Sâu răng mới chớm, lỗ nhỏ có tự lành được hay không? Nha khoa Thùy Anh
Sâu răng là nỗi ám ảnh với tất cả mọi người. Hàn răng, trám sâu có lẽ là thuật ngữ không còn quá xa lạ với chúng ta. Hàn răng được xem là thủ thuật nhẹ nhàng trong nha khoa, tuy nhiên với một số người thì trải nghiệm tiếng mũi khoan, xịt nước, mùi vị lạ trong miệng là không mấy dễ chịu, từ đấy hình thành nên nỗi sợ đi hàn răng. Vì vậy khi phát hiện ra một lỗ sâu nhỏ, điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến đó là liệu có cần thiết phải hàn răng? Sâu răng có tự lành được không?
Quá trình hình thành sâu răng
Răng từ khi bắt đầu mọc và tiếp xúc với môi trường miệng, lớp men bên ngoài sẽ xảy ra 2 quá trình song song đó là mất khoáng và tái khoáng (hủy và tạo) nó còn được gọi chung là quá trình chín muồi của răng. Do vậy răng mới mọc sẽ có nguy cơ sâu lớn hơn răng mọc lâu năm trong miệng.
Quá trình mất khoáng xảy ra do vi khuẩn có hại chuyển hóa chất đường có trong thức ăn thành acid và liên tục hòa tan thành phần khoáng men răng. Còn quá trình tái khoáng là bổ sung các chất khoáng cần thiết cho men răng thông qua thành phần khoáng trong nước bọt, kem đánh răng chứa flour, chế độ ăn uống, vi khuẩn có lợi,… Khi quá trình mất khoáng lớn hơn tái khoáng thì sẽ xảy ra hiện tượng sâu răng.
Và bí mật của mất khoáng chính là mảng bám trên răng không được làm sạch, kết hợp đường. Bí mật tái khoáng là chải răng sạch, và flour. Hiển nhiên ai cũng thích tái khoáng và cần loại bỏ hủy khoáng.
Sâu răng được đánh giá là nhỏ khi sâu chỉ dừng lại ở lớp men và theo lý thuyết sâu men hoàn toàn có thể tự lành. Phân loại sâu răng gồm sâu lớp men, sâu lớp ngà, sâu sát tủy và sâu đau nhức đã vào tủy. Sâu men là loại sâu nhẹ nhất.
Sâu răng có tự lành được không?
Để sâu răng tự lành xảy ra chúng ta cần phải đáp ứng được 2 điều kiện sau đây:
+ Thứ nhất, tổn thương khử khoáng không xâm nhập vào ngà răng bên dưới
Do quá trình mất khoáng và tái khoáng chỉ xảy ra tại men răng nên khi sâu răng đã tiến triển vượt qua ranh giới giữa 2 lớp men và ngà thì sẽ tiếp tục lan rộng mà không thể tự lành lại nếu không được làm sạch và hàn kín bởi nha sĩ.
Một số trường hợp mặc dù lỗ sâu quan sát thấy rất nhỏ nhưng lại đau và buốt nhiều. Trường hợp là tình trạng sâu răng dạng núi lửa. Nghĩa là ở phía trên nhỏ nhưng càng đi xuống thì sâu càng lớn.
Nguyên nhân sau khi sâu đã lan đến lớp ngà thì ở phía trên lớp men được tái khoáng liên tục nên lỗ sâu sẽ không lớn thêm, tuy nhiên bên dưới ngà răng không có khả năng tái khoáng cộng với việc thức ăn giắt vào mà không thể làm sạch, vi khuẩn sẽ phân hủy thức ăn tạo acid và tiếp tục tiến triển sâu răng. Khi mà bạn có cảm giác đau hoặc ê buốt thì sâu thường đã lan vào tủy. Một đặc điểm dễ nhận biết đó là xung quanh lỗ sâu nhỏ mô răng thường bị đổi sang màu xanh hoặc đen.
+ Thứ hai: Thực hiện các biện pháp hạn chế quá trình mất khoáng và tăng cường tái khoáng liên tục
Điều này phụ thuộc rất nhiều vào cách chăm sóc răng miệng của chính bản thân các bạn như:
– Đánh răng tối thiểu 2 lần/ngày và sử dụng chỉ nha khoa nhằm giảm sự phát triển của vi khuẩn, từ đó giảm hiện diện của axit gây hại cho men răng.
Sau khi chải răng xong, không súc miệng rửa sạch hoàn toàn kem đánh răng và không ăn uống gì ngay sau khi đánh răng khoảng 30 phút. Điều đó giúp men răng có thời gian hấp thụ fluor trong kem đánh răng và thành phần khoáng chứa trong nước bọt vừa tiết.
Bên cạnh đó, bạn hãy hạn chế tiêu thụ nhiều đường, thực phẩm và đồ uống có đường, vì sự hiện diện của đường làm tăng sản xuất axit bởi vi khuẩn. Bổ sung thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất như rau xanh, pho mát, cá và trứng nhằm thúc đẩy quá trình tái khoáng.
Cách dự phòng sâu răng nhỏ hiệu quả
Bạn có thể dùng liệu pháp fluor bôi lên bề mặt răng để thúc đẩy quá trình tái khoáng tại các phòng nha hoặc tại nhà. Fluor là một chất khoáng giúp ngăn ngừa sâu răng và có thể phục hồi răng trong những giai đoạn sâu rất sớm, sâu cực nhỏ.
Lưu ý: Hiện nay nhiều phụ huynh hiểu nhầm về liệu pháp áp gel flour chống sâu răng, vì nghĩ rằng răng con mình bị sâu nhiều mà lại không hợp tác với nha sĩ để hàn thì đi đến nha sĩ áp gel sẽ khỏi sâu răng. Điều này là hoàn toàn sai, áp gel chỉ có tác dụng với những lỗ sâu rất nhỏ, có thể chưa nhìn thấy bằng mắt ở cự ly gần, chứ lỗ sâu đã lớn thành hốc thì áp gel không có chút tác dụng nào.
Hiện nay trên thị trường hầu hết kem đánh răng và nước súc miệng đều chứa thành phần Fluor dự phòng sâu răng là rất tốt. Hoặc bạn có thể áp dụng trám bít hố rãnh cho trẻ cũng là một phương án tuyệt vời phòng chống sâu răng.
Mặc dù sâu răng nhỏ có thể có khả năng tự phục hồi, tuy nhiên thực tế bạn không thể xác định sâu răng đang ở men răng hay đã đi sâu vào ngà răng khi chỉ dựa vào cảm giác buốt, đau hoặc bằng việc quan sát. Nha sĩ khám trực tiếp cho bạn mới có thể đưa ra chỉ định có cần thiết phải hàn hay không. Tùy vào tình hình sâu răng và mức độ vệ sinh răng miệng để đưa ra phương án thích hợp nhất.
Nha sĩ khuyên bạn nên đi khám răng miệng định kỳ từ 3 – 6 tháng để có thể phát hiện những vấn đề về răng miệng sớm nhất và có biện pháp xử lý kịp thời. Một vài trường hợp đối với trẻ nhỏ có nguy cơ sâu răng cao do khả năng vệ sinh răng miệng chưa tốt, thường xuyên ăn chất đường (bánh kẹo, sữa, nước ngọt,..) thì cần phải trám dự phòng để ngăn ngừa sâu răng tiến triển thêm.
Trên đây là những chia sẻ về chủ đề sâu răng. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp các bạn biết phải làm gì để có thể ngăn ngừa sâu răng và có một hàm răng khỏe đẹp. Mọi thắc mắc vui lòng để lại thông tin hoặc liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ dưới đây để nhận sự tư vấn trực tiếp từ bác sĩ chuyên khoa.
>>> Xem thêm: https://nhakhoathuyanh.com/bang-gia-nho-rang-sau-chuan-cho-tung-truong-hop/
NHA KHOA THÙY ANH – HỆ THỐNG NHA KHOA UY TÍN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM
Chuyên sâu về: Niềng răng, trồng răng implant, trồng răng toàn hàm all on 4, nhổ răng khôn, điều trị cười hở lợi, bọc răng sứ, dán sứ veneer, điều trị khớp thái dương hàm…
Hotline: 0869.800.318 – 0965.800.318
Fanpage: fb.com/Thuyanhclinic.HN
Youtube: Youtube.com/nhakhoathuyanh