Nguy hiểm khi nhổ răng khôn bạn phải đối mặt? Tìm hiểu ngay

Nhổ răng khôn có nhiều lợi ích, nhưng đi kèm với nó thì cũng có những biến chứng. Vì vậy, ngoài việc biết về lợi ích các bạn cũng cần tìm hiểu biến chứng khi nhổ răng khôn là gì, từ đó đưa ra so sánh giữa lợi ích và nguy cơ rồi quyết định có nhổ răng khôn hay không.

Nguy hiểm có thể phải đối mặt khi nhổ răng khôn

Hiện nay, việc nhổ răng khôn khá là phổ biến, có nhiều công cụ hỗ trợ như máy siêu âm piezotome, thuốc nội khoa, dụng cụ chia cắt răng… giúp giảm thiểu sang chấn, cuộc phẫu thuật diễn ra dễ dàng và an toàn hơn, các biến chứng thì rất ít, tuy nhiên vẫn hiện hữu. Cụ thể: 

– Biến chứng liên quan đến thuốc tê: dị ứng, ngộ độc, sốc thuốc tê.

– Chảy máu.

– Nhiễm trùng.

– Tổn thương dây thần kinh.

– Thủng xoang hàm.

– Không há được miệng….

Trong đó thì biến chứng nguy hiểm nhất, có thể nguy hiểm đến tính mạng đó là biến chứng liên quan đến thuốc tê.

Biến chứng liên quan thuốc tê

Biến chứng liên quan thuốc tê bao gồm: 

+ Ngộ độc thuốc tê xảy ra khi nồng độ thuốc tê trong máu người bệnh tăng cao quá mức cho phép.

+ Sốc thuốc tê xảy ra khi bệnh nhân có cơ địa dị ứng với thuốc gây tê.

Trong nhổ răng khôn, bác sĩ sử dụng bơm kim tiêm để đưa thuốc tê vào các vùng xung quanh răng với mục đích ức chế tạm thời dẫn truyền thần kinh bao gồm dẫn truyền cảm giác đau, từ đó vô cảm vùng phẫu thuật.

Hầu hết các trường hợp sử dụng thuốc tê đều an toàn, nếu bác sĩ tuân thủ đúng nguyên tắc gây tê về liều lượng, kỹ thuật.

Cả 2 biến chứng này thì đều rất hiếm gặp, nó liên quan nhiều đến cơ địa bệnh nhân, ít liên quan trình độ khả năng của nha sĩ. Tuy hiếm gặp, nhưng nếu xảy ra mà không xử trí cấp cứu kịp thời thì có thể gây những hậu quả nghiêm trọng, nặng nề nhất có thể tử vong.

Trên lâm sàng, tỷ lệ gặp ngộ độc thuốc tê nhiều hơn so với sốc phản vệ. Một số dấu hiệu trong và sau khi gây tê, ta cần nghĩ ngay đến ngộ độc thuốc tê đó là:

– Dấu hiệu thần kinh trung ương: Nhìn đôi, ù tai, hoa mắt chóng mặt, nói khó. Nặng hơn thì có thể giật cơ, ngủ gà, mất ý thức.

– Dấu hiệu trên tim mạch: Rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp tiến triển. Nặng hơn thì gây ngừng tim.

Còn với sốc phản vệ, dấu hiệu khá đa dạng, thay đổi tùy theo độ nặng của sốc, phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của từng cơ thể, số lượng và tốc độ hấp thụ các chất kháng nguyên vào cơ thể: 

– Những dấu hiệu sớm đáng chú ý đó là cảm giác bồn chồn, hốt hoảng, sợ hãi…

Sau đó có các biểu hiện như: 

– Triệu chứng ở da, niêm mạc như mày đay, ngứa, phù mạch.

– Nặng hơn thì biểu hiện ở nhiều cơ quan khác: Mạch nhanh nhỏ khó bắt, có khi không đo được, khó thở, đau quặn bụng, nôn, tiêu chảy.

– Nặng nhất là biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn có thể dẫn tới tử vong.

Ngay khi phát hiện những dấu hiệu trên chúng ta cần:

– Ngưng tiêm thuốc tê.

– Gọi hỗ trợ, cấp cứu.

– Cấp cứu cho bệnh nhân thật nhanh theo phác đồ của Bộ Y tế. 

+ Truyền Lipid 20%. Kiểm soát đường thở: thở oxy 100%.

+ Liều adrenalin <= 1 mcg/kg/phút.

Khi cấp cứu phải tranh thủ từng giây từng phút, luôn hướng đến việc cải thiện các dấu hiệu sinh tồn cho bệnh nhân, đồng thời cũng trấn an bệnh nhân và vận động sự hợp tác của người bệnh trong quá trình cấp cứu.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc tê trong nha khoa 

Tại nha khoa Thùy Anh, để quá trình thực hành sử dụng thuốc tê nha khoa được an toàn, các y bác sĩ luôn tuân thủ nghiêm ngặt các vấn đề sau: 

– Thứ 1: Trang bị kiến thức và cập nhật thường xuyên.

– Thứ 2: Trang bị đầy đủ các loại thuốc của bộ thuốc chống sốc, các loại cấp cứu cần thiết khác, định kỳ kiểm tra lại.

– Thứ 3: Khai thác kỹ tiền sử từng bệnh nhân đến điều trị, đặc biệt tiền sử dị ứng.

– Thứ 4: Trước mỗi lần tiêm tê vùng nên hút ngược xilanh để tránh tiêm vào mạch máu. Khi tiêm thuốc cần tiêm chậm và theo dõi phản ứng. Trong suốt quá trình điều trị luôn theo dõi cẩn thận và nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường để có hướng xử trí kịp thời. Sau khi nhổ răng sẽ lưu bệnh nhân ở lại phòng nha khoảng 15 – 30 phút để theo dõi.

– Thứ 5: Giải thích và trấn an bệnh nhân trước khi thực hiện các thủ thuật giúp bệnh nhân có tâm lý thoải mái nhất, an tâm và hợp tác với bác sĩ.

Biến chứng chảy máu

Biến chứng chảy máu có thể gặp trong hoặc sau khi nhổ răng, đây cũng là biến chứng nguy hiểm bạn cần lưu ý.  Có 2 nguyên nhân chính dẫn tới biến chứng chảy máu kéo dài, chảy máu dữ dội:

+ Nguyên nhân tại chỗ

 Do ảnh hưởng trực tiếp từ kỹ thuật nhổ răng của bác sĩ hoặc do tình trạng viêm nhiễm, vị trí giải phẫu của răng.

– Với răng khôn hàm dưới gần giải phẫu ống răng dưới, trong đó có nhánh động mạch ống răng dưới, nếu bác sĩ không khảo sát kỹ trên phim XQ hoặc quá trình nhổ răng thô bạo, cắt xuống quá sâu cũng có thể làm rách mạch máu gây chảy máu dữ dội. Với răng khôn hàm trên, tình trạng chảy máu nhiều cũng có thể gặp khi lồi củ xương hàm trên bị vỡ.

– Xung quanh răng nhổ có các ổ viêm nhiễm, thành mạch bị biến đổi, mạch máu giãn ra gây chảy máu nhiều hơn, khó cầm hơn. 

– Sau khi nhổ xong còn để sót lại các tổ chức hạt của chóp chân răng.

– Bác sĩ mở vết thương quá lớn hoặc khi nhổ không kiểm soát được mũi khoan gây tổn thương các tổ chức xung quanh dẫn tới chảy máu.

– Do bệnh nhân vận động mạnh, nhai đồ cứng vào vùng nhổ răng.

+ Nguyên nhân toàn thân

– Khi nhổ phải chiếc răng có khối u máu ở dưới, gây chảy máu nhiều, khó kiểm soát. Với trường hợp này, cần lập tức đặt chiếc răng lại huyệt ổ răng và ép chặt để ngăn chảy máu, sau đó chuẩn bị sẵn một lượng sáp xương nắn thành hình viên đạn, rồi nhấc răng ra nhét sáp xương vào huyệt ổ răng cho đến khi thấy lấp đầy và chặt bởi sáp xương, khâu đóng, phải đảm bảo đủ mô nướu đóng kín huyệt nhổ răng.

– Bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đông máu như Hemophilia, Thalassemia, giảm tiểu cầu…

Cách phòng tránh và xử trí biến chứng chảy máu kéo dài sau nhổ răng

– Trước khi tiến hành nhổ răng, bác sĩ phải khai thác kỹ tiền sử bệnh nhân, đặc biệt các bệnh lý về máu như máu khó đông. Có thể cho bệnh nhân đi làm xét nghiệm máu: Công thức máu, máu chảy, máu đông..

– Phân tích thật kỹ hình ảnh XQ: Các mốc giải phẫu liên quan như ống răng dưới, lồi củ hàm trên.. tình trạng viêm nhiễm quanh răng để có được kế hoạch nhổ răng đúng đắn nhất.

– Trong quá trình nhổ, cần thao tác cẩn thận, tỉ mỉ, nhẹ nhàng tránh những tổn thương không đáng có. Sau khi lấy răng ra, cần nạo sạch tổ chức hạt ở vùng chóp.

– Xử trí cầm máu: Đốt điện, có thể đặt một miếng Spongel vào trong huyệt ổ răng, khâu cầm máu kỹ.

– Khi nhổ răng xong về nhà, bạn vẫn cần cắn gạc đủ thời gian ít nhất 30 phút, nếu vẫn thấy máu rỉ ra, bạn có thể cắn lại gạc khác, thời gian cắn có thể lên đến vài tiếng, khi cắn có nước bọt với máu rỉ ra thì bạn nuốt xuống, hạn chế khạc nhổ, mút chíp, súc miệng, hút thuốc hay làm lỏng miếng gạc. Như vậy thì mới hỗ trợ cho cục máu đông hình thành và ổn định.

Sau 24h có thể dính tí máu hòa với nước bọt rất loãng, như vậy là bình thường. Tuy nhiên, nếu máu thấm đẫm miếng gạc, máu chảy thành dòng thì là bất thường và bạn cần quay lại phòng khám để xử trí.

Hi vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về 2 biến chứng nguy hiểm nhất có thể xảy ra trong nhổ răng. Thực ra những biến chứng này tỷ lệ gặp phải là cực kỳ ít và các bác sĩ có thể dự phòng, xử lý được. Hãy chọn cho mình nha khoa uy tín, bác sĩ có chuyên môn tốt, tin tưởng và hợp tác với bác sĩ trong suốt quá trình điều trị. 

>>> Xem thêm: https://nhakhoathuyanh.com/nho-rang-khon-an-toan-khong-dau-voi-may-piezotome-nha-khoa-thuy-anh/

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục