Phẫu thuật khớp thái dương hàm là như thế nào? Khi nào thực hiện?
Bệnh lý khớp thái dương hàm với những triệu chứng đau mỏi hàm, đau đầu, vùng thái dương, hay khi ăn nhai há ngậm có tiếng kêu lục cục và cả tình trạng không thể há to được miệng nữa khiến nhiều bệnh nhân hoang mang, lo lắng. Tại nha khoa Thùy Anh, chúng tôi ghi nhận ngày càng nhiều bệnh nhân đến khám vì bệnh lý khớp thái dương hàm với các lứa tuổi khác nhau. Và một trong những điều mà bệnh nhân lo lắng nhất khi tới khám đó là liệu bệnh lý này có chữa được không và có cần phải phẫu thuật không? Bác sĩ Tuấn đến từ nha khoa Thùy Anh Hà Nội sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề này, mời các bạn cùng theo dõi.
Rối loạn khớp thái dương hàm là như thế nào?
Khớp thái dương hàm (viết tắt TMJ) là khớp kết nối hàm dưới với hộp sọ, cho phép khớp này mở và đóng được để thực hiện các hoạt động như ăn, nói, nuốt… Nó là một thành phần của bộ máy nhai gồm có răng, hệ thống cơ nhai và khớp.
Rối loạn khớp thái dương hàm (TMD) là một nhóm các bệnh lý có thể gây đau tại vị trí khớp và cơ điều khiển hàm hoặc gây hạn chế vận động hàm. Các triệu chứng thường gặp như đau mỏi hàm, vùng thái dương, khi há ngậm miệng có tiếng kêu, hoặc không thể há được miệng…
Nếu bạn cũng đang gặp phải những vấn đề kể trên thì nên đến phòng khám để kiểm tra sớm. Bệnh có thể cải thiện rất nhanh và mang lại hiệu quả tốt nếu sớm được điều trị. Người càng trẻ, phát hiện càng sớm điều trị càng đơn giản.
Phương pháp điều trị là gì?
Điều trị khớp thái dương hàm có thể phân chia đơn giản là điều trị bảo tồn và điều trị xâm lấn (phẫu thuật). Điều trị bảo tồn có thể kể đến như máng nhai, nội khoa, laser liều thấp, vật lý trị liệu, liệu pháp hành vi,…
Vậy phương pháp phẫu thuật được thực hiện khi nào?
Phẫu thuật có thể sử dụng để điều trị rối loạn khớp thái dương hàm nếu các phương pháp điều trị bảo tồn không giúp giảm các triệu chứng.
Chỉ định phẫu thuật ngày càng hạn chế do sự tiến bộ của các liệu pháp điều trị bảo tồn. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác nhận được tính an toàn lâu dài và sự hiệu quả của việc phẫu thuật trên các cơ, khớp vùng hàm. Do đó, bác sĩ sẽ ưu tiên điều trị bằng các biện pháp bảo tồn và không xâm lấn trước.
Nhưng phẫu thuật khớp vẫn còn là điều trị cứu cánh duy nhất cho nhiều trường hợp. Đây cũng được coi như lựa chọn cuối cùng trong phác đồ điều trị viêm khớp thái dương hàm.
Chỉ định phẫu thuật khớp thái dương hàm được đưa ra nếu:
– Bạn bị đau liên tục, đau dữ dội, cứ hễ há ngậm miệng là đau.Không thể mở hay đóng miệng.
– Tình trạng đau, không há, ngậm miệng được khiến bạn khó khăn trong ăn uống. Nó ngày càng trở nên tồi tệ hơn, ngay cả khi nghỉ ngơi hoặc điều trị bằng các liệu pháp bảo tồn khác.
– Bạn có các vấn đề về cấu trúc ở khớp hàm và đã được xác nhận trên phim XQ, MRI.
Phẫu thuật khớp thái dương hàm vẫn luôn là một phẫu thuật khó do khớp nằm ở dưới nền sọ và có liên quan với dây thần kinh mặt. Bạn cần được tư vấn rõ ràng về tiên lượng kết quả của phẫu thuật và các nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.
Trường hợp nào có thể không phẫu thuật khớp thái dương hàm
Bác sĩ có thể khuyên bạn không nên Phẫu thuật nếu:
– Các triệu chứng của rối loạn khớp không quá nghiêm trọng, không liên tục. Chẳng hạn bạn có thể đau nhiều vào một ngày nào đó nhưng nó biến mất vào các ngày tiếp theo. Điều này có thể là do hoạt động quá mức ở vùng khớp như nói nhiều hơn bình thường vào một ngày nhất định, nhai nhiều thức ăn dai hoặc nhai kẹo cao su liên tục… Trường hợp như này bạn nên nghỉ ngơi trong vài giờ hoặc vài ngày, ăn các đồ ăn mềm, kết hợp đeo máng thư giãn cơ.
– Bạn vẫn có thể há ngậm miệng ở một biên độ nhất định mà không bị đau, vẫn có thể ăn uống, nói chuyện, sinh hoạt được bình thường. Khi đó cũng không nên can thiệp bằng phẫu thuật vội, mà thay bằng các biện pháp bảo tồn như sử dụng thuốc, máng nhai, tập vận động hàm, thay đổi lối sống…
Điều quan trọng là phải được đánh giá bởi các bác sĩ chuyên sâu về TMD. Bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ lưỡng về tiền sử triệu chứng, biểu hiện lâm sàng và đánh giá trên phim XQ. Đưa ra phác đồ điều trị bảo tồn trước, theo dõi sát sao, đồng hành cùng bạn trong suốt quá trình điều trị. Phẫu thuật được coi là biện pháp cuối cùng nếu các liệu pháp bảo tồn không thành công.
Các phương pháp can thiệp phẫu thuật khớp thái dương hàm
Có nhiều lựa chọn can thiệp phẫu thuật khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân:
Phương pháp chọc dò khớp
Bác sĩ sẽ cho kim nhỏ vào vị trí khớp, sau đó rửa khớp bằng dung dịch vô trùng. Quá trình này sẽ làm sạch khớp và loại bỏ được các tác nhân gây viêm.
Đây cũng là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu, được vô cảm bằng biện pháp gây tê tại chỗ và bạn thường có thể về nhà ngay trong ngày. Thời gian hồi phục ngắn, tỷ lệ thành công cao. Cho nên nó cũng là phương pháp phẫu thuật điều trị đầu tay.
Phương pháp phẫu thuật nội soi khớp
Bác sĩ sẽ mở một đường rạch nhỏ ở vị trí trước tai và đưa dụng cụ nội soi vào. Ống nội soi được kết nối với màn hình để bác sĩ quan sát, kiểm tra khớp và các khu vực xung quanh. Sau đó, bác sĩ có thể đưa các dụng cụ phẫu thuật nhỏ vào qua ống thông và tiến hành loại bỏ các mô viêm, mô sẹo, sắp xếp lại các cấu trúc, bơm rửa ổ khớp.
Nội soi khớp cũng là một phẫu thuật xâm lấn ít, để lại sẹo nhỏ, ít biến chứng và thời gian hồi phục nhanh hơn so với mổ mở, thường là vài ngày đến một tuần.
Phẫu thuật mở khớp, thay khớp
Đây là một thủ thuật xâm lấn nhiều, chỉ định cũng rất hạn chế, thường được dùng trong các trường hợp sau:
– Chứng dính khớp, tức các mô khớp, sụn hoặc xương dính lại với nhau.
– Các mô trong cấu trúc khớp bị quá phát khiến khớp không thể di chuyển.
– Không có khả năng tiếp cận khớp bằng nội soi khớp.
Bằng cách phẫu thuật mở khớp, bác sĩ có thể loại bỏ những mô bị quá phát, tạo hình lại xương, sửa chữa hoặc định vị lại đĩa đệm nếu nó không đúng vị trí, bị tổn thương.
Nếu đĩa khớp không đúng vị trí, bác sĩ sẽ cẩn thận bóc tách, giải phóng đĩa khớp, đưa đĩa khớp về vị trí bình thường rồi cố định lại. Còn nếu có tổn thương thủng đĩa, với kích thước nhỏ thì chỉ cần khâu lại, nhưng với kích thước lớn thì cần cắt lọc rồi ghép mô thay thế.
Tùy vào tình trạng bệnh lý, mức độ can thiệp, xâm lấn khi phẫu thuật mà thời gian hồi phục cũng sẽ khác nhau, thường sẽ cần khoảng 2 – 6 tuần để hồi phục.
Sau phẫu thuật, bạn cần tuân thủ đúng theo các chỉ dẫn chăm sóc hậu phẫu của bác sĩ, để đảm bảo rằng quá trình lành thương diễn ra được tốt nhất.
Các loại phẫu thuật điều trị khớp Thái Dương Hàm từ các dạng xâm lấn tối thiểu cho đến phẫu thuật mở khớp đều có những nguy cơ biến chứng nhất định. Tính an toàn và hiệu quả vẫn đang được nghiên cứu, nhất là với phẫu thuật mở khớp, nên phẫu thuật sẽ là lựa chọn điều trị cuối cùng. Mặt khác, các bạn không nên nghĩ rằng cứ phẫu thuật là sẽ khỏi. Tại nha khoa Thùy Anh chúng tôi cũng luôn ưu tiên các phương pháp điều trị bảo tồn, không xâm lấn như Máng nhai, tập vận động hàm, liệu pháp hành vi…
>>> Xem thêm: https://nhakhoathuyanh.com/benh-ly-viem-khop-thai-duong-ham-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri/
Mong rằng những chia sẻ trên đây của bác sĩ Tuấn đã giúp các bạn biết được “Phẫu thuật khớp thái dương hàm là như thế nào và khi nào thì thực hiện”. Mọi thắc mắc vui lòng để lại thông tin hoặc liên hệ với bác sĩ của chúng tôi theo địa chỉ dưới đây để được tư vấn cụ thể hơn.
NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM
Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…
Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318
Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN
Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh