Trật khớp thái dương hàm và những điều cần biết

Trật khớp là tình trạng bệnh lý không gặp nhiều nhưng lại gây nhiều lo lắng cho bệnh nhân khi gặp phải. Nhiều trường hợp bệnh nhân đến với phòng khám trong tư thế không ngậm được miệng với tâm trạng rất hoảng sợ, vì vậy để giải đáp những hoang mang đó, bài viết dưới đây sẽ thông tin tới bạn tất cả những vấn đề liên quan đến tình trạng trật khớp thái dương hàm. 

Đầu tiên bạn cần phân biệt được trật khớp và lệch khớp. Rất nhiều bạn gương mặt không cân đối, có thể khớp Thái Dương Hàm 2 bên khác nhau, có thể dùng từ lệch cũng được nhưng lại không hề bị trật. Trật khớp cũng không phải là tiếng kêu khi các bạn há ra ngậm vào. Há miệng có tiếng kêu là tình trạng trật đĩa khớp chứ không phải trật khớp thái dương hàm.  

Trật khớp thông thường triệu chứng là bạn há ra và không thể ngậm vào được, nước đờm dãi chảy liên tục, đau mỗi khi cử động. Triệu chứng không thể ngậm miệng hoặc ngậm lệch rất đặc trưng. 

Để hiểu được trật khớp là gì, hãy cùng nhắc lại về cấu tạo giải phẫu của khớp thái dương hàm kèm hình ảnh dưới đây. Khớp thái dương hàm là khớp động nằm giữa lồi cầu xương hàm dưới và hõm khớp xương thái dương, bao gồm diện khớp, bao khớp, dây chằng khớp và đặc biệt là có đĩa khớp nằm giữa 2 diện khớp xương này. Diện khớp xương thái dương nằm ở phần dưới xương thái dương, gồm lồi khớp phía trước và hõm khớp phía sau, còn diện khớp xương hàm dưới nằm ở lồi cầu xương hàm dưới. 

Bình thường ở động tác há ngậm, lồi cầu sẽ nằm trong hõm khớp ở tư thế ngậm miệng và trượt ra phía trước lồi khớp khi há miệng, sau đó sẽ trở về lại vị trí lúc đầu khi đóng miệng lại. Còn tình trạng trật khớp là bất thường, lúc này lồi cầu trượt ra phía trước khi há miệng và không thể trở về vị trí nằm trong hõm khớp được nữa. Có thể gặp kiểu bán trật khớp hoặc kiểu trật khớp hoàn toàn, mãn tính hoặc cấp tính, một bên hay cả hai bên. Từng trường hợp cụ thể sẽ được phân tích qua thông tin tiếp theo của bài viết. 

Tại sao lại xảy ra tình trạng trật khớp thái dương hàm?

Trật khớp xảy ra do mất cân bằng chức năng thần kinh cơ và thay đổi cấu trúc của đầu lồi cầu và lồi khớp. Sự mất cân bằng chức năng thần kinh cơ diễn ra do lỏng lẻo dây chằng khớp và rối loạn vận động của cơ chân bướm ngoài. Như trên hình 2 các bạn thấy, phức hợp đĩa khớp lồi cầu khi di chuyển sẽ có các thành phần xung quanh liên quan phối hợp cùng, đó là dây chằng khớp đang bám vào lồi khớp, đĩa khớp, đầu lồi cầu, đó là cơ hàm chi phối, đó là bao khớp, mạch máu, thần kinh. 

Dây chằng khớp giúp ổn định vị trí khớp, hướng dẫn vận động và hạn chế vận động quá mức của đầu lồi cầu, khi dây chằng khớp này ở trạng thái lỏng lẻo gây mất ổn định thì vận động lồi khớp cũng mất ổn định theo, dẫn tới tình trạng trật khớp. Bên cạnh đó là thay đổi cấu trúc của đầu lồi cầu, lồi cầu bị dẹt và thu hẹp hình dạng, hay lồi khớp của xương thái dương bị giảm chiều cao cũng gây ra trật khớp.

Nguyên nhân khác dễ thấy hơn là hàm dưới thực hiện vận động chức năng quá mức như há miệng quá rộng khi ngáp, cười, nôn hay co giật, tham gia điều trị nha khoa như há quá lâu trong điều trị tủy, nhổ răng hay đặt nội khí quản.

Trong các nghiên cứu về tình trạng trật khớp cũng cho thấy các loại thuốc loạn thần, hội chứng rối loạn trương lực cơ mặt cũng có thể gây nên.
Một yếu tố khác liên quan nữa là vấn đề tuổi tác và thay đổi bất thường khớp cắn cũng được nhắc đến là nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này. 

Triệu chứng của trật khớp thái dương hàm  

Người bệnh không thể đóng miệng lại được, khó nói, chảy nước dãi và môi kém hoạt động. Trong trật khớp cấp tính thường đau ở vùng trước tai nhưng trật khớp mạn tính tái phát thì ít khi xảy ra triệu chứng đau này. Thông thường là trật khớp 2 bên thì không có triệu chứng lệch cằm. Còn trật khớp một bên sẽ thấy lệch cằm sang bên đối diện. Sờ nắn vị trí trước tai bên trật khớp thấy được điểm rỗng trong khoang khớp. Và tất nhiên, cảm giác hoang mang lo sợ thường gặp ở những bệnh nhân này. 

Bên cạnh các triệu chứng lâm sàng, các hỗ trợ chẩn đoán khác được bác sĩ sử dụng đó là phim X – quang panorama, và đặc hiệu là phim cắt lớp 3 chiều CT Conebeam cho thấy rõ ràng được hình ảnh trật khớp. 

Hình ảnh Xquang mô tả vị trí trật khớp bên T

Dựa trên cơ sở đánh giá hình ảnh X quang, trật khớp Thái Dương Hàm theo tác giả Akinbami cũng được phân loại như sau:

    • Loại 1: Đầu lồi cầu nằm gần dưới đỉnh lồi khớp.
    • Loại 2: Đầu lồi cầu nằm ngay dưới đỉnh lồi khớp.
    • Loại 3: Đầu lồi cầu nằm hẳn lên cao phía trước so với đỉnh lồi khớp

Ngoài ra, dựa trên lâm sàng thì trật khớp còn được phân loại thành bán trật khớp (tên chẩn đoán tiếng anh là Subluxation) và trật khớp hoàn toàn (Luxation).
Bán trật khớp là tình trạng lồi cầu di chuyển ra phía trước lồi khớp trong quá trình há miệng, và lồi cầu tự trở về lại được trong thời gian ngắn trước khi lồi cầu quay về hõm khớp.
Còn trật khớp hoàn toàn cũng là tình trạng lồi cầu di chuyển ra phía trước lồi khớp khi há miệng, nhưng lồi cầu không thể tự trở về hõm khớp nếu không có sự can thiệp nắn khớp của bác sĩ nha khoa.   

Vậy hướng điều trị cho tình trạng này như nào? Bác sĩ thường điều trị dựa vào phân loại trật khớp cấp tính hay mạn tính. 

Trật khớp cấp tính là một tình trạng đau cấp tính, thường là xảy ra ở những lần đầu, và dễ kiểm soát hơn tình trạng mãn tính. Bác sĩ sẽ thực hiện giảm đau bằng nắn khớp và thuốc giảm đau. 

Theo hướng dẫn nắn khớp của ông tổ ngành y học phương Tây Hippocrates, ông thực hiện bằng cách sử dụng tay ấn hàm dưới xuống, sau đó đưa hàm lùi lại và cuối cùng hướng lên trên.
Năm 1981, bác sĩ Lewis đã có sửa đổi về tư thế thực hiện, bệnh nhân ngồi xuống ghế và bác sĩ đứng trước mặt bệnh nhân, bác sĩ dùng ngón cái đặt vào mặt nhai của răng hàm lớn dưới, các ngón tay còn lại giữ lấy cằm. Đồng thời nâng cằm lên và đẩy toàn bộ hàm dưới về phía sau. 

Một số tác giả sau đó đã cải tiến kỹ thuật bằng cách thay đổi vị trí của ngón tay cái từ bề mặt nhai của răng hàm đến bờ trước của cành lên xương hàm dưới. Đôi khi việc nắn khớp trở nên khó khăn do phản xạ co thắt của cơ chân bướm và các kích thích đau của bao khớp, nên bác sĩ cần thực hiện nắn chỉnh bằng tay kèm gây tê cục bộ vào khoang khớp. Còn thuốc giãn cơ trong việc kiểm soát phản xạ co thắt cơ hiện vẫn còn gây tranh cãi. 

Tư thế nắn khớp

Trật khớp mạn tính là tình trạng trật khớp lặp đi lặp lại nhiều lần, điều trị vì thế mà trở nên khó khăn hơn. Phương án bảo tồn như tiêm máu tự thân vào khoang khớp, tiêm bo.tox ở cơ hàm chi phối vùng khớp thái dương, dùng dây cao su hoặc thanh thép nhằm cố định hàm tại chỗ sẽ được ưu tiên cho chẩn đoán này, nhưng nếu không đem lại kết quả tốt thì cuối cùng vẫn phải tiến đến lựa chọn là phẫu thuật.

Năm 1964, Brachmann đã có những bài báo cáo về việc sử dụng máu tự thân bơm vào khoang khớp nhằm loại bỏ tình trạng trật khớp, giải pháp này đã trở nên phổ biến hiện nay. Dựa vào nguyên tắc hạn chế cử động của xương hàm dưới nhằm giúp khớp thái dương hàm ở trạng thái tĩnh, máu tự thân bơm vào gây nên tình trạng xơ hóa khoang khớp trên và bao hoạt dịch quanh khớp, từ đó biên độ vận động của lồi cầu sẽ ngắn lại và giúp loại bỏ tình trạng này. 

Thể tích bơm vào khoang khớp trên khoảng 2 – 4 ml và bao hoạt dịch quanh khớp khoảng 1 – 1,5ml với tần suất lặp lại 2 lần 1 tuần trong vòng 3 tuần. Để hỗ trợ tình trạng xơ hóa hiệu quả, cần hạn chế cử động của xương hàm dưới bằng băng quấn đầu trong vòng 3 – 4 tuần. 

Nhược điểm của phương án này cũng chính là hạn chế vận động của xương hàm dưới sau điều trị, do đó cần thực hiện phục hồi chức năng hàm bằng các bài tập chuyển động dần dần và có kiểm soát sau 2 tuần điều trị tiêm máu tự thân.

Một phương pháp bảo tồn mới hơn được đề cập đến là tiêm bo.tox toxin A vào cơ chân bướm ngoài chi phối vùng khớp thái dương hàm, mục đích là suy yếu chức năng vận động của cơ này, từ đó hạn chế được vận động của vùng khớp thái dương hàm. Phương án được đề xuất nhưng đang cần các thực nghiệm lâm sàng để chứng minh hiệu quả của nó.

Và cuối cùng, nếu phương án bảo tồn không đem lại hiệu quả ổn định, thì phẫu thuật là chìa khóa đưa ra nhằm giải quyết tình trạng trật khớp này. 

Trên đây là những thông tin dễ hiểu nhất để chúng ta có thể tiếp cận gần hơn với bệnh lý trật khớp thái dương hàm. Nếu bạn hay người thân gặp phải tình trạng này thì cũng đừng quá lo lắng, mà hãy đến với cơ sở y tế có chuyên môn để được thăm khám và điều trị kịp thời nhé.

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background