Lựa chọn implant ngắn cho răng hàm, tránh cuộc ghép xương – nâng xoang, bằng chứng khoa học

Implant chính là chân răng nhân tạo bằng titanium cấy vào xương hàm thay thế chiếc chân răng đã mất trước đó. Chiều dài các loại implant tiêu chuẩn là khoảng 8mm trở lên, có nhiều kích thước như 8mm, 10mm, thậm chí 15mm…

Hiện nay với điều kiện kinh tế tốt hơn, các chương trình giáo dục sức khỏe – đặc biệt sức khỏe nha khoa đến với người dân sâu rộng. Việc trồng răng giả trở nên phổ biến. Và như tất cả chúng ta đều biết. Implant chính là loại răng giả tốt nhất với các ưu điểm vượt trội như:

✔ Tuổi thọ cao

✔ Ăn nhai như răng thật

✔ Ổn định, hạn chế tiêu xương hàm

✔ Thẩm mỹ tối ưu

Implant chính là chân răng nhân tạo bằng titanium cấy vào xương hàm thay thế chiếc chân răng đã mất trước đó. Chiều dài các loại implant tiêu chuẩn là khoảng 8mm trở lên, có nhiều kích thước như 8mm, 10mm, thậm chí 15mm…

Từ đây chúng ta cũng hiểu được, để cấy implant bạn phải có đủ xương. Khi xương không đủ nha sĩ bắt buộc làm thêm thủ thuật tăng kích thước như ghép xương, nâng xoang, thậm chí di dời dây thần kinh… việc leo thang điều trị khiến chi phí tăng lên đồng thời tăng tỷ lệ thất bại cũng như nguy cơ cho bệnh nhân.

Trong bài viết này chúng tôi sẽ đề cập đến chủ đề tương đối mới và gây nhiều tranh cãi trong nha khoa là có nên thay thế việc ghép xương nâng xoang bằng cách lựa chọn implant ngắn cho vùng răng hàm. Tuổi thọ của implant ngắn so với loại tiêu chuẩn thế nào?

Thực tế  trong suốt chiều dài lịch sử implant, có nhiều định nghĩa khác nhau về implant ngắn. Có tác giả cho rằng implant dưới 10mm thì coi là ngắn, tác giả thì lại định nghĩa implant ngắn phải nhỏ hơn 8mm. Hiện nay khi mà việc cấy implant 8mm khá phổ biến. Theo quan điểm của chúng tôi, concept implant ngắn nên dùng để chỉ những implant ít hơn 7mm, và phổ biến là 5- 6mm.

Implant phổ biến trong các chỉ định nha sĩ là vì tuổi thọ cao. Dù vậy, một số nguyên nhân khiến implant răng hàm thất bại có thể là:

– Liên quan đến cấu trúc giải phẫu có nền sinh học hạn chế như thiếu xương, chất lượng xương kém

– Vùng răng hàm chịu lực nhai lớn, đảm nhiệm chức năng nghiền nát thức ăn.

– Có các cấu trúc nguy hiểm như xoang hàm trên, ống thần kinh răng dưới khiến răng hàm không thể lựa chọn implant dài, kích thước lớn.

Cấy implant cho vùng này phải bổ sung một số điều trị nâng cao như nâng xoang kín, nâng xoang hở qua cửa sổ mặt bên, ghép thêm xương nhằm tăng cả số lượng lẫn chất lượng vùng cấy ghép. Mặc dù vậy những điều trị bổ sung làm kéo dài thời gian đi đến phục hình cuối cùng, tăng chi phí, và tăng các nguy cơ phẫu thuật cho bệnh nhân. Và implant ngắn khi đó có vẻ như là giải pháp hoàn hảo. Như ca lâm sàng dưới đây. Chú bệnh nhân hiện đang sinh sống làm việc ở Đức, được chúng tôi lập kế hoạch, thực hiện cấy trước 3 implant. Các bạn chú ý vùng xương hàm dưới rất sát dây thần kinh, nếu muốn cấy kích thước implant tiêu chuẩn, cần thực hiện ghép xương khối hoặc dời dây thần kinh, là điều trị rất xâm lấn. Chúng tôi đã chọn cho chú 2 cây implant ngắn với kích thước 6 x 5.5mm, và cuộc phẫu thuật diễn ra cực kỳ nhẹ nhàng. Sau phẫu thuật tôi có hỏi thăm thì bệnh nhân phản hồi không hề có đau đớn gì nhiều. Rất dễ chịu so với tưởng tượng trước đó.

implant -nha khoa thuy anh
Implant ngắn phục hình vùng răng hàm, hàm trên (hình ảnh minh họa)

Chú bệnh nhân muốn cấy implant phục hồi chức năng ăn nhai các răng hàm trên.

Tuy nhiên các bạn có thể thấy hình ảnh trên phim panorama xoang hàm ứng với vị trí mất răng rất mờ, có viêm mãn tính. Trường hợp này nếu nâng xoang sẽ có rủi ro. Thay vì phẫu thuật nâng xoang chúng tôi chọn implant ngắn 6mm. Kết quả implant rất ổn định

Các bạn cũng xem một số hình ảnh mà các bạn đồng nghiệp nước ngoài thực hiện. Trên đây là hình x-quang các implant ngắn cấy hàm dưới nhằm tránh chạm vào dây thần kinh. Tồn tại đến nay là 20 năm.

Tiếp theo là hình ảnh cấy implant ngắn sau 10 năm chịu lực, chọn implant ngắn tránh phải nâng đáy xoang hàm trên.

Đầu tiên chúng ta sẽ bàn về những nghi ngờ khi mới bắt đầu sử dụng implant ngắn

Đối với răng tự nhiên, các nhà lâm sàng luôn muốn phân phối tỷ lệ thân răng / chân răng nhỏ hơn 1. Nghĩa là chân răng ở trong xương phải dài hơn phần thân chịu lực bên ngoài khoang miệng. Cơ chế này giúp răng bền vững, ổn định hơn theo thời gian, với cánh tay đón quá dài, các bạn tưởng tượng chiếc răng có thể bị nhổ bật gốc khi nhai vật cứng.

Ám ảnh về tỷ lệ 1;1 trên răng thật khiến các nhà lâm sàng cũng mặc định điều này cho phục hình implant. Tuy vậy implant không giống răng thật. Implant nằm cứng chắc trong xương nhờ cơ chế tích hợp, nó không có hệ dây chằng giảm xóc, không  có độ nhún như răng tự nhiên. Cho nên các concept phục hồi trên răng tự nhiên có thể không còn đúng với implant nữa. Và tỷ lệ thân, chân trên implant ngày nay đã được chứng minh là không cần tuân theo 1: 1 như với răng thật.

Nghi ngờ thứ 2, liên quan đến việc implant ngắn có đủ khỏe để tải lực nhai và tồn tại lâu dài trên miệng. Các nghiên cứu invitro cho thấy, khi được đặt vào các vùng xương đủ thể tích và chất lượng, phần chịu lực implant chỉ là 5mm từ cổ đi xuống. Khác với răng thật, khi mà lực nhai truyền đến vùng chóp chân răng, lực trong implant chủ yếu tập trung tại vùng cổ. Tác giả Lum trong nghiên cứu xuất bản năm 1991 đã chỉ ra rằng lực cắn khớp truyền xuống implant chủ yếu tập trung tại vùng cổ implant, ứng với mào xương ổ răng, rất ít lực truyền được tới chóp vì vậy việc cố gắng tăng chiều dài implant ví dụ như lên mức 10mm chứ không phải 7mm thực tế không có ý nghĩa gì trong việc tăng tính ổn định lâu dài.

Năm 2005, Tác giả Carl Misch cho rằng bằng cách loại bỏ các điểm cản trở khớp cắn khi đưa hàm sang bên, tăng số lượng implant ngắn, tăng chiều rộng implant ngắn, và làm phục hình nối liền sẽ khắc phục được hầu hết các thách thức khi thực hành implant ngắn hằng ngày. Ông đưa ra tỷ lệ thành công với implant ngắn lên đến 99%. Ngang bằng với việc cấy implant tiêu chuẩn

Các nghiên cứu Finite element analyses cũng cho kết luận: chiều dài implant không phải là yếu tố chính ảnh hưởng đến tải trọng khớp cắn truyền đến giao diện implant và xương. Các yếu tố khác như mật độ xương kém, đường cong spee không thẳng, mặt phẳng nhai có vấn đề mới đáng lo ngại.

Ngờ vực thứ 3 từ việc sử dụng implant ngắn là tính ổn định sơ khởi. Implant càng dài càng dễ tạo ra ổn định ngay sau cấy từ đó tính sống implant tiên lượng tốt hơn. Tuy nhiên thực tế, với implant ngắn chúng ta nên vùi và đặt cover screw hơn là cho tải lực tức thì với healing hay lắp ngay răng tạm. Khi đó nhược điểm về ổn định sơ khởi sẽ không còn nữa.

Như vậy chúng ta thấy, không có lý do gì để không sử dụng implant ngắn, nhất là nếu khi chúng ta có thể cấy nhiều cây liên kết cạnh nhau.

Vậy đối với implant ngắn đơn lẻ thì sao:

Như nghiên cứu của tác giả Carl Misch ở trên, nếu chọn implant ngắn chúng ta có thể liên kết implant với nhau khi đó tạo thành một khối chắc chắn. Và vấn đề implant ngắn sẽ được bù trừ bằng việc có nhiều implant với kích thước lớn. Vậy nếu implant đứng đơn lẻ, chúng ta có thể chọn implant ngắn không?

Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng RCT nhóm tác giả Naenni và cộng sự tiến hành vào năm 2018, đánh giá sự tồn tại, sự mất xương xung quanh cổ implant 6mm và implant 10mm trong 5 năm theo dõi. Cho thấy sau 5 năm tỷ lệ tồn tại của implant 6mm là 91%, một con số rất cao trong y học. Và tuyệt vời hơn tỷ lệ tồn tại implant 10mm là 100%. Hiện tượng mất xương xung quanh cổ implant không khác biệt giữa 2 nhóm. Mặt khác khi so sánh tỷ lệ thân răng/ chân răng. Với implant 6mm thì tỷ lệ thân chân là 1,75:1. Implant 10mm là 1:1, tỷ lệ này thay đổi vẫn không ảnh hưởng đến tiêu xương quanh implant. Đúng như những biện chứng mà chúng tôi nói ở phần đầu bài. Và thực ra tỷ lệ implant tồn tại sau 5 năm là 91% rất cao. Vì với những vùng xương hạn chế nếu phải gia tăng các phẫu thuật ghép xương, nâng xoang, dời thần kinh thì cũng tăng tỷ lệ thất bại. Và có thể khi đó tỷ lệ thất bại của việc chọn implant ngắn hay dài có thể sẽ là bằng nhau.

Từ những nghiên cứu và nền tảng sinh học ở trên, chúng tôi cho rằng việc sử dụng implant ngắn 6,7mm là hoàn toàn có thể và tiên lượng được. Chọn implant ngắn có nhiều ưu điểm dành cho bệnh nhân như:

    • Tiết kiệm thời gian: Thời gian lành thương sau phẫu thuật ghép xương, nâng xoang bình quân khoảng 6-8 tháng. Bệnh nhân cũng sẽ phải đi lại nhiều lần hơn. Vì vậy chọn implant ngắn sẽ giảm được thời gian từ khi cấy đến khi hoàn thiện lắp răng giả.
    • Can thiệp tối thiểu: Mặc dù các điều trị bổ sung với implant đã được chứng minh là an toàn – có thể khống chế tối đa biến chứng. Tuy nhiên dẫu sao nó cũng đòi hỏi nhiều yếu tố, và theo quan điểm hiện nay giải pháp tối ưu – can thiệp tối thiểu thì càng can thiệp ít trên bệnh nhân càng tốt.
    • Trải nghiệm bệnh nhân: Càng thực hiện nhiều điều trị bệnh nhân càng đau, khó chịu, chảy máu nhiều hơn. Đặc biệt phẫu thuật đòi hỏi lật vạt toàn bộ niêm mạc – màng xương. Với implant ngắn, trải nghiệm phẫu thuật là cực kỳ nhẹ nhàng.
    • Tiết kiệm chi phí: Bởi vì điều trị nâng cao đòi hỏi thực hiện nhiều thủ thuật, vật liệu màng collagen, xương ghép, các lần hẹn nhiều nên chi phí điều trị cao hơn nhiều so với ứng dụng implant ngắn.

Hy vọng qua bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn những chỉ dẫn khoa học về việc lựa chọn điều trị cho chính mình. Thủ thuật nâng xoang – ghép xương, dời thần kinh đôi khi là không thể tránh khỏi, tuy nhiên bất cứ khi nào có thể nếu xương bệnh nhân tốt, chế độ chăm sóc vệ sinh tốt, thì lựa chọn implant ngắn là giải pháp không hề tồi. Bệnh nhân thì có quyền biết tất cả ưu nhược điểm của các can thiệp nha sĩ sẽ làm và được lựa chọn loại can thiệp mà bệnh nhân thấy phù hợp nhất, tin tưởng nhất.

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background