Dán sứ inlay/onlay bị đau phải làm sao?

Inlay onlay là gì?

Inlay và onlay phân loại là phục hình gián tiếp, có nghĩa chúng được tạo ra bên ngoài miệng, sau đó được dán lên răng. Khác với trám răng là ta có chất trám đặt trực tiếp vào răng. Inlay onlay tạo ra để khôi phục lại cấu trúc, hình thể của một chiếc răng bị hư hỏng. 

    • Inlay: Là miếng dán chỉ nằm trong các rãnh răng, chưa vượt qua các đỉnh múi.
    • Onlay: Là miếng dán kích thước lớn hơn, bao phủ một hoặc nhiều múi răng.

Vật liệu để làm inlay/onlay có rất nhiều loại khác nhau: hợp kim quý (vàng/ bạc/ đồng..); hợp kim thường (Crom/ coban/ titan); nhựa composite; và phổ biến hiện nay là sứ. Những vật liệu này mang lại độ thẩm mỹ cao, độ bền uốn tốt, đảm bảo chức năng ăn nhai lâu dài của răng.

Ưu điểm của inlay/onlay

    • Thẩm mỹ: Phục hồi hình thể giải phẫu của răng tốt hơn miếng hàn thông thường. 
    • Tiết kiệm mô răng tự nhiên tốt hơn so với chụp răng. Điều này giúp duy trì được tính toàn vẹn và sức khỏe răng miệng lâu dài.
    • Độ bền cao trước lực ăn nhai, cắn hàng ngày: So với miếng trám thông thường, tuổi thọ inlay/onlay có thể lên tới 10 – 20 năm. 
    • Giảm nguy cơ sâu răng: Do inlay/onlay được tạo ra vừa khít và chính xác với xoang lưu, nên nguy cơ sâu răng xung quanh miếng dán là rất ít. Điều này duy trì sức khỏe răng miệng tối ưu và giảm nhu cầu điều trị phục hồi thêm.

Nhược điểm của inlay/onlay

    • Chi phí cao
    • Đòi hỏi kỹ thuật và độ chính xác cao.
    • Tốn nhiều mô răng hơn so với cách hàn răng thông thường: Do cần phải tạo lưu giữ ổn định cho miếng dán.

Mặc dù tuổi thọ chính xác của inlay/onlay có thể khác nhau, tùy thuộc vào các yếu tố như thói quen vệ sinh răng miệng và thói quen ăn uống, nhưng chúng thường được coi là một lựa chọn lâu dài và bền bỉ để phục hồi răng, giúp bệnh nhân yên tâm và tự tin về răng mới của mình

Sau khi dán inlay/onlay, việc cảm thấy nhạy cảm hoặc khó chịu nhẹ trong vài ngày là điều bình thường, nhưng khoảng thời gian chính xác có thể khác nhau tùy thuộc vào một số yếu tố. Nhìn chung, hầu hết mọi người đều thấy rằng mọi cảm giác khó chịu hoặc nhạy cảm sẽ giảm dần trong vòng một hoặc hai tuần sau khi thực hiện thủ thuật.

Các yếu tố ảnh hưởng đến thời gian răng đau sau khi đặt miếng dán

    • Mức độ sâu răng hoặc tổn thương của răng trước khi đặt miếng dán: Nếu răng bị tổn thương nghiêm trọng, kích thước lớn có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để lành và phục hồi hoàn toàn.
    • Tay nghề và kỹ thuật của bác sĩ: Bác sĩ có tay nghề cao sẽ cẩn thận để giảm thiểu bất kỳ tổn thương nào cho răng trong quá trình thực hiện, điều này có thể giúp giảm bớt sự khó chịu và thúc đẩy quá trình lành thương nhanh hơn. 
    • Khả năng chịu đau của từng cá nhân: Một số người có thể nhạy cảm với cảm giác khó chịu hơn những người khác, do đó, thời gian răng bị đau sau khi thực hiện thủ thuật có thể khác nhau.

Nguyên nhân gây đau sau khi dán inlay/onlay 

1. Nhạy cảm ngà răng 

Thông thường sau khi gắn inlay/onlay, bệnh nhân sẽ có thể cảm thấy ê buốt nhẹ vài ngày đến vài tuần, nhưng triệu chứng đó sẽ giảm dần. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân hạn chế ăn uống các thức đồ quá nóng, quá lạnh, sử dụng các sản phẩm chống ê buốt răng như kem đánh răng chống ê buốt…

Giải thích cho sự nhạy cảm này, do trong quá trình sửa soạn và làm sạch xoang trám, đã có hiện tượng xói mòn nhẹ ở mô răng, được thể hiện qua hình sau:

A: Hình ảnh men ngà trước khi có hiện tượng xói mòn. B: Hình ảnh sau khi xói mòn, đã tạo ra các “lỗ, ống”.

Hiện tượng xói mòn: Về bản chất, kỹ thuật này sẽ sử dụng một loại dung dịch hoặc gel acid phosphoric có nồng độ từ 30 – 50% trong thời gian từ 15 – 30 giây, sau đó phải rửa và làm khô vùng này thật kĩ càng. Lúc này dung dịch acid sẽ tác động lên cấu trúc trụ men nhờ loại bỏ lõi trụ men hoặc vùng quanh trụ men, lấy bỏ đi lớp mùn ngà và các lớp bề mặt khác để bộc lộ ống ngà tạo độ nhám bề mặt, tạo điều kiện cho liên kết vi cơ học. Với cơ chế này, có thể đã làm cho một số bệnh nhân có phản ứng nhạy cảm ngà sau khi dán răng.

2. Kích thích tủy

Sau khi gắn inlay/onlay, nếu bệnh nhân xuất hiện những triệu chứng đau dữ dội như cơn đau lan lên nửa đầu, đau từng cơn, đau nhiều về đêm… thì đó là những triệu chứng điển hình của bệnh lý viêm tủy không hồi phục, khi đó chỉ định điều trị tủy là bắt buộc. Do tổ chức sâu sát tủy và gây sang chấn. 

Điều trị tủy khi này có thể thực hiện xuyên qua inlay/onlay cũ, mà không nhất thiết phải tháo ra. Trong trường hợp, nếu miếng dán này bong trong quá trình điều trị tủy, thì việc thay thế loại phục hình khác sẽ được áp dụng, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

3. Căn chỉnh khớp cắn không chuẩn

Miếng trám quá cao, gây áp lực quá mức lên răng và gây đau. Hơn nữa, nó có thể gây ra các vấn đề khác, chẳng hạn như gãy răng, đau mỏi khớp thái dương hàm, đau đầu… Với trường hợp này, bác sĩ sẽ kiểm tra khớp cắn và mài chỉnh hợp lý thì các triệu chứng kia sẽ dần hết. 

4. Miếng dán sứ không kín khít

Do một số lỗi trong quá trình dán sứ, làm miếng dán không kín khít. Khi này, răng sẽ rất nhạy cảm, đặc biệt khi ăn các đồ quá nóng, quá lạnh, dù đã sử dụng các phương pháp giảm ê buốt mà bác sĩ khuyên. Và giải pháp cho vấn đề này là bác sĩ sẽ phải tháo bỏ miếng dán cũ và lấy dấu, lắp lại một miếng dán kín khít, chuẩn xác hơn cho bạn.

5. Phản ứng dị ứng với vật liệu

Trường hợp này hiếm gặp, nhưng vẫn có khả năng xảy ra, sau khi loại trừ tất cả 4 nguyên nhân trên, mà bệnh nhân vẫn thấy đau, dù đã điều trị tủy, thay miếng dán mới.

Phản ứng dị ứng với vật liệu được sử dụng trong lớp phủ có thể dẫn đến cảm giác khó chịu. Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác như ngứa, rát, sưng tấy, phát ban hoặc khó thở trong một số trường hợp. 

Cách chăm sóc răng miệng sau khi dán inlay/onlay

Để đảm bảo tuổi thọ của inlay/onlay, điều quan trọng là bạn cần duy trì thói quen chăm sóc răng miệng tốt: 

    • Tránh áp lực quá mức: Tránh cắn hoặc nhai các vật cứng như đá, bút hoặc kẹo cứng vì chúng có thể sứt mẻ hoặc làm hỏng phục hình. Cắt thức ăn thành những miếng nhỏ, vừa ăn hơn hoặc tránh chúng hoàn toàn.
    • Thực hành chăm sóc răng miệng tốt tại nhà: Duy trì việc chải răng ít nhất 2 lần/ngày, sau bữa ăn; sử dụng chỉ tơ nha khoa mỗi ngày một lần và súc miệng thường xuyên bằng nước súc miệng. Điều này giúp loại bỏ mảng bám và ngăn ngừa sâu răng.
    • Khám răng miệng định kỳ: Khám răng định kỳ ít nhất 6 tháng/lần là điều cần thiết để theo dõi tình trạng răng của bạn và phát hiện, giải quyết sớm mọi vấn đề ở giai đoạn đầu. 

Nhìn chung, hầu hết mọi người đều thấy rằng mọi cảm giác khó chịu hoặc nhạy cảm sẽ giảm dần trong vòng 1 – 2 tuần sau khi thực hiện thủ thuật dán inlay/onlay. Nếu có vấn đề gì bất thường, đừng ngần ngại liên hệ bác sĩ của mình và giải quyết vấn đề sớm nhất bạn nhé. 

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background