Lung lay răng có phải nhổ bỏ không? Cách điều trị bảo tồn
Lung lay răng là vấn đề răng miệng thường gặp. Nếu tình trạng diễn ra ở những chiếc răng sữa thì không đáng lo ngại, vì đây là dấu hiệu trẻ sắp thay răng. Tuy nhiên, khi xảy ra trên răng vĩnh viễn thì lại là vấn đề cần quan tâm. Trong bài viết dưới đây, bác sĩ Huy trực thuộc khoa phục hình trong miệng tại nha khoa Thùy Anh sẽ giúp chúng ta giải đáp vấn đề lung lay răng có phải nhổ bỏ không? Các điều trị bảo tồn răng bị lung lay.
Lung lay răng là hiện tượng như thế nào?
Đánh giá lung lay răng phụ thuộc vào cảm nhận riêng của từng người khi tay cầm chiếc răng và thử độ lung lay. Lung lay răng thường dễ phát hiện chỉ với một lực tác động vừa phải, và có xu hướng lung lay mạnh mẽ cũng như khó chịu hơn khi ăn nhai vào vị trí răng đó.
Một chiếc răng cứng chắc bám ổn định vào xương hàm nhờ thành phần lợi, xương và dây chằng liên kết xung quanh. Nếu chiếc răng mất đi sự bám dính của các thành phần này vì một lý do nào đó thì nó sẽ tách ra khỏi xương, lợi và lung lay diễn ra. Hình ảnh sau đây mô tả các thành phần mô bao quanh răng.
Răng lung lay thường đi kèm với các triệu chứng như:
– Chảy máu lợi
– Sưng tấy lợi
– Chụp phim X – quang có hình ảnh tiêu xương thấu quang màu đen xung quanh
Đây là những triệu chứng thể hiện một bệnh lý răng miệng tiềm ẩn, nếu xuất hiện bạn cần đến gặp bác sĩ thăm khám và điều trị sớm nhất. Muốn xác định được hướng điều trị phù hợp cho tình trạng lung lay răng, trước tiên chúng ta cùng đi tìm nguyên nhân nhé.
Những nguyên nhân gây lung lay răng ở người lớn
+ Đầu tiên, phải kể đến nguyên nhân phổ biến nhất là bệnh lý nha chu
Đây là nhiễm trùng do vi khuẩn tấn công mô nướu và xương xung quanh, gây viêm biểu hiện như nướu chảy máu, sưng đỏ đau. Nếu không điều trị đúng, quá trình tiêu xương diễn ra, lúc này răng mất lưu giữ bởi các thành phần liên kết xung quanh, và kết quả là bị lung lay.
Nha sĩ có thể chẩn đoán bệnh lý nướu răng bằng cách sử dụng cây đo túi nha chu, tức là đo khoảng trống giữa răng và nướu. Bình thường, độ sâu túi khoảng từ 1 đến 2 mm. Nếu độ sâu túi lớn hơn thì đó là dấu hiệu bệnh lý. Hình ảnh này minh hoạ cho thử nghiệm tôi vừa đề cập đến.
Loãng xương và thuốc chống loãng xương Bisphosphonates
Loãng xương là bệnh lý có nguy cơ gãy xương gặp ở cả nam giới và phụ nữ, đặc biệt xương cổ tay, xương hông, cột sống, xương hàm mặt, nên đây là nguy cơ dẫn đến răng lung lay. Theo nghiên cứu của National Institutes of Health, phụ nữ loãng xương nguy cơ mất răng cao hơn gấp 3 lần so với những người không loãng xương. Bên cạnh đó, loãng xương thường điều trị bằng thuốc Bisphosphonates, nói chung thuốc này có lợi và an toàn tuy nhiên vẫn có tác dụng phụ là hoại tử xương hàm, răng đau và lung lay.
Chấn thương, khí cụ niềng răng và thói quen nghiến răng
Chấn thương vùng mặt cũng có thể gây gãy phần xương ổ bao quanh răng, làm giãn dây chằng , dẫn đến răng lung lay. Bất kỳ chấn thương đáng kể vùng mặt nào cũng là một tình trạng khẩn cấp cần thăm khám ngay.
Niềng răng sai kỹ thuật cũng có thể gây giãn dây chằng quanh răng vượt mức cho phép, dẫn đến răng lung lay.
Và nghiến răng, đặc biệt nghiến ban đêm là một thói quen rất xấu vì nó làm gia tăng áp lực lên răng và nướu răng gấp 10 lần so với việc nhai, xé, cắn thức ăn dẫn đến lung lay hủy hoại răng.
Ảnh hưởng của thai kỳ
Hàm lượng estrogen và progesterone tăng lên có thể ảnh hưởng xấu đến một số mô chuyên biệt bao quanh nâng đỡ răng. Không những thế, nướu răng còn nhạy cảm hơn trong giai đoạn mang thai nên càng dễ bị tổn thương, tạo cơ hội cho nhiễm trùng và kết quả là răng lung lay. Theo ước tính có khoảng 40% phụ nữ mang thai mắc bệnh về răng miệng, có thể xuất hiện trước, trong hay sau khi mang thai. Vì vậy, phụ nữ đang mang thai cần có chế độ chăm sóc răng miệng chu đáo.
Cách xử trí răng bị lung lay và biện pháp phòng ngừa hiệu quả
Khi răng lung lay, cần phải có phương án điều trị sớm nhằm giúp bảo tồn răng thật tối đa. Dựa trên những nguyên nhân vừa liệt kê, các hướng khắc phục như sau:
– Trường hợp răng lung lay do thay đổi sinh lý trong thời kỳ mang thai: Chị em không cần quá lo lắng với trường hợp này bởi những thay đổi cơ thể sẽ ổn định lại sau khi sinh con. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai cần được chăm sóc đặc biệt hơn vì tình trạng nướu lúc này rất nhạy cảm, chỉ một tác nhân bất lợi đã có thể dẫn đến viêm, nếu xuất hiện cao răng mảng bám thì bác sĩ cần chỉ định ngay phương án cạo vôi răng loại bỏ nguy cơ gây bệnh.
– Trường hợp răng lung lay do chấn thương: Trước tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra lại mức độ ổn định khớp cắn. Nếu bạn có cản trở bất thường trong quá trình vận động hàm, dẫn đến kết quả là đau nhức hay lung lay một răng nào đó, chúng tôi sẽ tiến hành mài chỉnh bề mặt của răng để tạo ra sự tiếp xúc hài hoà giữa răng trên và dưới, duy trì được một khớp cắn đồng đều.
Nếu mức độ chấn thương mạnh hơn như tai nạn hay va đập, dẫn đến một mức độ lung lay răng nặng, bác sĩ cân nhắc chỉ định phương pháp nẹp cố định các răng đang lung lay với các răng bên cạnh, phương pháp này giảm được mức độ di chuyển của các răng lung lay, tạo điều kiện cho răng cứng chắc trở lại sau một thời gian dài.
Trường hợp bệnh lý nha chu sẽ tuỳ mức độ nặng nhẹ để có các giải pháp tương ứng:
+ Nếu mức độ viêm nướu đơn thuần: Bạn sẽ thấy nướu sưng đỏ nhưng răng vẫn cứng chắc, thường nha sĩ sẽ chỉ định loại bỏ cao răng, mảng bám, kê đơn thuốc kháng sinh và hướng dẫn vệ sinh răng miệng tại nhà.
+ Nếu mức độ viêm nha chu trung bình và nặng: Lúc này bạn có thể thấy răng lung lay ít hay nhiều, thường mức độ lung lay trên 1mm theo hướng ngoài trong hay có lung lay theo các hướng khác thì nha sĩ sẽ chỉ định một hoặc kết hợp nhiều thủ thuật sau:
– Phẫu thuật lật vạt nhằm bộc lộ rõ chân răng, giúp nha sĩ loại bỏ túi lợi sâu cũng như cao răng dưới lợi, từ đó ngăn ngừa được quá trình tiêu xương diễn ra, duy trì mô lợi lành mạnh.
– Phẫu thuật ghép mô nướu với những răng bị tụt nướu gây lộ chân răng, mô mềm được lấy từ phần mô ở vị trí lân cận như vòm miệng, răng 8 để ghép vào vị trí răng thiếu nướu.
– Phẫu thuật ghép xương chỉ định cho răng đã có hiện tượng lung lay nặng, hình ảnh thấu quang tiêu xương thể hiện rõ trên phim X – quang. Xương nhân tạo được ghép vào tạo điều kiện tái sinh cho xương tự thân, nếu đáp ứng tốt thì răng sẽ cứng chắc trở lại trên cung hàm.
– Trường hợp răng lung lay quá nặng, không thể giữ lại được thì bác sĩ chỉ định nhổ bỏ. Phương pháp răng giả thay thế tối ưu cho răng mất nhằm giúp khôi phục đầy đủ chân, thân răng và ngăn chặn tình trạng tiêu xương hàm là trồng răng Implant.
>>> Xem thêm: https://nhakhoathuyanh.com/trong-rang-implant-khong-dau-an-toan-bao-hanh-20-nam/
Tuy nhiên, có những bệnh nhân không xác định được nguyên nhân rõ ràng, nên không chỉ áp dụng cụ thể từng phương án ở trên, mà cần thiết linh hoạt phối hợp các phương pháp điều trị.
Ví dụ một case lâm sàng được báo cáo vào năm 2020: Bệnh nhân nam 54 tuổi than phiền về tình trạng lung lay các răng cửa hàm dưới. Thăm khám thấy vùng răng 31,32,41 có túi lợi sâu, tụt lợi, răng lung lay 2mm theo chiều ngoài trong. Thử tủy dương tính, X – quang thấy hình ảnh tiêu xương (Hình a,b)
Kế hoạch điều trị đưa ra là:
– Lật vạt để bộc lộ chân răng nhằm làm sạch cao răng, mảng bám và mô viêm (Hình c,d,e,f,g).
– Ghép mô mềm ở vị trí tụt lợi (Hình h)
– Nẹp cố định các răng hàm dưới và điều chỉnh khớp cắn các răng lung lay (Hình i,j,k)
– Kê đơn thuốc kháng sinh gồm Amoxicillin, Metronidazole và Mefenamic acid trong 5 ngày.
Sau 1 tháng tái khám, lợi đã hồng trở lại, không còn màu đỏ sẫm, đồng thời X – quang cho thấy quá trình tiêu xương ngừng tiến triển.
Trên đây là những kiến thức hữu ích để nhận biết và xử trí tình trạng lung lay răng, không nhất định phải nhổ bỏ ngay mà có khá nhiều phương án giúp giữ răng bám chắc lại trên xương hàm. Nến nếu bạn đang gặp phải tình trạng này, hãy để lại thông tin hoặc liên hệ với bác sĩ của chúng tôi theo địa chỉ dưới đây để được tư vấn cụ thể hơn.
NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM
Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…
Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318
Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN
Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh