Inlay/onlay: Chỉ định, quy trình và hướng dẫn sử dụng
“Tái lập trạng thái bình thường” có thể được xem là nguyên tắc để chữa trị hầu hết mọi căn bệnh, và trong ngành nha khoa cũng vậy, khi bị tổn khuyết về cấu trúc răng, chúng ta luôn hướng tới việc làm nó trở về trạng thái giống như ban đầu vốn có. Ví dụ như răng sâu, vỡ mẻ sẽ được điều trị để phục hồi hình dạng cũ. Hàn răng là phương pháp kinh điển vẫn sử dụng từ hàng trăm năm qua hay thậm chí nha khoa cổ điển có thể bọc chụp luôn chiếc răng dù chỉ bị vỡ 1 phần.
Nha khoa hiện đại với triết lý xâm lấn tối thiểu cùng sự phát triển của hệ thống dán dính trong vòng 30 năm đã đem đến những “sản phẩm” mới với độ bền và tính thẩm mỹ cao, bảo tồn mô răng tối đa. Đó là những miếng dán “inlay, onlay”.
Khái niệm về “inlay, onlay”
đường màu đen sẫm hoặc đỏ và các chấm màu vàng là đỉnh múi. Hình bên trái là răng có 5 múi, bên phải răng có 4 múi, và hình bên dưới chính là những miếng dán “inlay- onlay”.
- Inlay là miếng dán chỉ trong nội phần múi, chưa vượt qua các đỉnh múi.
- Onlay là miếng dán kích thước lớn hơn, bao phủ ít nhất 1 múi răng nhưng không phủ tất cả các múi.
Về bản chất, inlay, onlay đều là những vật liệu phục hồi lại hình thể răng, khác nhau về tên gọi là do kích thước và có chăng để các nha sĩ thực hiện kĩ thuật tạo hình miếng dán như thế nào cho đúng mà thôi.
Mặt dán inlay/onlay liệu có ổn định và bền không?
Trước đây, những tổn khuyết răng phải hàn đi hàn lại nhiều lần, nha khoa cổ điển lựa chọn cách bọc chụp răng luôn vì có thể tái tạo lại hình thể răng tốt mà không bị bong bật ra nhiều. Vậy thì miếng dán inlay/onlay này không hề có hình thái lưu giữ như chiếc chụp sứ, vậy chúng gắn chắc vào răng kiểu gì, có phải có loại keo dính chặt như 502 không?”
Munksgaard năm 1985 và Retief năm 1994 phát hiện ra rằng 17 MPa là yêu cầu tối thiểu để bám dính thành công vào cấu trúc răng. Các thế hệ dán dính hiện nay với liên kết ngà răng tuyệt vời lên tới 20 – 30+ Mpa thì rõ ràng đã vượt xa yêu cầu tối thiểu để miếng dán dính chắc vào răng. Điều này giúp chúng ta hoàn toàn yên tâm về việc dù không có hình thái lưu giữ, miếng dán vẫn rất chắc chắn.
Năm 2018, Gianfranco Politano và cộng sự có nghiên cứu chỉ ra rằng tỉ lệ tồn tại của phục hồi dán không có hình thái lưu giữ lớn hơn 90% trên 5 năm, gần như tương đương với phục hồi truyền thống.
Ắt hẳn mỗi chúng ta đều không muốn 1 mối hàn phải hàn đi hàn lại nhiều lần vì lí do bong vỡ, và cũng không hề muốn mài đi nhiều mô răng hiện có. Inlay/onlay với khả năng bảo tồn mô răng tối đa, tính thẩm mỹ và độ bền không thua kém gì chụp răng truyền thống.
Có phải trường hợp nào cũng phải làm phục hồi dán inlay onlay không?
Inlay/onlay có chỉ định rất rộng rãi, ngay cả với răng đã điều trị tủy. Những trường hợp lỗ sâu rất nhỏ và nông ở những bề mặt lưu giữ tốt thì việc hàn răng vẫn đảm bảo được độ bền lâu dài, mà không cần thiết phải làm Inlay/onlay để tốn kém chi phí. Những trường hợp sâu to, ở các mặt tiếp xúc bên của răng, nha sĩ sẽ đánh giá lượng mô còn lại liệu có đủ khả năng để làm Inlay/onlay không?
Các trường hợp không nên làm inlay/onlay:
- Thay chụp cũ khi đó răng đã mài đi hầu hết mô, không còn diện tích để dính.
- Không còn men răng để dán, mất mô quá nhiều, thiểu sản men, chất lượng men quá kém thì việc dán lên men càng nhiều càng tốt sẽ tăng độ bền dán của phục hồi, men răng ít sẽ không đảm bảo cho phục hồi dán.
Quy trình thực hiện Inlay/onlay như thế nào?
Giống như khi làm chụp răng thì làm Inlay/onlay cũng gồm 2 buổi:
- Buổi 1: Bác sĩ sẽ thăm khám, đánh giá sau đó tạo hình răng phù hợp để đem lại kết quả tối ưu cho dán dính và lấy dấu răng để gửi qua labo làm 1 miếng dán Inlay/onlay.
- Buổi 2: Thử miếng dán sau khi labo đã chế tác và gắn lên răng bằng chất gắn chuyên dụng, đánh bóng và hướng dẫn sử dụng.
Có thể thấy quy trình làm các phục hồi đều giống nhau, nhưng do cơ chế lưu giữ trên răng khác nhau thì mỗi quy trình sẽ khác nhau ở bước “tạo hình răng” buổi 1 và “ gắn răng” buổi 2. Quy trình dán dính có thể phức tạp hơn 1 chút xíu. Trong bài viết này chúng tôi sẽ không đề cập chi tiết về các kỹ thuật hàn lâm nhưng sẽ điểm sơ qua để các bạn có thể nắm được các bước cơ bản:
– Tạo hình răng: Nếu như chụp răng mài hết các mặt răng theo tiêu chuẩn cụ thể thì Inlay/onlay không có 1 hướng dẫn chung nào, vì mỗi cá nhân có 1 hình thái lỗ sâu khác nhau. Việc của nha sĩ là làm sạch, đánh giá lỗ sâu, để quyết định phục hồi các múi răng với độ dày cho phù hợp với miếng dán.
Trước khi lấy dấu, chúng ta sẽ thực hiện 1 thủ thuật là “dán ngà tức thì” (IDS) để hạn chế tình trạng ê buốt. Năm 2005 Pascal Magne báo cáo rằng IDS làm tăng độ bền dán. Thậm chí sau khi thực hiện IDS, chúng ta gần như không cần làm phục hình tạm vì ê buốt ít xảy ra.
– Gắn răng: Phục hồi truyền thống sau khi thử xong thì sẽ gắn luôn. Còn Inlay/onlay thì phải xử lý bề mặt răng và cả bề mặt dán trước khi gắn kết thúc. Quy trình xử lý các bề mặt tương tự như các bước của hàn răng, có chăng khác nhau là sử dụng loại vật liệu chuyên dụng nào thôi.
Những câu hỏi liên quan tới dán inlay/onlay
1. Ngay sau khi làm răng xong, có thể ăn được luôn không?
Chất gắn phục hồi sẽ đông cứng ngay tại thời điểm gắn răng, tuy nhiên để ổn định chất gắn trong 1h đầu tiên bạn không nên ăn nhai.
2. Răng có bị kích thích khi gắn một vật liệu mới không?
Tương tự như những sửa chữa của cơ thể, khi có vật liệu mới sẽ cần 1 thời gian để thích nghi. Việc ê buốt sau khi gắn răng có thể do nhạy cảm với chất gắn, bạn nên tránh đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh, tình trạng ê buốt sẽ giảm dần sau 1 – 2 tuần, có thể sử dụng kem đánh răng chống nhạy cảm. Nếu tình trạng ê buốt kéo dài thì nên quay lại nha khoa để bác sĩ kiểm tra và xử lý kịp thời.
3. Cách vệ sinh răng inlay/onlay như thế nào?
Vệ sinh răng miệng đúng cách như chúng ta vẫn làm hàng ngày: Chải răng 2 lần/ ngày, sử dụng nước súc miệng và chỉ tơ nha khoa. Việc vệ sinh tốt sẽ giúp tăng cường sức khỏe răng miệng, phục hồi sẽ bền lâu hơn.
4. Chế độ ăn có gì đặc biệt không?
Ngay cả với răng thật thì cũng có khả năng dễ nứt vỡ khi nhai đồ quá cứng, bạn nên tránh ăn nhai cắn xé xương sụn, đồ dai dính cứng. Sau khi dán phục hồi thì nên ăn thức ăn mềm, sau 1 – 2 ngày ăn nhai với độ cứng tăng dần để răng thích nghi dần với miếng dán mới. Khi đã hết nhạy cảm thì chúng ta có thể ăn bình thường.
5. Khám răng định kỳ 6 tháng/ lần
Khi có 1 chiếc răng mới, thông thường mọi người sẽ không quay lại tái khám cho đến khi răng bị đau hoặc có vấn đề. Thói quen này thật sự không tốt vì răng miệng cần được theo dõi, bảo dưỡng định kỳ, giữ răng như đồ trang sức, nếu làm đúng cách thì nó sẽ luôn mới và bền đẹp.
Với những thông tin được cung cấp ở trên, hy vọng những thắc mắc của bạn xoay quanh Inlay/onlay đã được giải đáp một cách ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Răng thật luôn luôn là tốt nhất nên bạn hãy cố gắng chăm sóc răng miệng hằng ngày thật tốt. Phương án inlay, onlay cũng như các phương án phục hồi răng khác đều sẽ có những chỉ định riêng của nó. Bạn nên khám răng ở các cơ sở nha khoa uy tín với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm để lựa chọn được phương án phù hợp nhất với tình trạng của mình.
NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM
Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…
Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318
Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN
Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh