Trường hợp tụt lợi nào thì nên phẫu thuật kéo lợi?

Nhiều trường hợp khách hàng đến thăm khám tại nha khoa Thùy Anh vì thấy 1 vài chiếc răng ngày càng dài ra khiến cho nụ cười xấu đi, ăn uống ê buốt khó chịu hay nỗi lo về việc mất răng trong tương lai. Y văn định nghĩa đây là tình trạng tụt lợi – tình trạng lợi bị co, dịch chuyển về phía chóp răng từ vị trí đường nối men-cement, gây lộ chân răng. Chúng ta hoàn toàn có thể kéo lợi lên cao trở lại để điều trị bệnh lý này, mức độ che phủ sẽ tùy theo từng trường hợp cụ thể. 

Vậy trường hợp tụt lợi nào thì nên phẫu thuật kéo lợi? Thông tin sẽ được bác sĩ Nhung – khoa phẫu thuật phục hình trong miệng nha khoa Thùy Anh cung cấp tới bạn trong bài viết dưới đây. 

Nguyên nhân bệnh sinh của tụt lợi

Nguyên nhân thường gặp nhất là do chấn thương: 

    • Đây có thể là kết quả của việc sử dụng bàn chải cứng hoặc kỹ thuật chải răng sai cách. Tụt nướu dạng này thường đi kèm vết trợt hoặc loét, thường không đau và có thể đi kèm với mòn cổ răng. 
    • Có 1 xu hướng giới trẻ hiện nay là xỏ khuyên môi, lưỡi. Các khuyên kim loại quá cứng sẽ gây tổn thương cho mô lợi. Đặc biệt là sang thương ở mặt trong do khuyên lưỡi thường khó phát hiện và vệ sinh, gây ra nhiều nguy cơ về ê buốt hay lung lay răng và cũng rất khó cho điều trị. 
    • Sang chấn khớp cắn cũng có liên quan đến tụt mô mềm. Rõ nhất là trường hợp cắn sâu, khi đó rìa cắn răng cửa hàm trên trực tiếp tác động vào mặt ngoài lợi răng cửa dưới. 
    • Viêm nhiễm tại chỗ cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tụt mô mềm. Tình trạng tích tụ cao răng, mảng bám tại chỗ là nơi trú ngụ của vi khuẩn, gây ra viêm lợi, viêm nha chu, hệ quả là tiêu xương, tụt lợi. Trong trường hợp này, kiểm soát cao răng mảng bám và tình trạng vệ sinh là việc đầu tiên cần thực hiện. Khi hết viêm lợi chúng ta mới cân nhắc các điều trị kéo lợi lên sau. 

Ngoài ra bệnh tụt lợi thường đi kèm các yếu tố nguy cơ. Yếu tố nguy cơ không trực tiếp gây ra tụt mô mềm mà chúng thường kết hợp với các nguyên nhân khác như chấn thương hay mảng bám vi khuẩn. 

Yếu tố nguy cơ bao gồm:

    • Kiểu lợi mỏng là nguy cơ gây tụt lợi với bất kỳ nguyên nhân nào, toàn bộ bề mặt lợi dễ dàng bị phá hủy nhanh chóng bởi quá trình viêm do chấn thương hay vi khuẩn.
    • Chân răng lồi: Kể cả trên những bệnh nhân có kiểu hình lợi dày, tại vùng chân răng lồi quá mức thường kèm theo các khiếm khuyết về xương và niêm mạc thường mỏng.
    • Răng sai vị trí, nhất là các răng mọc lệch ngoài. 
    • Phanh môi, phanh má bám quá sát đường viền nướu gây khó khăn cho vệ sinh răng miệng và co kéo làm viền lợi dịch chuyển về phía chóp răng.

Trường hợp tụt lợi nào cần phẫu thuật kéo lợi?

Việc điều trị kéo lợi lên trở lại bao gồm loại bỏ nguyên nhân và xác định mức độ tụt lợi để có phương án và tiên lượng điều trị đúng nhất. 

Năm 2011 Cairo đã đưa ra phân loại tụt lợi dựa theo mức độ mất bám dính mặt ngoài và mặt bên. Phân loại này có ứng dụng cao trong tiên lượng điều trị tụt lợi.

    • Loại 1 (RT1) tụt lợi không mất bám dính vùng kẽ, không thấy CEJ ở mặt gần hay xa. Tình huống này nhú lợi không bị tụt, vẫn lấp đầy vùng kẽ giữa 2 răng. 
    • Loại 2 (RT2) tụt lợi kèm mất bám dính vùng kẽ, mất bám dính kẽ nhỏ hơn hoặc bằng mất bám dính mặt ngoài. Khi đó chúng ta sẽ thấy nhú lợi đã bị tụt 1 phần. Trường hợp này chúng ta có thể kéo lợi lên 1 phần hoặc toàn bộ.
    • Loại 3 (RT3) tụt lợi kèm mất bám dính vùng kẽ, mất bám dính vùng kẽ lớn hơn mất bám dính mặt ngoài. Nhú lợi mặt bên khi đó tụt nhiều. Hầu hết các tụt lợi loại 3 thì chúng ta không thể phẫu thuật kéo lợi lên được.

Có 1 câu hỏi đặt ra, nhất là với Cairo loại 2, đấy là khi nào thì kéo lên được toàn bộ, khi nào thì kéo lên được 1 phần, 1 phần cụ thể là bao nhiêu?  Vấn đề này liên quan trực tiếp đến tiên lượng điều trị. 

Lý tưởng nhất là chúng ta kéo lợi lên che phủ hoàn toàn chân răng, tức là che phủ tới ranh giới men ngà CEJ. Ranh giới thân răng chân răng được xác định bằng 1 gờ nhỏ chuyển tiếp giữa phần sáng màu – thân răng và phần vàng đậm hơn – chân răng. Tuy nhiên, ranh giới này chỉ rõ ràng trong 1/3 các trường hợp. Đặc biệt với các trường hợp tụt lợi có kèm mòn men răng, lộ ra ngà sậm màu thì ranh giới này càng khó xác định. 

Trong các trường hợp khó xác định CEJ hay không thể che phủ hoàn toàn, bác sĩ sẽ tính toán và tiên lượng được đường che phủ chân răng sau lành thương, đại diện cho mức độ che phủ chân răng tối đa (MRC: maximum root coverage). Vị trí MRC phụ thuộc vào mức độ tụt nhú lợi mặt bên. 

Bước đầu tiên chúng ta cần xác định CEJ góc (CEJ point angel- CPA). Bước thứ 2 là xác định đường nối men-cement (CEJ lâm sàng). Sau đó xác định chiều cao gai nướu “lý tưởng”. Từ đó chúng ta sẽ xác định được MRC. 

    • Cách xác định CPA – CEJ góc

CPA là điểm giao giữa CEJ với đường góc chuyển tiếp mặt ngoài và mặt bên gần hoặc xa trên 1 răng. Điểm này có thể dễ dàng xác định bằng cách nâng nhẹ nhú lợi lên để thăm dò. 

    • Xác định CEJ lâm sàng

Nối CPA phía gần và xa theo giải phẫu của răng, chúng ta sẽ có được CEJ lâm sàng. 

    • Xác định chiều cao gai nướu lý tưởng

Chiều cao gai nướu lý tưởng là khoảng cách từ đường nối 2 CEJ góc của 2 răng kế cận đến điểm tiếp xúc của 2 răng, trung bình từ 3,5 – 4mm. Ở những răng có mô nha chu lành mạnh, đỉnh nhú lợi thường nằm tại vị trí tiếp xúc của 2 răng. Khi đó chiều cao gai nướu lý tưởng trùng với chiều cao gai nướu giải phẫu. 

Với những răng tụt lợi nhưng không kèm tụt nhú lợi, tức là chiều cao gai nướu lý tưởng bằng chiều cao gai nướu giải phẫu, chúng ta hoàn toàn có thể kéo lợi che phủ qua CEJ, phục hồi nguyên vẹn vị trí lợi ban đầu. 

Ngược lại, với các răng đã có tụt nhú lợi, khi chiều cao gai nướu lý tưởng lớn hơn chiều cao gai nướu giải phẫu, chúng ta chỉ có thể che phủ 1 phần chân răng. 

    • Tính toán MRC

Chúng ta hoàn toàn có thể định lượng được MRC ở những răng có mất chiều cao nhú lợi. Sau khi có chiều cao gai nướu lý tưởng X, ta tiến hành đánh dấu theo chiều dọc từ đỉnh gai nướu phía gần và xa kéo về phía chóp 1 khoảng là X. Từ 2 điểm này, ta vẽ 1 đường nằm ngang cách viền nướu tại 2 điểm, nối 2 điểm theo đường cong vỏ sò (cong nhiều hay ít tùy thuộc hình dạng CEJ răng đó hoặc răng đối diện và dạng sinh học mô lợi). Đường này chính là MRC cần xác định, tương ứng với vị trí ổn định của mô lợi sẽ đạt sau phẫu thuật và duy trì ổn định sau này. 

Như hình trên, ta có thể thấy, khi nhú lợi mặt bên đã tụt, vị trí MRC cách ranh giới CEJ 1 khoảng. Nghĩa là chúng ta vẫn có thể che phủ 1 phần chân răng nhưng k thể che phủ tuyệt đối. Vị trí viền lợi tương lai sẽ tương ứng với đường MRC màu đỏ. 

Tổng kết lại, dựa theo tiên lượng của phẫu thuật, chúng ta có thể thấy các trường hợp tụt lợi theo phân độ cairo 1 và 2 nên được phẫu thuật để kéo lợi cao trở lại. Còn với tụt lợi cairo loại 3, trước khi quyết định điều trị chúng ta cần tính toán thật kỹ mức độ mất bám dính cũng như mức độ che phủ chân răng tối đa trước khi tiến hành. 

Bên cạnh đó, việc xác định và loại bỏ nguyên nhân bệnh sinh cũng là điều rất quan trọng cần tiến hành song song với việc điều trị. 

Case lâm sàng phẫu thuật kéo lợi 

Chị khách hàng đến với nha khoa Thùy Anh với than phiền chính là ê buốt các răng khi ăn đồ nóng lạnh và nhìn thấy các chân răng bị dài ra nên rất lo sợ. Khi thăm khám thì bác sĩ phát hiện chị bị tụt lợi 4 chiếc răng hàm trên từ răng nanh tới răng số 6. Phần chân răng lộ ra chịu sự tác động của lực ăn nhai và ma sát khi chải răng theo thời gian dẫn đến mòn ngót và tạo thành các khuyết hình chêm ăn sâu vào trong cổ răng.

Trường hợp này ta thấy có tụt lợi mặt ngoài nhưng k có tụt lợi mặt bên, các nhú lợi vẫn lấp kín kẽ răng. tương ứng với phân độ Cairo loại 1. Vị trí viền lợi sau cùng sẽ ngang mức CEJ, tức là có thể che phủ hoàn toàn chân răng. 

Hi vọng thông tin bác sĩ Nhung chia sẻ trên sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về các chỉ định cũng như tiên lượng của phẫu thuật ghép lợi. Để được tư vấn giải pháp phù hợp, hãy liên hệ với nha khoa Thùy Anh theo thông tin dưới đây bạn nhé. 

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background