Hội chứng tâm lý lo lắng và ám ảnh nha khoa – Dental Anxiety

Nhiều bệnh nhân chia sẻ: “Nghĩ đến đi làm răng là thấy sợ”; “ Lên ghế răng là bủn rủn chân tay”. Thực tế khi nghe những lời kể này, nhiều nha sĩ sẽ cho rằng đây là những nỗi sợ không có thật, vô lý và dễ phớt lờ. Tuy nhiên trong tâm thế người bệnh thực sự là nỗi lo, sự sợ hãi hiện hữu trong họ, nếu không chú tâm giải quyết, một cuộc điều trị nha khoa sẽ không thể thành công và có thể gây ra gánh nặng nghiêm trọng trong tâm lý người bệnh. 

Hiện tượng tâm lý được đề cập trên được gọi là Lo lắng nha khoa (Tiếng Anh: Dental Anxiety). Lo lắng nha khoa là một tâm lý phổ biến nhiều người gặp phải. Theo một số nghiên cứu có từ 25 – 36% dân số gặp vấn đề này, họ thường tỏ ra lo lắng trước mỗi điều trị nha khoa. Nặng nề hơn, một số nhóm người cảm thấy sợ hãi và ám ảnh khi nhắc tới nha khoa khiến họ né tránh thăm khám kể cả khi các bệnh lý ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống.  

Trong bài viết dưới đây, bác sĩ Lâm đến từ nha khoa Thùy Anh sẽ thông tin tới bạn về hiện tượng tâm lý Dental Anxiety. Để nếu bạn là một người mang tâm lý sợ hãi, bạn có thể hiểu và tìm cách đương đầu, vì điều trị nha khoa thực sự cần thiết giúp ích sức khỏe răng miệng nói riêng và sức khỏe toàn trạng nói chung thật tốt. Mặt khác nếu bạn là nha sĩ, hãy lưu tâm đến lo lắng nha khoa để hiểu và thấu cảm với những bệnh nhân của mình, giúp họ vượt qua nỗi sợ và tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc răng miệng một cách nhẹ nhàng và dễ chịu nhất.

Lo lắng nha khoa là gì?

Lo lắng nha khoa là sự lo âu, sợ hãi hoặc căng thẳng khi cá nhân nghe thấy, nhìn thấy hay trực tiếp trải nghiệm các dịch vụ trong môi trường nha khoa. Những đồ dùng nha khoa như bơm tiêm, thám trâm, kìm, bẩy, tiếng máy khoan hay máu có thể làm gợi lên nỗi sợ. Khi sự lo lắng này trở nên nghiêm trọng và gây ra những nỗi sợ cực đoan, cố tránh né thăm khám hay bất cứ một điều trị nào, nó được phân loại là nỗi ám ảnh nha khoa. 

Nguyên nhân gây nên tình trạng lo lắng và ám ảnh nha khoa 

Nỗi lo lắng nha khoa có thể đến từ những sang chấn tâm lý từ trải nghiệm nha khoa trước đây.

Bản thân bệnh nhân có vấn đề về tâm lý như rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt, trầm cảm, tiền sử chấn thương vùng đầu mặt cổ.

Nhiều người bệnh vô cùng nhạy cảm, họ coi miệng là vị trí rất cá nhân, bất kỳ dụng cụ hay tiếp xúc nào vào vùng miệng là xâm phạm cá nhân, và họ sợ bị mất kiểm soát, sợ bị làm hại.

Đôi khi những lo lắng này đến từ những chứng bệnh khác nhau như chứng sợ khoảng trống (họ sợ trong một không gian rộng mà không thể trốn thoát), ngược lại có chứng sợ bị vây kín (sợ không gian kín) hoặc rối loạn ám ảnh về sự sạch sẽ.

Yếu tố thúc đẩy lo lắng nha khoa

Rất nhiều khía cạnh làm thúc đẩy nỗi sợ của người bệnh. Mỗi người khác nhau. Những người có chứng ám ảnh nặng sẽ sợ hết tất cả những gì đang diễn ra quanh họ. Dưới đây là một số yếu tố:

    • Nha sĩ: Cũng như các bác sĩ chuyên ngành khác, trong mắt người bệnh nha sĩ là những người lạnh lùng, ít thấu cảm và có thể làm đau họ. Một số người có nỗi sợ lớn với nha sỹ do ký ức không tốt đẹp trước đây.
    • Sợ tiêm tê: Đây là nỗi sợ phổ biến nhất, đặc biệt trên người bệnh đã từng ám ảnh khi gây tê mà lại không tê.
    • Ghế nha khoa: Nằm thẳng trên ghế nha khoa có thể khiến người bệnh cảm thấy bị rơi vào tư thế bị động, dễ bị tấn công và tổn thương.
    • Tiếng ồn: Tiếng “the thé” máy khoan hay dụng cụ nha khoa khác khi bác sĩ hay điều dưỡng sử dụng.

Ai có thể bị ảnh hưởng bởi lo lắng nha khoa?

Lo lắng nha khoa rất phổ biến và có thể tác động đến mọi đối tượng ở những lứa tuổi khác nhau. Trẻ em với những trải nghiệm nha khoa không tốt trong quá khứ có thể vượt qua nỗi sợ nếu mọi thứ xung quanh làm chúng cảm thấy an toàn và trẻ được quan tâm động viên tinh thần trong suốt cuộc thăm khám. Ngược lại với người lớn, có xu hướng củng cố nỗi lo này suốt cuộc đời.

Dấu hiệu và triệu chứng 

Những người mắc chứng lo âu thường có những thay đổi cả bên trong và biểu hiện bên ngoài khi bắt đầu tiếp xúc với nha sĩ như:

    • Đổ mồ hôi, nhịp tim nhanh hoặc đánh trống ngực
    • Huyết áp thấp hoặc tăng cao đột ngột; 
    • Chân tay bủn rủn, cơ vùng mặt, môi run không kiểm soát, nhiều người bệnh có thể ngất xỉu. 
    • Tỏ ra đau khổ, yếu đuối rõ ràng
    • Tỏ ra hài hước hoặc hung hăng để che giấu sự lo lắng
    • Trẻ em gào khóc lớn và kháng cự.

Lo lắng và ám ảnh nha khoa ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe răng miệng?

Việc né tránh nha sỹ và các cuộc thăm khám nha khoa có thể khiến bệnh lý răng miệng tiến triển nặng hơn và cần thiết xúc tiến điều trị tốn kém, phức tạp hơn. Người bệnh sợ môi trường nha khoa dẫn đến bệnh nặng và sau đó vì sợ bệnh nặng nên né tránh điều trị, điều này dẫn đến vòng luẩn quẩn mà thuật ngữ y khoa nhắc đến là một vòng xoắn bệnh lý.

Việc lo lắng nha khoa và né tránh thăm khám về lâu dài sẽ buộc bạn phải đến gặp nha sĩ trong tình trạng đau đớn, mệt mỏi với những điều trị phức tạp và kéo dài. Nỗi lo lắng này cũng làm bạn mất đi cơ hội để được học, hiểu và biết cách chăm sóc răng miệng tốt để có một cuộc sống chất lượng.

Làm thế nào để kiểm soát được lo lắng và ám ảnh nha khoa?

Rất nhiều cách để giúp mọi người kiểm soát. Một trong những điều quan trọng đó là nói cho nha sĩ của bạn biết về những trải nghiệm nha khoa làm bạn sợ hãi trong quá khứ. Một cuộc thoại cởi mở giữa bạn và nha sĩ thay vì sự sợ sệt hay hoảng loạn có thể giúp nha sỹ hiểu và đưa ra phương án điều trị phù hợp cho bạn. 

Dưới đây là một số cách giúp ổn định tâm lý, giảm lo âu và căng thẳng cho người bệnh với lo lắng nha khoa. 

    1. Hít thở sâu với kỹ thuật thở ô vuông (Square/box technique) 

Kỹ thuật thở ô vuông giúp hít thở chậm và sâu với vòng lặp 4 động tác hít vào – nín thở – thở ra – nín thở. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì mỗi động tác đó sẽ diễn ra trong 4 giây. 

Kỹ thuật này giúp tăng trao đổi khí ở phổi và tăng lượng oxy máu cung cấp cho các cơ quan quan trọng, nhờ đó mà nhịp thở và nhịp tim mỗi phút của bạn giảm xuống giúp bạn bước vào trạng thái bình tĩnh, giảm căng thẳng, thư giãn đầu óc. 

2. Làm phân tâm bằng việc nghe nhạc hoặc sử dụng tai nghe chống ồn

3. Kỹ thuật dẫn dắt hình ảnh (Guided imagery) 

Ví dụ nằm trên ghế nha khoa, nhắm mắt lại và thở chậm rãi, bạn bắt đầu hướng suy nghĩ của mình tới một nơi đặc biệt, ví dụ như trên bãi biển, tưởng tượng khung cảnh đó trong tâm trí, bạn được nằm bên bờ biển, cảm nhận sự mát mẻ của từng đợt gió biển trên làn da cùng tiếng sóng vỗ rì rào. Bằng cách này bạn có thể đưa bản thân ra khỏi tình huống căng thẳng về mặt tinh thần để cảm thấy thư giãn, bình yên và hạnh phúc. Tuy nhiên quả thật điều khiển suy nghĩ của mình đặc biệt trong những tình huống ám ảnh luôn vô cùng khó khăn, có khi bất khả thi. Tùy năng lực từng bệnh nhân mà nha sĩ sẽ lựa chọn kỹ thuật phù hợp nhất.

    • Thư giãn cơ cấp tiến (Progressive Muscle Relaxation)

Thư giãn cơ cấp tiến là một kỹ thuật giảm lo âu bằng cách căng và thư giãn cơ xen kẽ nhau. Phương pháp này thích hợp khi người bệnh bị đau cơ mỗi khi gặp căng thẳng. Với nha sỹ, bạn có thể áp dụng cho  người bệnh của mình căng và thư giãn một số nhóm cơ sau:

    • Cổ và vai: Khi người bệnh thấy mỏi cổ và vai

Cho người bệnh ngồi dậy. Hướng dẫn nâng vai lên về gần tai và giữ trong 15 giây để căng cơ ở cổ và vai sau đó hạ vai từ từ để giải phóng cơ khi đếm đến 30.

    • Hàm

Dừng thủ thuật và hướng dẫn người bệnh căng các cơ nâng hàm, hạ hàm giữ trong 15 giây. Người bệnh có thể há to hết cỡ, đưa hàm dưới sang phải, sang trái, lè lưỡi, giả vờ nhai, làm bất cứ hình dáng kỳ quái nào. Sau đó giải phóng các cơ từ từ trong khi đếm đến 30. Kết hợp thở chậm và đều. 

Cách này rất hữu ích khi người bệnh thấy mỏi hàm hay gặp căng thẳng trước những thủ thuật kéo dài như nhổ răng, điều trị tủy.

    • Cánh tay và bàn tay

Từ từ thu cả hai tay thành nắm đấm. Kéo nắm đấm vào ngực và giữ trong 15 giây, siết chặt nhất có thể. Sau đó từ từ thả lỏng khi đếm đến 30.

Phương pháp này rất phù hợp với những người bệnh tỏ ra lo lắng, chân tay bủn rủn trước khi bắt đầu điều trị.

    1. Kỹ thuật ôm kiểu bướm (butterfly hug) 

Mục đích của kỹ thuật ôm kiểu bướm là cân bằng các tế bào của hai bên bán cầu não, giúp làm giảm các cảm xúc mãnh liệt. Kỹ thuật này giúp người bệnh cảm thấy thư thái và an toàn hơn khi đang ở trong một tư thế bị động.

Bắt chéo hai cánh tay trước ngực sao cho đầu của hai ngón giữa ở mỗi bàn tay đặt bên dưới xương đòn. Giữ bàn tay và ngón tay thẳng nhất có thể, các ngón tay hướng về phía cổ, ngón cái hướng về cằm. Luân phiên vỗ tay lên ngực, chậm rãi và theo nhịp (trái, phải, trái, phải). 

Làm liên tục như vậy từ 30 giây cho đến 1 phút, có thể kéo dài hơn nếu cần. Hãy coi mình là một chú bướm và hai tay là đôi cánh.

Ngoài ra với người bệnh có tâm lý lo lắng việc thỏa thuận với nha sĩ khi cảm thấy mệt mỏi là cần thiết, hãy ra dấu hiệu như giơ tay trái để nha sĩ dừng lại và nghe mong muốn của bạn hoặc dành thời gian để bạn nghỉ ngơi và thư giãn.

Đối với những người bệnh có nỗi ám ảnh quá lớn, việc hội chẩn cùng các bác sĩ tâm lý là cần thiết để có thẻ sử dụng thêm các thuốc giảm lo âu, an thần hoặc bắt buộc là gây mê toàn thân trước những điều trị nha khoa. Thuốc giảm lo âu dạng uống hay được sử dụng đó là (temazepam) liều lượng nhỏ, tác dụng ngắn, thường được dùng một giờ trước cuộc hẹn nha khoa. Lưu ý với những người sử dụng thuốc cần có người đi cùng đến và về từ buổi khám nha khoa vì người bệnh không thể lái xe an toàn khi đang chịu ảnh hưởng có thuốc giảm lo âu hay thuốc an thần.

Trên thế giới một số nước đã cho phép sử dụng khí cười hay Nitơ oxide vào trong điều trị nha khoa để giúp người bệnh được thư giãn. Một chiếc mặt nạ thở được đeo vào mặt và người bệnh sẽ hít thở hỗn hợp oxy và nitơ. Nó có hiệu lực trong vòng vài phút và biến mất nhanh chóng, tuy chỉ sử dụng với thời gian ngắn nhưng người bệnh sẽ cảm thấy rất thư giãn và dễ chịu, bệnh nhân vẫn hoàn toàn tỉnh táo và giao tiếp được với nha sĩ trong suốt quá trình điều trị. 

Lời kết: Lo lắng và ám ảnh nha khoa là một hiện tượng tâm lý nhiều người mắc phải. Lưu tâm và ứng biến linh hoạt với lo lắng nha khoa giúp nha sĩ có thể điều trị tốt, tạo dựng được lòng tin với bệnh nhân đồng thời tránh tạo ra những ám ảnh nặng nề trong tâm lý người bệnh. Người bệnh với nỗi sợ nha khoa cần biết đến hiện tượng này để trao đổi cởi mở cùng nha sĩ và cùng hợp tác vượt qua nỗi sợ để có thể tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc và điều trị răng miệng tốt và toàn diện nhất. Điều trị nên tiến hành từ từ, bắt đầu với can thiệp nhỏ nhẹ nhàng không đau, và nhanh chóng, sau đó mới nâng cấp độ lên dần cho bệnh nhân dễ thích nghi. 

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background