Bác sĩ chuyên khoa giải thích nguyên nhân implant bị đào thải khi cấy vào xương hàm

Implant nha khoa có tác dụng giúp nâng đỡ chụp sứ, cầu răng hay hàm toàn bộ, giúp chúng hoạt động như răng tự nhiên. Tuy nhiên, 1 số trường hợp implant vẫn bị thất bại, gồm thất bại sớm (tình huống cấy ghép implant mà trụ implant không thể tích hợp), và thất bại muộn (xảy ra khi trụ implant đã tích hợp vững chắc trong xương nhưng sau thời gian dài lại xảy ra sự tiêu xương xung quanh).

Trong bài viết dưới đây, bác sĩ Đạt – khoa phục hình và phẫu thuật trong miệng trực thuộc Nha khoa Thuỳ Anh sẽ cung cấp tới bạn những thông tin cần thiết về hiện tượng thất bại implant sớm, từ đó giúp chúng ta hiểu rõ tại sao 1 số trường hợp cấy ghép nhưng chân răng Implant không ổn định chắc trong xương mà bị lung lay và ‘rụng’ sau một vài tháng ngắn ngủi.

Implant bị đào thải khi cấy ghép với xương hàm

Cơ chế của tích hợp xương khi cấy ghép implant?

Khi mũi khoan đi vào xương hàm làm rách và vỡ các mạch máu trong xương, vùng khuyết hổng nhanh chóng được lấp đầy bởi máu. Khi trụ implant Titanium đặt ngay lập tức vào vùng khoan, tại thời điểm này lực giữ trụ implant chắc chắn trong xương là lực ma sát cơ học hay độ ổn định sơ khởi. 

Trong những phút đầu tiên, máu bắt đầu tưới cho khu vực implant, cung cấp những yếu tố cần thiết để liền thương. Các ion và protein bắt đầu bám dính vào bề mặt implant. Trong khoảng thời gian ngắn, máu ngừng chảy do tác động của tiểu cầu thoát ra từ các mạch máu bị phá vỡ trước đó. Tiểu cầu giải phóng các chất khác nhau thúc đẩy sự phân chia tế bào. Các cục máu đông lấp đầy vết thương tạo ra một ma trận tạm thời cũng bám dính vào implant. 

Trong giờ đầu tiên, tế bào miễn dịch dọn sạch những mảnh mô vụn mô và vi khuẩn có trong vết thương. Các chất được giải phòng từ tiểu cầu làm tăng tính thấm thành mạch, cho phép bạch cầu di chuyển qua khoảng không gian tạo bởi các tế bào nội mô. Bạch cầu và các đại thực bào di chuyển tới tiêu diệt vi khuẩn và giải phóng enzym tiêu hoá chúng. Vết thương lúc này có thể lành thương bình thường hoặc tiến triển thành một môi trường độc hại với nhiều vi khuẩn và bị nhiễm trùng, điều này có thể gây nên sự cố với implant. 

Vài ngày sau phẫu thuật, nguyên bào sợi di chuyển tới vết thương. Các thành phần như collagen được tổng hợp giúp ổn địn và bảo vệ ma trận ngoại bào. Các tế bào quanh mạch có đặc điểm của tế bào gốc di chuyển tới các vùng khác hình thành mạch máu mới sẽ khôi phục việc cung cấp oxy, từ đó thúc đẩy quá trình chữa lành mô.

Vào khoảng ngày thứ 7, các nguyên bào xương bám vào xương còn lại, tái hấp thu xương và tạo không gian cho sự hình thành xương mới. Tuy nhiên điều này ban đầu sẽ làm mất đi độ ổn định của implant. Các tế bào quanh mạch cũng di chuyển đến bề mặt implant – nơi chúng sẽ biệt hoá thành các tế bào xương mới. Chúng tạo ra một ma trận sẽ khoáng hoá bằng cách kết hợp canxi phosphate. Sau tuần đầu tiên, xương nguyên phát bắt đầu hình thành ở bề mặt imlant, điều này thúc đẩy sự ổn định thứ cấp của implant và kết thúc việc tu sửa sau vài tuần, cũng là thời điểm implant được tích hợp hoàn toàn.

Nguyên nhân khiến implant bị đào thải?

Thất bại sớm của implant là thất bại xảy ra trong vòng 3-4 tháng đầu sau khi cấy ghép. Nó xảy ra do không thể thiết lập sự bám dính giữa xương và implant, không có sự gắn kết xương và hình thành mô sợi giữa bề mặt implant. Implant không tích hợp được phát hiện khi implant di động và hình ảnh thấu quang quanh trụ implant trên phim X – quang. Các yếu tố gây nguy cơ cho sự thất bại bao gồm:

Hút thuốc lá

Đây là nguyên nhân hàng đầu cho sự thất bại không chỉ trong phẫu thuật cấy ghép implant mà bất kì phẫu thuật ngoại khoa khi bệnh nhân hút thuốc ở giai đoạn hậu phẫu. Các chất độc trong thuốc lá như nicotin, carbon monoxide, hydrogen cyanide… là những chất làm chậm sự lành thương vì làm giảm cấp máu đến vị trí cấy ghép. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra quá trình tiêu xương ổ răng diễn ra nhanh hơn ở người thường xuyên hút thuốc. Vì vậy hãy hạn chế tối đa việc hút thuốc khi bạn có ý định hay đã cấy ghép implant. 

Trong trường hợp bạn không thể ngừng thói quen hút thuốc lá, thì cần chăm sóc implant kỹ lưỡng hơn bằng cách sử dụng các loại nước súc miệng có chlorhexidin, nhưng rõ ràng nguy cơ thất bại sẽ tăng lên. 

Mật độ xương

Mật độ xương theo 4 cấp độ

Mật độ xương tức là xương đặc hay xương xốp, giúp ổn định implant và cũng ảnh hưởng đến sự tồn tại lâu dài của implant. Mật độ xương được phân độ từ bậc D1 tới D4, trong đó D1 là mật độ cao nhất và D4 là mật độ nhỏ nhất. 

Tỉ lệ tích hợp xương cao nhất ở xương loại D2 và D3,  còn xương D1 do mật độ rất cao nên nguy cơ làm giảm cấp máu đến vùng phẫu thuật và tăng ma sát khi sửa soạn khu vực cấy ghép cao, từ đó dễ gây hoại tử xương do giảm cấp máu và gãy xương vi thể. Còn vùng xương D4 do mật độ ít nên việc giữ ổn định implant sau cấy ghép sẽ khó khăn, diện tiếp xúc của xương và bề mặt implant ít hơn cũng làm chậm quá trình tích hợp, tăng nguy cơ thất bại sớm.

Nha sĩ không thể làm thay đổi mật độ xương của bạn, đây là yếu tố mặc định. Tuy nhiên có thể linh hoạt về kỹ thuật để tránh nguy cơ đào thải. 

Ví dụ: Với xương xốp, nha sĩ sẽ khoan một lỗ nhỏ hơn kích thước trụ implant, như vậy khi siết implant vào sẽ nén xương, tạo ra ổn định và diện tiếp xúc nhiều hơn. Trường hợp xương cứng nha sĩ khoan rất nhẹ nhàng, tưới nước liên tục để tránh cháy xương, đồng thời mũi khoan cuối bằng với kích thước trụ implant khi đó sẽ tối ưu hóa được tưới máu. Việc phân loại đậm độ xương phụ thuộc chủ yếu vào cảm giác tay của nha sĩ, vì vậy kinh nghiệm của phẫu thuật viên là rất quan trọng. 

Nha sĩ cũng cần lựa chọn thiết kế implant sao cho phù hợp nhất với các loại xương. Ví dụ xương xốp sẽ chọn loại implant thuôn dạng phễu với các rãnh xắn sâu. Mật độ xương cứng thì chọn implant thẳng vách, song song với nhau. 

Nhiễm khuẩn sau cấy implant

Vô khuẩn là điều kiện tối quan trọng trong phẫu thuật implant giúp implant tích hợp vào xương thành công. Nhiễm trùng có thể từ nguyên nhân hút thuốc lá, thói quen vệ sinh răng miệng kém, bệnh nhân bị tiểu đường, hệ thống miễn dịch bị suy yếu hoặc nguyên nhân từ bác sĩ, phụ tá cũng như các dụng cụ thiết bị hỗ trợ cấy ghép implant không đủ điều kiện vô khuẩn… Dấu hiệu của việc bị nhiễm khuẩn sau cấy implant bao gồm: chảy máu liên tục sau 24h phẫu thuật, sốt kéo dài hay nặng hơn sau ngày đầu phẫu thuật, sưng nề kèm đau kéo dài mà không đáp ứng với thuốc giảm đau.

Dị ứng với trụ implant

Bệnh nhân có thể dị ứng Titanium – kim loại được sử dụng trong chế tác implant. Mặc dù Titanium đã được nghiên cứu là kim loại tương hợp sinh học với cơ thể, tuy nhiên vẫn có những trường hợp cơ thể không thể thích nghi và sớm bị đào thải như một dị nguyên lạ. Lúc này bạn sẽ cần được đánh giá, sử dụng implant được chế tác từ hãng khác hay implant bằng sứ thay thế, thậm chí dùng phương án phục hình răng khác, mà không thể điều trị được với kỹ thuật cấy implant. 

Không tuân thủ hướng dẫn chăm sóc sau cấy ghép implant

Các hoạt động và thói quen của bệnh nhân cũng có tác động tới implant ngay sau cấy. Bệnh nhân bắt buộc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ phẫu thuật bao gồm hướng dẫn ăn uống, vệ sinh răng miệng, sử dụng thuốc, chế độ nghỉ ngơi… nhằm hạn chế tối thiểu các biến chứng hậu phẫu. 

Bệnh toàn thân là một yếu tố quan trọng cần được đánh giá khi cấy ghép implant. Các yếu tố nguy cơ được xác định ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình tích hợp xương bao gồm bệnh tiểu đường và loãng xương. 

Một số bằng chứng cho thấy các bệnh thần kinh, tim mạch, HIV, suy giáp, viêm khớp dạng thấp và việc sử dụng thuốc như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) trong chữa trầm cảm, thuốc ức chế bơm proton (PPI) trong điều trị viêm loét dạ dày, thuốc Biphosphonate trong điều trị bệnh loãng xương và thuốc chống tăng huyết áp có ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình tích hợp xương. Nguồn xem tại đây

Ngoài ra, bệnh nhân có tiền sử viêm lợi trước đó cũng đối mặt với nguy cơ viêm quanh implant cao hơn những người khác. Trường hợp viêm nhiễm răng khôn, nhổ đồng thời răng khôn và cấy implant răng 7 kế cận cũng khiến tỷ lệ đào thảo tăng lên.

Trên đây là thông tin về tình trạng implant bị đào thải khi cấy ghép mà chuyên mục xin được gửi tới bạn đọc. Khi có bất kỳ thắc về hiện tượng này cũng như mong muốn được tư vấn các dịch vụ nha khoa vui lòng liên hệ với nha khoa Thùy Anh theo địa chỉ dưới đây. 

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background