Hỏi đáp: Niềng răng bị hô hơn nguyên nhân do đâu?
Hàm răng hô khiến nhiều bạn thấy mặc cảm, răng hô cũng đi vào nhiều câu ca dao tục ngữ với tầng nghĩa không mấy tích cực. Cho nên nhiều bạn rất ám ảnh nếu răng mình đang tự nhiên bình thường, sau một thời gian ngắn niềng răng lại bị hô thêm. Nguyên nhân sẽ được bác sĩ Đăng giải đáp qua thông tin bài viết dưới đây.
Tại sao trong quá trình niềng răng lại hô nặng hơn?
Mặc dù hầu hết các trường hợp hô này chỉ là tạm thời thôi, các giai đoạn sau nha sĩ sẽ dần khắc phục và đưa hàm răng của các bạn trở về bình thường. Nhưng tâm lý thì luôn bị ảnh hưởng. Các nguyên nhân gây nên tình trạng này gồm:
Nguyên nhân thứ 1 ngay sau khi gắn mắc cài
Ngay khi gắn mắc cài, các bạn sẽ cảm nhận hàm răng mình hơi hô ra, điều này là gần như ngay lập tức. Đơn giản vì mắc cài dán lên mặt ngoài răng, các mắc cài này khiến bạn bị cộm, đội vào môi má. Từ đó khiến môi bạn trở nên nhọn và hô. Đây chỉ là cảm giác tức thời vì sau khi tháo, bạn sẽ lại thấy răng mình móm móm, do đã quen với việc môi má bị mắc cài cộm lên trong miệng tý xíu.
Nguyên nhân thứ 2 do các bạn bị giảm cân, hóp má, hóp thái dương
Mô mềm thì bị bóp gầy lại, mô cứng lại không đổi, răng và xương hàm chính là mô cứng, từ đó bạn sẽ cảm giác như răng, xương ổ nhô ra quá mức. Điều này may mắn cũng chỉ là tức thì, gặp phải do bạn lười ăn, lười nhai và có thể bị đau trong một thời gian nào đó. Nó sẽ nhanh chóng biến mất khi tháo niềng.
Nguyên nhân thứ 3 do cơ sinh học niềng răng.
Khi răng lộn xộn, cái ra cái vào, nha sĩ sẽ phải trải qua làm đều các răng trước rồi sau đó mới đến kéo đóng tinh chỉnh. Hàm răng chúng ta khấp khểnh là do bất tương xứng giữa kích thước răng, kích thước cung hàm. Khi răng quá to mà cung hàm lại nhỏ, thì răng không thể xếp đủ trên hàm được, dẫn đến phải mọc chen chúc, xoay. Để làm đều nha sĩ có thể sử dụng nong cung hàm, nong dây cung.
Hàm răng đang khấp khểnh, sử dụng dây cung nong, dẻo. Khi đó cung hàm sẽ được nong ra và đương nhiên các răng cửa sẽ ngả ra ngoài. Từ đó khiến bạn hơi hô trong pha điều trị này.
Hàm răng lệch lạc nặng, cung hàm hẹp, hơi nhọn. Sử dụng hàm nong có gắn ốc nong, ốc nong được kích hoạt bằng một key làm bằng chất liệp thép. Mỗi lần bạn vặn ốc nong thì hàm sẽ rộng ra. Khi đó các răng cửa sẽ đi ra ngoài. Và khiến bạn bị hô.
Một tình huống rất hay gặp nữa là khi bạn có răng nanh mọc lạc chỗ ở trên cao (high canine tooth), khi nha sỹ điều trị với triết lý dây thẳng, kéo răng nanh xuống, lúc đó khối răng cửa cũng bị ngả ra ngoài do răng cửa chỉ có một chân, bản xương ngoài mỏng, nhiều không gian nên tính neo chặn ít hơn khối răng sau.
Những trường hợp bị hô trong giai đoạn 1 của niềng răng là hoàn toàn bình thường với triết lý điều trị dây thẳng. Nha sĩ sẽ khắc phục sau đó ở các giai đoạn tiếp theo bằng các biện pháp như cắm vít di xa toàn hàm, hoặc nhổ răng kéo lùi khối răng trước…
Nguyên nhân thứ 4 do điều trị bù trừ
Sau thời gian niềng răng thấy răng bị hô ra còn gặp trong điều trị bù trừ khớp cắn ngược (điều trị ngụy trang sửa cắn ngược, móm): Nghĩa là nha sĩ không thể điều chỉnh được xương của bạn về đúng tương quan do đã hết tuổi tăng trưởng. Nha sĩ chỉ có thể di chuyển được răng. Khi đó để hết móm nha sĩ sẽ ngả khối răng hàm trên ra trước, hàm dưới ngả vào trong. Tạo tương quan khớp 2 hàm bình thường. Tức là hàm trên phía ngoài so với hàm dưới.
Trường hợp điều trị bù trừ, trục răng cửa hàm trên sẽ có thể bị hơi nghiêng ra ngoài quá mức và khiến bạn có cảm giác bị hô răng. Đây là điều trị chủ động, nha sĩ không thể kéo lùi hàm dưới giải hô do đang mong muốn răng cửa đi ra trước càng nhiều càng tốt để giải móm. Bạn cần được nha sĩ thông báo ngay từ đầu về vị trí kết thúc của các răng cửa hàm trên, là những răng có chức năng thẩm mỹ quan trọng. Khi bạn hoàn toàn đồng thuận mới bước vào điều trị. Điều trị theo hướng ngụy trang thì thường sẽ chỉ cho kết quả chấp nhận được, cải thiện so với ban đầu chứ không thể toàn diện 100%.
Hiện nay, nhiều trường hợp nha sĩ không phân biệt được giới hạn của niềng răng và phẫu thuật chỉnh hình. Những trường hợp có hô hàm quá mức, mà kể cả khi khớp được răng theo tương quan đúng nhưng không tác động được để thay đổi nền xương hàm thì cũng không nên niềng mà thay vào đó nên tiến hành phẫu thuật chỉnh nha. Phẫu thuật sẽ cho kết quả đẹp hơn, giải quyết triệt để vấn đề hô xương, hô răng cho bạn. Để biết giới hạn nào niềng răng được, tình huống nào phải phẫu thuật, bạn cần có cuộc hẹn thăm khám trực tiếp trên miệng, trên phim đo sọ và đánh giá tuổi phát triển xương.
Hy vọng qua thông tin bài viết trên, các bạn đã hình dung rõ ràng vấn đề có thể xảy đến trong chặng đường niềng răng rất dài phía trước. Tìm được một nha sĩ tốt, hợp tác tin tưởng lẫn nhau giữa bệnh nhân – nha sĩ chính là tiền đề hàng đầu cho sự thành công.
NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM
Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…
Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318
Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN
Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh