Lời dặn sau phẫu thuật ghép mô liên kết điều trị tụt lợi

Tụt lợi là tình trạng lợi bị co lại về phía chóp răng, lộ ra 1 phần chân răng. Thân răng bình thường được bao bọc bởi 1 lớp men răng cứng chắc và tiếp giáp với chân răng tại đường nối men – cement được gọi là CEJ (Cemento enamel junction). Khi đường viền lợi nằm về phía chóp răng hơn so với đường nối này thì được gọi là tụt lợi.

Tụt lợi là 1 trong những bệnh lý nha khoa rất phổ biến. Theo 1 nghiên cứu của viện răng hàm mặt quốc gia Việt Nam, có đến 25% dân số bị tụt lợi. Đặc biệt, ở độ tuổi từ 60 trở lên, tỷ lệ tụt lợi lên tới 85%. Với những ảnh hưởng mà bệnh lý này gây ra, như ê buốt, ăn uống khó ăn, ảnh hưởng thẩm mỹ,… thì nhu cầu điều trị tụt lợi đã trở thành 1 vấn đề được rất nhiều người quan tâm. 

Các phương pháp trước đây, như hàn trám cổ răng, dùng các sản phẩm giảm ê buốt, hay bọc sứ,… chúng ta chỉ tập trung vào việc xử lý các hậu quả mà tụt lợi gây ra chứ chưa thực sự giải quyết tận gốc rễ vấn đề. Phương pháp tối ưu nhất điều trị tụt lợi là kéo lợi mọc cao trở lại bằng cách phẫu thuật ghép lợi – ghép mô liên kết.

Các nghiên cứu dịch tễ đều cho thấy rằng tỷ lệ thành công của điều trị tụt lợi sẽ cao hơn hẳn khi khách hàng hiểu và làm đúng những chỉ dẫn của nha sĩ sau khi phẫu thuật. Trong bài viết dưới đây, bác sĩ Nhung trực thuộc khoa phẫu thuật trong miệng, nha khoa Thùy Anh sẽ thông tin tới bạn về những điều cần lưu ý sau phẫu thuật ghép mô liên kết điều trị tụt lợi. 

Ghép lợi là gì?

Ghép lợi là 1 thủ thuật tạo hình, lấy lợi ở 1 vị trí được gọi là vùng cho như là mặt trong khẩu cái hoặc lồi củ hàm trên, sau đó đưa đến ghép và cố định vào vị trí thiếu được gọi là vùng nhận. Ngoài ra, nếu vị trí tụt lợi có đủ bề dày và chiều cao của lợi sừng hóa thì chúng ta chỉ cần kéo lợi lên và khâu lại, k cần ghép thêm mô lợi vùng khẩu cái. 

2 case lâm sàng dưới đây để giúp các bạn hiểu rõ hơn về phương pháp này: 

+ Case thứ nhất: Khách hàng đến nha khoa Thùy Anh với than phiền chính là ê buốt các răng khi ăn đồ nóng lạnh và nhìn thấy các chân răng bị dài ra nên rất lo sợ. Khi thăm khám thì bác sĩ phát hiện chị bị tụt lợi 4 chiếc răng hàm trên từ răng nanh tới răng số 6. Phần chân răng lộ ra chịu sự tác động của lực ăn nhai và ma sát khi chải răng theo thời gian dẫn đến mòn ngót và tạo thành các khuyết hình chêm ăn sâu vào trong cổ răng.

Phương thức điều trị cho trường hợp này sẽ là hàn trám 1 phần các cổ răng bị khuyết, sau đó sử dụng kĩ thuật phẫu thuật tạo vạt lợi che phủ chân răng. Bác sĩ sẽ tính toán để thiết kế các đường rạch trên phần mô lợi còn lại, sau đó giảm căng để kéo vạt về phía thân răng, khâu treo cố định vạt vào các đỉnh nhú lợi bằng chỉ tự tiêu. Và đây là kết quả ngay sau phẫu thuật và sau 1 tuần, các bạn có thể thấy, toàn bộ phần lợi bị tụt đã được kéo lên, chân răng được che phủ như trước khi bị tụt và chị cũng hết hoàn toàn các triệu chứng ê buốt.

+ Case thứ 2 là 1 trường hợp tụt lợi trên 1 nhóm các răng hàm dưới R42, 43, 44. Ở case này chúng ta có thể thấy phần lợi sừng hóa khá là ngắn và mỏng, dưới 2mm. Nếu chỉ định phẫu thuật che phủ thông thường thì tỷ lệ lợi bị co lại sau phẫu thuật sẽ tương đối cao. Do vậy, 1 mảnh ghép mô liên kết sẽ được sử dụng để gia tăng lợi sừng hóa.

Miếng mô liên kết được lấy tại vị trí vòm miệng. Sau đó được xử lý loại bỏ biểu mô, mô tuyến, mô mỡ và khâu vào vị trí tụt lợi. Vạt lợi sẽ được giảm căng, kéo lên che phủ hoàn toàn miếng mô liên kết và được khâu cố định bằng các mũi chỉ. 

Do các điều trị được giới hạn ở vùng mô mềm, nên hầu hết các điều trị ghép lợi đều ít gây biến chứng sau phẫu thuật và thường rất ít đau. 

Ở tại phòng khám, bác sĩ sẽ giúp bạn kiểm soát tất cả các vấn đề. Sau khi về nhà, bác sĩ sẽ có những hướng dẫn để bạn có thể chăm sóc hậu phẫu thật tốt, giảm tối đa sự khó chịu hay biến chứng và thất bại điều trị.

Lời dặn đầu tiên là về kiểm soát chảy máu 

Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn ép gạc và bạn phải tuân thủ quy trình này. Thời gian cầm máu của từng người sẽ khác nhau. Thời gian đầu khi thuốc tê còn tác dụng, các mạch máu ngoại vi sẽ co và chảy máu sẽ rất ít. Tuy nhiên khi hết thuốc tê, các mạch máu giãn trở lại thì tình trạng chảy máu có thể xảy ra nhiều hơn. Chảy máu sau phẫu thuật ghép lợi không ồ ạt như nhổ răng mà nó thường rỉ rả, bám vào vùng cổ răng hoặc ri rỉ tại vùng cho mô lợi vòm miệng. Bạn cần đảm bảo là mình đã ép gạc chặt vào vị trí thấy chảy máu. Khi thấy cục máu đông bám trên răng thì tuyệt đối không bóc hay cạy ra trong 2 ngày đầu tiên.

Bạn cũng không nên súc miệng mạnh, sẽ làm bong mất cục máu đông cần thiết cho quá trình lành thương, đặc biệt trong 48h đầu.

Việc ri rỉ máu có thể kéo dài tận 12 – 24h. Nếu máu chảy ít thì không sao, bạn hãy kiên trì ép gạc. Còn nếu thấy chảy máu nhiều, bạn hãy liên hệ ngay với nha sĩ để được hỗ trợ xử lý kịp thời.

Thứ hai là lời dặn về chế độ ăn 

Sau phẫu thuật, sẽ có 1 vài nút chỉ khâu cố định phía má và vòm miệng. Các nút chỉ này có thể khiến bạn cảm thấy vướng víu khó chịu. Tuy nhiên hãy hạn chế tối đa việc đá lưỡi hay ép môi má vào đầu chỉ. Điều này có thể gây xước môi má gây đau, hoặc gây bung tụt chỉ khâu.

Bạn cũng nên sử dụng thức ăn mềm trong 2 tuần đầu tiên. Cơm, bún phở hay cháo đều là các thức ăn mềm mà bạn có thể sử dụng. Chỉ lưu ý 1 chút là bạn không được ăn xương hay các đồ dai cứng. Sau 2 tuần cắt chỉ thì bạn có thể ăn uống trở lại như bình thường. 

Ngoài ra, trong 24h đầu bạn nên ăn các thực phẩm nguội. Việc sử dụng các đồ ăn nóng có thể gây giãn mạch ngoại vi và tăng chảy máu.

Các đồ cay nóng cũng nên được hạn chế trong 2 tuần đầu tiên. Do 2 tuần đầu vị trí phẫu thuật có thể có 1 vài nốt nhiệt. Việc ăn cay nóng có thể gây đau rát tại vết thương khiến bạn khó chịu.

Bạn cũng nên ăn nhiều hoa quả, rau xanh, uống thêm nước ép trái cây để bổ sung các vitamin và tăng sức đề kháng.

Có 1 lưu ý nữa là bạn nên hạn chế cắn hay nhai bên khu vực phẫu thuật để hạn chế di lệch vạt lợi ảnh hưởng kết quả điều trị. 

Việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng là rất quan trọng. Hãy ăn tất cả những món ăn bạn yêu thích, tránh đồ dai cứng là được nhé!

Thứ 3 là kiểm soát đau sau phẫu thuật

Phẫu thuật ghép lợi chỉ giới hạn nông ở phần mô mềm và các vết thương đều được che phủ kín nên mức độ đau thường rất ít. Như vùng khẩu cái, sau khi lấy mô liên kết, bác sĩ sẽ dùng miếng collagen khâu kín lại che phủ bên trên. 

Hoặc vùng ghép lợi thì các vạt được khâu định vị về phía thân răng sẽ giúp che kín vùng mô ghép bên dưới.

Đau nếu có xảy ra thường trong 24h đầu tiên. Bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau hỗ trợ để bớt khó chịu nhé. Đau trong phẫu thuật ghép lợi thường đáp ứng rất tốt với thuốc giảm đau. 

Có 1 lời khuyên nhỏ là bạn hãy sử dụng thuốc giảm đau ngay khi có triệu chứng đau nhẹ, hoặc dự phòng uống thuốc mỗi 4h trong ngày đầu tiên sau phẫu thuật. Đừng để đến khi quá đau mới dùng thuốc vì lúc đó việc kiểm soát đau sẽ khó hơn khiến cho bạn khó chịu.

Thứ 4 là kiểm soát phù nề

Bạn nên chườm lạnh sau phẫu thuật cho đến hết ngày đầu tiên. Vị trí chườm lạnh là vùng môi má tương ứng vùng phẫu thuật. Hãy bỏ đá vào 1 chiếc khăn ẩm hoặc 1 túi nước và chườm ngắt quãng, chườm 10 phút, nghỉ 10 phút để tránh gây bỏng lạnh, tối thiểu là 4-5h sau phẫu thuật bạn nhé. 

Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ kê cho bạn 1 vài loại thuốc chống viêm, chống phù nề. Bạn nên sử dụng thuốc theo đơn đầy đủ nhé.

Thứ 5 là việc vệ sinh răng miệng

Việc chải răng và dùng chỉ nha khoa nên được hạn chế tối đa trong 2 tuần đầu sau phẫu thuật. Bạn có thể dùng gạc mềm lau thật nhẹ và sử dụng nước súc miệng có chứa chlorhexidine 0,12%. 

Chlorhexidine vừa giúp sát khuẩn, vừa hỗ trợ làm sạch mảng bám và cặn thức ăn đọng trên răng. Có 1 lưu ý nhỏ, để nước súc miệng đạt hiệu quả, bạn cần ngậm dung dịch trong miệng 1 phút để thuốc tiếp xúc trực tiếp với mô. Không nên súc miệng mạnh, như vậy vừa giảm tác dụng của thuốc, vừa có thể gây bong cục máu đông gây chảy máu. Hãy sử dụng nước súc miệng 1 ngày 3 lần trong 2 tuần đầu tiên.

Sau 2 tuần là thời điểm cắt chỉ. Lúc này bạn có thể sử dụng bàn chải siêu mềm để vệ sinh tại chỗ. 3 – 4 tuần sau bạn có thể sử dụng bàn chải lông mềm như bình thường.

Bạn vẫn nên dùng nước súc miệng chlorhexidine trong thời gian này, nhưng có thể giảm xuống dùng 1 – 2 lần mỗi ngày.

Thứ 6 là uống thuốc đầy đủ theo đơn của bác sĩ 

Đơn thuốc sau phẫu thuật thường có:

    • Kháng sinh: Augmentin 1g x10 viên, uống trong 5 ngày, mỗi ngày 2 viên chia 2 lần sáng tối sau ăn.
    • Kháng viêm, giảm đau: Ibuprofen 600mg x3 viên. Mỗi lần uống 1 viên, cách nhau khoảng 6h sau phẫu thuật. 
    • Nước súc miệng sát khuẩn tại chỗ: Chlorhexidine 0,12%. Ngậm trong miệng 1 phút rồi nhả ra, dùng 2 – 3 lần 1 ngày trong 3 – 4 tuần đầu.
    • Bác sĩ cũng có thể kê cho bạn 1 vài loại chống viêm giảm đau khác như efferalgan 500mg, alphachoay hay medrol 16mg tùy vào tình trạng cụ thể của phẫu thuật nhé. 

Hãy thông tin đầy đủ cho bác sĩ nếu bạn có tiền sử dị ứng thuốc hay đau dạ dày để bác sĩ có thể kê đơn thuốc phù hợp nhất cho bạn.

Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế vận động mạnh và các hoạt động gắng sức trong 1 tuần đầu tiên sau phẫu thuật. Hãy làm việc nhẹ nhàng và nghỉ ngơi nhiều, chú ý ăn uống đầy đủ để có 1 sức khỏe toàn thân thật tốt, tạo điều kiện tối ưu cho mô mềm lành thương.

Cuối cùng là bạn cần tuyệt đối không gây chấn thương tại vùng phẫu thuật

Sau phẫu thuật và trong quá trình lành thương, tâm lý mọi người thường rất tò mò cũng như lo lắng cho vết thương nên thường vén môi má để xem. Tuy nhiên đây lại là 1 trong những điều cấm kỵ với phẫu thuật ghép lợi. Việc kéo môi má sẽ làm di lệch vạt lợi, mất ổn định mảnh lợi ghép, thậm chí gây bung chỉ khâu. 

Hãy cứ làm tốt theo hướng dẫn của bác sĩ, thời điểm 2 tuần cắt chỉ, bác sĩ sẽ chỉ cho bạn vết thương đã lành như thế nào nhé. 

Những khách hàng điều trị tại nha khoa Thùy Anh đều cho biết sau phẫu thuật có hơi đau khó chịu nhưng chỉ trong ngày đầu tiên, và nếu uống 1 viên giảm đau thì cơn đau hoàn toàn biến mất. Sang đến ngày thứ hai thì gần như mọi người đều cảm thấy dễ chịu không vấn đề gì. Hy vọng thông tin bác sĩ Nhung cung cấp sẽ mang tới cho các bạn những kiến thức hữu ích về chăm sóc hậu phẫu sau phẫu thuật ghép lợi. 

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background