Ê buốt răng: Nguyên nhân và cơ chế gây bệnh
Có nhiều bệnh nhân đến với Nha Khoa Thùy Anh băn khoăn về việc mình bị ê buốt khi cắn một que kem lạnh hay uống một cốc nước nóng, thậm chí là rít một hơi gió nhẹ, liệu đó có phải là biểu hiện của bệnh lý gì không? Nếu để lâu có nguy hiểm đến sức khỏe răng miệng không và cách xử lý như thế nào cho hiệu quả? Trong bài viết dưới đây, bác sĩ My – trực thuộc khoa phẫu thuật và phục hình trong miệng nha khoa Thùy Anh sẽ thông tin tới bạn vấn đề ê buốt răng. Mời các bạn cùng theo dõi.
Ê buốt răng là tình trạng như thế nào?
Một nghiên cứu tổng quan hệ thống trên Tạp chí Nha khoa quốc tế năm 2019 đã đưa ra con số về tỉ lệ xuất hiện “ê buốt răng” trong cộng đồng từ 1,3 – 92,1% và trung bình trong tất cả các nghiên cứu là 33,5%. Những con số này cho thấy việc chúng ta bắt gặp tình trạng “ê buốt răng” là rất cao, hết sức phổ biến.
Tình trạng ê buốt răng hay còn được nhắc đến với thuật ngữ nhạy cảm ngà để chỉ vùng ngà răng bị nhạy cảm. Hãy nhìn vào hình ảnh trên để thấy vùng ngà răng nằm ở vị trí nào trong chiếc răng của chúng ta.
Có thể thấy một chiếc răng gồm phần thân răng nhìn thấy trong miệng và chân răng vùi sâu trong xương hàm. Từ ngoài vào trong, thân răng gồm men răng, ngà răng, tủy răng. Ngà răng cấu trúc dạng ống nối men và tủy. Như vậy bằng bất kì lí do nào khi mất lớp ngà răng bảo vệ, ngà răng lộ ra, tức là các ống dẫn bị thông khí vào tủy… chúng ta sẽ có biểu hiện ê buốt.
Holland GR và cộng sự nêu định nghĩa về nhạy cảm ngà (viết tắt là DHS – Dentin hypersensitivity) trong hội thảo quốc tế về DHS là tình trạng đặc trưng bởi cơn đau ngắn, nhói phát sinh do ngà răng bị lộ ra khi phản ứng với các kích thích môi trường không gây hại như: xúc giác (chạm nhẹ), nhiệt độ (lạnh hoặc nóng nhẹ), hơi (kích thích luồng không khí), sử dụng hóa chất có tính axit hoặc ngọt trong thực phẩm, đồ uống.
Sau đây chúng tôi xin sử dụng cụm từ DHS khi nói về ê buốt răng. Rõ ràng là răng của ai cũng gồm các thành phần nêu trên và trong đời sống hàng ngày, chúng ta đều tiếp xúc với rất nhiều kích thích, vậy tại sao có người gặp phải tình trạng DHS, có người lại không?
Nguyên nhân gây ra DHS
Trong mục 1, bác sĩ My có nhắc đến khi bị mất lớp bảo vệ bên ngoài, ngà răng lộ ra và dẫn đến DHS – ê buốt. Sự lộ ngà có thể do các nguyên nhân vật lý, hóa học và sự bất thường bệnh lý các mô xung quanh răng (nha chu). Tìm hiểu nguyên nhân ê buốt răng chính là tìm kiếm các nguyên nhân phổ biến gây lộ ngà.
Đầu tiên, mất ngà do sâu răng
Sâu răng hết lớp men, hoặc gãy vỡ múi răng, rìa cắn, làm lộ ngà, dẫn đến DHS.
Bạn cần lưu ý không phải lỗ sâu nào cũng quan sát dễ dàng trên miệng, có những sâu răng bị ẩn tức là nằm lẩn khuất vùng kẽ răng, cổ răng nơi răng khôn mọc lệch đâm vào răng số 8, hoặc vị trí hay dắt thức ăn và sâu tấn công phía dưới trong khi nhìn tổng thể chiếc răng trông nguyên vẹn như bình thường. Chính vì vậy bất cứ ê buốt răng nào đều phải khám kỹ sâu răng nhằm không bỏ sót tổn thương nguy hiểm này.
Tổn thương không do sâu răng
Thứ 1: Do mòn răng
Răng bị mòn sẽ khiến cho lớp ngà bảo vệ bị mất và gây ê buốt răng, mòn răng là một trong những nguyên nhân ê buốt răng phổ biến nhất ở người Việt, đặc biệt là lứa tuổi trung niên. Răng mòn xuất hiện triệu chứng ê buốt tại mặt nhai, vùng cổ chân răng trong khi răng không hề sâu hoặc lung lay. Có 4 dạng mòn răng bao gồm:
+ Mòn răng răng nghĩa là mòn do cọ xát răng với răng quá mạnh trong quá trình ăn nhai hoặc nghiến.
+ Các mài mòn răng do lực ma sát bên ngoài như chải răng mạnh, thói quen ăn, cắn các vật cứng (cắn hạt, bút, tẩu thuốc).
+ Mài mòn hóa học: Do các hóa chất tác động như bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản, nghề nghiệp tiếp xúc nhiều với hóa chất axit, hoặc 1 số người trong đặc điểm chất lượng nước bọt chứa nhiều axit hơn bình thường.
+ Bệnh lý tiêu cổ răng: Khiến cổ răng bị khuyết như hình cuốn sách mở.
Thứ 2: Cấu trúc răng bất thường bẩm sinh: thiểu sản men, ngà. Dấu hiệu nhận biết ê buốt là răng mủn như phấn, mị sứt mẻ dần mà không hề bị lực tác động nào bất thường, quá mức. Ê buốt lan rộng cả hàm.
Nguyên nhân ê buốt răng cuối cùng là tụt lợi và các bệnh lý nha chu: Làm lộ ngà chân răng dẫn đến DHS.
Như vậy có rất nhiều nguyên nhân khiến ngà răng bị bộc lộ ra bên ngoài dẫn đến DHS. Bên cạnh việc nhận diện nguyên nhân, hiểu biết thêm về cơ chế DHS sẽ giúp chúng ta đưa ra chẩn đoán chính xác và can thiệp điều trị phù hợp.
Bạn ê buốt và hỏi nha sĩ, tại sao răng tôi lại buốt, buốt này chữa thế nào? Khi đó rõ ràng nha sĩ sẽ phải rà soát kiểm tra kỹ tất cả nguyên nhân kể trên. Chỉ cần bỏ sót 1 nguyên nhân không giải quyết thì ê buốt vẫn sẽ tồn tại mà khôn thể dứt điểm được.
Trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu qua về 1 số khái niệm tập trung chủ yếu vào vùng ngà răng để giải thích cơ chế DHS được rõ ràng hơn. Trên đây là hình minh họa cấu trúc vi thể vùng ngà: Trong ngà răng có chứa các ống ngà (20-30%) (ống màu xanh dương) giữa các ngà gian ống và các ống ngà chứa dịch tự do (khoảng 22% thể tích ngà). Ranh giới giữa ngà răng và tủy răng có các nguyên bào ngà với phần đuôi thì hướng ra ngoài phía men răng và phần đầu hướng vào phía tủy răng có các dây thần kinh bám (màu đỏ hoặc vàng).
Một bài báo công bố năm 2021 của Anita Aminoshariae và James C. Kulild được tổng hợp dựa trên rất nhiều nghiên cứu từ cấp độ tế bào/phân tử và các thử nghiệm lâm sàng đã đưa ra kết luận có 5 cơ chế giả thuyết gây ra DHS.
– Cơ chế thủy động lực học cổ điển được Brannstrom đề xuất vào năm 1964: Khi môi trường có khí, nhiệt, kích thích cơ học hoặc những thay đổi hóa học gây ra sự chuyển động của dịch tự do trong các ống ngà, thay đổi áp suất trong ống ngà kích thích các đầu tận của thần kinh trong ống gây ra cơn đau cấp tính thoáng qua. Như vậy thuyết này cho rằng, ống ngà bị mở, bị lộ gây ra sự dịch chuyển dòng khí kích thích các đầu tận cùng thần kinh trong ngà và truyền vào tủy. Rất dễ hiểu phải không các bạn.
– Kích thích trực tiếp ngà răng: Những kích thích trực tiếp bên ngoài sẽ kích hoạt trực tiếp dây thần kinh trong ống ngà. Đây là lời giải thích dựa vào cơ học tác động trực tiếp vào vùng lộ của dây thần kinh trong ngà.
– Đặc tính mềm dẻo của tế bào thần kinh và độ nhạy cảm: Khi ngà răng lộ ra, sẽ có phản ứng viêm, chất trung gian gây viêm được tiết ra làm cho tế bào thần kinh trở nên nhạy cảm hơn dẫn đến những biểu hiện “nhói” thoáng qua ngay cả với 1 kích thích vô hại. Bạn tưởng tượng ngà lộ giống như bạn đứt tay chẳng hạn. Khi đó vết thương trở nên nhạy cảm và chỉ cần bạn chạm nhẹ vào đó bình thường không sao thì nay trở nên rất đau đớn.
– Nguyên bào ngà đóng vai trò như 1 cơ quan cảm thụ đau: Nguyên bào ngà là một tế bào cảm giác cơ học có thể dẫn truyền cảm giác đau. Bị lộ ra thì môi trường sẽ tác động trực tiếp lên đó.
– Algoneuron (cảm thụ đau ngưỡng thấp): Bình thường trong cơ thể, thụ thể đau (nociceptor) có ngưỡng kích thích cao, đáp ứng gây đau chỉ khi xuất hiện các kích thích có hại. Ngà răng có thể chứa các cảm thụ đau ngưỡng thấp (gọi là algoneuron), tức là khi có các kích thích không có hại đã có thể gây “đau thoáng qua”. Như vậy 2 thuyết cuối cùng nhấn mạnh đến các yếu tố đặc biệt tồn tại trong ống ngà, một khi bị lộ sẽ tạo điều kiện bị tấn công từ đó dẫn cảm giác khiến bệnh nhân ê buốt khó chịu.
Các giả thuyết này không loại trừ lẫn nhau và đều có thể gây ra DHS, có thể độc lập hoặc phối hợp. Từ những nghiên cứu về cơ chế, chúng ta có thể mở ra hướng điều trị tích cực hơn. Và cơ sở điều trị cố gắng bất hoại các chất trong ống ngà hoặc trực diện hơn… bịt kín ống ngà lộ.
NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM
Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…
Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318
Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN
Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh