Hướng dẫn nhổ răng sữa tại nhà đúng cách? Nha khoa Thùy Anh

Ngày nay, ngoài việc quan tâm tới từng bữa ăn, giấc ngủ của con, cha mẹ cũng đã sát sao hơn trong vấn đề sức khỏe răng miệng của bé. Quá trình thay răng sữa bằng răng vĩnh viễn là một quy luật tự nhiên, bất kỳ đứa trẻ nào cũng phải trải qua. Việc thay răng sữa đúng hoặc sai thời điểm không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng mà còn cả tính thẩm mỹ sau này. Nhiều bậc phụ huynh đã ý thức được điều này nên cố gắng canh chừng để con thay răng đúng thời điểm với mong muốn con có hàm răng đều đẹp. Tuy nhiên, bố mẹ bối rối không biết răng nào thay trước, răng nào thay sau hay có cách gì để nhổ những chiếc răng tới tuổi thay này tại nhà mà bé không đau, an toàn, không để lại nỗi ám ảnh đáng sợ cho bé. Bài viết dưới đây, bác sĩ Đăng đến từ nha khoa Thùy Anh sẽ cung cấp một số thông tin cho bố mẹ về quá trình thay răng sữa của con cũng như hướng dẫn cách nhổ răng cho bé an toàn tại nhà nhé.

Quá trình thay răng của bé diễn ra như thế nào?

Thông thường, các bé có đủ 20 răng sữa vào năm 3 tuổi. Tới năm 6 tuổi, trẻ rụng chiếc răng sữa đầu tiên để răng vĩnh viễn mọc lên. Đây cũng là lúc bé bắt đầu vào lớp một và quá trình thay răng hoàn tất vào năm bé 12 – 13 tuổi. 

Hình ảnh răng sữa tiêu chân, lung lay và răng vĩnh viễn mọc lên

Dưới đây là thứ tự thay răng sữa theo từng độ tuổi, bố mẹ có thể tham khảo như sau:

+ Từ 6 – 7 tuổi: Các răng cửa giữa vĩnh viễn mọc 

+ Từ 7 – 8 tuổi: Các răng cửa bên vĩnh viễn mọc 

+ Từ 9 – 10 tuổi: Các răng cối nhỏ thứ nhất mọc 

+ Từ 10 – 11 tuổi: Thay các răng nanh sữa

+ Từ 11 – 12 tuổi: Các răng cối nhỏ thứ 2 mọc thay thế cho răng hàm sữa thứ 2

Sơ đồ tuổi mọc răng và thay răng của bé

Thứ tự thay răng thường sẽ giống như lúc bé mọc răng sữa. Nghĩa là chiếc răng sữa nào mọc trước thì sẽ rụng trước. Vậy nên, nếu trẻ đang trong giai đoạn mọc răng, ba mẹ hãy chú ý ghi lại thứ tự mọc của con. Đến khi bé thay răng, bạn hoàn toàn có thể đoán được quá trình rụng của những chiếc răng sữa này.

Thời gian từ lúc răng của bé có dấu hiệu lung lay cho đến khi rụng là khác nhau tùy theo đặc điểm của từng loại răng và vị trí. Ví dụ như với răng một chân (răng cửa, răng nanh), thời gian thay răng diễn ra ngắn chỉ trong vòng 1 – 2 tuần. Với răng nhiều chân như răng cối, quá trình thay răng có thể kéo dài từ 1 – 2 tháng hoặc hơn.

Nhiều bậc phụ huynh lo lắng khi thấy con mình vẫn chưa thay chiếc răng nào trong khi bạn bè đồng trang lứa đã thay được một vài chiếc. Vấn đề thay răng sữa sớm hơn hoặc muộn hơn thời gian dự tính khoảng 6 – 12 tháng là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên chiếc răng sữa cuối cùng cần được thay trong khoảng 12 – 13 tuổi. Nếu quá độ tuổi trên mà răng vĩnh viễn vẫn chưa mọc lên thì bố mẹ nên đưa trẻ tới phòng khám nha khoa để bác sĩ chụp phim X – quang kiểm tra mầm răng cho trẻ.

Phim X Quang ở trẻ đang độ tuổi thay răng

Trên phim sẽ thấy rõ được vị trí, số lượng, hướng mọc của răng vĩnh viễn và đánh giá xem những chiếc răng này có khả năng mọc lên hay không. Đối với những chiếc răng mọc ngầm, mọc lệch, mọc kẹt, thiếu khoảng mọc, bác sĩ sẽ có chỉ định can thiệp chỉnh nha sớm để chúng mọc lên dễ dàng. Còn trong trường hợp trên phim trẻ bị thiếu mầm răng vĩnh viễn, thì bác sĩ sẽ có những tư vấn cần thiết để bảo vệ chiếc răng sữa vẫn còn trên cung hàm.

Trên phim X - quang này cho thấy trẻ bị thiếu mầm răng vĩnh viễn răng hàm nhỏ thứ 2 (răng số 5) hàm dưới hai bên

Thời gian này trẻ cũng mọc lên chiếc răng cối lớn thứ nhất (răng số 6) ở phía sau răng hàm sữa thứ hai, vậy nên bố mẹ cần lưu ý đây là chiếc răng vĩnh viễn và không có răng thay thế. Bởi nhiều người vẫn nhầm tưởng là răng sữa sẽ còn thay nên không có kế hoạch chăm sóc, bảo vệ nó đúng cách. Đây là chiếc răng có vai trò đặc biệt quan trọng trong cung hàm. Nó giúp định hướng vị trí mọc của các răng khác cũng như duy trì khớp cắn ổn định cho trẻ sau này. Bác sĩ tại nha khoa Thùy Anh thường hay nhắc nhở phụ huynh thời điểm 6 tuổi có 2 sự kiện đặc biệt quan trọng trong đời của bé đó là vào lớp 1 và mọc răng số 6. Bạn hãy ghi nhớ hộ bé sự kiện này. 

Răng số 6 mọc khi trẻ 6 tuổi

Trong giai đoạn thay răng vĩnh viễn, bố mẹ cần tránh cho trẻ tối đa các thói quen răng miệng xấu như thở bằng miệng, mút ngón tay, mút môi, nghiến răng, đẩy lưỡi,… Những thói quen xấu này sẽ dẫn đến tình trạng răng hô, móm, răng mọc lệch lạc, chen chúc hoặc thưa,… Nếu không được can thiệp chỉnh nha kịp thời sẽ ảnh hưởng tới thẩm mỹ nụ cười và khớp cắn của trẻ sau này.

Nên nhổ răng sữa trong những trường hợp nào?

Răng sữa của trẻ tốt nhất là không nên bị nhổ bỏ trước độ tuổi bé thay răng. Chúng có vai trò quan trọng trong việc định hướng vị trí của răng vĩnh viễn sau này, giúp trẻ phát âm tròn tiếng và ăn nhai tốt. 

Nha sĩ khuyên chỉ nên nhổ bỏ răng sữa cho bé trong một vài trường hợp như:

+ Răng sữa bị viêm tủy, nhiều lần đau chữa mãi không khỏi, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bé, cần nhổ bỏ để tránh viêm nhiễm lây lan tới các răng kế cận cũng như tránh nhiễm trùng xuống vùng răng vĩnh viễn.

+ Răng sữa bị sâu cụt chỉ còn phần chân răng khiến bé bị đau nhức kéo dài nhiều lần, khi này nha sĩ không thể chữa tủy để cứu chiếc răng được.

+ Răng sữa lung lay đến tuổi thay

+ Răng sữa mọc lẫy: Đây là hiện tượng răng vĩnh viễn bên dưới mọc lên rồi nhưng răng sữa vẫn chưa lung lay, thường gặp nhiều ở răng cửa hàm dưới. Nguyên nhân là do mầm răng vĩnh viễn mọc chệch hướng vào trong hoặc ra ngoài cung răng, khi răng vĩnh viễn mọc lên, chân răng sữa không bị tiêu nên không có hiện tượng lung lay.

Cách nhổ răng sữa cho bé tại nhà không đau mà an toàn 

Nếu bố mẹ muốn tự nhổ răng sữa cho con tại nhà thì chỉ nên áp dụng trong trường hợp những răng sữa lung lay, đã tiêu hết chân và dễ nhổ. Khi nhổ, bạn cần lưu ý một số điểm sau:

+ Đầu tiên, bạn cần đẩy thử răng cần nhổ xem tình trạng lung lay răng, nếu chiếc răng vẫn chưa đủ mềm bạn nên hướng dẫn bé lung lay thêm bằng cách di chuyển chiếc răng bằng lưỡi hoặc ngón tay của mình đến khi đủ lỏng để nhổ bỏ, cách này giúp nhổ răng sữa cho bé đơn giản và hạn chế đau.

+ Khi đã đến thời điểm thích hợp để nhổ răng sữa, cha mẹ có thể bôi thuốc gây tê tại chỗ lên nướu răng do bác sĩ nha khoa kê đơn hoặc chườm một vài viên đá lạnh để làm tê nướu là lựa chọn hiệu quả thay thế thuốc tê.

+ Tiếp theo, bạn hãy dùng gạc vô khuẩn lau sạch chiếc răng cần nhổ vài lần, sau đó dùng miếng gạc khác để nắm chặt răng. Cha mẹ có thể sử dụng găng tay cao su vì chúng có độ bám chắc hơn. Việc cầm nắm không tốt sẽ kéo dài quá trình nhổ răng và gây đau đớn, sợ hãi cho trẻ.

Nhổ răng sữa không đau, không chảy máu

+ Cuối cùng, thực hiện nhổ răng bằng một lực tác động nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, nhanh chóng kéo răng ra ngoài. Cho trẻ cắn gạc 15 – 20 phút sau khi nhổ xong để cầm máu. 

Một số trẻ sẽ có cảm giác lo lắng, sợ hãi khi mất đi chiếc răng sữa. Bởi vậy, sau khi nhổ chiếc răng lung lay bố mẹ hãy trấn an con rằng việc thay răng sữa là một phần hoàn toàn bình thường mà ai cũng phải trải qua trong quá trình trưởng thành. Sau đó, ba mẹ hãy cùng con đặt chiếc răng sữa dưới gối để nhận phần thưởng từ bà tiên răng. Trẻ sẽ thấy háo hức, vui vẻ trở lại. Việc nhận được quà cũng nên lồng ghép khuyến khích con hình thành thói quen vệ sinh răng miệng tốt như chải răng 2 – 3 lần/ngày, dùng chỉ tơ nha khoa. Nếu trẻ còn nhỏ, cha mẹ cần hỗ trợ con.

Câu chuyện thường được nhắc tới từ hồi bạn bé xíu mỗi khi thay một chiếc răng sữa đó là buộc một sợi chỉ vào quanh răng, sau đó buộc đầu kia vào tay nắm cửa và nhanh chóng đóng mạnh cửa lại, khiến chiếc răng bị bung ra nhanh chóng và không đau. Vấn đề này thực tế không nên áp dụng vì nó có thể khiến phần thân răng bị gãy nhưng chân răng vẫn còn kẹt lại trong xương ổ răng. Cho dù phương pháp này có thú vị đến đâu, cha mẹ vẫn nên thực hiện nhổ răng sữa cho bé đúng cách như trên.

Hy vọng với những thông tin trên đã giúp bố mẹ hiểu phần nào về quá trình thay răng sữa ở trẻ. Nếu em bé nhà bạn đã tới độ tuổi và có dấu hiệu thay răng, nhổ răng sữa cho bé đúng cách là điều cha mẹ cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng để thực hiện an toàn. Những sai lầm trong cách nhổ răng không chỉ khiến trẻ sợ hãi, đau đớn và chảy máu nhiều mà còn gây mất thẩm mỹ cho hàm răng vĩnh viễn trong tương lai. Tốt nhất, để đảm bảo an toàn, bạn nên đưa bé đến nha sĩ để nhổ răng sữa và khám răng miệng định kỳ 6 tháng một lần nhằm phát hiện bất thường để xử trí kịp thời nhé.

>>> Xem thêm: https://nhakhoathuyanh.com/nieng-rang-cho-tre-11-tuoi-co-phai-la-thoi-diem-phu-hop-nha-khoa-thuy-anh/

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục