Tam giác đen vùng kẽ răng: Nguyên nhân và giải pháp khắc phục
Để có một nụ cười đẹp, gai nướu đóng vai trò rất quan trọng. Một số trường hợp khi cười, chúng ta quan sát thấy khoảng trống vùng kẽ răng không được gai nướu lấp đầy, gọi là tam giác đen. Một nghiên cứu cho thấy các bệnh nhân đánh giá tam giác đen là vấn đề đứng hàng thứ 3 bị ghét bỏ nhất, sau sâu răng và bờ viền mão răng. Việc tái tạo gai nướu đã mất giữa 2 răng là một trong những vấn đề thách thức và khó dự đoán nhất mà nha sĩ phải đối mặt. Trong bài viết dưới đây, bác sĩ Bình – trực thuộc khoa phẫu thuật và phục hình trong miệng sẽ thông tin tới bạn về các nguyên nhân gây xuất hiện tam giác đen và hướng phòng ngừa, xử trí.
Các yếu tố ảnh hưởng tới sự hiện diện của gai nướu
Vùng kẽ răng là khoảng trống gần giống hình chóp/kim tự tháp với đáy là xương ổ răng, cạnh bên là vùng cổ răng, đỉnh là điểm tiếp xúc của hai răng. Khi nướu không lấp đầy khoảng trống này, sẽ có một vùng tối, một khe hở, khi nhìn vào chúng sẽ thấy màu đen.
Một hình tam giác đen phải lớn đến mức nào thì mới được chú ý? Với người bình thường và bác sĩ tổng quát, tam giác đen lớn hơn 3mm được xem là mất thẩm mỹ; với bác sĩ chỉnh nha, 2mm đã đủ để lưu tâm. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự xuất hiện của gai nướu liên quan đến các thành phần của vùng kẽ: xương ổ răng, răng, nướu.
Khoảng cách từ mào xương ổ răng tới tiếp xúc bên càng lớn, tam giác đen càng dễ hình thành. Theo một nghiên cứu kinh điển của Tarnow và cộng sự, khi khoảng cách từ tiếp xúc bên tới mào xương ổ ít hơn hoặc bằng 5mm, gai nướu hiện diện ở 98% trường hợp; khi khoảng cách này là 6mm, tỉ lệ này xuống còn 56%, và khi khoảng cách là 7m, gai nướu chỉ còn ở 27% trường hợp. Wu và cộng sự cũng tìm thấy kết quả tương tự, ở khoảng cách 5,6,7mm, tỉ lệ tam giác đen lần lượt 2%,44%,73%. Những kết quả này cho thấy gai nướu sẽ chỉ kéo dài tới một khoảng cách giới hạn từ mào xương ổ tới tiếp xúc bên.
Kích thước của chiều rộng kẽ răng cũng có liên quan đến sự hiện diện của tam giác đen. Martegani và cộng sự đã đo chiều rộng kẽ răng bằng chụp X quang quanh chóp, kết quả cho thấy khoảng cách kẽ răng lớn hơn 2,4mm thì khả năng xuất hiện nhú lợi đầy đủ ở răng cửa hàm trên trở nên ít hơn. Điều này không liên quan đến khoảng cách ngang xương đến các điểm tiếp xúc. Khoảng cách gần hơn giữa các chân răng làm tăng khả năng xuất hiện đầy đủ các nhú răng, trong khi nếu khoảng cách giữa các răng lớn hơn 4 mm thì không mong đợi gai nướu lấp đầy.
Thân răng hình tam giác có tiếp xúc bên của răng sẽ nằm về phía rìa cắn hơn, khoảng cách giữa hai chân răng và khoảng cách từ mào xương ổ đến tiếp xúc bên đều gia tăng, nên cũng là yếu tố nguy cơ gây xuất hiện tam giác đen.
Nguy cơ mất gai nướu còn liên quan tới dạng sinh học của mô nha chu. Độ dày nướu mỏng (dưới 1,5 mm) có nhiều khả năng tụt lợi hơn; nướu hình sò cao dễ bị tụt lợi hơn so với kiểu hình phẳng.
Nguyên nhân gây mất gai nướu, tạo ra tam giác đen
Bệnh nha chu là một trong những thủ phạm gây nên tam giác đen, do bệnh nha chu đi kèm với tiêu xương, tụt nướu. Mất xương kẽ răng do viêm nha chu dẫn đến mất gai nướu. Việc điều trị viêm nha chu cũng có thể dẫn đến hình thành các tam giác đen. Cả liệu pháp không phẫu thuật và liệu pháp phẫu thuật để điều trị viêm nha chu, đặc biệt là loại bỏ túi hoặc phẫu thuật cắt bỏ, sẽ dẫn đến giảm/mất gai nướu. Các đợt bệnh nha chu hoại tử cũng có thể dẫn đến hình thành các tam giác đen.
Tổn thương do bác sĩ gây ra như phục hình quá lồi và tổn thương mô do sửa soạn chụp răng có thể dẫn đến mất gai nướu. Bệnh nhân cũng có thể tự gây ra tình trạng này thông qua việc chải răng gây chấn thương hoặc sử dụng quá mức các dụng cụ làm sạch kẽ.
Các yếu tố liên quan đến răng có thể gây mất gai nướu vùng kẽ như sau: mất điểm tiếp xúc, răng mọc lệch, hình dạng răng bất thường, thân răng hình tam giác, khe thưa, chân răng phân kì và răng trồi.
Điều trị chỉnh nha có thể dẫn đến mất gai nướu. Tỷ lệ hình thành tam giác đen sau điều trị chỉnh nha được báo cáo là 38% ở bệnh nhân trưởng thành. Những nghiên cứu khác cho thấy 67% người trên 20 tuổi có tam giác đen, so với chỉ 18% người dưới 20 tuổi. Vì thế các nhà lâm sàng cần trao đổi kỹ với bệnh nhân về vấn đề này trước khi tiến hành điều trị, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu chỉnh nha của người trưởng thành gia tăng mỗi năm.
Sức khỏe toàn thân như loãng xương cũng như tuổi tác đã được đề xuất là các yếu tố nguy cơ tổng quát cho sự hiện diện của tam giác đen. Lão hóa dẫn đến biểu mô miệng mỏng đi và giảm sừng hóa, có thể dẫn đến giảm chiều cao của nhú.
Phương pháp điều trị tam giác đen
Một trong những phương pháp điều trị đơn giản và ít xâm lấn nhất là hàn răng thẩm mỹ. Nha sĩ sẽ sử dụng chất hàn có màu giống răng, tạo hình và đánh bóng. Tuy nhiên, vùng kẽ răng là vùng khó tiếp cận của dụng cụ, việc tạo hình yêu cầu phải đảm bảo tôn trọng giải phẫu sinh lí của răng, không có chất hàn dư, và đánh bóng để không lắng đọng mảng bám vùng kẽ. Nếu hàn không chuẩn, có nguy cơ gây viêm lợi, viêm nha chu, hại nhiều hơn lợi.
Đối với trường hợp nặng hơn, các kĩ thuật phục hồi như dán sứ hoặc chụp răng sứ sẽ là phương pháp điều trị được lựa chọn.
Niềng răng cũng có thể dùng để điều trị tam giác đen, do niềng răng giúp di chuyển chân răng của hai răng liền kề gần nhau hơn. Phương pháp điều trị này được khuyến nghị cho các trường hợp có các vấn đề cần chỉnh nha khác như khấp khểnh răng, khe thưa, sai khớp cắn. Và cũng thường được phối hợp với tạo hình thân răng trong trường hợp thân răng hình tam giác, loại bỏ một lượng nhỏ men răng vùng kẽ để giảm độ cao của tiếp điểm. Do tỉ lệ tam giác đen xuất hiện nhiều sau điều trị chỉnh nha, các bác sĩ chỉnh nha cần lưu tâm đánh giá nguy cơ hình thành tam giác đen trong điều trị.
Một biện pháp ít xâm lấn là tiêm chất làm đầy Hyaluronic axit vào vùng gai nướu. Biện pháp này chỉ cải thiện tạm thời, chưa có ý nghĩa lâm sàng lâu dài.
Một số kỹ thuật phẫu thuật đã được mô tả để ngăn ngừa hoặc giải quyết các khiếm khuyết về mặt thẩm mỹ do mất nhú lợi, đặc biệt là ở những bệnh nhân trẻ. Gai nướu là một vùng nhỏ có nguồn cung cấp máu ít. Đây có vẻ là yếu tố hạn chế chính trong tất cả các kỹ thuật tái tạo và phẫu thuật. Hầu hết các kỹ thuật phẫu thuật được công bố đều liên quan đến ghép nướu, nhưng chỉ cho thấy thành công hạn chế do nguồn cung cấp máu không đủ.
Tóm lại, tam giác đen gây mất thẩm mỹ có thể do nhiều nguyên nhân, do tụt nướu, bệnh nha chu, chỉnh nha và một số yếu tố khác. Duy trì vệ sinh răng miệng đúng cách và kiểm tra định kì có thể giúp ngăn ngừa bệnh nha chu, phòng tránh tụt nướu, tiêu xương. Nếu bạn có tam giác đen dưới 2mm thì có thể không cần điều trị. Nếu tam giác đen lớn, ảnh hưởng tới thẩm mỹ, sự tự tin của bạn, các phương pháp như hàn răng, veneer, chụp sứ có thể cải thiện thẩm mỹ nụ cười và lấp đầy những khoảng trống này. Trong kế hoạch điều trị của nha sĩ về chỉnh nha, phẫu thuật, hay phục hình, đặc biệt trong trường hợp điều trị vùng răng cửa là vùng yêu cầu thẩm mỹ cao, cần tính đến vấn đề bảo tồn gai nướu trong mọi trường hợp để dự phòng tam giác đen.
NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM
Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…
Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318
Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN
Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh