Ê buốt răng phải làm sao? Cách chẩn đoán bệnh và hướng điều trị

Tình trạng ê buốt răng thường gây ra những cơn đau ngắn, nhói phát sinh do ngà răng bị lộ ra khi phản ứng với các kích thích môi trường không gây hại như: xúc giác (chạm nhẹ), nhiệt độ (lạnh hoặc nóng nhẹ), hơi (kích thích luồng không khí), sử dụng hóa chất có tính axit hoặc ngọt trong thực phẩm, đồ uống. Vậy ê buốt răng phải làm sao? Cách chẩn đoán bệnh ê buốt răng như thế nào? Phương pháp điều trị ra sao? Bác sĩ My – nha khoa Thùy Anh sẽ thông thông tin tới bạn trong bài viết dưới đây. 

Ê buốt răng phải làm sao?

Ê buốt răng phải làm sao? Hướng điều trị ê buốt răng 

Ê buốt răng hay còn gọi là nhạy cảm ngà răng (viết tắt là DHS – Dentin hypersensitivity). Việc chẩn đoán chính xác DHS là rất quan trọng trước khi bắt đầu điều trị. DHS có thể khó chẩn đoán vì các triệu chứng rất giống với các bệnh lý răng miệng khác có thể gây đau. Bất kể tình trạng nào gây lộ ngà răng đều có thể mắc DHS. Vậy ê buốt răng phải làm sao thì sẽ có 4 hướng dưới đây: 

Thứ 1: Điều trị không xâm lấn dựa trên 5 giả thuyết cơ chế của DHS

Có thể hiểu là dùng các sản phẩm chống ê buốt và chưa tính đến phải hàn trám chiếc răng, điều trị không xâm lấn hay sử dụng trong các trường hợp DHS mà tổn khuyết mô răng lộ ngà không rõ ràng (mòn cổ, mòn răng rất ít, tụt nướu không đáng kể…). Chất giảm mẫn cảm sẽ bịt kín các ống ngà lộ, làm tắc ống, đông dịch trong ống ngà, ngăn chặn dẫn truyền đau.

+ Tại nhà: Các chất làm giảm nhạy cảm được sử dụng như: kem đánh răng, nước súc miệng, kẹo cao su chuyên dụng. Phần lớn sẽ chứa muối Kali, natri,.. có đặc tính ngăn chặn hoạt động của sợi trục thần kinh, giảm tính dễ bị kích thích của thần kinh, nghĩa là khi bị kích thích phải cần 1 ngưỡng cao hơn bình thường thì mới có thể gây đau, giảm tình trạng DHS. Nên theo dõi kết quả trong 3 – 4 tuần, nếu tình trạng không hết có thể chuyển sang điều trị tại phòng khám. 

* Các bạn chú ý nhé: Tự dùng sản phẩm phải theo dõi trong khoảng 1 tháng, nếu không hết ê buốt cần đi gặp nha sĩ để can thiệp sâu hơn, vì nếu tự chẩn đoán tự điều trị có thể khiến một số bệnh lý nặng thêm mà tình trạng ê buốt lại không hề thuyên giảm. 

+ Tại phòng khám: Nha sĩ sẽ dùng cho bệnh nhân một số cách như: 

– Bôi Fluor: sử dụng dung dịch, gel, verni chứa fluor làm tắc nghẽn ống do tạo các kết tủa tinh thể canxi fluor lắng đọng bên trong ống ngà, làm giảm tác động của các kích thích bên ngoài vào dẫn đến giảm DHS. 

– Dùng các chất kết dính nha khoa và chất kết dính ngà: Bịt kín các ống ngà bằng cách hình thành một rào cản vật lý, ngăn chặn dòng chất lỏng dịch chuyển do kích thích trực tiếp từ bên ngoài. Phổ biến nhất là nha sĩ bôi bond cho bệnh nhân. Đó là chất dán dính nha khoa dạng lỏng và trùng hợp dưới ánh sáng đèn quang trùng hợp, rất hiệu quả. 

– Sử dụng Canxiphotphat vô định hình (CPP và ACP): Sản phẩm điển hình là GC tooth mousse, giúp tái khoáng hóa các tổn thương dưới bề mặt men răng và được chứng minh ngăn ngừa DH.

– Cuối cùng nha sĩ có thể dùng Laser: Laser công suất thấp có thể ức chế sự kích thích của dây thần kinh tủy. Tia laser công suất cao hơn có thể làm giảm triệu chứng DHS bằng cách gây ra tắc nghẽn ống ngà, đông tụ các protein làm ngăn chặn sự chuyển động của dòng chất lỏng trong ống.

Điều trị không xâm lấn như trên nếu giúp bạn hết ê buốt răng thì là rất tốt. Tuy nhiên nếu không cải thiện bạn cần bước vào điều trị xâm lấn tức là can thiệp hàn trám, phẫu thuật tụt lợi hoặc thậm chí bọc chiếc răng lại. 

Thứ 2: Điều trị phục hồi với trường hợp ê buốt kéo dài và các tổn khuyết mô rõ ràng

– Mòn răng hoặc mài mòn, các trường hợp thiểu sản: Sử dụng composite, GIC và phục hồi bằng chụp, veneer… tùy theo mức độ nặng của bệnh, sử dụng máng chống nghiến trong những trường hợp nghiến răng, tăng kích thước dọc cho những trường hợp răng mòn nhiều.

– Tụt nướu, viêm nha chu: Phẫu thuật nha chu bao gồm tái tạo mô có hướng dẫn, vạt định vị phía chóp, ghép mô liên kết và ghép nướu. 

Khi điều trị mà các triệu chứng DHS vẫn còn thì cần kết hợp thêm với các phương pháp sử dụng sản phẩm chống ê buốt. Tức là vừa kết hợp điều trị can thiệp vừa dùng thêm sản phẩm chống ê buốt. 

Thứ 3: Kiểm soát hành vi

– Kiểm soát thực phẩm và đồ uống có tính axit và thói quen ăn uống xấu

– Kiểm soát các trường hợp bệnh lý toàn thân như dạ dày trào ngược, co thắt thực quản hoặc bệnh lý xơ cứng bì.

Thứ 4: Chiến lược cuối cùng, giáo dục hướng dẫn 

Cần được làm thường xuyên tại các cơ sở nha khoa cho người bệnh: Từ cách chải răng, các thực phẩm nên và không nên,… cũng như trang bị hiểu biết về các vấn đề ê buốt răng. Mọi sự hợp tác điều trị đều phải đến từ sự hiểu biết sâu sắc mặt bệnh mình mắc phải. Bởi vì nếu không trang bị hiểu biết bạn có thể chìm sâu bằng việc loay hoay sử dụng những mẹo vặt hay cách thức được người này người nọ mách cho mà không hề phát huy hiệu quả. Nguốc gốc bệnh lý thì càng ngày tệ hơn. 

Cách phòng ngừa ê buốt răng hiệu quả và nâng cao sức khỏe răng miệng  

– Vệ sinh răng miệng kĩ lưỡng: Sử dụng kem đánh răng dành cho răng nhạy cảm hoặc chứa fluorid; hạn chế dùng kem đánh răng có chứa các chất mài mòn, đặc biệt chú ý các sản phẩm tẩy trắng hoặc làm trắng, trước khi sử dụng cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ nha khoa; dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng nhẹ nhàng. Nhiều bạn vì muốn hàm răng trắng nên mặc dù đang ê buốt răng vẫn mua các sản phẩm kem đánh răng làm trắng trên mạng, điều này sẽ khiến răng bị ê buốt và mòn rất nhanh. Các sản phẩm này không xấu nhưng cần sử dụng đúng chỉ định. 

– Chải răng đúng cách: Chải răng 2 lần/ngày, chải theo chuyển động tròn, nhỏ, không chải ngang, chải bằng bàn chải lông mềm. Nên thay bàn chải khoảng 3 tháng/lần hoặc ngay khi thấy dấu hiệu lông bàn chải cứng, mòn. Lời khuyên sử dụng bàn chải lông mềm, chải nhẹ và xoay tròn hoặc động tác lên xuống không kéo ngang là mọi điều nha sĩ sẽ nói với bạn, nhưng thật kỳ lạ phần đa bệnh nhân không tin điều này. Bệnh nhân nghĩ rằng bàn chải phải lông cứng chải mới có cảm giác sạch, chải răng phải mạnh mới yên tâm răng đã sạch. Thậm chí kéo ngang cho đứt hết cổ răng mà vẫn không làm sao thay đổi được thói quen này. Bạn hãy nhớ chọn bàn chải lông mềm, chải nhẹ và không chải ngang. 

Không đánh răng ngay sau khi ăn: Bạn nên đợi ít nhất 1 giờ sau khi ăn vì một số loại thực phẩm đồ uống có tính axit làm ăn mòn men răng, cần thời gian để nước bọt trung hòa axit này trước khi chải răng.

– Hạn chế các thực phẩm đồ uống dễ làm mòn răng: Nước có ga, rượu hay nước ép có tính axit, hàm lượng đường cao.

– Thăm khám nha khoa định kì: Ít nhất 6 tháng/lần để can thiệp kịp thời những vấn đề răng miệng bạn đang có.

Khi gặp phải tình trạng DHS, răng trở nên nhạy cảm với các kích thích môi trường, điều này ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày như ăn, uống, nói hay đánh răng, thậm chí có những trường hợp có thể kéo dài mấy tháng trời, trở thành sự khó chịu dai dẳng, phiền nhiễu làm giảm chất lượng cuộc sống. Qua bài viết hôm nay bác sĩ My chia sẻ, chúng ta có thể có một cái nhìn tổng quan về DHS, khi có triệu chứng bất thường, bạn hãy đến  gặp nha sĩ sớm nhất có thể để thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. 

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background