6 cách khắc phục tình trạng tê bì môi sau nhổ răng khôn hàm dưới

0,35 – 8,4% là tỷ lệ tổn thương dây thần kinh ống răng dưới sau nhổ răng khôn trong một nghiên cứu tổng quan hệ thống của Rafael Sarikov và cộng sự năm 2014. Tổn thương này thường không cố định và có khả năng tái sinh theo thời gian. Chấn thương vĩnh viễn là cực kì hiếm (dưới 1%) và hầu hết sẽ lành thương hoàn toàn sau 6 tháng.

Mặc dù con số dịch tễ học nêu trên là tương đối thấp tuy nhiên chúng lại có ý nghĩa rất lớn đối với bệnh nhân và các bác sĩ phẫu thuật. Tất cả mọi người cần được cảnh báo về những rủi ro tổn thương dây thần kinh ống răng dưới (có thể dẫn đến tê bì môi, cằm sau nhổ) và phải có sự đồng ý hoàn toàn trước khi làm thủ thuật.

Phần lớn bệnh nhân bị tê bì sau nhổ răng đều hoang mang lo lắng. Nguyên nhân là tổn thương này kéo rất dài, tiến triển chậm và bệnh nhân bị ám thị bởi những vấn đề liên quan đến thần kinh dường như sẽ rất nặng nề. 

Các bạn có đặt ra câu hỏi tại sao lại có nguy cơ tê bì môi, cằm, có phải ai nhổ răng cũng gặp tình trạng này hay không, nếu có thì nó có thực sự nguy hiểm đến tính mạng và có những cách nào giúp hồi phục nhanh hơn? Bác sĩ My – trực thuộc khoa phẫu thuật và phục hình trong miệng tại nha khoa Thùy Anh sẽ làm sáng tỏ vấn đề này qua bài viết dưới đây, mời các bạn cùng tham khảo. 

Tại sao chấn thương dây thần kinh ống răng dưới gây tê bì môi cằm và chỉ xuất hiện ở một vài người ? 

Tê bì được hiểu đơn giản là mất cảm giác, có thể mất một phần hoặc mất hoàn toàn hay rối loạn cảm giác (dị cảm). Thứ tự mất cảm giác là đau, lạnh, nóng, xúc giác nông rồi đến xúc giác sâu, cuối cùng là vận động. Tác dụng khi hồi phục sẽ theo chiều ngược lại. 

Trước tiên, chúng ta cùng xem xét vị trí của ống răng dưới ở đâu trong cung hàm và dây thần kinh này đảm nhận vai trò gì trong cơ thể qua những hình ảnh dưới đây.

Thần kinh ống răng dưới là một nhánh thần kinh cảm giác dây V, chạy trong xương hàm dưới. Răng khôn hàm dưới nằm ở sau cùng sẽ liên quan đến 4 dây xung quanh nó: thần kinh ống răng dưới, thần kinh lưỡi, thần kinh miệng dài (hay còn gọi là thần kinh má) và thần kinh hàm móng. Trong quá trình phẫu thuật các dây thần kinh này đều có nguy cơ bị tổn thương và hay gặp nhất là chấn thương thần kinh ống răng dưới và dây lưỡi. 

Khi tổn thương dây thần kinh ống răng dưới, chúng ta sẽ mất cảm giác ở những vùng mà nó chi phối tùy theo mức độ, hay gặp nhất là tê bì môi cằm. Nhìn vào hình ảnh bôi vàng phía trên ta thấy, thần kinh này chi phối cảm giác cho: vùng răng và xương hàm dưới tới đường giữa cùng bên, môi dưới, da vùng cằm, niêm mạc mặt ngoài tương ứng vùng cằm (từ răng cửa giữa đến răng hàm nhỏ thứ hai), niêm mạc mặt trong lưỡi – sàn miệng nửa cùng bên.  

Đây chỉ là một nhánh thần kinh ngoại biên chi phối cảm giác, không chi phối vận động. Khi  nó bị tổn thương, bạn vẫn hoạt động ăn nhai, nói, nuốt bình thường và chắc chắn không tổn thọ, tâm thần cũng như nguy hiểm tính mạng (những vấn đề hành vi thuộc sự điều khiển của thần kinh trung ương). Như vậy, ngay cả khi có chấn thương dây thần kinh ống răng dưới sau nhổ răng chúng ta vẫn sinh hoạt bình thường và không cần quá sợ hãi về hậu quả mà nó để lại.

Thực ra thì những sự việc như bạn bị vật nhọn cứa gây các vết thương đứt tay chảy máu thì đều có tổn thương thần kinh cả, sau cũng đều phục hồi tuy nhiên vì ống răng dưới dây thần kinh to hơn nên chúng ta cần chờ thời gian lâu hơn mà thôi. 

te-bi-moi-sau-nho-rang-2
Hình ảnh khu trú vùng tê bì do có tổn thương dây thần kinh ống răng dưới được vẽ lại bằng bút mực. Rõ ràng không có sự phù nề, biến dạng ảnh hưởng thẩm mỹ khuôn mặt sau tổn thương, và bệnh nhân ít than phiền về việc ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Độ rộng vùng tê bì là khác nhau giữa các bệnh nhân, phụ thuộc vào mức độ tổn thương.

Không phải ai sau khi nhổ răng khôn hàm dưới cũng có nguy cơ bị tê bì

Yếu tố nguy cơ quan trọng nhất là mối tương quan giữa vị trí của răng khôn với ống răng dưới, chân răng càng nằm sát ống thần kinh bao nhiêu, thì nguy cơ tê bì sau nhổ càng cao. Những trường hợp chân răng khôn nằm xa ống thần kinh thì bạn không cần e ngại về vấn đề tê bì sau nhổ; trường hợp răng khôn lệch ngầm, sâu và sát ống thần kinh, bác sĩ sẽ đưa ra “cảnh báo” nếu có.

Một số yếu tố nguy cơ phụ khác có thể được xem xét như: Tuổi bệnh nhân, kinh nghiệm bác sĩ phẫu thuật, mức độ và vị trí của tổn thương hoặc là lực tác động khi nhổ răng. 

Dưới đây là một số hình ảnh về các hình thái chân răng có nguy cơ tê bì môi cằm sau nhổ theo phân loại của Rood và Shehab.

Rood và Shehab đã đưa ra 7 dấu hiệu trên Xquang khi chân răng sát ống thần kinh : A - chân răng tối màu hơn; B - Chân răng bị uốn cong; C - Chân răng thu hẹp; D -;có đường viền sẫm màu ở chân răng; E - sự không liên tục của ống răng dưới; F - Dây thần kinh ống răng dưới đột ngột thu hẹp; G -;ống răng dưới bị uốn cong.
Hình ảnh phân tích rõ ràng hơn trên phim 3 chiều (CTCB) cho thấy tương quan ống thần kinh nằm về phía má, phía lưỡi hay đi giữa các chân răng khôn.

Nghiên cứu của nhóm tác giả người Hàn Quốc ở đại học Chosun năm 2021 (Hee Jin Kim, Ye Yoon Jo, Jun Seok Choi,…) vẫn cho một kết quả tương đồng với rất nhiều nghiên cứu trước đó rằng tỉ lệ tổn thương thần kinh ống răng dưới là rất thấp (< 0.65% ). Trong 7 dấu hiệu trên thì ống thần kinh có dấu hiệu bị thu hẹp và càng gần phía lưỡi thì tỷ lệ tổn thương cao hơn tất cả.

Tê bì môi cằm sẽ kéo dài bao lâu?

Hình ảnh khoanh tròn đỏ thể hiện vùng tê bì nhỏ dần sau 5 tuần kể từ ngày đầu tiên có triệu chứng và bệnh nhân hết tê bì hoàn toàn sau 3 tháng, cảm giác như trước khi nhổ răng.

Trong vòng 4 – 8 tuần sau phẫu thuật, 96% dây thần kinh ống răng dưới sẽ hồi phục, hầu hết sẽ tự khỏi trong 6 tháng; tình trạng tổn thương có thể kéo dài từ 3 tháng – 1 năm. Mô thần kinh là mô mất nhiều thời gian để lành thương hơn bất kì mô nào khác trong cơ thể nhưng bạn không cần quá sợ hãi, hãy kiên nhẫn để cơ thể sửa chữa và bạn sẽ hồi phục trong hầu hết các trường hợp.

Mức độ hồi phục nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào mức độ tổn thương dây thần kinh ít hay nhiều. Phân loại của Seddon và Sunderland trong bảng trên chỉ rõ các mức độ tổn thương thần kinh từ nhẹ đến nặng. Theo Seddon thì có 3 mức độ:

– Neuropraxia: Thần kinh bị đụng dập nhẹ, gây liệt nhẹ, tương ứng với độ 1 của Sunderland (tổn thương bao myelin), dẫn truyền bị phong tỏa tại chỗ, tình trạng tê bì kéo dài vài tuần đến vài tháng sau đó hồi phục hoàn toàn.

– Axonotmesis: Dây thần kinh bị đụng dập mạnh, tương ứng độ 2 của Sunderland (bao ngoài vẫn nguyên vẹn), có sự sửa chữa để nối lại nên vẫn có khả năng hồi phục hoàn toàn.

– Neurotmesis: Dây thần kinh đứt rời hoàn toàn không còn khả năng cứu vãn (tương ứng độ 3,4,5 của Sunderland), dây thần kinh không có khả năng hồi phục.

Thông thường trong nhổ răng chúng ta chỉ gặp 2 thuật ngữ đầu vì rất ít khi bác sĩ  đưa được dao, mũi khoan cắt răng hay bẩy xuống tận chóp răng để làm đứt rời hoàn toàn thần kinh như ở mức độ 3. Khi loại bỏ chân răng sát ống thần kinh, có chăng  máu đông và mô viêm chèn ép vào khu vực này làm giảm dẫn truyền trong 1 thời gian tạm thời mà thôi. Bạn hãy thật bình tĩnh làm theo hướng dẫn của bác sĩ, theo dõi tình trạng tê bì (nếu có) và an tâm bỏ qua sự lo lắng.

Như vậy chúng ta có thể thấy, nếu chân răng cắt ngang qua ống thần kinh mà động tác nhổ răng của nha sĩ chỉ là lấy răng ra theo chiều lên trên, không tạo ra các lực nén hay cắt xuống phía dưới, thì dù có tê bì cũng chỉ là tạm thời mà thôi. Các tổn thương thông thường sẽ hồi phục sau 6 tháng – 1 năm. 

6 cách đẩy nhanh quá trình lành thương và nhanh chóng loại bỏ cảm giác tê bì sau nhổ răng

Cách thứ 1: Sử dụng Steroid

Do đặc tính chống viêm, giảm sưng tấy sau nhổ răng với ảnh hưởng tối thiểu hoặc không ảnh hưởng đến cân bằng điện giải cơ thể, nên glucocorticoid (1 trong 2 loại corticosteroid) được các nha sĩ sử dụng rộng rãi. Thuốc hay được sử dụng là medrol (là methylprednisolon), sẽ giúp phục hồi và giảm cảm giác tê nhanh hơn.

Nếu có tổn thương thần kinh, liều uống medrol có thể kê trong 5 tuần với liều lượng như sau: 2 tuần đầu tiên uống liên tục, Medrol 16mg ngày 2 viên buổi sáng sau ăn no; tuần thứ 3 uống cách ngày; tuần 4 uống cách ngày, giảm xuống 1,5 viên; tuần 5 uống cách ngày, ngày 1 viên và dừng hẳn.

Cách thứ 2: Phức hợp vitamin B

Tăng tốc các đặc tính tái tạo thần kinh của cơ thể, hỗ trợ quá trình phục hồi tổn thương thần kinh. Vitamin pp (500mg ngày viên vào buổi sáng) kết hợp hỗn hợp 3B (B1, B6, B12), ngày 3 viên, mỗi lần 1 viên sau ăn, tùy mức độ tổn thương, có thể uống 1 tuần – 1 tháng. 

Cách thứ 3: Dùng Magiê (Mg) 

Một số bệnh nhân có tê bì có thể thiếu Mg một khoáng chất quan trọng, kiểm soát quá trình hoạt động cơ bắp và thần kinh, bổ sung Mg có thể giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi sau tê bì.

Cách thứ 4: Dùng ALA( Alpha-lipoic- Acid)

Là một chất oxy hóa tương tự vitamin nhưng mạnh hơn rất nhiều lần, có tác dụng ngăn ngừa tổn thương tế bào, ngăn chặn sự suy thoái của tế bào thần kinh. Đây là một chất bổ sung khác có thể làm giảm tổn thương thần kinh và giúp bạn phục hồi nhanh hơn.

Cách thứ 5: Súc miệng bằng nước muối ấm và chườm đá trong những ngày đầu

Trong quá trình lành thương, có thể làm giảm viêm giảm sưng tấy, phục hồi nhanh hơn sau phẫu thuật. Súc miệng 2 lần một ngày trong 2 tuần đầu tiên, chườm lạnh trong 24 giờ đầu.

Cách thứ 6: Sửa chữa dây thần kinh bằng vi phẫu: Cảm giác tê bì sau nhổ của bạn sẽ được bác sĩ theo dõi và đánh giá theo thời gian. Nếu dây thần kinh của bạn đã bị đứt hoàn toàn và không còn cảm giác gì nữa, (ít nhất là 6 tháng – 1 năm không thấy tiến triển tốt hơn như là thu hẹp phạm vi vùng tê bì), có thể phải sửa chữa dây thần kinh bằng vi phẫu. Tuy nhiên biến chứng này là cực kì hiếm gặp như đã được trình bày ở trên.

Qua những thông tin trên, chắc hẳn nhiều bạn sẽ phân vân rằng “Nếu tôi có 1 chiếc răng khôn nằm gần sát dây thần kinh, nguy cơ cao bị tê bì môi má sau nhổ, liệu tôi có nên loại bỏ nó hay không?”. 

Trả lời: Nếu như chiếc răng đó ngầm sâu và thật sự chưa gặp vấn đề gì bất thường (như đau, sưng, xô lệch hàm..) trước đó, chúng ta hoàn toàn có thể để lại và theo dõi cho đến khi chúng có những triệu chứng gây khó chịu cho bạn. 

Tuy nhiên giả sử chiếc răng khôn biến chứng rõ ràng, viêm nhiễm lan tỏa, phá hỏng răng số 7 bên cạnh thì so sánh hậu quả gây ra nếu để lại chiếc răng khôn và cảm giác tê bì nếu có sau nhổ do tổn thương thần kinh, thì lợi ích thu được vẫn nhiều hơn là biến chứng. Vì vậy chúng tôi cho rằng một cuộc nhổ răng vẫn là cần thiết. 

Tuy nhiên, bạn cần tìm 1 cơ sở nha khoa uy tín, có đầy đủ trang thiết bị chẩn đoán, những bác sĩ có kinh nghiệm cao để giảm thiểu tối đa các nguy cơ sau nhổ răng khôn, cũng như có phác đồ mạch lạc, bình tĩnh khi xảy ra vấn đề. 

Một lần nữa tê bì môi sau nhổ răng bạn cần giải quyết vấn đề tâm lý, còn các hậu quả thực thể không quá lớn, và sẽ hồi phục sau 6 tháng đến 1 năm. Hi vọng thông tin bác sĩ My cung cấp về vấn đề tê bì môi sau nhổ răng trên sẽ giúp bạn yên tâm hơn và có giải pháp phù hợp khi gặp tình trạng này. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì, hãy để lại thông tin hoặc liên hệ với bác sĩ của chúng tôi theo địa chỉ dưới đây để được tư vấn cụ thể hơn.

>>> Xem thêm: https://nhakhoathuyanh.com/tong-hop-bien-chung-sau-khi-nho-rang-khon-can-dac-biet-luu-y/

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background