâu răng 7
Răng khôn mọc ngầm không triệu chứng

Nhổ răng khôn phòng ngừa định nghĩa là phẫu thuật nhổ răng khôn khi không triệu chứng và không có bằng chứng về bệnh lý tại chỗ. 

Nhiều nha sĩ và bệnh nhân của họ tin rằng việc nhổ bỏ những chiếc răng khôn không triệu chứng là hợp lý giúp tránh những bệnh lý có thể xảy ra trong tương lai liên quan đến chiếc răng này. Răng khôn mọc ngầm hầu như không bao giờ đóng góp vai trò chức năng trong miệng và có thể làm tăng nguy cơ sâu răng, bệnh nha chu, tiêu chân răng số 7 liền kề. 

Mặt khác nếu trì hoãn, khi phẫu thuật nhổ răng được thực hiện ở những bệnh nhân lớn tuổi, nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật sẽ tăng lên. Hơn nữa, việc chữa lành các mô nha chu tốt hơn trên người trẻ tuổi. Một lập luận khác thường được đưa ra cho việc loại bỏ các răng khôn không triệu chứng là để ngăn chặn tình trạng chen chúc ở các răng cửa dưới muộn.

Tranh cãi về nhổ răng khôn dự phòng

Ở Mỹ, việc nhổ bỏ dự phòng răng khôn được hầu hết bác sĩ phẫu thuật răng miệng và hàm mặt cũng như nha sĩ tổng quát ủng hộ. Theo Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật răng miệng và hàm mặt Mỹ, “nếu không có đủ không gian giải phẫu để đáp ứng nhu cầu mọc lên bình thường… loại bỏ sớm những chiếc răng như vậy là điều trị có cơ sở và hợp lý dựa trên sự cần thiết về mặt y tế.” Kết quả là, 10 triệu chiếc răng phân loại là răng mọc ngầm (tức là răng không mọc vào vị trí bình thường, ngầm một phần hoặc hoàn toàn và được bao phủ bởi xương hàm hoặc mô nướu) bị loại bỏ mỗi năm ở hầu hết những người trẻ tuổi khỏe mạnh. 

Không có bằng chứng nào về nhiễm trùng và bệnh lý lan rộng hoặc sự cần thiết về mặt y tế để biện minh cho việc phẫu thuật nhiều như vậy. Lý do cơ bản để loại bỏ tất cả các răng số 8 là để giảm tỷ lệ mắc bệnh hoặc ngăn ngừa u nang. Một số nghiên cứu về việc duy trì lâu dài các răng bị ảnh hưởng cho thấy rất ít nguy cơ gây hại. 

Trong nghiên cứu của Stanley năm 1988, trong đó cs 3.702 răng mọc “bị bỏ quên” (96% răng số 8) được giữ lại trung bình 27 năm, chỉ 0,81% cho thấy những thay đổi về nang răng. Hơn nữa, bất kỳ loại thay đổi bệnh lý nào cuối cùng cũng có thể xảy ra ở khoảng 12% dân số có răng khôn mọc ngầm và 1,8% dân số nói chung. 

Tỷ lệ mắc bệnh lý 12% được đề cập không bao gồm viêm quanh thân răng hoặc nhiễm trùng mô nướu xung quanh răng khi nó mọc lên, tỷ lệ này trung bình là 8% sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh lý ở răng khôn lên 20%. Ngoài ra, có báo cáo rằng có đến 1/3 dân số có thể cảm thấy khó chịu lúc này hay lúc khác liên quan đến răng khôn; do đó, có thể chỉ cần nhiều nhất là 1/3 số ca nhổ răng hiện đang được thực hiện tại Mỹ là thỏa đáng. Các nha sĩ Mỹ có vẻ quá nhiệt tình trong công việc của mình. 

Kết quả nghiên cứu của Stanley 1988

Phẫu thuật nhổ răng khôn không phải là không có nguy cơ chấn thương. Chấn thương phổ biến nhất là dị cảm tạm thời và vĩnh viễn, đã được nhiều nghiên cứu ghi nhận. Tỷ lệ dị cảm vĩnh viễn của dây thần kinh hàm dưới thay đổi từ mức thấp 0,33% đến mức cao 1%. 

Ngoài ra còn có tổn thương khớp thái dương hàm (TMD/TMJ), được báo cáo ở mức 1,2% đối với bệnh nhân từ 15 – 20 tuổi. Hơn nữa, bệnh nhân phải trải qua trung bình 2,7 ngày, cảm giác khó chịu (đau, sưng tấy, bầm tím và khó há miệng) ảnh hưởng tới sinh hoạt sau khi nhổ răng khôn không triệu chứng. Các rủi ro khác bao gồm vô tình làm gãy xương hàm, tổn thương xoang hàm trên, tổn thương các răng lân cận và vân vân kể đến số tiền chi trả cho việc nhổ răng khôn cũng là rất lớn.

Năm 2000, viện chăm sóc sức khỏe quốc gia (NICE) của Vương quốc Anh đưa ra hướng dẫn: ngừng loại bỏ các răng khôn không triệu chứng ở Dịch vụ Y tế Quốc gia, tuyên bố rằng không có bằng chứng nghiên cứu đáng tin cậy nào hỗ trợ lợi ích sức khỏe cho việc này, tránh cho bệnh nhân khỏi việc phẫu thuật cũng có nghĩa là tránh việc phục hồi, rủi ro, biến chứng và chi phí liên quan đến nó. Hiệp hội Y tế Công cộng Hoa Kỳ (APHA) đã đưa ra khuyến cáo tương tự.

Khi đánh giá hiệu quả hướng dẫn của NICE, tuổi trung bình của bệnh nhân nhổ răng tăng từ 25 tuổi năm 2000 lên 32 tuổi năm 2010. Vương quốc Anh đã chứng kiến ​​số ca phẫu thuật răng khôn mọc ngầm giảm dần từ năm 2000 – năm 2006 , số lượng bệnh nhân cần nhổ bỏ đã giảm hơn 30%. 

Ở một diễn biến khác không phải tại Châu Âu mà lại là Mỹ

Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật miệng và hàm mặt Mỹ (AAOMS) ban hành Sách trắng (White paper on third molar data) xem xét các tài liệu gần đây nhất về các khía cạnh liên quan tới răng khôn và việc nhổ răng khôn. Đáng chú ý, tài liệu đặt vấn đề: răng khôn là nguyên nhân tiềm ẩn của bệnh nha chu; dấu hiệu viêm mãn tính tồn tại ở túi nha chu trong và xung quanh răng hàm thứ ba không có triệu chứng. 

Về ảnh hưởng của tuổi tác liên quan tới răng khôn: bệnh lý nha chu (được đánh giá bằng độ sâu túi) xấu đi khi tuổi tác ngày càng tăng cùng với sự hiện diện của răng khôn được giữ lại. Sâu răng ở răng khôn mọc lên có tỷ lệ mắc cao hơn theo tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh sau phẫu thuật sau khi nhổ bỏ răng hàm thứ ba cao hơn ở bệnh nhân trên 25 tuổi. Việc nhổ răng sẽ cắt bỏ mầm bệnh, có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh sau phẫu thuật.

Tổng quan của Cochrane năm 2020 về việc loại bỏ so với việc giữ lại răng khôn mọc ngầm không có bệnh, không triệu chứng cho thấy rằng: Sự hiện diện của răng khôn mọc ngầm không triệu chứng có thể liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh nha chu ảnh hưởng đến răng hàm thứ 2 liền kề (được đo bằng độ sâu thăm dò > 4mm trên răng đó) về lâu dài. 

Tuy nhiên, rất ít nghiên cứu đáp ứng các tiêu chí để được đưa vào tổng quan Cochrane và những nghiên cứu được đưa vào cung cấp bằng chứng có chất lượng rất thấp và có nguy cơ sai lệch cao. Một nghiên cứu khác có nguy cơ sai lệch cao, không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy rằng việc loại bỏ những chiếc răng khôn không triệu chứng có ảnh hưởng đến tình trạng chen chúc trên cung răng. Cũng không có đủ bằng chứng để làm nổi bật sự khác biệt về nguy cơ sâu răng khi có hoặc không có răng khôn mọc ngầm. 

Như vậy các bạn thấy bên ủng hộ việc nhổ răng khôn không triệu chứng đưa ra những lý luận của mình chủ yếu đến từ việc nếu giữ lại chiếc răng khôn mọc ngầm đó có thể gây viêm nha chu thể hiện bằng độ sâu túi phía xa răng số 7, và sau này khi mọc lên những răng mọc ngầm đó cũng rất dễ bị sâu răng ở mặt nhai. Bên phản đối thì cho rằng đến khi những biến chứng đó xảy ra thì hẵng quyết định nhổ vẫn chưa muộn. Chúng ta có vẻ đang làm quá vấn đề lên. 

Để tìm được hợp đề của 2 quan điểm này, với chính đề là không nhổ dự phòng, phản đề là hãy nhổ dự phòng, theo chúng tôi. Ta sẽ xem xét lại định nghĩa răng khôn mọc ngầm, 

Răng khôn mọc ngầm là chiếc răng khôn bao phủ hoàn toàn bởi mô mềm, một phần bởi xương và mô mềm hoặc được bao phủ hoàn toàn bởi xương. Như vậy bóc tách ra chúng ta có 2 tình huống điển hình:

– Răng khôn đó bao phủ hoàn toàn bởi mô mềm

– Răng khôn bao phủ hoàn toàn bởi xương. 

2 tình huống này chỉ tình huống răng khôn hoàn toàn bao phủ bởi mô mềm là có khả năng mọc ra và gây vấn đề về túi lợi sâu, dắt thức ăn phía xa răng số 7 mà thôi. Còn trường hợp răng khôn đã nằm hoàn toàn yên ổn trong xương thì an toàn nếu nó được theo dõi định kỳ. 

Chúng tôi cho rằng không có lý do gì để nhổ dự phòng răng khôn mọc ngầm trong xương hay các răng khôn có tiếp xúc nhai trên dưới lành mạnh không ảnh hưởng gì đến các răng bên cạnh. Những quan điểm mơ hồ như răng khôn gây bệnh lý Thái Dương hàm là hoàn toàn không có cơ sở. Răng khôn bình đẳng với các răng khác trong những cản trở ảnh hưởng xấu lên khớp Thái Dương Hàm. 

Kết luận theo quan điểm hành nghề của bác sĩ Bình

Do thiếu bằng chứng đầy đủ để xác định liệu những chiếc răng khôn không triệu chứng có nên nhổ hay không, cho nên lựa chọn của bệnh nhân phải được tính đến cùng với chuyên môn lâm sàng và cân nhắc cẩn thận các rủi ro và lợi ích để xác định phương pháp điều trị. Nếu quyết định giữ lại những chiếc răng khôn không triệu chứng đặc biệt là mọc ngầm, nên đánh giá lâm sàng định kỳ để ngăn ngừa những bệnh lý trong tương lai. Nếu quyết định nhổ bỏ để phòng ngừa, bệnh nhân nên được tư vấn đầy đủ về nguy cơ và lợi ích, bệnh nhân cũng nên lựa chọn nhổ răng ở cơ sở y tế và bác sĩ phẫu thuật có kinh nghiệm để hạn chế thấp nhất những rủi ro sau phẫu thuật.

Dù sao, không phải mọi răng khôn đều cần phải nhổ. Và công việc này không phải lúc nào cũng là phục vụ mục đích chữa trị cho bệnh nhân. Đó chính là mấu chốt của vấn đề.

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục