Lược sử răng khôn: Dấu vết tiến hóa và những chỉ định nhổ bỏ đầu tiên – bác sĩ Hòa Bình

Có thể bạn chưa biết, vào thời Trung cổ cho tới tận thế kỉ 19, nếu có một chiếc răng bị đau hoặc nhiễm trùng, bạn rất có thể sẽ được nhổ bởi một thợ cắt tóc. Nhổ răng cực kỳ đau đớn biến nó trở thành một hình phạt, hoặc tra tấn vào thời kì này. Do đó, bạn sẽ cảm thấy may mắn như thế nào khi với nha khoa hiện đại ngày nay, việc nhổ răng đã trở nên dễ dàng và ít đau.

Rất nhiều bệnh nhân phải chịu những hậu quả, biến chứng do răng khôn gây ra đều tự hỏi tại sao răng khôn lại “khôn” đến vậy. Cơ thể con người là một bộ máy kỳ diệu và tối ưu hoá, tại sao tạo hoá lại tạo ra con người với một bộ phận mà sau này phải nhổ bỏ? 

Sự thực là răng khôn đã tồn tại với con người hàng trăm triệu năm và chỉ mất đi tác dụng trong vài nghìn thế kỷ qua. Ngày nay, cùng với ruột thừa, răng khôn được coi là cơ quan vết tích ít tham gia phục vụ bất kỳ chức năng nào trong cơ thể, nhưng trong quá khứ, không phải lúc nào chúng cũng như vậy các bạn.

Răng khôn (răng số 8) phía trong cùng bên phải

Chiếc răng khôn và câu chuyện tiến hoá

Con người là loài linh trưởng. Họ hàng gần nhất của giống loài chúng ta là loài vượn châu Phi, đặc biệt là tinh tinh. Giống như tất cả loài vượn, tổ tiên loài người có một bộ răng gồm 32 chiếc răng: 2 răng cửa, 1 răng nanh, 2 răng hàm nhỏ và 3 răng hàm lớn, đối  xứng ở cả hai bên hàm trên và hàm dưới. Con người có vòm miệng ngắn hơn và răng nhỏ hơn so với những linh trưởng khác. 

Các nhà nhân chủng học đưa ra giả thuyết rằng chế độ ăn của tổ tiên xa xưa chúng ta bao gồm các loại thực vật cứng, hạt, quả hạch và đôi khi là thịt sống giàu protein. Vì vậy, họ cần những bộ hàm khỏe hơn nhiều để cắn, xé và nhai thức ăn để dễ tiêu hóa. Sau sự ra đời của nông nghiệp hơn 10.000 năm trước, và đặc biệt là với cuộc cách mạng công nghiệp trong những thế kỷ gần đây việc sử dụng công cụ (cắt thức ăn) và nấu nướng để chế biến thức ăn dễ dàng hơn, đồ ăn của con người trở nên mềm hơn, dễ tiêu hoá hơn. Chế độ ăn như vậy thường khiến hàm phát triển ít hơn so với người thời đồ đá cũ và không đủ chỗ cho răng khôn.

Ảnh trong quá trình tiến hoá, loài người có bộ não lớn hơn, hàm và răng nhỏ hơn
Ảnh so sánh cung hàm rộng của tổ tiên loài người với sự hiện diện của răng số 8, sau đó cung hàm hẹp dần không đủ chỗ cho răng số 8 mọc

Khi so sánh kích thước hàm và sự hình thành răng khôn giữa các xã hội khác nhau. Một bài báo năm 2011 đã đo các hộp sọ được đặt trong bảo tàng của sáu quần thể trồng trọt và năm quần thể săn bắn hái lượm. Những người nông dân trồng trọt, có chế độ ăn với thức ăn mềm hơn, luôn có hàm ngắn hơn, điều này sẽ cung cấp ít không gian cho sự mọc răng.

So sánh răng hàm dưới từ (a) A. africanus, (b) P. Robustus, (c) A. sediba, (d) H.erectus và (e) H. sapiens. ( Hình ảnh: Irish et al./American Journal of Physical Anthropology)

Tại sao răng số 8 được gọi là răng khôn?

Mặc dù chính thức được gọi là răng hàm vĩnh viễn thứ ba, nhưng tên gọi chung của răng số 8 là “răng khôn” vì chúng xuất hiện quá muộn (18-25 tuổi). Mọc muộn hơn nhiều so với các răng khác, ở độ tuổi mà mọi người được cho là “khôn ngoan” hơn khi còn nhỏ, khi những chiếc răng khác đã mọc lên. 

Răng khôn đã được mô tả trong các văn bản cổ của Plato (triết gia Hy Lạp cổ) và Hippocrates (cha đẻ của nền y học). “Răng khôn” có nguồn gốc từ tiếng Latin, “dentes sapientiæ”, từ này lại bắt nguồn từ thuật ngữ Hippocrates “sophronisteres”, từ tiếng Hy Lạp “sophron”, có nghĩa là khôn ngoan. Như vậy không có mối liên hệ nào giữa răng và trí tuệ của con người, tên gọi răng khôn liên quan tới thời điểm mọc răng, nên bạn không lo nếu nhổ răng khôn sẽ bị mất “khôn” hay ảnh hưởng tới trí tuệ.

Sự mọc lên của chúng đã được biết là nguyên nhân gây ra các vấn đề về răng miệng trong nhiều thiên niên kỷ, nó đã được ghi nhận ít nhất là từ thời Aristotle :“Những chiếc răng cuối cùng mọc ở con người là những chiếc răng hàm được gọi là ‘răng khôn’, mọc ở độ tuổi 20 đối với cả hai giới. Đã có trường hợp xảy ra ở những phụ nữ trên 80 tuổi khi răng khôn mọc lên ở giai đoạn cuối đời, gây ra đau đớn lớn khi mọc; và những trường hợp tương tự cũng được biết đến ở nam giới.” (Trích  Aristotle, Lịch sử động vật) 

Chiếc răng khôn mọc lệch ngầm lâu đời nhất được biết đến thuộc về một phụ nữ châu Âu sống từ 13.000 đến 11.000 năm trước Công nguyên, vào thời kì đồ đá. Tuy nhiên, trước thời kỳ hiện đại, tình trạng mọc lệch kẹt của răng khôn tương đối hiếm. Với cuộc cách mạng công nghiệp, cùng phổ biến của thực phẩm mềm, chế biến sẵn, cung hàm của loài người hẹp lại, thiếu khoảng cho quá trình mọc răng, tình trạng đau do răng khôn trở nên phổ biến gấp 10 lần.

Lịch sử của phẫu thuật nhổ răng khôn

Trong lịch sử, nhổ răng đã được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh như đau và nhiễm trùng mạn tính răng liên quan. Trong thời Trung cổ và trong suốt thế kỷ 18, bản thân nha khoa không phải là một nghề và thường các thủ thuật nha khoa được thực hiện bởi thợ cắt tóc hoặc bác sĩ đa khoa.

Dụng cụ dùng để nhổ răng có niên đại từ nhiều thế kỷ. Vào thế kỷ 14, Guy de Chauliac (bác sĩ phẫu thuật người Pháp) đã phát minh ra dụng cụ nhổ răng trông giống như mỏ của bồ nông được sử dụng để thực hiện nhổ răng cho đến cuối thế kỷ 18. Kìm mỏ Bồ Nông sau đó được thay thế bằng dụng cụ trông như chiếc khóa cửa. Các thiết bị này thường tác động lực như cái cuốc làm bật răng lên kèm theo tổn thương xương ổ răng nên rất thô bạo, răng thường trật khớp rụng ra kèm một mảng xương hàm, nên nhiều người coi là một thủ thuật rất nguy hiểm, đôi khi gây chết người. Rất may, những dụng cụ này đã được cải tiến thành những chiếc kìm tương tự ngày nay vào thế kỉ 19. 

Hình minh hoạ: Theo thứ tự dụng cụ nhổ răng giống mỏ con bồ nông- chìa khoá - kẹp - kìm nhổ răng ngày nay

Những dụng cụ nhổ răng thế kỷ 19 thường chỉ có thể sử dụng để nhổ răng khôn mọc thẳng hoặc không quá lệch, đã mọc lên hết và có thể kẹp được vào thân răng. Tuy nhiên, do là răng mọc cuối cùng, khoảng trống còn lại trên cung hàm thường không đủ cho răng có thể mọc lên hoàn toàn nên răng khôn thường mọc lệch, mọc kẹt, mọc ngầm. Vậy làm sao để có thể nhổ được những chiếc răng khôn khó như thế mà an toàn, không đau, không gây gãy xương hàm mới lấy được răng ra?

Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, sự gặp nhau giữa X  – Quang, tay khoan nha khoa, thuốc gây tê, kỹ thuật vô trùng, kháng sinh tổng hợp, đã khiến cho việc phẫu thuật thường quy trên răng khôn trở nên khả thi, an toàn, ít đau, ít viêm nhiễm sau nhổ. Sách “Hệ thống phẫu thuật nha khoa” của John Tomes (bác sĩ phẫu thuật nha khoa người Anh) năm 1873 mô tả các kỹ thuật loại bỏ “răng hàm thứ ba, hay dentes sapientiæ”, các mô tả về tổn thương dây thần kinh răng dưới, gãy xương hàm và giãn đồng tử sau khi thuốc phiện (dùng để giảm đau) được đặt vào ổ răng. Các văn bản khác vào khoảng thời gian này suy đoán về sự biến mất của răng khôn trong quá trình tiến hoá, rằng chúng dễ bị sâu răng và thảo luận về việc liệu chúng có dẫn đến sự chen chúc của các răng khác hay không.

Thế kỷ 20 chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của khoa học, công nghệ như máy CT conebeam, hệ thống tay khoan nha khoa, máy piezotome, huyết tương giàu tiểu cầu PRF,… cùng sự cải tiến quy trình, dụng cụ phẫu thuật, trình độ của bác sĩ phẫu thuật; nhổ răng khôn đã an toàn và dễ dàng hơn bao giờ hết.

Như vậy, răng số 8 từng là công cụ đắc lực cho tổ tiên loài người trong quá trình ăn nhai, ấy vậy mà, hiện tại do răng khôn hay bị mọc lệch, mọc ngầm nên nó dường như trở thành “quả bom nổ chậm” cho sức khỏe răng miệng của bạn do có thể gây ra nhiều biến chứng như gây u nang xương hàm, viêm nhiễm, sưng đau, gây hỏng răng số 7,… Đương nhiên, nếu bạn có những chiếc răng khôn mọc lên hoàn toàn, có khả năng ăn nhai, không hề gây đau nhức, bệnh lý, bạn vẫn có thể sử dụng răng khôn để ăn nhai như tổ tiên của loài người mà không cần phải nhổ bỏ. Còn nếu bạn không có bất kỳ chiếc răng khôn nào, thì bạn có thể đã “tiến hoá” hơn một chút rồi đấy các bạn.

* Thông tin bài viết được cung cấp bởi bác sĩ Nguyễn Hòa Bình – trực thuộc khoa phẫu thuật và phục hình răng miệng tại nha khoa Thùy Anh. 

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background