3 nguyên nhân gây tiếng kêu khớp – nha khoa Thùy Anh

Nguyên nhân nào gây ra tiếng kêu khớp là điều không chỉ bệnh nhân gặp vấn đề về khớp thái dương hàm quan tâm mà chúng tôi còn được rất nhiều khách hàng tại phòng khám thắc mắc. Vậy tại sao khi há, ngậm miệng lại có tiếng động và tiếng động đó có nguy hiểm gì không? 

Thông tin về tiếng kêu khớp

Đầu tiên, bạn cần phải biết rằng bất cứ chuyển động nào cũng gây ra tiếng động. Việc bạn nhận ra nó hay không phụ thuộc vào 2 yếu tố đó là mức độ to và khoảng cách của âm thanh đó đến tai. 

Khớp thái dương hàm nằm ngay dưới tai. Như vậy, khi hàm dưới hay chính xác hơn là khớp thái dương di chuyển thì việc bạn nghe thấy âm thanh hoàn toàn phụ thuộc vào cường độ tiếng động mà khớp gây ra. Thậm chí, nếu không có cơ quan hỗ trợ làm bớt tiếng ồn thì âm thanh dù nhỏ cũng trở nên rất rõ với khoảng cách gần như thế. 

Cơ thể con người là 1 tạo vật hoàn hảo của tự nhiên, luôn tạo những bộ phận để giảm thiểu phiền toái như kể trên. Trong trường hợp này là đĩa khớp nằm giữa 2 mặt của khớp thái dương hàm. Đĩa khớp này là một dạng khớp hoạt dịch luôn được bôi trơn và định vị ở vị trí cân bằng ở trong ổ khớp nhờ hệ thống dây chằng neo giữ. 

Để dễ hiểu thì bạn hãy tưởng tượng khớp thái dương hàm như bản lề của 1 cánh cửa còn đĩa khớp như vòng đệm giữa 2 trục bản lề. Nếu đĩa khớp đủ chiều dày, được giữ ổn định và bôi trơn giảm thiểu ma sát thì tiếng động khi chuyển động hàm dưới luôn được làm giảm đến mức bạn không còn cảm nhận thấy nó nữa. Tuy nhiên khi có sự rối loạn, sẽ có một số tiếng động mà các bạn có thể nghe thấy. 

>>> Xem thêm: Tại sao há miệng có tiếng kêu khớp? 

Tiếng kêu khớp và nguyên nhân gây bệnh 

+ Thứ nhất là tiếng lạo xạo khi há ngậm miệng

Đây là tiếng động phổ biến nhất mà các bệnh nhân thường nghe thấy được khi cử động hàm dưới. Bản chất của âm thanh này là khi 2 bề mặt nhám di chuyển trên nhau. Nguyên nhân là theo thời gian, tuổi tác, đĩa khớp bị bào mòn và không còn giữ được chiều dày cần thiết ban đầu. Điều này khiến cho diện khớp của hàm dưới và xương hàm trên di chuyển với khoảng cách gần nhau hơn và sẽ có những chỗ thô ráp của 2 mặt khớp tiếp xúc với nhau gây ra tiếng động như vậy. 

Nếu không kèm bất cứ dấu hiệu nào và cường độ tiếng lạo xạo không tăng nhiều thì bạn có thể chấp nhận rằng đó là 1 biểu hiện lão hóa theo thời gian của khớp. Tuy nhiên khi kèm theo các triệu chứng như đau khớp khi cử động, hạn chế há ngậm miệng hoặc âm thanh lạo xạo đó tăng nhanh trong thời gian ngắn thì bạn cần đến bác sỹ kiểm tra xem có nguyên nhân gì bất thường dẫn đến việc đĩa khớp bị tổn thương hay không để ngăn chặn và tránh tình trạng rách đĩa khớp.

+ Tiếp theo là tiếng click khi há miệng

Như đã nói phía trên, đĩa khớp thông thường sẽ được định vị và di chuyển cùng khớp hàm dưới trong ổ khớp nhờ hệ thống dây chằng trước sau. Ở trạng thái ngậm miệng bình thường, phức hợp này nằm ở trung tâm ổ khớp. Khi há miệng thì 2 tổ chức này sẽ cùng với nhau trượt ra trước. Chính sự di chuyển nhịp nhàng như vậy làm cho cử động khớp hàm trơn tru không gây tiếng động. 

Nếu có sự rối loạn ở hệ thống dây chằng mà hay gặp nhất là hiện tượng thoái hóa dây chằng theo tuổi tác thì đĩa khớp có xu hướng trượt ra trước so với ổ khớp thì ngậm miệng. Ở giai đoạn sớm, mức độ nhẹ thì khi há miệng đĩa khớp sẽ trượt lại đột ngột phía sau trở lại vị trí đúng. Điều này gây ra tiếng click mà ta nghe được và bạn không cần quá lo lắng khi hiện tượng này xảy ra đơn lẻ. Tuy nhiên, triệu chứng này khi đi kèm với biểu hiện như khó ngậm miệng, đau khi cử động hàm đồng nghĩa với việc khả năng quay lại vị trí đúng của đĩa khớp đã bị ảnh hưởng thì bạn sẽ cần thăm khám để có các điều trị can thiệp giúp định vị lại đĩa khớp.

+ Cuối cùng là tiếng nổ lép bép như vỡ các bong bóng li ti khi cử động miệng

Đây là 1 trong các triệu chứng của việc viêm nhiễm nội khớp thái dương hàm, thường kèm với các dấu hiệu khác như đau khớp, hạn chế há miệng. Khi có các dấu hiệu này, bạn nên khám với bác sỹ để có thể điều trị kịp thời tránh các biến chứng nặng hơn.

Như vậy, tiếng kêu khớp không phải là một bệnh lý mà đó là 1 triệu chứng cơ học. Nó có thể là gợi ý chẩn đoán 1 bệnh lý khớp thái dương hàm khi đi cùng các triệu chứng khác như đau hay hạn chế há miệng. Vì vậy, nếu chỉ xuất hiện riêng rẽ và ít ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày thì bạn có thể theo dõi thêm hoặc thăm khám với các bác sỹ chuyên khoa khớp thái dương hàm để có lời khuyên chính xác nhất.

>>> Xem thêm: https://nhakhoathuyanh.com/cach-chua-ha-mieng-co-tieng-keu-nhu-the-nao-benh-ly-thai-duong-ham/

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background