Niềng răng bao lâu tái khám 1 lần? Công việc chính trong các lần tái khám

Chỉnh nha là điều trị kéo dài, với trên 20 lần hẹn cùng bác sĩ trong suốt 2-3 năm điều trị. Bởi vì thời gian tiếp xúc nha sỹ rất nhiều nên ngoài những vấn đề chuyên môn thì sự thiện cảm, vui vẻ mỗi lần đi tái khám cũng rất quan trọng. Bạn tưởng tượng mỗi lần đi nha sĩ lại như gặp một người bạn tốt thì thời gian kéo dài không còn là trở ngại. Vậy niềng răng bao lâu tái khám 1 lần và công việc chính trong các lần tái khám là gì? Trong bài viết dưới đây, bác sĩ Diệu trực thuộc khoa nắn chỉnh răng nha khoa Thùy Anh sẽ thông tin tới bạn chi tiết các công việc tái khám mà mọi bệnh nhân chỉnh nha đều trải qua, và quan tâm. 

Niềng răng bao lâu tái khám 1 lần?

Thông thường, với niềng răng mắc cài bác sĩ sẽ hẹn 3 – 6 tuần tùy thuộc giai đoạn. Tuy nhiên, cũng có những lịch cấp bách bác sĩ hẹn 1 – 2 tuần để kiểm soát những dịch chuyển răng quan trọng. 

Tương tự, niềng răng Invisalign thì lịch hẹn có thể kéo dài khoảng 6 – 8 tuần hoặc vài tháng, cũng có thể 1 năm/lần với những khách hàng sinh sống và làm việc tại nước ngoài, điều này giúp tiết kiệm thời gian hơn, phù hợp với những người bận rộn hay phải công tác lâu ngày. 

Thời gian tái khám Invisalign không quá khắt khe và có thể linh hoạt mọi hoàn cảnh, đôi khi chỉ cần tái khám vào những buổi hẹn quan trọng như cần Scan tinh chỉnh, hay cắm minivis, cắt khay và đeo chun. Còn lại nha sĩ có thể theo dõi từ xa thông qua Clincheck ban đầu và lộ trình đeo khay của bệnh  nhân với những buổi hẹn online.

Công việc chính trong các lần tái khám niềng răng

Niềng răng mắc cài phải thực hiện nhiều thao tác hơn trong mỗi lần hẹn nên nếu so sánh với Invisalign thì mất nhiều thời gian khám trên ghế răng hơn. Dưới đây là những công việc chính với niềng răng bằng mắc cài trong các buổi hẹn:

1. Đánh giá trình trạng di chuyển răng

Mỗi giai đoạn sẽ có những sự di chuyển răng khác nhau và cần kiểm soát chặt chẽ tránh xảy ra side effect không mong muốn. Cụ thể như sau: 

– Giai đoạn sắp đều cần thực hiện di chuyển giúp răng bị xoay, nghiêng lệch về đúng cung. Mỗi lần gặp bác sĩ cần đánh giá xem việc chỉnh răng xoay lệch có bị cản trở hay không? Hay có cần tạo thêm chỗ để có thể xếp răng thẳng hàng hay không?

– Buổi hẹn giai đoạn đóng khoảng: Đánh giá khoảng đang kéo giữa buổi trước và buổi sau để biết răng chạy thuận lợi hay không. Nếu như khoảng không thay đổi gì qua 1 – 2 lần tái khám thì cần tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra giải pháp lập tức để không chậm trễ tiến trình đóng khoảng.

Bác sĩ cũng không quên kiểm tra sự ổn định của khí cụ cố định. Bong mắc cài, tuột chun, tuột dây cung là một vài vấn đề hay gặp. Những vấn đề này đều ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình điều trị.  

Việc bong mắc cài và tuột dây cung lâu ngày không xử lý sẽ làm răng liên quan bị xoay hay lệch ít nhiều so với răng kế bên và không đạt được sự sắp đều mong muốn, có thể làm kéo dài thêm thời gian điều trị 1 – 2 tháng.

Tuột chun thường là tuột chun kéo đóng khoảng hay hay chun kéo chỉnh xoay răng, nếu tuột lâu ngày sẽ làm chậm quá trình đóng khoảng và xoay răng, đồng nghĩa với việc sẽ làm tăng thời gian điều trị

Tuy nhiên, để phòng ngừa những vấn đề trên thì bệnh nhân cần hết sức lưu ý ăn uống và chải răng nhẹ nhàng, đồng thời thì bác sĩ cũng phải đảm bảo cố định thật kỹ khí cụ.

Bên cạnh việc làm kéo dài thời gian điều trị, bong tuột khí cụ đòi hỏi bệnh nhân cần qua phòng khám điều chỉnh và gắn lại càng sớm càng tốt, kể cả chưa đến thời gian hẹn tiếp theo. Do vậy, cũng làm tăng số lần tái khám phát sinh các bạn ạ. 

2. Các kỹ thuật thường thực hiện trong tái khám chỉnh nha

Thứ 1: Thay dây cung

Có thể tưởng tượng dây cung như một “đường ray” răng như một “chiếc tàu gồm nhiều toa” nối liền nhau chạy trên đường ray này. Vì vậy, nếu không có dây cung thì răng không thể di chuyển được

Mỗi giai đoạn điều trị sẽ sử dụng những loại dây cung khác nhau sao cho phù hợp. Đây là kỹ thuật được thực hiện xuyên suốt trong cả quá trình niềng răng

Thứ 2: Thay chun, lò xo kéo

2 khí cụ này là phương tiện tạo lực chính sử dụng đóng khoảng trong kỹ thuật dây thẳng với cơ học trượt. Nghĩa là, lúc này các răng cần di chuyển trượt trên một dây cung cứng nhờ lực kéo của chun hay lò xo.

Chun sẽ bị thoái lực dần trong môi trường miệng, do vậy việc thay chun mỗi 3 – 4 tuần/lần là điều hết sức cần thiết để luôn đảm bảo lực tối ưu.

Tương tự, với lò xo kéo không có tình trạng bị thoái lực nhưng khi răng kéo lùi về và khoảng nhỏ dần lại thì lò xo cũng bị co ngắn, lực bị giảm đi. Kiểm tra lực lò xo mỗi lần tái khám để đảm bảo lực kéo luôn ổn định. Nhờ tính chất lò xo không bị mất lực như chun nên thời gian hẹn tái khám có thể dài hơn (khoảng 5 – 6 tuần).

Đóng khoảng bằng chun chuỗi

Thứ 3: Hẹn bệnh nhân đến nâng khớp

Không phải ai cũng cần nâng khớp, nha sĩ có thể nâng khớp ngay buổi đầu gắn mắc cài hay giai đoạn sau hơn tùy thuộc vào mục tiêu điều trị. Việc nâng khớp hỗ trợ điều chỉnh tương quan 2 hàm theo 3 chiều không gian là chiều đứng, chiều ngang và chiều trước sau. Có nhiều vị trí được chọn khác nhau, có thể ở vùng răng hàm, răng cửa, răng nanh hay răng hàm nhỏ tùy vào mục đích. Do vậy bạn cũng đừng bất ngờ khi thấy những bạn đồng niềng lại được nâng khớp ở vị trí khác hay có bạn không phải nâng.

Thứ 4: Bẻ dây cung cũng là lần hẹn chiếm nhiều thời gian

Kỹ thuật này tùy thuộc vào quan điểm điều trị từng bác sĩ. Dù là bẻ dây hay không bẻ dây thì tiến trình niềng răng vẫn diễn ra bình thường. Đây là kỹ thuật được hầu hết bác sĩ áp dụng, do đó trong những trường hợp nhất định như kéo răng đơn lẻ, kéo lùi nhóm răng cửa, dựng trục hay di gần răng  hàm… bác sĩ sẽ tiến hành bẻ những dây cung hay móc để di chuyển răng trong một vài buổi tái khám. 

Thứ 5: Cắm minivis – nhổ răng chỉnh nha

Minivis hiện nay là công cụ hầu như không thể thiếu trong điều trị chỉnh nha. Thông thường thời điểm cắm vis sẽ khoảng 2 – 4 tháng sau khi gắn mắc cài. Tuy nhiên, cũng có trường hợp cần cắm vis ngày trong buổi đầu tiên, ví dụ như cần đánh lún răng hàm bị trồi, dựng trục răng nghiêng… Mỗi buổi hẹn thường có thể cắm 1 – 2 minivis và bệnh nhân luôn được nhắc nhở trước việc cần phải cắm minivis trong buổi tái khám tiếp theo để chuẩn bị tâm lý.

>>> Xem thêm: https://nhakhoathuyanh.com/bat-vit-nieng-rang-de-lam-gi-nhung-dieu-can-biet-ve-minivis/

Thứ 6: Hướng dẫn đeo thun liên hàm

Việc đeo thun liên hàm bệnh nhân tự thực hiện đeo và tháo tại nhà, do vậy bác sĩ hướng dẫn kỹ cách đeo để bệnh nhân không đeo nhầm vị trí làm ảnh hưởng kết quả điều trị. 

Bên cạnh việc hướng dẫn đeo thun trong các buổi tái khám thì cần đánh giá cả sự hợp tác đeo chun của bệnh nhân. Khi quan sát kết quả di chuyển răng sau đeo chun bác sĩ dễ dàng nhận biết bệnh nhân có đeo chăm chỉ hay không. Bác sĩ luôn luôn phải nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đeo thun và những ảnh hưởng xấu khi không đeo để bệnh nhân hiểu và thực hiện theo chỉ định

Thứ 7: Đánh giá tình trạng vệ sinh răng miệng

Đây hầu như là vấn đề bức thiết cần quan tâm nhất khi niềng răng, đặc biệt là với niềng răng bằng mắc cài, và với trẻ em. Kiểm soát và đánh giá vệ sinh răng miệng trong mỗi lần tái khám hết sức quan trọng. Đặc biệt với những cơ địa nguy cơ sâu răng cao.

Kỹ thuật cần thực hiện trong buổi tái khám với niềng răng Invisalign

Thứ 1: Kiểm tra sự hợp tác đeo khay

Với niềng răng Invisalign thì việc đeo đúng thứ tự và đủ thời gian là yếu tố quan trọng đòi hỏi đến sự hợp tác của bệnh nhân. Thông thường, thời gian đeo mỗi khay là 7-10 ngày/khay hoặc nha sỹ cũng có thể yêu cầu đeo nhiều ngày hơn nếu như bệnh nhân đeo không đủ thời gian 20-22 giờ/ngày. 

Thứ 2: Kiểm tra có bong Attachment không

Attachment là nút đặt lực bằng những hạt nhỏ nhựa Composite cùng màu với răng, được bác sĩ gắn lên răng tại các vị trí cần tác động lực. Tại các vị trí phức tạp khay trong suốt sẽ truyền lực dịch chuyển lên răng thông qua điểm đặt lực là nút attachment nhằm đưa răng vào đúng vị trí mong muốn. 

Mỗi buổi tái khám nha sĩ luôn luôn kiểm tra toàn bộ những Attachment trên răng và gắn lại nút bị bong nếu có 

Thứ 3: Giao thêm lượt khay mới 

Về số lượng khay mỗi lần giao cho bệnh nhân là không giới hạn, tùy thuộc vào kế hoạch của nha sĩ. Điều bệnh nhân cần lưu ý là đảm bảo đeo đúng thứ tự khay đã được giao và đeo đúng theo chỉ dẫn.

Bên cạnh đó, nha sỹ sẽ có chỉ định thêm cắm vis hoặc đeo chun hỗ trợ di chuyển răng khi cần và điều này là có trong kế hoạch ban đầu đã trao đổi trước.

Trên đây là những chia sẻ của bác sĩ Diệu về vấn đề thời gian và việc cần làm trong mỗi buổi tái khám mà nhiều bạn đang tìm hiểu về niềng răng quan tâm. Hãy tuân thủ đúng lịch tái khám mà bác sĩ đã hẹn bạn để có kết quả điều trị tốt nhất các bạn nhé.

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background