Thiết bị T Scan và ứng dụng trong điều trị khớp thái dương hàm
Thăm khám một cách toàn diện về rối loạn hệ thống khớp thái dương hàm không hề đơn giản. Để bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác thì trước đó, việc thu thập dữ liệu chỉ từ lâm sàng và hình ảnh X – quang là chưa đủ. Các hoạt động chức năng của khớp cắn, cơ hàm, và khớp thái dương hàm cần được đánh giá khách quan thông qua các thiết bị như máng kiểm nghiến bruxchecker, máy Tens, hay máy T scan…
Và hôm nay, chúng tôi đề cập đến thiết bị T scan – hiện đang được sử dụng tại nha khoa Thùy Anh đã hỗ trợ đáng kể trong chẩn đoán và điều trị rối loạn khớp thái dương hàm.
Thiết bị T scan là gì?
T scan là thiết bị cảm biến điện tử dùng để khảo sát khớp cắn đồ, tức là hình ảnh khớp cắn ở các trạng thái chức năng như cắn chặt ở lồng múi tối đa, vận động ra trước, vận động sang bên, vận động lui sau và hoạt động nghiền ở 2 trạng thái thức và ngủ của con người. Được phát triển bởi công ty Tekscan từ năm 1984, đến nay T scan đang được sử dụng là thế hệ thứ ba.
T scan gồm những bộ phận nào?
T scan gồm bộ phận ghi thông tin và phần mềm lưu trữ:
Bộ phận ghi gồm cảm biến điện tử, càng giữ cảm biến và bộ điều khiển như hình 1.
Càng giữ cảm biến có 2 kích thước khác nhau tùy thuộc kích thước cung răng từng người, có 2 càng thiết kế dạng móng ngựa là chỗ đặt lá cảm biến điện tử và hai chân song song có ngàm khóa để cài vào trong bộ điều khiển.
Cảm biến điện tử là lá nhựa hình dạng móng ngựa có độ dày khoảng 70 micromet, chứa các vi mạch điện tử ghi nhận vận động chức năng của răng trong quá trình vận động rồi chuyển về máy tính và lưu giữ nhờ phần mềm ghi. Cảm biến điện tử cũng có 2 kích thước tương ứng với càng giữ cảm biến và phải gắn đúng thì mới thực hiện ghi khớp cắn được.
Bộ điều khiển có dạng hình chữ nhật có thể cầm gọn trong lòng bàn tay, trên mặt trước bộ điều khiển có cần mở để gắn cảm biến điện tử vào càng giữ cảm biến. Ngoài ra có nút điều khiển và đèn báo chức năng, có dây kết nối gắn vào máy tính đã cài đặt phần mềm lưu trữ.
Phần mềm lưu trữ ở máy tính được kết nối với bộ phận ghi có hình ảnh như hình 2:
Hình 2: 1. Thanh tiêu đề; 2. Thanh mục lục; 3. Thanh công cụ; 4. Scan Thumbnail; 5. Cửa sổ 2D; 6. Cửa sổ 3D; 7. Đồ thị; 8. Thanh trạng thái; 9. Bảng tính thời gian
Nguyên lý làm việc của Tscan là điện áp sẽ xuất hiện khi cảm biến điện tử gắn vào tay cầm, số điện áp này được kiểm soát bởi nhà lâm sàng bằng cách thay đổi tăng hay giảm độ nhạy tùy vào lực cắn khác nhau ở từng cá nhân, từ đó bác sĩ có thể xác định điện áp tối ưu để ghi nhận dữ liệu khớp cắn bất kể độ mạnh của lực cắn. Khi 2 hàm cắn vào cảm biến này, các răng đối diện tiếp xúc, tạo sự đè nén lên bề mặt cảm biến, dẫn tới thay đổi điện trở, gửi thông tin về phần mềm lưu trữ hiện lên trên máy tính.
Chúng tôi vừa giới thiệu cấu tạo cơ bản của thiết bị T scan, liệu sự cải tiến của thiết bị có đem lại những ứng dụng hữu ích cho ngành nha, đặc biệt là chẩn đoán rối loạn hệ thống nhai hay không?
Trước tiên chúng ta phải biết, bất hài hòa khớp cắn là lý do dẫn đến tình trạng đau cơ, đau răng, đau miệng mặt, trong đó có tỷ lệ phần trăm cao của bệnh đau đầu căng thẳng mãn tính. Có nhiều công cụ có thể tạo ra một khớp cắn hoàn hảo và T scan là một trong những công cụ đó. Theo nghiên cứu của Dawson năm 2013, T scan giúp chẩn đoán chính xác tình trạng khớp cắn xấu, điều chỉnh máng nhai, cân bằng khớp cắn.
Một y văn nữa của tác giả Andrew Cobb năm 2013 cho thấy ứng dụng hiện nay trong thực hành nha khoa của hệ thống T scan bao gồm:
(1) Kiểm tra khớp cắn khi bắt đầu và kết thúc điều trị một cách toàn diện, giúp bệnh nhân có biểu đồ trực quan về tình trạng khớp cắn, từ đó bệnh nhân tin tưởng và nâng cao khả năng chấp nhận điều trị.
(2) Điều chỉnh máng nhai: ở những bệnh nhân khớp có cần điều trị bằng máng nhai, kết hợp T scan cùng giấy cắn giúp tăng độ chính xác lên cao và giảm bớt số lần điều chỉnh máng.
(3) Cân bằng khớp cắn, nhất là trong trường hợp hoàn tất điều trị chỉnh hình.
(4) Đánh giá khớp cắn trên răng Implant, nếu phục hình sứ trên chân răng Implant thường xuyên quá tải lực sẽ dẫn đến thất bại chân răng Implant, nhờ T scan có thể kiểm soát được tải lực này.
Trên lâm sàng, T scan cho ra hình ảnh khớp cắn đồ ứng dụng trong cụ thể từng vị trí khớp cắn như sau:
+ Khớp cắn đồ lồng múi tối đa được đánh giá đầu tiên, tức là bác sĩ sẽ cho bệnh nhân cắn ở tư thế mà các răng ở trên hai cung hàm có nhiều điểm tiếp xúc nhất, sau đó cho bệnh nhân cắn chặt trên cảm biến trong thời gian khoảng 3 giây. Bác sĩ sẽ đánh giá được số lượng và phân bố tiếp xúc nhai, cường độ tiếp xúc đó có tình trạng tiếp xúc quá mức ở cặp răng nào hay không. Bình thường khớp cắn lý tưởng có tiếp xúc nhẹ ở răng trước và nặng ở răng sau, với số lượng tiếp xúc nhai càng nhiều càng tốt. Nếu xảy ra tình trạng tiếp xúc quá mức, đặc biệt là quá mức ở răng trước sẽ cần phải điều chỉnh để khớp cắn về trạng thái cân bằng.
+ Khớp cắn đồ vận động ra trước là bác sĩ cho bệnh nhân trượt hàm dưới ra trước và lui sau khoảng 3 lần trên cảm biến điện tử nhằm đánh giá tiếp xúc nhai răng trước, răng sau và tốc độ nhả khớp của hàm.
Vị trí này cần đánh giá phân bố tiếp xúc ra trước ở hai bên có đồng đều hay không, có tiếp xúc quá tải ở răng trước không? Còn răng sau bình thường phải nhả khớp trong vận động ra trước trừ các trường hợp cắn chéo hay cắn hở răng trước, nếu răng sau không nhả khớp tức là đang xảy ra cản trở cắn khớp, lúc đó cần điều chỉnh để loại bỏ cản trở này.
Về thời gian nhả khớp và tiếp khớp được đánh giá trên cửa sổ hiện thị như hình dưới đây, có liên quan mật thiết đến tương quan cắn phủ, cắn chìa, và độ nghiêng ngoài trong của răng cửa trên. Nếu thời gian tiếp khớp càng nhiều tương ứng độ cắn phủ hoặc cắn chìa nhiều, thời gian nhả khớp càng nhanh tương ứng răng trước càng dốc.
+ Khớp cắn đồ vận động sang bên là vận động bệnh nhân thực hiện trên cảm biến điện tử lần lượt đưa hàm dưới sang trái rồi trở về lồng múi tối đa khoảng 3 lần, và tương tự thực hiện như đưa sang phải. Trong vận động này bác sĩ có thể đánh giá chức năng hướng dẫn sang bên là chức năng răng nanh hay chức năng nhóm. Nếu bệnh nhân thực hiện hướng dẫn nhóm thì tiếp xúc nhai chỉ phân bố đến múi gần răng số 6, tiếp xúc sau răng 6 được xem là cản trở khớp cắn. T scan lúc này không chỉ ghi nhận được cản trở ở vị trí nào mà còn đánh giá mức độ cản trở ở mức nhẹ, trung bình hay quá mức.
+ Khớp cắn đồ hoạt động nhai là yêu cầu bệnh nhân nhai trên cả biến điện tử trong khoảng 5 giây, bác sĩ sẽ đánh giá và so sánh sự khác biệt thói quen nhai giữa hai bên trái và phải.
Tóm lại, hình ảnh khớp cắn đồ được ghi bởi T scan cho thấy tương quan khớp cắn đồng thời trên toàn bộ cung răng chứ không phải mỗi trên răng riêng lẻ hay từng phần như trong đánh giá bằng giấy cắn. Nên tất nhiên, bác sĩ sẽ có cái nhìn tổng quan chính xác hơn để đưa ra chẩn đoán tổng thể, điều trị và tư vấn giải thích cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, T scan còn cho phép đánh giá phân bố lực nhai mạnh hay yếu trên từng răng, hay thời gian nhả khớp hay tiếp khớp trong các vận động hàm và hoạt động nhai, cũng như hành trình vận động hàm từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc được ghi lại. Những tính toán này được thiết bị điện tử ghi lại khách quan chứ công cụ giấy cắn thông dụng không đánh giá được. Từ đó, độ chính xác tăng lên giúp có thể hoàn tất việc chỉnh khớp trong một lần hẹn, rất thuận lợi cho những bệnh nhân ở xa hay không có thời gian. T scan thực sự được ứng dụng rộng rãi trong các trường hợp phục hồi khớp cắn bằng răng sứ, chỉnh nha, hay điều trị khớp thái dương hàm.
Trên đây là những thông tin cơ bản của thiết bị T scan và những ứng dụng của máy trong điều trị ngành nha, hi vọng đã gửi tới các bạn những kiến thức nha khoa hữu ích và đáng quan tâm.
NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM
Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…
Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318
Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN
Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh