Răng trên trụ implant bị kênh vướng gây hậu quả gì? Khắc phục như thế nào?
Sau khi lắp răng trên trụ implant về thì một số bệnh nhân gặp vấn đề không ăn nhai được, cảm giác như răng không cắn vào nhau, không thể nhai nghiền thức ăn ở răng hàm, còn răng cửa thì không cắn đứt được sợi bún, trong khi cái răng sứ mới lắp thì đau. Nguyên nhân là do chiếc răng sứ mới lắp bị kênh cộm khiến khớp cắn xáo trộn, nếu cứ để như vậy sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Cùng tìm hiểu thông tin về vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Nguyên nhân làm răng sứ trên implant bị kênh cộm
Phục hình răng sứ trên implant do nhiều bộ phận gắn kết lại với nhau bởi quy trình phức tạp chứ không phải chỉ đơn giản là úp một chiếc răng sứ lên trên cùi răng mài như thông thường. Trong quy trình này, chỉ cần sai một bước nhỏ thôi là có thể khiến cho răng sứ không chuẩn xác, gây kênh cộm hoặc thậm chí không lắp được. Khi lắp răng sứ cho chân implant, một số sai sót có thể xảy ra gồm:
– Lấy khuôn không chính xác khiến kỹ thuật viên xác định sai vị trí chân răng, từ đó răng sứ không chính xác.
– Lựa chọn abutment không đúng kích cỡ, có thể quá to hoặc khi mài chỉnh tiếp xúc bên chưa tốt, bị quá chặt nên lúc lắp răng, răng không xuống hết được.
– Kỹ thuật viên làm răng sứ quá dày.
– Chỉnh sửa khớp cắn cuối cùng chưa tốt: Răng sứ trên implant vẫn bị chạm khớp nhiều hơn so với các răng bên cạnh.
Hậu quả của răng sứ trên implant bị kênh cộm?
Cấu tạo của răng implant gồm 3 thành phần chính:
– Chân răng implant nằm trong xương hàm.
– Trụ phục hình nối dài từ chân implant lên trên lợi, đóng vai trò như một thân răng giả.
– Răng sứ được gắn lên trụ phục hình bằng một loại keo dán chuyên dụng. Cả khối này thì cố định vào implant bằng một chiếc vít gọi là vít kết nối.
Nếu răng implant bị kênh cộm, quá tải cắn khớp thì lực tác động khi ăn nhai sẽ truyền từ răng giả phía trên xuống chân implant phía dưới và từ đó ảnh hưởng lên tất cả các bộ phận. Hậu quả có thể xảy ra gồm:
– Bong vỡ phục hình răng sứ phía trên.
– Lỏng hoặc thậm chí gãy vít kết nối dẫn đến răng bị lung lay.
Vít có vai trò giữ các bộ phận cấy ghép gắn lại với nhau, răng giả ở trên kết nối với chân răng bằng cách siết lại vít với lực khoảng 30 – 35N, khi chịu tác động quá mức của lực nhai có thể dẫn đến các chuyển động vi mô do đó làm lỏng hoặc gãy vít. Việc nới lỏng vít và răng trên implant bị lung lay được cho là dấu hiệu lâm sàng đầu tiên của sự quá tải cắn khớp răng implant, cần phải xử lý ngay lập tức.
Các biến chứng kể trên đều là những biến chứng có thể sửa chữa lại dễ dàng, tuy nhiên nếu chậm trễ xử lý sẽ gây ra những hậu quả nặng nề và khó khắc phục, chúng tôi gọi là biến chứng trễ của quá tải cắn implant – trầm trọng hơn rất nhiều:
Để lâu răng cộm khớp gây tiêu xương xung quanh implant
Cơ chế gây mất xương quanh implant do quá tải cắn hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi, bởi nó còn liên quan đến nhiều yếu tố khác nữa như khối lượng, chất lượng xương hàm, cường độ và tần suất tác động lực nhai, vị trí cấy ghép, thiết kế trụ implant và phục hình răng. Nhưng rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng, khi có quá tải cắn khớp xảy ra thì có hiện tượng tiêu xương quanh implant. Nếu tiêu xương nhiều có thể dẫn đến trụ implant bị đào thải khỏi xương hàm.
Để lâu ngày răng kênh khớp sẽ nứt gãy trụ implant
Đây cũng là một hậu quả khó khắc phục vì khi implant đã tích hợp tốt rồi thì tháo nó ra khá khó khăn. Thực tế, biến chứng này gặp rất ít trên lâm sàng, bởi các implant ngày nay đều được thiết kế rất tốt, rất cứng chắc và bền bỉ. Nó thường xảy ra nếu bác sĩ phẫu thuật thiếu kinh nghiệm, lựa chọn trụ implant kích thước quá nhỏ đặt tại những vị trí có lực ăn nhai lớn và thường xuyên, kết hợp với răng bị kênh cộm, chịu tải quá mức so với khả năng chịu đựng.
Ngoài ra, răng bị kênh cộm chắc chắn ăn nhai khó khăn, có nguy cơ gặp vấn đề về khớp Thái Dương Hàm như đau mỏi hàm, đau đầu, đau vai gáy…
Cách khắc phục hậu quả răng implant bị kênh cộm
+ Trước tiên bác sĩ sẽ kiểm tra trên phim XQ xem răng implant đã xuống hết chưa. Nếu chưa xuống hết thì cần xác định nguyên nhân là do đâu:
– Nếu do tiếp xúc 2 bên quá chặt thì tháo răng implant ra, mài chỉnh lại tiếp xúc, làm sao khi đưa chỉ tơ nha khoa qua thì chỉ không bị đứt nhưng vẫn cần có một độ căng nhất định, kêu tạch tiếng là được.
– Còn nếu do chọn abutment kích cỡ quá lớn, khi ấn xuống bị vướng gờ xương, thì lấy dấu làm lại răng sứ khác và chọn abutment kích thước nhỏ hơn, hoặc phải mài bớt gờ xương, đợi lành thương rồi mới làm lại răng.
Tiếp theo, chúng ta sẽ khắc phục những hậu quả muộn do răng sứ kênh cộm gây ra.
– Răng sứ kênh gây bong vỡ sứ: Cấu tạo của một chiếc răng implant rất đặc biệt, nó có chân răng nằm cố định trong xương, không dịch chuyển, còn khối răng giả có thể tháo ra ngoài dễ dàng. Khi răng sứ trên implant không may bong vỡ thì hoàn toàn có thể sửa chữa bằng cách mở lỗ vít, xoay vít kết nối và tháo khối răng sứ ra ngoài, lúc này tùy vào mức độ sứt mẻ sứ có lớn hay không mà lựa chọn việc đắp thêm sứ sửa chữa hoặc lấy dấu làm lại chiếc răng mới.
– Các biến chứng như bong tróc chất gắn, lỏng/gãy vít kết nối, nứt gãy trụ implant hay tiêu xương xung quanh implant thì đều có dấu hiệu là răng implant bị lung lay, nếu không xử trí kịp thời, có thể gây tình trạng viêm, sưng tấy xung quanh trụ. Thời gian càng để lâu, thức ăn dắt vào xung quanh, viêm càng nặng hơn thì sự tiêu xương cũng trầm trọng, gây khó khăn cho bác sĩ trong việc khắc phục hậu quả sau này.
Đó cũng là lý do mà mỗi khi lắp xong răng trên implant cho bệnh nhân, ngoài việc căn dặn chuyện ăn uống, vệ sinh răng miệng, định kỳ đi kiểm tra bảo dưỡng thì các bác sĩ tại nha khoa Thùy Anh cũng nhắc nhở bệnh nhân về tình huống xảy ra: Nếu thấy răng implant bị lung lay thì cũng không cần phải quá lo lắng, bởi đại đa số các trường hợp thường là do vít kết nối bị lỏng và việc khắc phục rất dễ dàng, nhưng quan trọng là khi đó cần liên hệ lại với bác sĩ và quay trở lại phòng khám để kiểm tra luôn. Vì nếu để càng lâu thì khắc phục hậu quả sẽ càng khó khăn hơn, trong khi nếu lỏng vít kết nối thì chỉ cần mở lỗ mở vít, siết lại là răng sẽ lại chắc như bình thường, rất đơn giản.
– Trường hợp vít kết nối bị gãy thì sao: Gãy vít kết nối thì nghiêm trọng hơn và việc khắc phục cũng sẽ khó hơn so với vít bị lỏng. Bác sĩ sẽ cần phải rất khéo léo, tỉ mỉ, kiên nhẫn để tháo bỏ phần vít gãy ra khỏi implant. Sau khi tháo bỏ rồi sẽ lấy một cái vít mới để kết nối phần răng sứ phía trên với chân răng implant.
Tất cả các trường hợp kể trên đều nằm trong khả năng sửa chữa được mà không ảnh hưởng chân răng implant cố định bên dưới. Sau khi đã sửa chữa xong, bác sĩ sẽ kiểm tra lại xem khớp cắn ở vị trí răng implant như thế nào, có bị kênh cộm hay có điểm cắn vướng gì không. Nếu có thì cần mài chỉnh khớp cắn.
Để kiểm tra khớp cắn, bác sĩ thường sử dụng giấy cắn với các độ dày mỏng khác nhau. Hiện nay, còn có sự hỗ trợ của những thiết bị hiện đại hơn, như máy T-Scan với bộ cảm biến cực mỏng và cực nhạy sẽ ghi nhận chính xác lực cắn, các điểm chạm thông qua màn hình máy tính, từ đó ta sẽ nhìn rõ được răng implant bị quá tải.
– Trường hợp trụ implant bị gãy vỡ và sứt mẻ: Khi ấy bác sĩ bắt buộc cần tháo bỏ implant ra ngoài cung hàm. Sau đó đợi lành thương và đặt lại một trụ implant mới rồi phục hồi răng sứ phía trên.
– Biến chứng muộn cuối cùng là tiêu xương xung quanh trụ implant: Tùy vào mức độ tiêu xương mà ta sẽ có phương pháp xử trí khác nhau. Nếu tiêu ít, thì ta chỉ cần mài chỉnh lại khớp cắn, làm sạch cơ học. Nếu tiêu nhiều, cần ghép xương tái tạo xương ổ răng. Những trường hợp tiêu quá ½ chiều dài hay bị lung lay nhiều thì nên tháo bỏ implant, chờ lành thương rồi lên kế hoạch đặt lại implant khác cho bệnh nhân.
Tóm lại, răng implant bị kênh cộm nếu để muộn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng và khó khắc phục. Bởi vậy, cách tốt nhất là bạn cần phòng ngừa không nên để nó xảy ra. Tại nha khoa Thùy Anh, các bác sĩ khi làm ở bước phục hình răng sứ sau cùng sẽ luôn làm cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác, đặc biệt là ở khâu lắp răng trên miệng, kiểm tra và mài chỉnh khớp cắn cho thật tốt. Bạn cũng lưu ý sau khi lắp răng về nhà nếu ăn uống thấy bị kênh cộm, ăn nhai không thoải mái hay thấy răng bị lung lay thì cũng cần liên hệ ngay với bác sĩ. Việc mài chỉnh khớp cắn hay siết lại vít kết nối thì đều rất đơn giản. Thông tin bài viết được cung cấp bởi bác sĩ Tuấn (Khoa phục hình và phẫu thuật trong miệng, Nha khoa Thùy Anh).
>>> Xem thêm: https://nhakhoathuyanh.com/trong-rang-implant-mat-bao-lau-thi-on-dinh-khi-lam-co-dau-khong/
NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM
Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…
Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318
Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN
Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh