Nhổ răng khôn có cần xét nghiệm máu không?

Nhổ răng khôn có cần xét nghiệm máu không là thắc mắc của rất nhiều bạn đọc trước khi bước vào cuộc phẫu thuật này. Thông tin về vấn đề xét nghiệm máu nhổ răng khôn sẽ được giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây.

Răng khôn là gì?

Răng khôn hay răng số 8 là chiếc răng hàm lớn vĩnh viễn thứ ba mọc cuối cùng khi các răng khác đã ổn định trên cung hàm, thường trong độ tuổi từ 17 – 25. Vì xuất hiện muộn và mọc ở vị trí sau cùng của xương hàm nên răng khôn thường không có đủ khoảng để phát triển bình thường dẫn đến tình trạng mọc lệch, mọc kẹt hay mọc ngầm. 

Chính vì nằm bất thường về vị trí và ở vùng rất khó để vệ sinh răng tốt nên răng khôn được cho là mối nguy hại vì có thể bị dắt và đọng thức ăn tại chỗ tạo thành túi viêm quanh thân răng 8, sưng đau, há miệng hạn chế, sâu và làm hỏng răng số 7, tiêu xương, u nang xương hàm,…

Bởi vì những biến chứng trên nên nhổ răng khôn được hầu hết các chuyên gia nha khoa khuyến cáo với bệnh nhân, đặc biệt khi những chiếc răng này sâu hỏng hoặc có khả năng gây ra các vấn đề răng miệng trong tương lai. 

Nhổ răng khôn có cần xét nghiệm máu không?

Nhổ răng khôn là một phẫu thuật trong miệng được thực hiện bởi nha sĩ có chuyên môn. Trước khi tiến hành phẫu thuật nhổ răng khôn, nha sĩ sẽ khám và kiểm tra răng khôn cũng như các vấn đề răng miệng khác, kết hợp đánh giá sức khỏe toàn trạng của người bệnh có thể phẫu thuật được hay không, xác định các vấn đề sức khỏe hay các loại thuốc có thể ảnh hưởng tới quá trình nhổ răng. 

Một công cụ chẩn đoán cho phép nha sĩ tiếp cận tình trạng sức khỏe bệnh nhân đó là các xét nghiệm máu. Bằng việc phân tích các thành phần trong máu, nhân viên y tế có thể đánh giá hoạt động của các hệ cơ quan trong cơ thể, phát hiện những dấu hiệu bất thường hoặc tình trạng tiềm ẩn nếu có ảnh hưởng tới phẫu thuật. 

Xét nghiệm máu nhổ răng khôn giúp chẩn đoán gì?

+ Thứ nhất: Xác định số lượng tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu

Hồng cầu có nhiệm vụ vận chuyển oxy tới từng tế bào trong cơ thể bạn. Nếu được cung cấp đủ oxy nhờ hồng cầu trông bạn sẽ hồng hào, tươi tắn. Ngược lại, nếu thiếu hụt hồng cầu, nghĩa là lượng oxy tới các cơ quan trong cơ thể giảm, khi đó cơ thể bạn sẽ uể oải, mệt mỏi trông nhợt nhạt, xanh xao. 

Kết quả xét nghiệm máu với số lượng hồng cầu thấp gợi ý bác sĩ những trường hợp thiếu máu, các bệnh về máu. Và khi đó việc tiến hành phẫu thuật sẽ không thuận lợi vì bệnh nhân có thể thiếu oxy dẫn tới xỉu, ngất trong quá trình phẫu thuật. Sự lành thương và hồi phục cơ thể sau phẫu thuật cũng diễn ra chậm.

Bạch cầu tạo thành hàng rào miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể bạn trước những kẻ thù gây bệnh là vi khuẩn, virus, ký sinh trùng,.. Thông thường khi có tình trạng nhiễm trùng số lượng bạch cầu sẽ tăng lên, tuy nhiên nếu số lượng bạch cầu tăng quá mức có thể gợi ý các bệnh về máu hoặc hàng rào miễn dịch đang có vấn đề cần được giải quyết trước phẫu thuật.

Tiểu cầu đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông cầm máu. Ví dụ khi bạn bị đứt tay chân, máu có thể dừng chảy được là nhờ tiểu cầu tạo thành những nốt máu đông. Giảm số lượng tế bào này, việc chảy máu kéo dài sau nhổ răng là có thể, và đó là một biến chứng nguy hiểm của phẫu thuật nhổ răng khôn.

+ Thứ hai: Định lượng các chỉ số về yếu tố đông máu

Việc cầm máu sau nhổ răng là đặc biệt quan trọng, ngoài tiểu cầu quá trình này còn có sự tham gia của các yếu tố đông máu. Xét nghiệm này giúp đánh giá chức năng đông máu của bạn như thế nào, quá trình đông máu kéo dài trong bao lâu từ đó tiên lương bạn có nguy cơ chảy máu nhiều hay không hoặc có tình trạng tăng đông dẫn đến nguy cơ bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim hay không.

+ Thứ ba: Xét nghiệm chức năng gan, thận, đường máu, mỡ máu 

Gan được ví như một nhà máy lớn trong cơ thể, đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Đây là nơi chuyển hóa thuốc tê/hoặc thuốc mê được sử dụng trong quá trình phẫu thuật, cũng như là nơi sản xuất các yếu tố đông máu cho quá trình cầm máu. Bằng cách đo men gan và các dấu ấn (markers) trong máu bác sĩ có thể xác định tình trạng sức khỏe của gan. Tương tự việc đánh giá chức năng thận qua xét nghiệm máu cho phép bác sĩ có thể xác định chức năng thận từ đó xem xét đến khả năng ảnh hưởng đến việc đào thải một số loại thuốc ra khỏi cơ thể để điều chỉnh liều thuốc, dự phòng nguy cơ ngộ độc thuốc tê và chảy máu sau nhổ răng.

Ngoài ra, xét nghiệm máu có thể đo các thông số của quá trình trao đổi chất như lượng đường trong máu và lipid. Mức đường huyết cao có thể gợi ý bệnh tiểu đường hoặc tình trạng kháng insulin, nó có thể ảnh hưởng đến quá trình lành thương và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Nồng độ lipid cao bao gồm triglycerides và cholesterol có thể chỉ ra các nguy cơ tiềm ẩn về tim mạch cần thận trọng khi gây tê, gây mê và theo dõi sát sao trong quá trình phẫu thuật.

+ Thứ tư: Sàng lọc các bệnh truyền nhiễm

Xét nghiệm máu cho phép kiểm tra sự hiện diện của virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), virus viêm gan B,C. Việc xác định các bệnh nhiễm trùng này rất quan trọng đối với sự an toàn của bệnh nhân và nhân viên y tế, đưa ra các biện pháp phòng ngừa và điều trị cho người bệnh phù hợp.

Tùy vào tình trạng của bệnh nhân mà bác sỹ sẽ chỉ định ít hoặc nhiều hơn các xét nghiệm trên. 

Vậy có thể nhổ răng mà không cần xét nghiệm máu không?

Qua trình bày ở trên xét nghiệm máu là một công cụ cho phép tiếp cận sức khỏe toàn trạng của bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu nha sĩ có thể đánh giá và khai thác được các thông tin về sức khỏe của người bệnh thì việc xét nghiệm máu là không bắt buộc.

Vì răng khôn mọc muộn nên độ tuổi nhổ răng khôn thường là cuối thiếu niên hay trưởng thành. Khi đó bệnh nhân đã có một quãng thời gian tiếp xúc với môi trường và ghi nhận những bất thường về sức khỏe nếu có. Do vậy khi hỏi bệnh, nếu bệnh nhân không có các bệnh lý nền, không mắc các bệnh về máu, không đang điều trị bệnh hay sử dụng thuốc gì cũng như không phát hiện bất thường trong những lần khám sức khỏe trước đây bác sỹ có thể đánh giá sức khỏe toàn trạng qua việc thăm khám lâm sàng mà không cần xét nghiệm máu. 

Dưới đây là một số gợi ý đánh giá sức khỏe người bệnh trên lâm sàng: 

    1. Đánh giá thể trạng qua chỉ số BMI

BMI hay còn gọi là chỉ số khối lượng cơ thể, dựa vào chỉ số BMI của một người có thể biết được người đó béo, gầy hay có cân nặng lý tưởng. BMI bình thường dao động 18,5- 24,9, BMI lý tưởng của người Việt Nam từ 18,5-22,9. Những bệnh nhân có BMI <18,5, thể trạng gầy có thể thiếu chất, suy nhược cơ thể, cần cân nhắc xem bệnh nhân có khả năng phẫu thuật hay không, liều lượng thuốc tê sử dụng và thời gian cuộc phẫu thuật. Ngược lại, người bệnh có BMI >25, tiền béo phì hoặc béo phì cần xem xét đến các bệnh liên quan như tim mạch, rối loạn mỡ máu,..

    1. Đánh giá tình trạng thiếu máu qua da và niêm mạc

Người khỏe mạnh thường thấy da lòng bàn tay, niêm mạc môi hồng hào, niêm mạc củng mạc mắt không nhợt. Ngược lại, bệnh nhân có da xanh, niêm mạc nhợt, cần hỏi về tiền sử thiếu máu của bệnh nhân trước đây. Đối với bệnh nhân là phụ nữ cần hỏi thêm bệnh nhân có đang trong chu kỳ kinh nguyệt hay không để tránh tình trạng mất thêm máu và chảy máu kéo dài sau nhổ răng.

    1. Đánh giá vấn đề đông máu

Đây là một thông tin quan trọng để phòng biến chứng chảy máu sau nhổ răng. Nếu bệnh nhân có tiền sử xuất hiện những mảng bầm tím, xanh đen, hay các đốm xuất huyết li ti màu đỏ dưới da tự phát, lâu ngày có thể nghi ngờ các vấn đề về tiểu cầu (suy nhược tiểu cầu, giảm tiểu cầu,..), thiếu hụt các yếu tố đông máu,.. 

Tuy nhiên việc khai thác tiền sử cầm máu trước đây có thể nắm bắt được vấn đề đông máu của bệnh nhân, đặc biệt đối với phụ nữ, với mỗi kỳ kinh, nếu máu không thể đông lại thì rất khó để duy trì một thể trạng bình thường. Vì vậy việc khai thác tình trạng đông máu quan trọng hơn đối với nam giới. 

    1. Người bệnh có đang mắc bệnh nhiễm trùng nào không? 

Những trường hợp viêm túi quanh răng 8 hay nặng hơn là viêm mô tế bào do răng 8. Cần đánh giá thân nhiệt người bệnh cũng như tình trạng viêm tại chỗ và các vùng lân cận. Nếu bệnh nhân sốt, lợi quanh răng 8 sưng nề đỏ, nhiều giả mạc trắng, vùng má, góc hàm bệnh nhân sưng, nóng đỏ, tuyệt đối không được phẫu thuật vào thời điểm này vì có thể làm tình trạng viêm lan rộng hơn, nguy cơ nhiễm trùng huyết,…

    1. Người bệnh có đang mắc các bệnh mạn tính, hay điều trị bệnh gì không?

Viêm gan, xơ gan, ung thư gan, suy thân, huyết áp, tiểu đường, tim mạch (bệnh lý mạch vành, đau thắt cơ tim,..). Nếu có cần hỏi kỹ về quá trình điều trị bệnh và tình trạng hiện tại, nếu có đang dùng thuốc, cần xem đó là thuốc gì và có ảnh hưởng đến việc phẫu thuật hay không. Ngoài ra người bác sỹ cũng cần khai thác thông tin về các bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan B,C, tiền sử dị ứng.

Người bệnh cần trung thực khi đưa những thông tin trên cho bác sĩ vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình điều trị và sức khỏe, tính mạng của chính cá nhân,

Nếu phát hiện những yếu tố sức khỏe ảnh hưởng đến trong và sau quá trình nhổ răng, nha sỹ cần chỉ định thêm các xét nghiệm máu. Ví dụ bệnh nhân có rối loạn đông máu như bệnh máu khó đông, bệnh Von Willebrand cần các xét nghiệm để kiểm tra nồng độ các yếu tố đông máu. 

Xét nghiệm máu cũng được khuyến cáo cho bệnh nhân có các bệnh lý nền như tiểu đường, bệnh gan để đảm bảo rằng đường máu và chức năng gan đang được kiểm soát tốt trước khi nhổ răng. Hay những răng khôn khó, yêu cầu thời gian phẫu thuật dài. Điều này giúp hạn chế những rủi ro biến chứng trong và sau phẫu thuật.

Trên đây là thông tin giải đáp nhổ răng khôn có cần xét nghiệm máu không? Để quá trình nhổ răng diễn ra an toàn, bạn hãy tới các cơ sở nha khoa uy tín để thăm khám và nhận lời khuyên từ bác sĩ chuyên khoa. 

* Bài viết được chia sẻ bởi bác sĩ Phạm Lam tại nha khoa Thùy Anh 

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục