Tầm quan trọng của mô mềm đối với răng implant

Trong cấy ghép implant hiện nay, tiêu chí tích hợp xương đã không còn là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá sự thành công của implant nữa. Một ca cấy ghép sẽ thành công chỉ khi nó bắt chước gần giống nhất với chiếc răng mà nó thay thế, tái lập tốt nhất chức năng và thẩm mỹ. Do đó, hình dạng, màu sắc của chiếc răng giả phải phù hợp, hơn nữa cả mô mềm bao quanh răng cũng phải đẹp và khỏe như răng thật. 

Vậy tầm quan trọng của mô mềm quanh implant như nào? Bác sĩ Nhung trực thuộc khoa phẫu thuật và phục hình trong miệng nha khoa Thùy Anh sẽ thông tin tới bạn trong bài viết dưới đây. 

Đặc điểm mô mềm quanh implant

Mô mềm quanh implant được hình thành trong quá trình lành thương sau khi đặt implant. Sự lành thương của niêm mạc dẫn đến sự hình thành 1 bám dính mô mềm quanh implant. Bám dính này đóng vai trò như 1 nút chặn ngăn sự xâm nhập của vi khuẩn và thức ăn vào mô xương bên dưới, nhờ đó tạo điều kiện thích hợp cho tích hợp xương và sự vững ổn của implant. 

Niêm mạc quanh implant đóng vai trò sinh học và thẩm mỹ, vai trò sinh học là bảo vệ implant, vai trò thẩm mỹ là phải có hình thái, màu sắc giống với niêm mạc răng kế cận. 

Niêm mạc quanh implant dày sẽ có ưu thế hơn niêm mạc mỏng. Đặt implant ở vùng có lợi sừng hóa sẽ giúp kháng lại lực cơ học, vùng không có lợi sừng hóa sẽ dẫn đến viêm quanh implant, tụt lợi, dễ đưa đến thất bại của cấy ghép. 

Mô mềm quanh implant và răng thật có những điểm giống nhau về hình thái lâm sàng cũng như mô học, cũng đều có lợi sừng hóa, lợi di động bao quanh răng tạo thành 1 rãnh lợi. tương ứng rãnh lợi sẽ có biểu mô rãnh lợi, biểu mô bám dính và mô liên kết.

Tuy nhiên sự khác biệt lớn nhất giữa mô mềm quanh implant và răng thật nằm ở cấu trúc của mô liên kết. 

    • Ở răng thật, mô liên kết có nhiều nguyên bào sợi, ít sợi collagen, hướng các sợi collagen theo hướng rẻ quạt, vuông góc với trục răng, bám trực tiếp vào cement chân răng, ngoài ra còn có dây chằng nha chu và các sợi sharpey chắc chắn. 
    • Ở răng implant, mô liên kết có ít nguyên bào sợi hơn, nhưng lại chứa nhiều collagen, hướng các sợi collagen song song với trục implant, không có dây chằng nha chu. Kết nối này lỏng lẻo hơn và rất dễ bị tách ra. Do đó khả năng bảo vệ của mô mềm quanh implant sẽ kém hơn so với răng thật.

Hơn nữa, nguồn cấp máu cho răng thật dồi dào hơn, đến từ xương, màng xương, dây chằng nha chu. Còn răng implant thì ít được nuôi dưỡng hơn. Do đó quá trình lành thương trên răng implant cũng chậm hơn so với răng thật.

Vậy mô mềm có thực sự quan trọng? 

Theo Warren và cộng sự năm 1995, sự hiện diện của mô lợi sừng hóa cung cấp nhiều lợi ích quan trọng. Các mô lợi sừng hóa tạo vòng đệm kín bao quanh implant, bịt kín, ngăn chặn vi khuẩn vào sâu trong rãnh lợi quanh implant. 

Một nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp vào năm 2023 của nhóm tác giả Basel Mahardawi, Sirimanas Jiaranuchart được thực hiện trên PubMed và Scopus, đánh giá sự liên quan của chiều rộng niêm mạc sừng hóa đến bệnh lý viêm quanh implant. Tỷ lệ viêm quanh implant là 6,68 – 62,3%. 

Vì vậy, việc thiếu niêm mạc sừng hóa là một yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ viêm quanh implant và cần được tính đến khi đặt implant nha khoa. Thiếu hụt lợi sừng hóa sẽ gây ra:

    • Tăng tích tụ mảng bám, cao răng quanh implant

Dễ viêm niêm mạc quanh implant hoặc nặng hơn là viêm quanh implant. Viêm niêm mạc quanh implant có thể được nhận biết bằng dấu hiệu như tăng đọng cao răng, mảng bám quanh răng, lợi sưng đỏ, chảy máu khi chạm vào hoặc ăn uống, ấn vào lợi thấy có mủ hoặc dịch chảy ra. 

Khi bệnh lý không được xử lý có thể tiến triển nặng hơn thành viêm quanh implant. Trên X – quang sẽ thấy hình ảnh tiêu xương quanh implant. Bệnh nhân sẽ xuất hiện cảm giác đau nhức, lợi thường xuyên sưng to chảy mủ. Khi xương tiêu nhiều implant có thể lung lay. 

Nghiên cứu tổng quan hệ thống năm 2022 của Andrea Ravidà và cộng sự cho thấy ảnh hưởng của lợi sừng hóa nhỏ hơn 2mm như là 1 yếu tố nguy cơ gây viêm quanh implant. 

    • Tăng nguy cơ tụt mô mềm và tiêu mào xương ổ quanh implant

Một báo cáo khác vào năm 1990 của Block và Kent, về các ảnh hưởng có lợi của mô mềm và mô cứng khi có mô sừng hóa quanh implant trên hơn 700 ca cấy ghép, kết quả cho thấy, mô lợi sừng hóa càng rộng và dày thì càng làm giảm tỷ lệ tụt lợi và mất bám dính quanh implant.

Sự thiếu hụt lợi sừng hóa làm tăng nguy cơ tiêu mào xương và tụt mô mềm đã được xác nhận qua thống kê trong phân tích hồi cứu của Kim và cộng sự năm 2009.

Nghiên cứu của Schrott và cộng sự năm 2009 cho thấy implant có tối thiểu 2mm lợi mặt ngoài bị tụt lợi trung bình 0,08mm, ít hơn so với vùng có lợi sừng hóa dưới 2mm, mức độ tụt trung bình lên tới 0,69mm. 

Ngoài ra sự thiếu hụt lợi sừng hóa còn gây ra mất thẩm mỹ, lộ màu xám của implant. Đôi khi bệnh nhân k thể chấp nhận được sự thiếu sót này và việc xử lý đôi khi vô cùng phức tạp.

Cách hạn chế biến chứng mô mềm khi cấy implant

Để hạn chế các biến chứng mô mềm khi cấy ghép implant, việc đánh giá mô mềm trước phẫu thuật là vô cùng quan trọng. Đánh giá mô mềm trước cấy ghép bao gồm:

    • Độ cao đường cười

Đường cười là yếu tố đầu tiên cần đánh giá khi phục hình ở vùng thẩm mỹ. Đường cười được đánh giá khi bệnh nhân cười tối đa và cười tự nhiên. 

Khi đường cười quá cao, cười lộ nướu sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ của phục hình implant tại vùng răng cửa. Tỷ lệ cười lộ nướu của ng Việt nam khá cao, lên tới 80%. Do đó với các phục hình implant vùng thẩm mỹ nên rất thận trọng, cần đánh giá kỹ và lên kế hoạch cẩn thận đảm bảo kết quả tốt nhất cho phục hình sau cùng. 

    • Chất lượng mô lợi sừng hóa cũng như độ dày lợi sừng hóa

Chất lượng nướu góp phần rất quan trọng trong kết quả sau cùng của phục hình. Nướu càng dày càng dễ đảm bảo thẩm mỹ. Nướu mỏng có thể gây ánh màu implant bên dưới. 

Nướu sừng hóa đủ bề dày và đủ chiều cao cũng hỗ trợ cải thiện thẩm mỹ rất nhiều, còn giúp bảo vệ cho sức khỏe mô xung quanh implant. Chiều cao nướu sừng hóa tối ưu nhất là 4-6mm. 

    • Sự tiêu xương và lợi vùng mất răng 

Trường hợp mất răng chưa lâu, xương và lợi còn đủ chiều cao, thể tích thì việc đảm bảo thẩm mỹ sau cấy ghép tương đối dễ dàng. 

Còn khi mất răng lâu ngày, sự tiêu xương kèm theo tụt lợi gây ra 1 thiếu hụt lớn có thể ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ. Cần lên tính toán việc ghép xương, ghép lợi đi kèm kế hoạch cấy implant đảm bảo phục hồi tối đa thiếu hụt ban đầu, đảm bảo thẩm mỹ tốt hơn. 

Với các tình huống xảy ra biến chứng mô mềm quanh implant, việc phát hiện và xử lý sớm là vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo chức năng, thẩm mỹ và độ bền của implant.

Có 3 loại biến chứng mô mềm quanh implant thường gặp:

    • Thiếu hụt lợi sừng hóa
    • Thiếu hụt thể tích mô mềm
    • Tụt mô mềm quanh implant

Tùy vào mức độ tổn thương bác sĩ sẽ cân nhắc ghép lợi sừng hóa hoặc ghép nướu rời quanh implant. 

    • Ghép nướu rời

Đây là phương pháp điều trị khá phổ biến và thường được sử dụng trong những trường hợp thiếu lợi sừng hóa. Thời điểm ghép tốt nhất là trước cấy ghép implant hoặc thì 2 đặt healing.

Với ghép nướu rời chúng ta sẽ cần nơi cung cấp mô ghép, thường là vòm miệng hoặc lồi củ phía sau răng khôn hàm trên. Mảnh ghép sẽ được xử lý lấy hết mô mỡ, tuyến nước bọt,… trước khi được chuyển vào vùng nhận.

Mảnh mô liên kết được lấy sẽ được ghép vào vị trí thiếu hụt lợi sừng hóa quanh implant. Mảnh mô ghép được cố định chắc chắn với vùng nhận bằng các mũi khâu. 

    • Ghép mô liên kết

Việc ghép mô liên kết tương đối giống với kỹ thuật ghép nướu rời. Nhưng mảnh mô sẽ được xử lý lấy hết biểu mô, do đó tỷ lệ thành công sẽ cao hơn, màu sắc mô ghép cũng đẹp hơn.

Rõ ràng mô mềm đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe ổn định của implant. Vì vậy, luôn luôn phải đảm bảo tồn tại đủ 1 mô lợi sừng hóa đủ bề dày và chiều cao tối thiểu 2mm quanh implant. Sự duy trì mô mềm vừa tăng hiệu quả thẩm mỹ, vừa giúp bảo vệ tránh các nguy cơ viêm quanh implant. 

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background