Hàn răng có an toàn hay không? Những điều bạn cần biết

Hàn răng là cách chắc chắn nhất để phục hồi răng và ngăn răng không sâu thêm. Dù cho việc hàn răng sâu thường quy như vậy, nhưng dù sao mối hàn cũng là sản phẩm nhân tạo tồn tại trong cơ thể nhiều năm, vậy liệu hàn răng có an toàn hay không. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn biết rõ hơn về những gì nha sĩ đưa vào răng bạn.

Hàn răng có an toàn không?

Để có câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi hàn răng có an toàn không thì chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu và đánh giá về mức độ an toàn của từng loại vật liệu hàn răng. 

1. Vật liệu Amalgam

Nếu bạn thuộc thế hệ 8x trở về trước, nhiều khả năng bạn có một mối hàn răng bằng kim loại màu đen, gọi là Amalgam. Đây là vật liệu đã được sử dụng hơn 150 năm để điều trị răng sâu, vì chúng rất bền, rẻ và dễ sử dụng. Rất ít bệnh nhân biết về thành phần thực sự của nó. Amalgam là hỗn hợp được tạo ra bằng cách trộn thủy ngân lỏng với hỗn hợp bột kim loại (bạc, thiếc, đồng, kẽm), thành một hỗn hợp như bột nhão, ép chặt vào lỗ sâu đã được làm sạch, tạo hình; sau đó nó dần đông cứng lại tạo thành một miếng trám chắc chắn tồn tại trong nhiều năm. Thành phần chứa thủy ngân đã dấy lên mối lo ngại về mối an toàn của amalgam.

Hàn răng bằng vật liệu amalgam

Người ta lo ngại rằng trám răng bằng amalgam có thể gây ngộ độc thủy ngân, gây hại cho não, tim, thận, phổi và hệ miễn dịch. Có tuyên bố cho rằng thủy ngân trong hỗn hợp trám răng gây ra các bệnh nghiêm trọng như bệnh tim, bệnh đa xơ cứng, ung thư, viêm khớp, bệnh Crohn và nhiều tình trạng khác. Thậm chí còn có một số giai thoại kể rằng các triệu chứng giảm bớt sau khi bệnh nhân được lấy miếng trám răng ra. 

Mối lo ngại về amalgam đã được giải quyết thông qua các nghiên cứu khoa học. Đánh giá hệ thống năm 2004 được thực hiện bởi Tổ chức Nghiên cứu Khoa học Đời sống Mỹ (LSRO) đã kết luận: “Dữ liệu hiện tại không đủ để chứng minh mối liên hệ giữa việc giải phóng thủy ngân từ hỗn hống nha khoa và những khiếu nại được cho là do loại phục hồi này.” 

Một đánh giá có hệ thống vào năm 2009 đã chứng minh rằng thủy ngân thoát ra từ quá trình phục hồi bằng hỗn hống không gây ra tác dụng độc hại lên hệ thần kinh của trẻ em. 

Vào năm 2014, một đánh giá của Hệ thống Cochrane đã phát hiện ra “không đủ bằng chứng để hỗ trợ hoặc bác bỏ bất kỳ tác dụng phụ nào liên quan đến phục hồi hỗn hống”. Những cáo buộc về ảnh hưởng của Amalgam đến sức khỏe là vô căn cứ. Khi xem xét các vấn đề sức khỏe và vật liệu trám răng bằng amalgam, các vấn đề thường xảy ra do dị ứng với vật liệu  điều có thể gặp ở bất kì vật liệu phục hồi nào, hơn là do ngộ độc thủy ngân.  

Cần nói thêm, thủy ngân có các dạng hóa học khác nhau: dạng hữu cơ là độc nhất, thường thấy trong cá nhiễm thủy ngân ở vùng nước ô nhiễm, sau đó đến dạng vô cơ và dạng nguyên tố. Dù được cho là an toàn, amalgam nha khoa góp phần đáng kể vào gánh nặng thủy ngân trong cơ thể, là dạng tiếp xúc phổ biến nhất với thủy ngân nguyên tố trong dân số nói chung. Mức độ phơi nhiễm thủy ngân lớn nhất xảy ra trong quá trình đặt và tháo chất trám, nhưng đây không phải là lần duy nhất hơi thủy ngân thoát ra. 

Một nghiên cứu được thực hiện bằng cách đo nồng độ hơi trong miệng trong khoảng thời gian 24 giờ ở những bệnh nhân có ít nhất 9 phục hình bằng amalgam cho thấy liều hơi thủy ngân hít vào trung bình hàng ngày là 1,7 μg (dao động từ 0,4 – 4,4 μg), tức là khoảng 1/30 mức môi trường tối đa cho phép là 50 μg/ngày tại nơi làm việc do WHO thiết lập. Điều này góp phần làm tăng nguy cơ tiếp xúc với thủy ngân hàng ngày đối với những người được trám bằng amalgam. Thủy ngân sẽ được cơ thể đào thải, thời gian bán hủy trung bình của thủy ngân là 55 ngày.

Gánh nặng thủy ngân của nhân viên nha khoa cũng thường cao hơn so với dân số nói chung. Ritchie và cộng sự (2004) cho thấy rằng trung bình các nha sĩ có nồng độ thủy ngân trong nước tiểu cao hơn 4 lần so với đối tượng kiểm soát, mặc dù dưới giá trị hướng dẫn sức khỏe của Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Vương quốc Anh. 

Bên cạnh lo ngại về sức khỏe, việc trám răng bằng amalgam có thể góp phần gây ô nhiễm thủy ngân cho môi trường. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo rằng các cơ sở chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả phòng khám nha khoa, chiếm tới 5% tổng lượng nước thải thủy ngân. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị loại bỏ thủy ngân nha khoa trên toàn cầu trong báo cáo năm 2009 của họ về “Sử dụng vật liệu thay thế cho phục hồi răng, trên cơ sở hướng tới mục tiêu giảm thiểu chung việc sử dụng thủy ngân trong mọi lĩnh vực và trên cơ sở tác động môi trường của việc sản xuất sản phẩm thủy ngân.” Hiện nay, hầu hết các nha sĩ đã ngừng sử dụng Amalgam do những cải tiến về độ bền của các vật liệu khác.

Cuộc tranh luận về miếng trám amalgam có thể khiến một số người tự hỏi liệu họ có nên tháo chúng ra để đảm bảo an toàn hay không. Sự đồng thuận chung của các chuyên gia y tế và nha khoa là nên để nguyên, miễn là nó vẫn còn tốt. Lý do là hành động khoan để loại bỏ chất trám có thể giải phóng nhiều hơi thủy ngân hơn lượng hơi tồn tại khi chất trám còn nguyên tại chỗ. Ngoài ra, việc thay mối trám sẽ yêu cầu khoan sâu hơn vào phần răng khỏe mạnh để loại bỏ toàn bộ vật liệu trám amalgam, vô tình làm răng yếu đi. Ngoại lệ là nếu bệnh nhân bị dị ứng, nó nên được thay thế ngay lập tức. 

Chất hàn răng thay thế Amalgam có thể gây ra những tác động nào tới sức khỏe?

Nhu cầu thẩm mỹ và bảo tồn mô răng tăng cao, công nghệ vật liệu cũng cải tiến đáng kể, nhiều vật liệu hàn răng mới ra đời thay thế dần amalgam để điều trị sâu răng. Các vật liệu phổ biến hiện nay bao gồm vật liệu trực tiếp: composite, xi măng glass ionomer; và vật liệu gián tiếp sứ nha khoa. 

2. Vật liệu hàn răng Composite

Composite là vật liệu hàn răng đang được ưa chuộng do màu sắc tự nhiên giống màu răng. Composite về bản chất là nhựa nha khoa, bao gồm các monome và hạt độn. Chất hàn này thường đi kèm với hệ thống axit xói mòn và hệ thống keo dán.

Hàn răng bằng Composite

Vật liệu này thường phức tạp về mặt hóa học, nên chưa hẳn là không gây bất kỳ ảnh hưởng nào đến cơ thể. Một số monome như TEGMA, HEMA được chứng minh có thể gây độc tế bào, gây biến đổi gen trong ống nghiệm. Bis-GMA là loại nhựa thường thấy, có nguy cơ giải phóng bisphenol A- là chất gây rối loạn nội tiết (bisphenol A đã bị cấm trong việc sản xuất bình sữa cho trẻ em ở Mỹ, EU). 

Quá trình quang trùng hợp của monome có thể xảy ra không hoàn toàn, khiến các monome không được trùng hợp có thể được hấp thụ bởi ngà răng hoặc giải phóng vào môi trường miệng. Người ta cũng chứng minh rằng bề mặt của nhựa composite tiếp xúc với oxy trong quá trình đông cứng tạo ra một lớp bề mặt không polyme hóa giàu formaldehyde, bản thân lớp này là một yếu tố gây độc tế bào (Schmalz 1998). 

Do đó, khuyến cáo các bác sĩ lâm sàng nên loại bỏ các monome không phản ứng trên bề mặt ngay sau khi quang trùng hợp để cải thiện khả năng tương thích sinh học của phục hồi. Để tạo điều kiện cho quá trình trùng hợp hoàn toàn, composite nên được hàn theo lớp, mỗi lớp không quá dày, chiếu đèn (đủ cường độ và thời gian) làm đông cứng hoàn toàn trước khi thêm lớp composite tiếp theo. Điều này cũng góp phần làm giảm sự co ngót, giảm nguy cơ sâu răng thứ phát, vốn là nhược điểm lớn nhất của composite.

Composite hiện đã được sử dụng trong lâm sàng trong hơn ba mươi năm và việc sử dụng này cho thấy ít bằng chứng về các tác dụng phụ có ý nghĩa lâm sàng. Composite đang ngày được cải tiến để loại bỏ các monome có độc tính và giảm độ co ngót của vật liệu xuống tối thiểu.

3. Xi măng glass ionomer và sứ nha khoa

Xi măng glass ionomer

Glass ionomer (GIC) là vật liệu hàn răng tương thích sinh học hơn composite, không bị co ngót và có khả năng giải phóng fluor giúp tái khoáng hóa lỗ sâu, phòng sâu răng tái phát. Vật liệu bao gồm 2 thành phần chính: Chất lỏng (axit polyacrylic và axit tartaric) và bột (natri aluminosilicat). 

Tuy nhiên GIC có khả năng chống mài mòn kém, chúng thường yếu sau khi đông cứng và không ổn định trong nước, tuy nhiên khả năng này sẽ cải thiện theo thời gian và các phản ứng tiến triển diễn ra. Do độ bền thấp, nếu trám GIC vào những lỗ sâu lớn, chịu lực nhai nhiều, sẽ dễ bị mài mòn, bong vỡ. GIC có màu trắng đục, không phù hợp ở những vùng yêu cầu thẩm mỹ cao.

Hàn răng bằng sứ nha khoa inlay/onlay

Trong các vật liệu hàn răng hiện nay, sứ nha khoa dường như là vật liệu tương thích sinh học cao nhất, do có độ trơ hóa học, không giải phóng các chất độc hại, không co ngót, ít mài mòn, nên độ bền cao. Tuy nhiên, đây là một lựa chọn hàn răng tốn kém, mất thời gian hơn, Chi phí thường cao gấp 10 lần hàn răng bằng composite. 

Quy trình phức tạp hơn gồm 2 – 3 buổi hẹn. Đồng thời, việc tạo hình để đảm bảo độ cứng cho sứ có thể cần mài mô răng nhiều hơn so với hàn răng bằng composite. Việc mài không đúng chuẩn có thể dẫn đến miếng sứ không khít hoàn toàn, gây hở vi kẽ và ê buốt răng kéo dài.

Mỗi vật liệu hàn răng đều có ưu, nhược điểm của nó, và cũng không vật liệu nào có thể tồn tại mãi mãi. Lựa chọn tốt nhất để không bao giờ cần bất kì loại trám nào là ngăn ngừa sâu răng. Chải răng đúng cách, sử dụng chỉ tơ nha khoa, khám răng miệng định kỳ là những biện pháp dự phòng mà ai cũng có thể thực hiện được. Khi phát hiện lỗ sâu, đừng đợi đến khi đau mới khám nha sĩ, bởi lúc đó có thể răng bạn đã hỏng rất nặng rồi.

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background