3 đặc tính nổi bật của chất hàn sinh học – Bioceramic Sealer

Với sự phát triển vượt bậc của khoa học hiện đại ngày nay, con người dần nghiên cứu và tìm ra những vật liệu sinh học có tính ứng dụng cao trong y khoa, đặc biệt tạo nên bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực răng hàm mặt. Nổi bật nhất là công nghệ cấy ghép chân răng nhân tạo phục hồi răng mất và chất hàn sinh học ứng dụng trong điều trị tuỷ. Vì sao chất hàn sinh học có thể tạo bước tiến xa trong việc tăng tỉ lệ thành công điều trị tuỷ? Đặc tính quan trọng nào giúp chất hàn này thực hiện chức năng trên?

 Điều trị tuỷ là một trong những quy trình điều trị nha khoa phức tạp nhất, đòi hỏi tính cẩn thận, tỉ mỉ và sự khéo léo của bác sĩ. Tỉ lệ thành công của một case điều trị tủy phụ thuộc nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, bao gồm: hình dạng và số lượng ống tủy, mức độ canxi hoá ống tuỷ, tình trạng bệnh kèm theo,… cũng như kinh nghiệm và kỹ năng của nha sĩ. 

Theo nghiên cứu tổng quan “What is endodontic success? How successful is endodontic therapy?”, bác sĩ Nasseh kết luận nếu trong điều kiện lý tưởng, tỉ lệ thành công của điều trị tuỷ sử dụng chất hàn thông thường xấp xỉ 86 – 94% trong năm đầu tiên. Tỉ lệ này giảm còn 81% sau 10 năm và 76% sau 20 năm. 

“Làm cách nào để tăng tỉ lệ thành công của điều trị tuỷ lên mức tối đa?” là điều mà toàn thể bác sĩ nha khoa đều trăn trở. Sau hàng thập kỷ cùng sự phát triển của khoa học công nghệ, các nhà khoa học đã phát minh ra một loại chất hàn gần như lý tưởng, có đầy đủ mọi tố chất giúp tăng tỉ lệ thành công của mọi trường hợp điều trị tủy – được gọi là chất hàn sinh học (bioceramic sealer). 

Một nghiên cứu có tựa đề “Outcomes of Endodontic – Treated Teeth Obturated with Bioceramic Sealers in Combination with Warm Gutta-Percha Obturation Techniques: A Prospective Clinical Study” đăng trên Pubmed kết luận rằng tỉ lệ thành công khi sử dụng chất hàn sinh học trong điều trị tủy lần đầu là 100% và điều trị tủy lại là 98.2%. Điều gì tạo nên sự khác biệt giữa chất hàn sinh học và chất hàn thông thường trong việc tối ưu hoá tỉ lệ thành công của một ca điều trị tuỷ?

3 đặc tính nổi bật của chất hàn sinh học 

1. Đặc tính cơ học

Chất hàn sinh học chế tạo dưới dạng GEL, chứa trong tuýp bơm áp lực, thuận tiện cho vào ống tuỷ, dàn đều và thâm nhập từng ngóc ngách. Ngoài ra, những chất hàn này được cấu tạo từ những hạt độn rất rất nhỏ, kích thước chưa tới 2 micron nên dễ dàng xâm nhập và bịt kín ống ngà – một trong những chi tiết giải phẫu khó làm sạch vi khuẩn nhất, là nguyên nhân chính gây thất bại trong điều trị tuỷ. 

Theo nghiên cứu, phần lớn điều trị tủy thất bại liên quan tới vi khuẩn còn sót lại trong ống ngà, chúng khó bị bất hoạt bởi dung dịch bơm rửa không dễ xâm nhập sâu vào những cấu trúc siêu vi này. 

Vì vậy, vi khuẩn vẫn luôn chờ cơ hội để len lỏi qua những vi kẽ nhằm xâm nhập vùng quanh răng thông qua lỗ chóp răng và gây viêm nhiễm sau này. Vì vậy, trám bít ống tuỷ theo 3 chiều không gian cũng như hàn kín ống ngà là điều kiện tiên quyết giúp giảm thiểu nguy cơ vi khuẩn di chuyển ra vùng quanh răng. 

Chất hàn sinh học có tính cản quang, dễ dàng đánh giá chiều dài và mức độ trám bít trên phim X quang. Trong quá trình hàn kín ống tủy, việc đánh giá qua phim X quang rất quan trọng, đặc biệt trong trường hợp ống tủy bất thường hay lỗ chóp chưa đóng kín. Nếu chất hàn chưa đi hết chiều dài như mong muốn, bác sĩ có thể dễ dàng đánh giá trên phim và quyết định nên rút ngắn hay đẩy thêm vào ống tuỷ.

Khả năng đông cứng nhanh giúp chất hàn sinh học nhanh chóng đạt được sự ổn định lâu dài, lập tức cô lập vi khuẩn tại chỗ. Trên thực tế, chúng ta không thể khẳng định 100% vi khuẩn bị loại bỏ thông qua quá trình tạo hình và làm sạch, một phần nhỏ trong số đó có thể đang lẩn trốn trong ống ngà hoặc bị bất hoạt tạm thời trong khoảng thời gian nhất định. Chất hàn sinh học có khả năng xâm nhập cao vào từng ngóc ngách nhỏ, phong bế vi khuẩn ngay trong ống ngà, nhanh chóng đông cứng tạo tính ổn định ngay trong thời gian đầu. Vì vậy, sự ổn định của quá trình trám bít không bị ảnh hưởng bởi việc lấy bỏ chất hàn dư thừa hay phục hình thân răng sau này.

2. Đặc tính sinh học

Một trong những thành phần quan trọng cấu thành chất hàn sinh học là Hydroxyapatites. Hợp chất này bám lên bề mặt ngà răng, thu hút và kích thích tế bào tạo xương hình thành xương trên bề mặt tiếp xúc. Đặc tính này là sự khác biệt lớn nhất giữa chất hàn sinh học và chất hàn cổ điển, là yếu tố quyết định tính tương thích sinh học cao với cơ thể. 

Theo thời gian, chất hàn tủy và ngà răng được liên kết trở thành một khối đồng nhất, gần như là một phần trong cơ thể chúng ta. Ngược lại, chất hàn cổ điển chỉ có một chức năng là bịt kín ống tủy một cách thuần tuý. Trong điều kiện lý tưởng, quá trình tạo hình và làm sạch ống tuỷ diễn ra chính xác và đầy đủ, trám bít hết chiều dài ống tuỷ thì chất hàn thông thường vẫn có thể phát huy vai trò của mình.

Tuy nhiên, nếu quá trình tạo hình và bơm rửa ống tủy không đạt chuẩn, trám bít ống tủy không kín khít hoặc chất hàn đi quá chân răng thì nguy cơ điều trị tủy thất bại rất cao. Chưa kể đến trường hợp một phần nhỏ vi khuẩn lẩn trốn sâu trong ống ngà, đang tìm kiếm cơ hội để thoát ra và gây hại cho răng. Nếu không tạo được sự liên kết sinh học, sự thay đổi của cơ thể theo thời gian có nguy cơ làm xuất hiện vi kẽ làm tăng nguy cơ điều trị tủy thất bại.

3. Đặc tính kháng khuẩn

Người ta đã chỉ ra rằng Ion florua chứa trong thành phần chất hàn sinh học có khả năng kháng khuẩn cao, kết hợp đặc tính cơ học giúp phong bế và tiêu diệt vi khuẩn tại chỗ. Khi so sánh hoạt tính kháng khuẩn của 2 loại chất hàn MTA và AH26, Madadi và cộng sự đã kết luận MTA có hiệu quả vượt trội với những loại vi khuẩn Enterococcus faecalis, Escherichia coli, Streptococcus mutans và Candida albicans. Đây phần lớn là những vi khuẩn rất phổ biến trong môi trường miệng, tập trung nhiều trong răng và vùng quanh răng khi những vị trí này bị tổn thương viêm nhiễm.  Mặt khác, Calcium Silicate được chứng minh có tác dụng chống lại P. aeruginosa và B. fragilis. 

Nói tóm lại, chất hàn sinh học là những chất hàn có khả năng đáp ứng gần như toàn bộ tiêu chí đề ra của một chất hàn lý tưởng. Bộ tiêu chí này được cập nhật và đăng tải trên Thư viên Y khoa Quốc gia (National Library of Medicine – NIH) năm 2023, bao gồm:

– Tạo nút chặn chóp ổn định

– Cản quang

– Kháng khuẩn 

– Không co ngót

– Không gây đổi màu

– Không gây kích ứng mô quanh chóp

– Không bị hoà tan trong dịch mô

– Tương thích sinh học

Để dễ hình dung, có thể xem chất hàn sinh học là sự nâng cấp toàn diện của chất hàn thông thường, bổ sung khả năng kích thích tái tạo mô và phối hợp với tính chất chống viêm, kháng sinh toàn diện. Sử dụng chất hàn sinh học không có nghĩa có thể bỏ qua giai đoạn tạo hình và làm sạch ống tủy, mà là công đoạn cuối cùng, giúp tối ưu hóa những công đoạn trước và gia tăng tỉ lệ thành công lên mức tối đa. 

Hiện tại, nha khoa Thuỳ Anh cũng đang áp dụng những loại chất hàn sinh học tốt nhất trong điều trị nội nha, bên cạnh chất hàn thông thường. Vì vậy, khách hàng có thể có nhiều lựa chọn, phù hợp với mong muốn và điều kiện kinh tế. Trên đây là toàn bộ thông tin về chất hàn sinh học do bác sĩ Mạnh đến từ nha khoa Thùy Anh cung cấp, hi vọng sẽ hữu ích với bạn đọc. 

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background