Tổng quan về tật dính lưỡi – Những lầm tưởng về phanh lưỡi – Bác sĩ Hòa Bình

Hiện nay, có thực trạng các mẹ đua nhau đưa con đi cắt phanh lưỡi để chỉnh phát âm cho con vì đồn nhau không phát âm chuẩn là do phanh lưỡi. Bạn có thể dễ dàng quan sát thấy phanh lưỡi (hay còn gọi là thắng lưỡi, hãm lưỡi) khi bạn cong lưỡi hoặc nâng đầu lưỡi lên. Phanh lưỡi là dải dây chằng mỏng nối từ lưỡi tới sàn miệng, đây là cấu trúc giải phẫu hoàn toàn bình thường mà hầu như ai cũng có. Thuật ngữ chính xác hơn khi nói về tình trạng liên quan tới phanh lưỡi là tật dính lưỡi (thuật ngữ tiếng anh là ankyloglossia hoặc tongue-tie). 

Một nghiên cứu năm 2017 của Walsh và cộng sự về các bệnh nhi nội trú ở Hoa Kỳ đã chứng minh rằng từ năm 2003 đến năm 2012, số trẻ sơ sinh được chẩn đoán mắc tật dính lưỡi đã tăng gấp 4 lần gần bằng tốc độ tăng của chẩn đoán chứng tự kỷ. Tương tự, một nghiên cứu năm 2017 ở Canada cho thấy tỷ lệ trẻ sơ sinh bị cắt phanh lưỡi “không kiểm soát” ở một số vùng lãnh thổ. Điều này làm dấy lên câu hỏi, liệu trẻ sơ sinh và trẻ em đang được chẩn đoán quá mức tật dính lưỡi và phải phẫu thuật không cần thiết?

Vậy thực sự phát âm không chuẩn có thể đổ tội cho phanh lưỡi hay không, ngoài ra, phanh lưỡi có ảnh hưởng gì, có cần can thiệp hay không, nếu có thì nên can thiệp khi nào, như thế nào? Bác sĩ Nguyễn Hòa Bình – trực thuộc khoa phẫu thuật và phục hình trong miệng sẽ giải đáp thông tin về vấn đề này trong bài viết dưới đây. 

Tổng quan chung về tật dính lưỡi

Tật dính lưỡi là tình trạng hạn chế cử động bình thường của lưỡi do phanh lưỡi bất thường, có thể là tình trạng bám sai vị trí, quá ngắn, quá dày hoặc dính quá chặt. Cần lưu ý nếu phanh lưỡi bất thường nhưng không gây cản trở chức năng của lưỡi, sẽ không được chẩn đoán tật dính lưỡi. Đây được được coi là một dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh, tỷ lệ trong y văn từ 0.1 – 10.7% tuỳ thuộc đối tượng và tiêu chí chẩn đoán. Khi nói đến dị tật bẩm sinh có thể khiến cha mẹ thấy lo lắng, nhưng đây được coi là dị tật bẩm sinh nhẹ, thường không gây nguy hiểm đến sức khoẻ như các dị tật khác. 

Hình ảnh mô phỏng phanh lưỡi bình thường sẽ bám từ mặt sau bụng lưỡi tới sàn miệng

Dấu hiệu thường thấy của tật dính lưỡi thường được phát hiện qua giải phẫu bất thường hoặc những hạn chế về cử động lưỡi. Phanh lưỡi có thể bám tận phía trên quá cao vào đầu lưỡi hoặc bám tận phía dưới quá thấp vào xương ổ răng vùng răng cửa dưới. Hình thể phanh có thể xơ dày hoặc ngắn. Lưỡi không thể đưa quá qua mép lợi dưới hoặc qua răng cửa hàm dưới. Khi lưỡi nhô ra, do bị co kéo bởi phanh lưỡi nên đầu lưỡi có khía ở đường giữa, hình chữ V hoặc trái tim. Ngoài ra, đầu lưỡi không thể chạm lên vòm miệng khi mở miệng, cũng khó liếm được môi hay không chạm được vào vùng răng hàm 2 bên.

+ Ảnh minh hoạ 1: Trong trường hợp có tật dính lưỡi rõ ràng, khi trẻ khóc có thể thấy dải dây chằng phanh lưỡi bám từ gờ xương ổ răng tới đầu lưỡi, ngăn cản đầu lưỡi nâng lên giữa miệng khi khóc. Đầu lưỡi có thể có hình chữ V hoặc hình trái tim.

+ Ảnh minh hoạ 2,3: Tật dính lưỡi ở trẻ em và người lớn

Cách điều trị tật dính lưỡi

Những thủ thuật phẫu thuật được sử dụng phổ biến nhất để điều trị tật dính lưỡi là phẫu thuật cắt phanh (giải phóng phanh lưỡi đơn giản) và phẫu thuật tạo hình phanh lưỡi (giải phóng có khâu tạo hình). Phanh có thể được cắt bằng kéo hoặc laser. 

Ý nghĩa lâm sàng của tật dính lưỡi và hiệu quả của phẫu thuật cắt phanh lưỡi từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi. Trong khi một số người nghĩ rằng tật dính lưỡi hiếm khi có triệu chứng, người khác cho rằng nó có thể dẫn đến một số vấn đề, bao gồm khó khăn khi bú ở trẻ sơ sinh, rối loạn ngôn ngữ và các vấn đề xã hội, cơ học khác nhau liên quan đến việc lưỡi không thể nhô ra đủ. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ảnh hưởng của tật dính lưỡi và hiệu quả thật sự của việc cắt phanh lưỡi dựa theo các nghiên cứu khoa học.

Ảnh hưởng của tật dính lưỡi tới vấn đề cho con bú

Phần lớn tài liệu ở dạng nghiên cứu trường hợp tật dính lưỡi đã được báo cáo dẫn đến các vấn đề về ngậm bắt vú, đau núm vú, tăng cân kém ở trẻ sơ sinh và cai sữa sớm.

Một số nghiên cứu chức năng thú vị đã theo dõi chuyển động của lưỡi trong khi cho con bú và đã chứng minh rằng lưỡi là thành phần chính của phản xạ bú. Ban đầu của lưỡi giúp kéo vú vào đúng vị trí trong miệng trẻ khi trẻ bắt đầu bú. Sau đó, lưỡi tạo thành một đường rãnh dọc theo chiều dài của nó để duy trì vị trí của vú. Đầu lưỡi nâng cao để giữ sữa ở phía trước vú, trước khi một làn sóng nén truyền từ đầu lưỡi đến khoảng nửa đường dọc theo lưỡi sẽ đẩy sữa từ quầng vú đến núm vú. Sau đó, áp suất trong miệng được giảm xuống nhờ phần sau của lưỡi hạ xuống sàn miệng giúp sữa được đẩy ra khỏi núm vú bằng sự kết hợp giữa nén và hút. Do đó, việc cho con bú hiệu quả phụ thuộc vào việc em bé có đủ độ dài đầu lưỡi tự do, có đủ cử động tổng thể của lưỡi và cũng có đủ độ linh hoạt của sàn miệng. 

Trẻ sơ sinh có tật dính lưỡi cố gắng bù đắp cho sự hạn chế của lưỡi bằng cách sử dụng hàm để tăng lực nén lên bầu ngực, dẫn đến việc người mẹ cảm thấy rằng vú đang bị ‘nhai’ và do đó dẫn đến đau và nứt núm vú. Khi núm vú trở nên đau, phản xạ tiết sữa chậm lại và trẻ phải tăng áp lực hàm hơn nữa, tạo thành một vòng luẩn quẩn khiến trẻ bú ngày càng đau. Thêm nữa, chúng sử dụng môi thay vì lưỡi để đẩy sữa ra khỏi vú, dẫn đến động tác bú mút không hiệu quả, gián đoạn khi bú, bú lâu. Trẻ bú không hiệu quả có thể tăng cân kém, do mẹ bị đau núm vú kéo dài nên có thể chuyển bé sang bú bình hoặc cai sữa sớm.

Rõ ràng, nhiều trẻ bị tật dính lưỡi vẫn có thể bù trừ tốt, bú mẹ hiệu quả, tăng cân tốt.  Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng cần xem xét là liệu thủ thuật cắt phanh lưỡi ở những trẻ không bù trừ tốt có giúp cho việc nuôi con bằng sữa mẹ sau đó được thiết lập hay không? 

Nghiên cứu theo dõi 215 trẻ sơ sinh có tật dính lưỡi và khó bú mẹ đã trải qua quá trình cắt phanh. Trong nghiên cứu đó, 80% trẻ bú mẹ tốt hơn trong vòng 24 giờ và 95% trẻ sơ sinh có thể thè lưỡi sau ba tháng. Một loạt trường hợp tương tự với 123 trẻ sơ sinh bị tật dính lưỡi do Ballard và cộng sự thực hiện đã chứng minh rằng 83% trẻ sơ sinh chậm lớn đã tiếp tục bú mẹ trong vòng 5 ngày sau thủ thuật và đạt được tốc độ tăng trưởng bình thường. Đã có sự cải thiện 89% về sự thoải mái của người mẹ khi cho con bú trong loạt bài này. 

Như vậy, ở trẻ có tật dính lưỡi gặp khó khăn khi bú, phẫu thuật cắt phanh lưỡi có thể cải thiện khả năng bú và giảm khó chịu cho mẹ. Nhưng cũng cần lưu ý rằng, tật dính lưỡi cũng chỉ là một trong nhiều yếu tố gây ra các vấn đề cho con bú. Do vậy, trước khi thực hiện phẫu thuật cắt phanh lưỡi cho trẻ sơ sinh gặp khó khăn khi bú mẹ, cần đánh giá thêm về các nguyên nhân khác như tư thế đầu, cổ khi cho con bú; hoặc vấn đề thể chất của trẻ như sinh non, phát triển vòm miệng, hàm dưới hoặc hàm trên bất thường, rối loạn thần kinh, rối loạn tim mạch và tắc nghẽn đường hô hấp trên dẫn đến khó bú. 

Ảnh hưởng của tật dính lưỡi tới phát âm

Một trong những lý do chính khác khiến cha mẹ yêu cầu cắt phanh lưỡi cho con mình là do nhiều người tin rằng phanh lưỡi có thể làm con chậm nói hoặc nói ngọng. Tuy nhiên, bằng chứng cho điều này là gì? 

Chắc chắn rằng tật dính lưỡi không phải là nguyên nhân của việc cản trở hoặc chậm nói. Trẻ em có tật dính lưỡi sẽ tiếp thu lời nói và ngôn ngữ với tốc độ bình thường. Đôi khi, cha mẹ có con chậm nói có thể nghĩ sự chậm trễ cho tật dính lưỡi và yêu cầu phẫu thuật với hy vọng rằng trẻ sẽ có khả năng nói và ngôn ngữ bình thường. Ở một trẻ như vậy, một nguyên nhân tiềm ẩn như các yếu tố thính giác hoặc phát triển thần kinh có thể là nguyên nhân của vấn đề.

Bất chấp niềm tin phổ biến về việc lưỡi không thể cử động tốt do tật dính lưỡi sẽ ảnh hưởng tới phát âm, không có bằng chứng thực nào trong y văn cho thấy tật dính lưỡi gây ra các khiếm khuyết về giọng nói. Ngược lại, một số tác giả, thậm chí từ nhiều thập kỷ trước đã bác bỏ niềm tin về mối quan hệ nhân quả mạnh mẽ này (Wallace 1963; Block 1968, Wright 1995, Agarwal và Raina 2003). Một số đánh giá có hệ thống gần đây và các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên đã lập luận rằng tật dính lưỡi không ảnh hưởng đến sự phát triển âm thanh lời nói và không có sự khác biệt trong sự phát triển âm thanh giọng nói giữa trẻ được phẫu thuật cắt phanh lưỡi và những trẻ không được phẫu thuật.

Bất chấp những báo cáo này và việc thiếu bằng chứng, nhiều chuyên gia vẫn tin rằng tật dính lưỡi là nguyên nhân phổ biến gây ra các vấn đề giọng nói. Trong một cuộc khảo sát gần đây Messener và Lalakea (2000) đã phát hiện rằng 60% bệnh nhân tai mũi họng, 50% bệnh nhân rối loạn phát âm và 23% bác sĩ nhi khoa tin rằng tật dính lưỡi có khả năng gây ra các vấn đề về giọng nói. Nghiên cứu duy nhất được tìm thấy trong y văn kiểm tra giả định đó thậm chí là của cùng các tác giả (Messener và Lalakea, 2002). Trong nghiên cứu của họ 9/15 bệnh nhân cho thấy sự “cải thiện” về khả năng nói sau khi cắt phanh lưỡi. Nhưng nghiên cứu này có độ tin cậy rất thấp, cỡ mẫu nhỏ, phương pháp đánh giá không khách quan. 

Như vậy, trẻ em có tật dính lưỡi thường không có vấn đề gì về lời nói. Làm thế nào có thể như vậy? Nhiều bác sĩ lâm sàng tin rằng việc phát âm các âm cần cử động lưỡi như /t/, /d/, /l/, /th/, /s/ có thể bị ảnh hưởng. Trên thực tế, đầu lưỡi chuyển động hạn chế không có nghĩa là sẽ ảnh hưởng tới các âm liên quan đến lưỡi. Các âm như /t//d//n/ được tạo ra bởi phần trên của đầu lưỡi với rất ít độ nâng và độ di động của lưỡi. Các âm /s//z/ chỉ yêu cầu đầu lưỡi nâng lên một chút, nhưng cũng có thể tạo ra âm ít biến dạng nếu đầu lưỡi chúc xuống. Phần lớn nhất mà đầu lưỡi cần nâng lên là đến lợi mặt trong răng cửa trên trong âm /l/. Tuy nhiên, âm này cũng thực sự có thể được tạo ra khi đầu lưỡi hướng xuống miễn là phần lưng lưỡi hướng lên gờ xương ổ mặt trong. Ngay cả âm /r/ cũng có thể tạo ra với đầu lưỡi chúi xuống, miễn là phần sau của lưỡi nâng lên cả 2 bên. Phần lưỡi nhô ra nhiều nhất là về phía sau răng cửa hàm trên để phát âm /th/. Như vậy, tất cả các âm trên đều có thể tạo ra, thậm chí khi có sự hạn chế của đầu lưỡi, bạn có thể kiểm tra điều này bằng cách tạo ra các âm này bằng cách ấn đầu lưỡi xuống hoặc áp lưỡi vào nướu hàm dưới, âm thanh tạo ra bị biến dạng rất ít.

Các nhà ngôn ngữ học khuyến cáo khi đánh giá ảnh hưởng của tính dính lưỡi với lời nói, điều quan trọng là cần tập trung vào âm /l/, /th/, do cần sự chuyển động lớn hơn của đầu lưỡi. Tật dính lưỡi có thể được coi là một yếu tố góp phần nếu trẻ không thể tạo ra những âm thanh này, ngay cả với vị trí thay thế ở trên và tất cả các âm khác được tạo ra bình thường. 

Một đứa trẻ có tật dính lưỡi rất nặng, khi chuyển động của lưỡi cực kì hạn chế mới có thể gặp khó khăn với những âm này và có thể được lợi từ việc cắt phanh lưỡi. Ít nhất bằng cách tối ưu hóa chuyển động của lưỡi, kèm theo ngôn ngữ trị liệu có thể mang lại lợi ích tối đa. Tuy nhiên, điều quan trọng là trước hết phải đánh giá đầy đủ trẻ về những nguyên nhân khác gây khó khăn về phát âm.

Vì tỷ lệ thực sự của những khó khăn về giọng nói vẫn chưa được biết và không có phương pháp nào để dự đoán trẻ bị tật dính lưỡi nào sẽ cần điều trị, đồng thời nói ngọng cũng có thể do rất nhiều nguyên nhân, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của một nhà nghiên cứu bệnh học về giọng nói trước khi phẫu thuật cắt phanh lưỡi vì những lo ngại về giọng nói

Hậu quả xã hội và cơ học của tật dính lưỡi

Các hậu quả xã hội và cơ học tiềm ẩn của tật dính lưỡi ít được nhấn mạnh trong tài liệu và thường chưa được công nhận. Khả năng vận động của lưỡi bị hạn chế có thể dẫn đến:

– Tình trạng vệ sinh răng miệng kém ( chúng ta thường xuyên sử dụng lưỡi để lấy các mẩu thức ăn từ kẽ răng và chuyển động của lưỡi cũng đảm bảo chuyển động của nước bọt quanh miệng).

– Thưa kẽ hai răng cửa giữa dưới

– Không thể liếm môi, khó thực hiện các hoạt động như liếm que kem, chơi nhạc cụ hơi và hôn.

Khi xuất hiện, những triệu chứng này của tật dính lưỡi thường không được ghi nhận cho đến giữa đến cuối thời thơ ấu và đầu tuổi trưởng thành,chúng có thể góp phần gây ra cảm giác xấu hổ về mặt xã hội. Một nghiên cứu thú vị, mặc dù nhỏ, trên bệnh nhân vị thành niên và người lớn trong độ tuổi từ 14 đến 68 bị tật dính lưỡi không được điều trị trước đó, chỉ ra rằng 93% ghi nhận suy giảm chức năng và 57% hạn chế cơ học như hôn, liếm môi, đồng thời chức năng lưỡi được cải thiện cả chủ quan và khách quan ở tất cả các bệnh nhân trải qua thủ thuật cắt phanh lưỡi trong nhóm này.

Thời điểm và kỹ thuật phẫu thuật tật dính lưỡi

tat-dinh-luoi-8

Nếu tật dính lưỡi gây ảnh hưởng tới vấn đề cho con bú, phẫu thuật được thực hiện trong thời kỳ sơ sinh cho phép tái lập việc cho con bú nhanh chóng và để ngăn ngừa tình trạng đau, nứt núm vú ở người mẹ. Khi trẻ dưới 3 tháng tuổi, phẫu thuật có thể thực hiện mà không cần gây mê. Trẻ được giữ cố định, bôi tê tại chỗ, sau đó dùng kéo hoặc laser cắt phanh đơn giản, không cần khâu. Cắt bằng laser có ưu điểm là không chảy máu. Ở nhóm trẻ ngoài 6 tháng, khó hợp tác để kìm giữ, phẫu thuật có thể được thực hiện dưới gây mê toàn thân trong thời gian ngắn. 

Cắt phanh lưỡi ít khi cần chỉ định về lý do ảnh hưởng tới phát âm, trừ khi nó rất nghiêm trọng, hoặc có các vấn đề về vận động miệng (khó cắn, nhai, nhào trộn thức ăn) đi kèm. 

Trẻ lớn dễ hợp tác và người trưởng thành có thể thực hiện dưới gây tê tại chỗ. Các phương pháp được sử dụng có thể là: cắt phanh đơn giản, cắt tạo hình – khâu dọc hoặc cắt – tạo hình chữ Z. Việc lựa chọn phương pháp phụ thuộc loại hình phanh lưỡi và trình độ chuyên môn của bác sĩ phẫu thuật. Tuy nhiên, không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy các quy trình phức tạp hơn mang lại bất kỳ lợi thế nào so với các kỹ thuật đơn giản hơn.

Các biến chứng của cắt phanh lưỡi bao gồm chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương ống dẫn nước bọt và tổn thương lưỡi. Tất cả những biến chứng này sẽ hiếm gặp nếu quy trình được thực hiện cẩn thận.

Tật dính lưỡi ảnh hưởng đến một số lượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Có lẽ điều thú vị là một cái phanh lưỡi nhỏ bé tưởng chừng đơn giản như vậy lại có thể gây ra nhiều tranh cãi và nhiều ý kiến khác nhau như vậy. Mặc dù phẫu thuật cắt phanh lưỡi là một thủ thuật nhỏ, có thể tiến hành nhanh, nguy cơ biến chứng thấp, điều quan trọng là cha mẹ phải được cung cấp thông tin và hướng dẫn chính xác về các chỉ định, lợi ích thực sự của việc cắt phanh lưỡi để trẻ không gặp phải tình trạng phẫu thuật không cần thiết, không hiệu quả.

NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

‍‍Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…

Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318

Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN

Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục
phone
phone no background