Chảy máu tai sau nhổ răng khôn: Thông tin quan trọng cần nắm rõ

Điều trị phổ biến nhất trong các phẫu thuật Răng Hàm Mặt là “nhổ răng khôn”. Cho dù lên kế hoạch rất tốt thì chúng ta vẫn có thể bắt gặp một số biến chứng sau nhổ, giống như mọi loại “ rủi ro y khoa” khác. Tỷ lệ này dao động từ 4,6% đến 30,9%

Các biến chứng thường gặp báo cáo rất nhiều trong y văn và bác sĩ nhận biết xử trí rất nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nhận thức sâu sắc về biến chứng hiếm gặp, dù rất hiếm nhưng có thể xảy ra, những kiến thức này có thể giúp nha sĩ chẩn đoán sớm để đảm bảo tối ưu đầy đủ điều trị và bệnh nhân sẽ bớt cảm giác quá lo lắng, hoang mang khi gặp phải.  

Mới đây nhất, năm 2023 Naichuan Su , Sana Harroui đã có báo cáo về biến chứng hiếm gặp liên quan nhổ răng khôn. Hầu hết biến chứng ở giai đoạn sau phẫu thuật và liên quan vùng sọ mặt. 

Chảy máu tai như thông lệ là một dấu hiệu khá nghiêm trọng vì nó thường liên quan đến chấn thương, đặc biệt là gãy xương nền sọ, đa số là những tai nạn với áp lực lớn, cần phải chú ý ngay lập tức và xử trí kịp thời. Dù vậy bạn đừng vội lo lắng, việc nhổ răng khôn có thể gây sang chấn dẫn đến chảy máu tai nhưng áp lực do nhổ răng gây ra thường không quá mạnh đến mức để lại những hậu quả nặng nề như các tai nạn chảy máu tai nói chung.

Vị trí giải phẫu của tai so với cấu trúc sọ mặt lân cận 

Trước tiên, để hiểu về nguyên nhân chảy máu tai sau nhổ răng khôn, chúng ta hãy cùng xem xét vị trí giải phẫu của tai so với các cấu trúc sọ mặt lân cận, hình ảnh dưới đây:

Sọ mặt rất phức tạp với khá nhiều chi tiết, nhưng chúng ta sẽ tập trung vào cấu trúc gần ống tai ngoài là vùng “khớp thái dương hàm” hình thành phía dưới bởi “lồi cầu” xương hàm dưới và phía trên là xương thái dương (gồm “lồi thái dương” và “hõm khớp” ngay phía sau). 

Nhìn vào hình khoanh tròn xanh bên trái với các thuật ngữ kèm theo các bạn có thể dễ dàng hình dung rồi phải không? Tiếp tục, chúng ta hãy để ý đến chi tiết “tấm nhĩ” là một vùng xương mỏng ở thành trước ống tai ngoài, ngăn cách ống tai với lồi cầu bởi các mô liên kết tương đối lỏng lẻo có nhiều mạch máu thần kinh. Ngoài ra còn có một cấu trúc nữa cần chú ý là “mỏm trâm” phía bên dưới – 1 xương nhỏ, dài, thường dưới 2,5cm. 

 Không thể không nhắc đến hệ thống dây chằng kết nối các cấu trúc với nhau giúp hàm chuyển động linh hoạt (các bạn cùng xem hình ảnh bên dưới). Đôi khi chính lực kéo quá mức của dây chằng cũng có thể gây gãy xương.

Răng khôn là vùng răng tận trong cùng góc hàm, khi nhổ răng cần 1 biên độ há lớn và thời gian há sẽ phụ thuộc vào mức độ phức tạp của răng tức là răng càng khó thời gian há càng phải lâu hơn. Việc há lâu kết hợp với lực tác động lên răng trong thời gian dài có thể truyền động ảnh hưởng khớp thái dương hàm cũng như cấu trúc xung quanh như tấm nhĩ hay thậm chí là mỏm trâm, dẫn đến khả năng “chảy máu ống tai ngoài”

Tại sao ống tai ngoài lại có thể chảy máu?

Khi thực hiện 1 cuộc tìm kiếm trên thư viện trực tuyến toàn cầu Pubmed, chúng tôi không thấy bất kì tài liệu nào nói rõ về nguyên nhân chảy máu tai sau nhổ răng khôn, dường như chỉ là giả thuyết phỏng đoán trong các báo cáo, thực tế những trường hợp xảy ra là quá ít ỏi để đưa ra 1 tiêu chuẩn cụ thể. 

Cùng nhìn lại 3 ca “chảy máu ống tai ngoài sau nhổ răng khôn” được nhắc đến trong y văn từ trước đến nay:

– Trường hợp thứ nhất: Báo cáo năm 2007 của Bayram, 1 bệnh nhân nữ 22 tuổi chảy máu ống tai ngoài sau 4 giờ nhổ răng khôn ngầm hàm dưới bên trái. Thời gian nhổ khoảng 30 phút và mức độ khó chịu vừa phải, tuy nhiên do thời gian há lâu, cô ấy đã ngậm miệng 1 cách đột ngột sau khi nhổ răng. 

Lí do đưa ra có thể do áp lực lên khớp thái dương hàm khi bệnh nhân đột ngột khép miệng. Chúng ta hãy tưởng tượng như thế này trước cho dễ hiểu, trong 1 tai nạn giao thông, nếu xe đi với tốc độ vừa phải thì va đập chỉ là trầy xước đơn giản, tuy nhiên với 1 tốc độ nhanh và đột ngột thì hậu quả sẽ rất khó lường? Trong trường hợp này, lồi cầu giống như bị “sốc”, đập mạnh vào hõm khớp phía sau dẫn đến 1 rung động xương, rách mô mềm dẫn đến chảy máu tai (hình ảnh nội soi ống tai ngoài có 1 phần nhỏ rách mô mềm). Phim CT với các lát cắt ngang dọc không quan sát thấy bất kì vết nứt hoặc gãy xương nào. 

Tác giả cũng cho rằng lực tác động lớn lên khớp hàm khi nhổ răng, ví dụ như trong quá trình phẫu thuật sử dụng kìm bẩy mà không nâng đỡ, giữ cố định hàm dưới cũng có thể dẫn đến sang chấn. Hoặc là một khiếm khuyết bẩm sinh và sự yếu của cấu trúc liên quan (tiền sử dùng corticoid, loãng xương…) cũng cần xem xét là 1 trong các nguyên nhân. 

Như vậy, nguyên nhân thực sự chưa khẳng định rõ ràng và phần nhiều đều liên quan áp lực mạnh trong 1 thời gian ngắn phá vỡ thích nghi bình thường, từ đó ảnh hưởng làm chảy máu ống tai ngoài.

Điều trị: Bệnh nhân được theo dõi, tình trạng chảy máu nhẹ và không cần điều trị gì, ống tai ngoài đã lành thương hoàn toàn sau 1 tuần. 

Ở case lâm sàng này, có thể nhận thấy những biểu hiện sau chảy máu tai không đáng kể, chúng ta không cần quá lo lắng mà chỉ cần theo dõi đến khi triệu chứng tự hết hoàn toàn mà thôi.

+ Trường hợp thứ hai: Báo cáo năm 2016 của Yeon Ho Kim: Bệnh nhân nữ 55 tuổi với tiền sử cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao, tiếng kêu ngắt quãng ở khớp thái dương hàm bên phải khi há miệng. Đây là một bệnh nhân có nhiều bệnh nền toàn thân và cả bất thường ở khớp thái dương hàm.

Răng hàm dưới bên phải được nhổ và bệnh nhân bắt đầu chảy máu tai phải sau 30 phút, không có dấu hiệu đau mà chỉ ngứa tai. Nội soi Tai Mũi Họng cho thấy vết sưng bên trong thành trước ống tai ngoài, phim CT cắt lớp thấy hình ảnh gãy tấm nhĩ ống tai ngoài.

Lí do đưa ra là do áp lực lớn khi miệng đóng lại ngay sau khi vừa há lớn trong 1 thời gian dài gây căng thẳng lên ống tai ngoài, tấm nhĩ bị gãy với các đoạn xương có khả năng dịch chuyển làm rách mô mềm thành ống tai ngoài làm chảy máu. Tiền sử bệnh lý tiểu đường và cao huyết áp có thể liên quan đến lưu lượng máu đến vùng sau đĩa đệm bị suy giảm, gia tăng áp lực.

Một số yếu tố có thể có vai trò làm tổn thương ống tai ngoài như độ dốc lớn của hõm khớp thái dương hàm, khoảng cách hẹp giữa lồi cầu hàm dưới và tấm nhĩ do một trật đĩa hoặc rách vùng mô sau đĩa cũng cần xem xét. 

Điều trị: Bệnh nhân được cho về nhà theo dõi khi đã xác nhận ngừng chảy máu tai, hướng dẫn cẩn thận khi nhai và ngậm miệng, dặn dò quay lại bệnh viện ngay khi có dấu hiệu không bình thường. 2 tuần sau ống tai ngoài lành thương tốt và không còn triệu chứng răng miệng khác lạ nào cả.

+ Trường hợp thứ ba: Báo cáo năm 2017 của Krishnakumar Raja gãy mỏm trâm dẫn đến chảy máu tai sau nhổ răng. 

Bệnh nhân nữ 23 tuổi, sau 30 phút nhổ răng khôn hàm dưới phải, thấy chảy máu tai cùng bên, đặt 1 túi cầm máu trong ống tai ngoài trong 1 giờ. Sau 1 ngày, bệnh nhân xuất hiện nhiều triệu chứng khó chịu, khác hẳn 2 trường hợp trên: khó nuốt, đau vùng trước tai, hầu họng và sau hàm với há miệng hạn chế, đau, ù tai, đau khớp thái dương hàm. Bác sĩ tai mũi họng đã loại trừ thủng màng nhĩ; chụp phim cắt lớp loại trừ các vết nứt nền sọ, hình ảnh Xquang chẩn đoán gãy mỏm trâm.

Lí do: Hình ảnh X – quang chứng minh gãy mỏm trâm là biểu hiện của sự dịch chuyển do chấn thương lồi cầu trong quá trình nhổ răng. Gãy mỏm trâm trong quá trình nhổ răng rất hiếm do vị trí của nó tương đối an toàn (nằm ở sâu và có góc cạnh thuận lợi ngăn ngừa gãy). Tuy nhiên, trường hợp này mỏm trâm kéo dài bất thường (hơn 1/3 chiều cao cành lên xương hàm dưới – mũi tên vàng), nó sẽ gãy khi lực tác động mạnh làm lồi cầu dịch chuyển về phía sau, chưa kể là sự co kéo của dây chằng.

Quay lại hình ảnh giải phẫu ban đầu, các bạn có nhớ vùng khoanh tròn đỏ, ống tai ngoài cách lồi cầu chỉ bằng một lớp mô xơ mỡ và tấm nhĩ hoặc sụn, phía bên sau lồi cầu không có xương hỗ trợ. Do đó lực dịch chuyển ra sau của lồi cầu do tác động mạnh ở góc hàm hay vùng cằm dễ gây tổn thương điểm nối mỏng manh này, thậm chí làm gãy tấm nhĩ như trường hợp thứ 2. 

Mỏm trâm cũng có thể bị gãy do lực kéo của dây chằng trâm hàm khi cử động hàm dưới quá mức, ví dụ như há to quá lâu khi nhổ răng khôn.

Mỏm trâm gần khoang động mạch cảnh, nơi chứa nhiều mạch máu và thần kinh quan trọng, vì vậy cần được nhận biết sớm để can thiệp kịp thời.

Điều trị: Bệnh nhân được điều trị bảo tồn, không phẫu thuật, chế độ ăn mềm, dùng thuốc giảm đau, chống viêm, giãn cơ; hạn chế há miệng lớn, chuyển động của hàm và cổ có thể cần băng cố định liên hàm và nẹp cổ để hạn chế sự di chuyển của mảnh gãy trong quá trình cử động hàm. Sau 2 tuần các triệu chứng đã hết hoàn toàn.

Tóm lại, ở 3 trường hợp trên, theo mức độ tăng nặng dần các biến chứng thì có thể thấy chảy máu tai sau nhổ răng khôn dường như không quá nguy hiểm, việc phát hiện và chẩn đoán đúng sẽ giúp chúng ta đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Tất cả các ca bệnh đều cùng chung 1 nguyên nhân là áp lực lên khớp thái dương hàm đột ngột dẫn đến ảnh hưởng cấu trúc lân cận, việc điều trị chủ yếu theo hướng bảo tồn và không cần can thiệp gì thêm. Các tác giả cũng khuyến cáo trường hợp gãy xương thứ 3, khi không thể bảo tồn được thì phải phẫu thuật loại bỏ mảnh gãy.

Lời khuyên của bác sĩ 

    • Quy trình nhổ răng phải làm sao sang chấn tối thiểu: Không cố gắng dùng lực nhiều mà nên chia cắt thân chân răng tối đa để lấy răng ra nhẹ nhàng. 
    • Những bất thường về các cấu trúc liên quan như: Độ dốc của hõm khớp thái dương hàm và khoảng cách giữa lồi cầu hàm dưới và ống tai ngoài hay chiều dài bất thường mỏm trâm nên được đánh giá bằng dữ liệu CT khi có thể. Ở những bệnh nhân có bất thường như đã nêu trong các tóm tắt trên, việc nhổ răng nên được thực hiện hết sức cẩn thận.
    • Không để bệnh nhân mở miệng quá rộng hoặc ngậm miệng quá nhanh trong và ngay sau khi nhổ răng. Cần thận trọng khi di chuyển răng tránh lồi cầu hàm dưới gây áp lực quá mức lên ống tai ngoài. Mặc dù các báo cáo trên chỉ nói về răng khôn hàm dưới, nhưng theo chúng tôi, bất kể răng khôn hàm trên hay hàm dưới, khi tác động lực lớn, biên độ há ngậm lớn và trong thời gian dài đều có khả năng dẫn đến sang chấn gây biến chứng. 
    • Khi cho cắn miếng gạc cầm máu, cần chọn kích thước phù hợp để duy trì kích thước dọc và vị trí thích hợp của hàm dưới. Phải quan sát các triệu chứng sau thủ thuật nhổ răng không gây chấn thương. 

Trên đây là tóm tắt của chúng tôi về hiện tượng “chảy máu tai sau nhổ răng khôn”. Bất kì phác đồ điều trị nào, những đợt chảy máu tai có hay không kèm theo gãy xương cần xác định và xử lý kịp thời để giảm bớt sự lo lắng quá mức và bối rối của bệnh nhân cũng như nha sĩ. Chúng ta cần phải đánh giá nghiêm túc và bệnh nhân phải được theo dõi để phát hiện các triệu chứng chèn ép tiềm ẩn để can thiệp đúng mực. Một sự hội chẩn hỗ trợ của bác sĩ khớp Thái Dương Hàm và bác sĩ Tai Mũi Họng sẽ rất cần thiết trong những trường hợp chảy máu kéo dài và đau dai dẳng quá 1 tuần theo dõi. 

Hãy tìm một nha khoa uy tín với đội ngũ chuyên môn giàu kinh nghiệm để chẩn đoán và đưa ra phương án điều trị thích hợp nhất. 

* Thông tin bài viết được cung cấp bởi bác sĩ My – trực thuộc khoa phẫu thuật và phục hình trong miệng tại nha khoa Thùy Anh. 

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background