Lịch sử và nguồn gốc của răng sứ thẩm mỹ – nha khoa Thùy Anh

Thuật ngữ “răng sứ” có lẽ đã trở nên rất quen thuộc khi bạn đến bất cứ phòng khám nha nào. Và nha sĩ cũng tư vấn cho bạn nhiều loại với mức chi phí khác nhau khiến bạn bối rối không biết loại nào tốt, loại nào phù hợp. Thế giới đã phẳng, người Việt Nam có thể tiếp cận sản phẩm răng sứ chất lượng cao từ các công ty lớn như Dentsply Sirona, Ivoclar Vivadent, 3M,… với chi phí hợp lý hơn rất nhiều. 

Cũng giống như bất kỳ thành tựu nào trong y học, sự xuất hiện của răng sứ xuất phát từ những mong mỏi tìm kiếm, cải tiến vật liệu phục hồi bền lâu, thẩm mỹ và tương thích sinh học với cơ thể con người. Và chúng tôi xin nói trước với bạn, lịch sử bắt đầu từ chức năng, sau đó mới đến trăn trở thẩm mỹ, cuối cùng là sự hoàn thiện tinh xảo.

Trong bài viết dưới đây, bác sĩ Nguyễn Hòa Bình – trực thuộc khoa phẫu thuật và phục hình trong miệng tại nha khoa Thùy Anh sẽ cùng các bạn dạo qua hành trình này, từ đó có cái nhìn tổng quan sâu sắc, những ưu điểm và hạn chế. Và cũng sẽ giúp bạn hiểu thêm về vật liệu răng sứ hiện nay, gợi ý trên lâm sàng cho việc lựa chọn phù hợp.

Từ thời xa xưa, đã có nhiều những dấu vết khác nhau thể hiện ước vọng tìm vật liệu thay thế răng tự nhiên, người ta dùng những vật liệu, dụng cụ từ đời sống chẳng hạn như tre, chốt kim loại, xương động vật, vỏ sò, ngà voi… thay thế răng mất.

Hình ảnh minh họa, vào những năm 2000 trước công nguyên, các phiên bản đầu tiên của răng giả xuất hiện trong nền văn minh Trung Quốc cổ đại. Họ dùng những chốt bằng tre thay thế răng mất.

Trường hợp đầu tiên ghi nhận về chiếc răng giả bằng kim loại là từ xác của một vị vua Ai Cập vào khoảng 1000 năm trước công nguyên, đã có một chiếc chốt bằng đồng đóng vào xương hàm trên, dù không chắc là nó được gắn khi đức vua còn sống hay sau khi qua đời.

Đến 300 năm sau công nguyên, người Phoenicia sử dụng ngà voi điêu khắc ra hình dạng răng rồi buộc cố định bằng dây vàng. 

Gốm sứ là một trong những vật liệu nhân tạo sử dụng sớm nhất trong lịch sử loài người. Giống như cái tên, sứ nha khoa có chung nguồn gốc, họ hàng với ngói lợp, bình hoa, khuôn đúc động cơ, lớp ngoài áo chống đạn hay ngói cách nhiệt trên tàu con thoi của NASA. 

Bình minh của vật liệu sứ nha khoa bắt đầu từ khoảng thế kỷ XVII, bấy giờ sản phẩm gốm sứ Trung Hoa và các nước Viễn Đông đã đạt đến trình độ tinh xảo, xuất khẩu sang vùng lân cận và cả châu Âu. Châu Âu chi rất nhiều tiền tìm kiếm thành phần và công thức tạo ra loại sứ cao cấp như Trung Quốc, dẫn đến sự phát triển của phương pháp khoa học để tổng hợp vật liệu. 

Tuy nhiên họ cũng không dễ dàng gì trên con đường đưa gốm sứ vào miệng dưới vai trò những chiếc răng giả. Nếu bạn đọc Victor Hugo trong “Những người khốn khổ” hẳn vẫn còn nhớ hình ảnh ám ảnh nàng Fantine bán răng lấy tiền chăm lo cho con mình. Đúng là như vậy, răng giả thời kì đó, tức thế kỉ XVII thường làm từ răng thật của người chết, hoặc mua chợ đen; răng động vật như ngà voi, hà mã. Răng người thật thì đắt và khó kiếm; còn răng động vật thì xốp, ngấm nước bọt nên ố vàng nhanh chóng và mất vệ sinh.

Năm 1770, một nhà bào chế thuốc người Pháp, Alexis Duchateau xuất phát từ động lực là nỗi đau bên trong, mệt mỏi với hàm răng giả ố vàng, có mùi hôi của mình; nhận thấy các dụng cụ bằng gốm tráng men (mà ông sử dụng để trộn và nghiền các loại hóa chất hằng ngày) sở hữu bề mặt nhẵn bóng, không bị đổi màu và cũng có khả năng chống mài mòn. Đây dường như là một ý tưởng mang tính bước ngoặt lịch sử khai sinh ra việc sử dụng sứ làm vật liệu phục hồi răng. 

Duchateau nhờ cậy sự giúp đỡ của nha sĩ người Pháp Nicolas Dubois de Chemant, họ làm việc với các công thức sứ, tại lò nung sứ và thành công chế tạo hàm răng giả bằng sứ đầu tiên. Thật vui mừng, xuyên suốt lịch sử loài người chưa có mảng nào chậm tiến và ít thành tựu như răng giả cho đến thời điểm bước ngoặt này, nếu chúng ta tính từ khi có những ý tưởng manh nha đầu tiên cho đến chiếc răng sứ của Duchateau và Chemant. Hàm răng giả bằng sứ này bóng, đẹp nhưng bất tiện vì gây khó khăn ăn nhai; đồng thời, cũng chỉ dành cho những bệnh nhân mất răng toàn hàm, đòi hỏi phải nhổ những chiếc răng còn lại ra khỏi miệng bằng sạch nếu muốn thực hiện – một thủ thuật rất đau đớn trước khi Horace Wells phát hiện ra phương pháp gây tê vào giữa thế kỷ 19.

Kỹ thuật sử dụng sứ cho răng đơn lẻ không được phát triển cho đến những năm 1880. Bạn có thể thấy khoảng cách từ 1770 – 1880 tức là hơn 100 năm, tiến bộ về sứ chỉ áp dụng cho mất răng toàn bộ, còn ai đó nếu mất một vài chiếc răng đơn lẻ thì vẫn phải sử dụng vật liệu lỗi thời, cũ kỹ mà thôi. 

Với phục hồi gián tiếp cho răng, tiến sĩ Charles H Land giới thiệu phương pháp tạo hình inlay cho răng sâu, chế tạo inlay sứ vào năm 1886. 

Tới 1903, bằng cách đắp bột sứ lên lá bạch kim phủ trên mẫu cùi răng, sau đó đem nung, ông tạo ra lớp bọc sứ phủ toàn bộ răng như cái tên chụp “Jacket” ông đặt. Tuy nhiên chúng tôi cũng phải nhắc lại, sứ thời điểm này không giống răng sứ hiện đại chúng ta đang áp dụng, hồi đó bất cứ loại răng sứ nào cũng chỉ thuần túy gốm – sứ, rất dễ vỡ. Dù vậy hình dạng một chiếc răng sứ đã giống ngày nay chúng ta thấy.

Sự xuất hiện của sứ lõi kim loại

Phục hình cố định trong giai đoạn 1930 – 1950 thường đúc từ hợp kim vàng, sau đó là hợp kim quý hoặc hợp kim thường thay thế cho vàng. Hiện nay phục hình đúc toàn phần bằng kim loại vẫn còn sử dụng, nhất là răng, inlay – onlay quý kim vàng, những người Hàn Quốc rất ưa chuộng. 

Weinstein và cộng sự năm 1962. Bạn hãy ghi nhớ mốc thời gian này, đó cũng là năm biểu tượng sắc đẹp Marilyn Monroe qua đời vì uống thuốc ngủ quá liều. 1962 là mốc Weinstein và cộng sự phát minh răng sứ lõi kim loại dựa trên việc gia tăng hệ số giãn nở nhiệt của sứ phù hợp với hệ số dãn nở nhiệt hợp kim, kết hợp cả tính chất thẩm mỹ của sứ và độ bền kim loại, trở thành lựa chọn thay thế cho chụp sứ Jacket và phục hình hợp kim quý. Phát minh này đã giải quyết gần dứt điểm đặc tính giòn dễ vỡ của răng sứ trước đó. Phục hình này cũng được dùng cho đến ngày nay, và chúng tôi thường chỉ định cho vùng răng hàm, bệnh nhân không quá yêu cầu cao về tính thẩm mỹ. 

Mặc dù răng sứ kim loại đã giảm tỷ lệ thất bại do nứt vỡ phục hình sứ thời kỳ trước, nhưng lại có nhiều nhược điểm: yêu cầu mài mô răng nhiều, chưa đạt được độ thẩm mỹ tự nhiên như mong muốn, gây đen viền lợi, không thể dùng cho trường hợp dị ứng kim loại niken. Những hạn chế này, cũng như việc bệnh nhân và nha sĩ tìm kiếm các vật liệu thẩm mỹ hơn, đã kích thích nghiên cứu và phát triển các hệ thống răng toàn sứ – răng sứ không kim loại. 

Vật liệu răng toàn sứ cuối thế kỉ 20

Cách tiếp cận dễ nhận thấy nhất để cải thiện thẩm mỹ là thay lõi kim loại màu đen bằng lớp sườn sứ cứng chắc, mờ đục. Nhưng, như chúng ta đã biết, chụp sứ Jacket của Land thời kỳ đầu cũng hoàn toàn bằng sứ, tuy nhiên, nó ở dạng sứ thuỷ tinh vô định hình, trong long lanh, nhưng mỏng manh, dễ gãy vỡ. Vấn đề đặt ra cấp thiết là phải gia tăng được độ cứng chắc, độ bền uốn của sứ. Trong suốt hơn 50 năm, các nhà chế tạo vật liệu đã thêm nhiều thành phần vào sứ nha khoa cơ bản (oxit nhôm, oxit zirconia, các tinh thể leucite, lithium disilicate,…) cũng như thay đổi nhiều kỹ thuật chế tạo khác nhau (thiêu kết, ép nhiệt, đúc trượt, CAD/CAM,…) để giải bài toán khó này.

Những nỗ lực có kết quả đầu tiên vào giữa những năm 1960, khi McLean và Hughes giới thiệu sườn sứ chứa 40% thể tích của hạt alumina, định danh là xứ nhôm. Loại sứ này có độ bền uốn gấp đôi chụp Jacket của Land, như thế cũng chưa đủ cứng. 

Sứ nhôm oxit có vẻ là một hướng đi khả quan, khi năm 1988, công ty Vita (Đức) đã phát triển được sườn sứ đạt 85% alumina, có độ bền uốn 352 Mpa. Tới năm 1993, Nobel Biocare (Thuỵ Điển) giới thiệu sườn sứ Procera All Ceram bao gồm 99,9% alumina, đây là cấu trúc sườn sứ đầu tiên được thiết kế, sản xuất bởi máy tính CAD/CAM. Phục hình này có độ thiêu kết dày đặc, tinh khiết cao, rất cứng chắc, độ bền uốn 675Mpa, nhưng lại rất đục.

Để cân bằng giữa yếu tố thẩm mỹ và chức năng không hề dễ dàng, khi chế tạo được sứ cứng chắc thì độ trong cũng giảm dần. Một số tinh thể sứ thuỷ tinh cứng hơn thuỷ tinh vô định hình như Leucite, Lithium disilicate đã được thêm vào ma trận thuỷ tinh để làm gia tăng độ bền của sứ, và nhờ chỉ số khúc xạ thấp của các hạt độn này mà không làm sứ mất đi độ trong. Sứ thuỷ tinh được tăng cường Leucite với tên thương mại Empress I – Ivoclar giới thiệu đầu những năm 1990. Đây cũng là loại sứ có thể ép đầu tiên. Tuy nhiên, độ bền uốn của vật liệu này cũng chỉ tương đương sứ nhôm đời đầu.

Tới cuối những năm 1990, Ivoclar giới thiệu sứ thủy tinh lithium disilicate IPS Empress II với 65% tinh thể Lithium disilicate, độ bền uốn 360Mpa, cao hơn nhiều phiên bản cũ. Vật liệu sứ thuỷ tinh cho thấy kết quả rất tốt, rất thẩm mỹ cho các phục hồi đơn lẻ như veneer, chụp răng trước, inlay, onlay răng sau, nhưng khi làm cầu răng hàm phía sau, vật liệu này có tỷ lệ thất bại lâm sàng cao ở mức 9 – 50% sau 24 – 60 tháng do gãy. Những phát hiện này cho thấy độ bền uốn không đủ của IPS Empress II cho cầu răng nhiều đơn vị.

Từ năm 2000 cho tới nay: Kỷ nguyên của vật liệu zirconia và sứ thuỷ tinh

Lực nhai trung bình của răng hàm là 70kg, nên cầu răng sau nhiều đơn vị chịu lực nhai cực kì lớn, cần một dòng sứ rất cứng chắc mới được. Cuối cùng, vật liệu zirconia cũng xuất hiện, độ bền uốn cao hơn bất kì sứ nha khoa nào khác. 

Năm 2001, hệ thống toàn sứ Cercon giới thiệu ra thị trường, lần đầu tiên zirconia là vật liệu chính làm chụp và cầu răng. Việc sử dụng công nghệ CAD/CAM đã thúc đẩy một thế hệ cấu trúc sườn sứ hoàn toàn mới bao gồm zirconium dioxide. Đây có vẻ là một mảnh đất màu mỡ, khi rất nhiều nhà sản xuất (LAVA, 3M ESPE; Procera Forte, Nobel Biocare, Cercon, DENTSPLY) đua nhau giới thiệu khung sườn từ các khối zirconium dioxit, có độ bền uốn từ 900-1300 MPa.

Nghiên cứu và thực hành lâm sàng đã cho thấy rằng khung sườn zirconia có khả năng chống gãy rất cao, nhưng vấn đề hay gặp phải trên lâm sàng là sứt mẻ và tách lớp của sứ dán phủ ngoài sườn zirconia. Trong nỗ lực tránh sứt mẻ và tách lớp sứ dán, zirconia nguyên khối có thể được sử dụng trong phục hình toàn hàm, mão răng sau và cầu răng. Sườn Zirconia có nhược điểm là độ mờ đục cao, nên đã liên tục được cải tiến nhiều phiên bản để có độ trong mờ khác nhau, cũng có nhiều lớp màu sắc hơn. Do độ cứng cao, phục hình nguyên khối Zirconia cũng đặt ra nguy cơ gây mòn răng đối diện.

Nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng sau 4 và 7 năm: Sứ thuỷ tinh Lithium disilicate vừa có độ kháng mòn cao, vừa không làm mòn răng đối diện so với phục hình sườn zirconia. Tiếp nối những cải tiến được giới thiệu thập kỷ trước, sứ thủy tinh Lithium disilicate tái xuất hiện vào năm 2006 dưới dạng 2 phiên bản: Emax press cho sứ ép và Emax CAD dành cho CAD/CAM. Dữ liệu lâm sàng dài hạn ủng hộ việc sử dụng sứ thuỷ tinh lithium disilicate làm phục hồi đơn lẻ ở bất kỳ vị trí nào trong miệng và cầu răng trước 3 đơn vị. 

Những vật liệu của tương lai

Con người luôn có khát khao mô phỏng những đặc điểm của răng thật, dẫn đến sự ra đời của các vật liệu “sứ lai” như LAVA ultimate (3M) là lai giữa nhựa và sứ nano; Vita Enamic (VITA) lai giữa sứ thủy tinh và polymer. Độ bền uốn, mô đun đàn hồi, độ cứng và độ bền gãy của hai vật liệu trên đã được một số nhà nghiên cứu đánh giá và cho thấy các đặc tính tương tự cấu trúc răng tự nhiên. Tuy nhiên, chưa có dữ liệu lâm sàng liên quan tới tuổi thọ của hai loại vật liệu mới này vì vậy như nhiều thử nghiệm khác vẫn diễn ra sôi nổi trên thế giới, chúng tôi chưa đưa ra bất cứ khuyến cáo nào khi chưa đủ bằng chứng ứng dụng.

Tuổi thọ phục hình sứ ghi nhận trong các nghiên cứu khoa học

Phục hình răng sứ kim loại có thời gian theo dõi lâm sàng lâu nhất và có kết quả tốt. Tỉ lệ thành công sau 5 năm trung bình trong nhiều nghiên cứu là 95.6% với chụp sứ đơn lẻ, 94.4% với cầu răng. 

Nhờ ưu điểm về thẩm mỹ, phục hình toàn sứ đang ngày càng trở nên phổ biến. Ngày nay, ước tính 80.2% mão răng và phục hình cố định được sản xuất tại Hoa Kỳ là phục hồi toàn sứ, 16.9% là sứ kim loại; 2.2% còn lại là vật liệu đúc nguyên khối và 0.7% là nhựa, composite. Trong một chuỗi các nghiên cứu tổng quan hệ thống khi đánh giá về tỉ lệ sống sót và biến chứng của phục hình toàn sứ so với phục hình sứ – kim loại:

– Khi được sử dụng cho răng trước, cho thấy tỷ lệ tồn tại sau 5 năm tương đương với tỷ lệ được thấy đối với mão sứ kim loại. 

– Khi được sử dụng cho răng sau, tỷ lệ tồn tại sau 5 năm của mão alumina (kỹ thuật Procera) (94.9%) và mão sứ thủy tinh gia cố (kỹ thuật Empress) (93.7%) tương tự như tỷ lệ thu được đối với mão sứ kim loại, tỷ lệ của mão sứ zirconia là 91.2%.

– Thời gian tồn tại 5 năm của cầu răng sứ kim loại là 94.4%, cao hơn đáng kể với so với thời gian tồn tại của cầu răng toàn sứ, là 88.6%.  

Như vậy, đối với phục hình răng trước, yêu cầu độ thẩm mỹ cao, chúng ta ưu tiên lựa chọn dòng răng toàn sứ. Với phục hình răng sau đơn lẻ, chúng ta cũng có thể lựa chọn răng toàn sứ đảm bảo vừa đẹp, vừa bền; cũng có thể chọn răng sứ kim loại là lựa chọn kinh tế hơn, không đẹp bằng răng toàn sứ nhưng vẫn rất bền, đảm bảo chức năng. Khi làm cầu răng hàm hoặc cầu răng nhiều đơn vị, răng sứ kim loại vẫn là sự lựa chọn bền hơn; cần dè dặt hơn khi làm cầu toàn sứ zirconia trên 3 đơn vị.

Một chặng đường dài của phục hình răng sứ bắt đầu từ bột đá khoáng vật tự nhiên kéo dài đến nay là hơn 300 năm, từ những yêu cầu về phục hồi lại hình thể, chức năng cho răng, kết hợp với những khát khao tái tạo, mô phỏng vẻ đẹp tự nhiên răng thật, dưới sự tiến bộ của khoa học vật liệu, tiến bộ công nghệ thông tin, điều khiển tự động, răng sứ ngày nay đã đáp ứng nhu cầu chức năng và thẩm mỹ của bệnh nhân nhưng liệu đã thoả mãn nha sĩ. Quá trình cải tiến vật liệu có lẽ chưa dừng lại, bởi chưa có vật liệu nào có thể mô phỏng hoàn hảo ngà răng và men răng. Tuy nhiên 300 năm từ những ý tưởng đầu tiên và nỗi đau của cá nhân Alexis Duchateau, giờ đây chúng ta mua mỗi chiếc răng sứ tương đối hoàn hảo từ nha sĩ với giá khoảng 4 – 8 triệu. Rất tuyệt vời!

Tác giả bài viết: Bác sĩ Nguyễn Hòa Bình – trực thuộc khoa phẫu thuật và phục hình trong miệng tại nha khoa Thùy Anh. 

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục