Mầm răng vĩnh viễn là gì? Thiếu mầm răng vĩnh viễn phải làm thế nào?
Trong suốt quá trình sống, con người sẽ trải nghiệm hoạt động ăn nhai thông qua 3 bộ răng bao gồm: bộ răng sữa, bộ răng vĩnh viễn và cuối cùng là bộ răng giả. Quá trình chuyển đổi từ bộ răng sữa sang bộ răng vĩnh viễn đánh dấu một giai đoạn trưởng thành trong hoạt động ăn nhai cũng như sự phát triển của cơ thể.
Cũng giống như việc phát triển thế hệ kế cận của bất kì quá trình nào, luôn cần những mầm non. Sự chuyển đổi từ răng sữa sang răng vĩnh viễn cũng cần những mầm non, mầm non đó chính là mầm răng vĩnh viễn. Thuật ngữ mầm răng vĩnh viễn ắt hẳn vẫn còn xa lạ với đa số mọi người. Chính vì vậy trong bài viết ngày hôm nay, bác sĩ Tuệ đến từ khoa phục hình và phẫu thuật trong miệng trực thuộc nha khoa Thùy Anh sẽ giải thích cho các bạn hiểu về khái niệm thế nào là mầm răng vĩnh viễn, đồng thời chúng ta sẽ tìm hiểu trong trường hợp thiếu mầm răng vĩnh viễn thì sẽ phải làm gì?
Tổng quan về mầm răng vĩnh viễn
1. Mầm răng vĩnh viễn là gì?
Mầm răng vĩnh viễn nếu được định nghĩa theo y khoa là một cấu trúc phát triển từ nguyên mầm răng, có nguồn gốc từ biểu mô và ngoại trung mô. Mỗi mầm răng có thành phần gồm cơ quan men, nhú răng, bao răng sẽ phát triển để tạo thành một cơ quan răng (răng và mô nha chu). Dễ hiểu hơn, mầm răng vĩnh viễn chính là một cụm tế bào chứa thông tin di truyền về những điều kiện để tạo thành một chiếc răng hoàn chỉnh, quyết định đến hình dạng, cấu trúc và màu sắc của răng trong tương lai.
Mầm răng vĩnh viễn không chỉ có vai trò trong việc xác lập một chiếc răng vĩnh viễn, mà còn tạo áp lực giúp tiêu chân răng sữa, thúc đẩy quá trình thay răng và mọc răng.
2. Sự hình thành của mầm răng vĩnh viễn
Mầm răng trải qua ba giai đoạn phát triển:
2.1. Giai đoạn nụ (giai đoạn tăng sinh)
Giai đoạn này đặc trưng bởi một đám tế bào biểu mô hình cầu, phát triển từ các tế bào của giải biểu mô nguyên thủy (lá răng), sau đó hình thành một cơ quan men hình nụ. Đây chính là tiền đề cho các cấu trúc răng tương lai.
2.2 Giai đoạn chỏm (giai đoạn bắt đầu biệt hóa)
Các tế bào ngoại trung mô đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành mô liên kết, bắt đầu hình thành nhú răng. Khi chúng kết hợp với cơ quan hình nụ lõm xuống, sẽ tạo thành một chỏm trên nhú răng. Các tế bào xung quanh phần nhú răng và men răng sau đó sẽ tiến hành phân chia tạo lớp tế bào ngoại trung mô tụ đặc, được gọi là túi răng (bao mầm răng).
2.3 Giai đoạn chuông (trưởng thành và biệt hóa)
Mầm răng lớn lên về kích thước, chuyển qua giai đoạn chuông. Ở giai đoạn này có hai quá trình:
- Biệt hóa hình thái: Vị trí của các tế bào và cảm ứng giữa chúng quyết định việc xác lập hình thể răng.
- Biệt hóa tế bào, biệt hóa mô: Chuỗi biệt hóa các loại tế bào để tạo thành nguyên bào men, nguyên bào ngà và các mô khác của mầm răng.
3. Nguyên nhân thiếu mầm răng vĩnh viễn
Thông thường, chúng ta sẽ có 32 mầm răng vĩnh viễn để thay thế cho 20 răng sữa và các răng mọc thêm từ lúc 5 – 6 tuổi. Trong một số trường hợp, có thể thiếu một vài mầm răng vĩnh viễn, thậm chí không có mầm răng vĩnh viễn. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do:
- Khuyếm khuyết về gen, những hội chứng và bệnh lý như Oligodontia (thiếu nhiều răng), Anodontia (không có răng).
- Ảnh hưởng trong quá trình mang thai: Người mẹ mang thai nếu điều trị bệnh Rubella hoặc có dùng một số loại thuốc gây thiếu mầm răng như thuốc lá hay chất gây nghiện khác.
- Thiếu hụt dinh dưỡng, di truyền từ người thân.
- Chấn thương, điều trị tia xạ,… cũng có thể gây thiếu mầm răng.
Thiếu mầm răng cần phải làm gì?
Đứng trước một tình trạng thiếu mầm răng vĩnh viễn, chúng ta cần đánh giá một cách tổng quan để có thể đưa ra phương án giải quyết hợp lý, kịp thời và thỏa đáng.
Chúng ta sẽ chia ra 2 trường hợp lâm sàng chính:
1. Thiếu mầm răng vĩnh viễn nhưng răng sữa vẫn còn chắc trên cung hàm
Thường chúng ta sẽ giữ lại răng sữa đối với trường hợp răng cối sữa, bởi vì không ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân có khớp cắn tốt, nên giữ lại răng cối sữa cho đến lứa tuổi 20 nếu như không có vấn đề tiêu chân răng. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng răng cối sữa vẫn có thể giữ lại trên cung hàm ở bệnh nhân 40 – 60 tuổi.
2. Thiếu mầm răng vĩnh viễn và răng sữa đã mất hoặc không còn khả năng tham gia vào quá trình ăn nhai
Đối với tình trạng này, đa phần các trường hợp chúng ta cần tìm cách để khắc phục tình trạng không có răng vĩnh viễn do thiếu mầm răng. Thông thường sẽ có các phương pháp sau để giải quyết tình trạng này:
2.1 Niềng răng
Khi thiếu một vài mầm răng vĩnh viễn, đồng thời các răng trên cung hàm sắp xếp lệch lạc, ảnh hưởng nhiều đến khớp cắn thì phương pháp niềng răng sẽ vừa giải quyết được vấn đề mất răng, cũng như tình trạng răng khấp khểnh của bệnh nhân.
Không chỉ với trường hợp đó, với tình trạng răng sắp xếp đều đặn, nhưng vẫn còn tồn tại những khoảng trống do việc thiếu răng để lại, bệnh nhân cũng không muốn sử dụng các phương pháp phục hồi khác như trồng răng hay làm răng giả, thì chỉ định niềng răng sắp xếp lại cung răng cũng được đưa ra.
2.2 Cấy ghép implant
Cấy ghép Implant là phương pháp tiến bộ nhất để giải quyết tình trạng mất răng tính đến thời điểm hiện tại. So với phương pháp niềng răng thường tốn thời gian từ 2 – 3 năm, thì việc thực hiện cấy ghép implant chỉ mất khoảng từ 3 – 6 tháng, phục hồi lại chức năng và thẩm mỹ một cách nhanh chóng.
Cũng có thể kết hợp giữa niềng răng và trồng răng implant: Chúng ta sẽ thực hiện niềng răng để tạo khoảng trống, sau đó cấy implant để mang lại hiệu quả tối ưu về khớp cắn và sức khỏe răng miệng.
2.3 Làm cầu răng sứ
Đây là phương pháp truyền thống nhằm phục hồi lại những chiếc răng bị mất. Ưu điểm của những phương pháp này là nhanh chóng và chi phí hợp lý. Khác với niềng răng hay cấy ghép implant, thời gian và giá thành khá cao, không phải ai cũng tiếp cận được thì chúng ta chỉ cần 1 đến 2 tuần để có một chiếc răng mới, với chi phí mà đại đa số người dân đều cảm thấy dễ chịu cho việc thực hiện làm cầu răng.
Tuy nhiên, làm cầu răng là một thủ thuật xâm lấn khi phải mài đi những chiếc răng bên cạnh nhằm làm trụ để “gánh đỡ” nhịp cầu thay thế chiếc răng bị mất, đồng thời, không giữ được xương do xương hàm bên dưới không được truyền tải lực từ thân răng đến chân răng.
Tất nhiên không phải trường hợp nào thiếu mầm răng vĩnh viễn gây thiếu răng vĩnh viễn mà chúng ta cũng cần phải xử lý. Một vài trường hợp, dù thiếu răng vĩnh viễn nhưng các răng trên cung hàm sắp xếp đều đặn, không gây cản trở khớp cắn, thẩm mỹ hay chức năng ăn nhai thì không cần thiết phải sử dụng các biện pháp trên để khắc phục việc thiếu mầm răng.
Có thể nói mầm răng vĩnh viễn đóng vai trò quyết định trong quá trình hình thành bộ răng vĩnh viễn của chúng ta, với tình trạng bị thiếu mầm răng vĩnh viễn dẫn đến việc thiếu răng vĩnh viễn sau này, gần như trong mọi trường hợp cần phải khắc phục nhanh chóng để đảm bảo về mặt thẩm mỹ, chức năng cho hoạt động sinh hoạt thường ngày của con người. Hy vọng qua bài viết trên đây, sẽ cung cấp cho mọi người thật nhiều kiến thức bổ ích và mới mẻ về một tình trạng khá hiếm gặp cộng đồng.
NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM
Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…
Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318
Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN
Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh