Lịch sử và cách chữa viêm khớp thái dương hàm

Người ta từng cho rằng cơn đau TMD là không có thật, bệnh nhân tự nghĩ ra mà thôi. Hoặc để điều trị chứng cứng hàm, bệnh nhân phải cắt bỏ lồi cầu thông qua đường rạch hình chữ T vùng gò má, trước tai. Lịch sử TMD đầy rẫy những tranh cãi về định nghĩa, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị. Do tính chất khó hiểu của nghiên cứu TMD, sự thiếu hiểu biết về dữ liệu nghiên cứu, rất nhiều kết luận sai lầm, những niềm tin thiếu cơ sở đã được lưu hành và chấp nhận qua nhiều thế hệ. 

Trong bài viết dưới đây, mời các bạn cùng tìm hiểu về những tranh cãi về bệnh lý và phương pháp điều trị rối loạn khớp thái dương hàm trong hơn 100 năm, để có thể tránh những quan niệm sai lầm trong quá khứ, và thêm cái nhìn tổng quan, thấu suốt hơn về hội chứng đang có xu hướng tăng lên trong xã hội hiện đại này.

Thông tin về cấu trúc và chức năng TMJ

Rối loạn khớp thái dương hàm mô tả sớm nhất từ thời Ai Cập cổ đại. Vào thế kỉ thứ 5, Hippocrates (ông tổ ngành Y) ghi chép lại trong cuốn sổ tay phương pháp nắn tình trạng trật khớp hàm dưới, rất giống với kỹ thuật sử dụng ngày nay. Trật khớp tức là bệnh nhân há miệng và họ không ngậm lại bình thường được nữa kèm đau, không thể ăn uống. Hippocrate nắn lại được, sự kiện này coi như một dấu mốc cho việc con người chủ động can thiệp điều chỉnh lên khớp Thái Dương Hàm. 

TMJ được quan tâm hơn từ thế kỷ 15, khi cấu trúc giải phẫu TMJ được Leonardo da Vinci nghiên cứu, sau đó hoàn thiện bởi các nhà giải phẫu học trong các thế kỷ sau đó. TMJ mô tả là khớp hoạt dịch kép nối giữa lồi cầu xương hàm dưới và hố ổ chảo xương thái dương. Các thành phần chính là bao khớp, đĩa khớp, lồi cầu hàm dưới, bề mặt khớp xương thái dương, dây chằng và cơ chân bướm. Là một khớp hoạt dịch, nó dường như tuân theo các nguyên tắc chỉnh hình cơ bản tương tự áp dụng cho các khớp hoạt dịch khác của con người, từ rối loạn bệnh lý đến phác đồ điều trị. 

Tuy nhiên, khớp thái dương hàm có những điểm độc đáo riêng. Khớp có thể thực hiện cả chuyển động bản lề (há ngậm) và chuyển động trượt. 2 khớp hoạt động như một đơn vị chức năng, một bên khớp không thể hoạt động nếu không cử động khớp đối diện. Chuyển động khớp không chỉ quyết định bởi hình thái khớp mà còn bởi bộ răng. Sự hiểu biết về thành phần giải phẫu và liên quan của khớp, là cơ sở căn bản cho những suy luận về nguyên nhân, phương pháp điều trị sau này.

TMD và những phương pháp điều trị thời kỳ đầu

Vào thời kì đầu, phẫu thuật chỉ định để điều trị chứng cứng khớp (thường liên quan nhiễm trùng, chấn thương hoặc viêm khớp); sau đó là trật khớp bất hồi và tái hồi. Thomas Annandale ghi nhận là người đã mô tả công bố đầu tiên về sửa chữa đĩa đệm khớp thái dương hàm vào năm 1887. Ông mô tả việc điều trị thành công cho hai bệnh nhân bị cứng khớp hoặc đau, tiếng kêu khớp bằng phẫu thuật đặt lại vị trí của đĩa. Ông đưa ra giả thuyết rằng vấn đề nằm ở đĩa khớp bị dịch chuyển do dải dây chằng rách đột ngột hoặc kéo giãn dần dần.

Phẫu thuật khớp thái dương hàm không phải là một phẫu thuật tiêu chuẩn trong thế kỷ 19 đầu thế kỉ 20. Những bác sĩ phẫu thuật như Annandale và một số người khác ở Mỹ, Anh, Châu Âu là những người tiên phong trong việc đưa ra các thiết kế vết mổ tiếp cận TMJ và các phương pháp để khôi phục khớp hoạt động tốt hơn. Các nguyên tắc chỉnh hình rút ra từ kinh nghiệm ở khớp khác đã được áp dụng cho TMJ, với kết quả được cho là tạm làm hài lòng cả bệnh nhân và bác sĩ phẫu thuật. Tuy nhiên, chỉ trong vài năm sau đó, triết lý chăm sóc khớp thái dương hàm đã chuyển biến sang hướng ngược lại. Sự bắt đầu của những nỗ lực bảo tồn. 

Các mốc xương và vết rạch da tạo hình khớp cho bệnh cứng khớp xương và xơ trong khớp thái dương hàm

Hội chứng James Corden và niềm tin về việc khớp cắn gây TMD

Như chúng ta đã biết, bên cạnh triệu chứng cổ điển của bệnh lý khớp là đau, há miệng hạn chế, tiếng kêu, một số triệu chứng khác ít phổ biến hơn như: nhức đầu, ù tai, giảm thính lực, chóng mặt. Những triệu chứng này không phải được phát hiện bởi nha sĩ mà bởi một bác sĩ tai mũi họng tên là Jame Costen. Ông quan sát thấy nhiều bệnh nhân đến khám vì đau vùng mặt, ù tai thường mất răng một phần hay toàn bộ. Năm 1934, Costen đưa giả thuyết rằng việc mất nâng đỡ khớp cắn phía sau (một hiện tượng phổ biến thời bấy giờ) dẫn đến áp lực quá mức lên TMJ gây phá hủy, rối loạn chức năng và chèn ép thần kinh sau đó. Lý thuyết của ông cuối cùng được công bố trên tạp chí của hiệp hội y khoa Hoa Kỳ và chấp nhận rộng rãi trong gần hai thập kỷ, người ta còn lấy tên ông đặt cho hội chứng này, gọi là hội chứng Costen.

Một thập kỷ sau, nhà giải phẫu học nổi tiếng, Tiến sĩ Harry Sicher (1948), cố gắng chứng minh lý giải của Costen là sai lầm từ quan điểm giải phẫu. Mặc dù đề xuất của Costen bị bác bỏ, nhưng nó chắc chắn đã khơi dậy sự quan tâm và nhận thức lớn về TMJ của các nha sĩ. Nhiều nha sĩ vẫn ủng hộ khía cạnh trong quan điểm của Costen và ủng hộ việc sử dụng khí cụ nâng khớp cắn để khôi phục kích thước dọc nhằm giảm bớt triệu chứng TMJ/tai. 

Theo thời gian, những sửa đổi của các khí cụ này cuối cùng đã dẫn đến việc sử dụng máng nhai hoặc nẹp trong miệng để kiểm soát TMD. Những người tiên phong như Dawson (1974), Guichet (1979), Williamson (1980) và Roth (1981) đã phổ biến nhiều kỹ thuật khác nhau và khuyến nghị cân bằng khớp cắn như một phương pháp bổ trợ quan trọng cho điều trị cũng như để phòng ngừa TMD.

Khi thiếu bằng chứng khoa học ủng hộ mối quan hệ giữa khớp cắn và TMD, những người theo chủ nghĩa khớp cắn đã nhanh chóng tạo ra vòng xoáy mới cho những ý tưởng cũ. Trong những năm 1970 và đầu 1980, họ đã từ bỏ niềm tin rằng khớp cắn là nguyên nhân chính gây TMD. Câu thần chú của họ giờ đây trở thành rối loạn chức năng TMJ, hay rối loạn chức năng sọ hàm, là do các lồi cầu TMJ lệch tâm (hoặc bị dịch chuyển) chứ không phải do sự khác biệt trong mối quan hệ khớp cắn. Trọng tâm là cố gắng xác định vị trí lồi cầu trong ổ khớp tối ưu nhất và tìm ra phương pháp tốt nhất để ghi lại vị trí đó, sau đó hướng các phương pháp điều trị nha khoa về phía đó, như chỉnh nha hoặc phục hình tái tạo toàn miệng. Tuy nhiên, những phương pháp này sẽ dẫn đến thay đổi không thể đảo ngược với bộ răng, mà chưa chắc chắn hiệu quả thực sự của nó với bệnh lý của TMJ. Trong hầu hết thế kỉ 20, tài liệu nha khoa đã mô tả các quy trình trên dưới dạng khái niệm và quy trình lâm sàng thay vì trình bày các thử nghiệm, nghiên cứu có kiểm soát. 

Trong phần lớn thế kỷ 20, người ta tập trung vào các tình trạng đau do cơ và khớp mà ít hoặc không chú ý đến đĩa khớp. Cho đến tận những năm 1970, với sự phát triển của kĩ thuật hình ảnh chụp khớp, hầu hết các rối loạn bên trong TMJ được phát hiện là sự dịch chuyển đĩa đệm ra trước. Đĩa đệm bị trật được trả lại vị trí bằng cách sử dụng các thiết bị định vị phía trước và/hoặc phẫu thuật TMJ. Sau đó quy trình tháo đĩa đệm TMJ đã được khuyến nghị, trong đó một số bác sĩ phẫu thuật chọn duy trì phức hợp khớp mà không cần đĩa đệm trong khi những người khác cấy đĩa đệm giả. Thật không may, việc sử dụng đĩa đệm giả đã dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng do phản ứng dị ứng của cơ thể với vật thể lạ cấy ghép hoặc đau khớp dữ dội khi vận động. Các kĩ thuật phẫu thuật ít xâm lấn như chọc dịch khớp, nội soi khớp đã được chứng minh là có hiệu quả ban đầu đối với các tình trạng TMD mãn tính.

Như vậy, trong gần một thế kỷ, bệnh lý liên quan khớp thái dương hàm đang được các bác sĩ lâm sàng tiếp cận từ cái nhìn chuyên môn hóa. Những bác sĩ phẫu thuật chỉ chú trọng tới đĩa khớp, khi can thiệp TMJ tương tự các khớp khác trong cơ thể, trong khi nha sĩ quan tâm chủ yếu tới bộ răng, và cố gắng lý giải mối liên hệ giữa TMD và khớp cắn. Với rất nhiều quan điểm và tranh cãi khác nhau (ví dụ như khớp cắn, vị trí lồi cầu (CR) và/hoặc các rối loạn bên trong TMJ), năm 1983, Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA) đã công bố hướng dẫn về khám, chẩn đoán và quản lý các rối loạn chức năng của TMJ hiện nay được định nghĩa là rối loạn khớp thái dương hàm. 

TMD đã và đang được coi là tập hợp các rối loạn/rối loạn chức năng cơ xương khớp ảnh hưởng đến phức hợp TMJ và cấu trúc lân cận của đầu và cổ, bao gồm tình trạng lâm sàng với nhiều nguyên nhân khác nhau và đa dạng. Và vì thế việc điều trị thường có thể bao gồm nhiều phương pháp tiếp cận và đa ngành. 

Những quan điểm mới ngày nay

Ngày nay, người ta hiểu rõ hơn về các cơ chế phức tạp liên quan đến tình trạng đau mãn tính cũng như đánh giá cao hơn vai trò các thành phần cảm xúc và nhận thức cơn đau. TMD đã chuyển từ mô hình cơ học cổ điển trong lịch sử dựa trên nha khoa (điều chỉnh khớp cắn hoặc tái định vị hàm) sang mô hình sinh thiết tâm lý xã hội tích hợp một loạt các yếu tố sinh học, lâm sàng và hành vi góp phần vào sự khởi phát, duy trì và thuyên giảm bệnh TMD. 

Mạng lưới Hiệp hội RDC/TMD Quốc tế và nhóm quan tâm đặc biệt về đau vùng mặt đã công bố tiêu chí chẩn đoán được cộng đồng khoa học quốc tế sử dụng và công nhận. Phân loại này dựa trên mô hình hành vi sinh học của cơn đau: Bao gồm 2 trục chính các dấu hiệu và triệu chứng thực thể (các rối loạn cân cơ gây đau, trật đĩa, trật khớp, viêm khớp, thoái hóa khớp) và các yếu tố tâm lý xã hội (trục II).

Phương pháp điều trị chuyển từ điều trị nguyên nhân sang mục tiêu giảm bớt các dấu hiệu và triệu chứng chính của hội chứng này. Với việc tăng cường, chú trọng vào các phương pháp điều trị dựa trên bằng chứng, các bác sĩ đang sử dụng các phương thức điều trị bảo tồn, ít xâm lấn hơn. 

Phương pháp điều trị bảo tồn cho TMD bao gồm dùng thuốc, vật lý trị liệu, máng nhai, chiến lược tự quản lý và các biện pháp can thiệp dựa trên phương pháp tiếp cận hành vi nhận thức. Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) và phản hồi sinh học (BFB) đang dần được công nhận là tiêu chuẩn trong liệu pháp sớm điều trị TMD.

Thông tin gần đây chỉ ra rằng bệnh nhân TMD biểu hiện độ nhạy cảm với cơn đau thực nghiệm cao hơn so với đối tượng đối chứng, cho thấy rằng quá trình xử lý cảm thụ đau có thể bị thay đổi ở bệnh nhân TMD. Ngoài ra, người ta cho rằng một số biến thể của gen có liên quan đến việc ảnh hưởng đến cơ chế điều hòa đau trong hệ thần kinh trung ương. Trong tương lai, những dấu hiệu này có thể cho phép chúng ta xác định một nhóm nhỏ các đối tượng có nguy cơ phát triển TMD cao hơn. Những phát hiện này củng cố ý tưởng rằng có một sự thay đổi mô hình liên quan đến nguyên nhân của TMD: chuyển từ việc tập trung vào việc ‘theo đuổi’ các tiếp xúc khớp cắn sang ‘theo đuổi’ các biến thể gen dễ bị tổn thương. Những phát hiện này chúng ta sẽ cần chờ đợi và theo dõi kết quả nghiên cứu trong tương lai.

Hiểu biết của con người về chính cơ thể mình tuy đã tiến những bước rất dài nhưng vẫn còn quá nhiều điều bí ẩn. TMD là chuyên ngành mới, còn gây nhiều tranh cãi, việc thực hành dựa trên bằng chứng khoa học cùng với lựa chọn can thiệp cho tỷ lệ thành công cao là điều bác sĩ luôn phải cân nhắc và càng ngày càng có xu hướng cá nhân hóa trên từng bệnh nhân.

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục